Ngày 22/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Nhật Bản, theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từ ngày 22-25/11.
Thủ tướng Phạm Minh Chính là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tiếp đón kể từ khi ông nhậm chức.
Tháp tùng Thủ tướng gồm có: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cùng lãnh đạo một số ngành, tỉnh, thành phố và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản cùng Thủ tướng Kishida Fumio và các lãnh đạo ASEAN hôm 27/10. Hồi đầu tháng 11/2021, bên lề Hội nghị COP26 về chống biến đổi khí hậu được tổ chức tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio cũng gặp mặt trực tiếp.
5 lĩnh vực hợp tác được Thủ tướng Phạm Minh Chính quan tâm trong chuyến thăm này gồm: (1) Hợp tác, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực giao thông, môi trường, chuyển đổi số; (2) Tiếp cận nguồn cung và hợp tác chuyển giao công nghệ về vacxin Covid-19; (3) Hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, phát triển công nghiệp phụ trợ, nhất là công nghệ cao, xanh, sạch; (4) Tăng tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản; (5) Tăng học bổng, hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tình hình mới.
Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào năm 2011. Nhật là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ nhì và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Ngoài việc là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục Việt Nam, Nhật Bản còn là thị trường tiềm năng cho lao động Việt. Nước này đang xem xét cho lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam, được phép ở lại vô thời hạn và mang theo người thân từ năm 2022.
Về thương mại, Việt Nam và Nhật Bản đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 31 tỉ USD.
Về đầu tư trực tiếp, lũy kế đến 20/9/2021, Nhật Bản có 4.748 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 63,85 tỉ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản cũng là nước cung cấp vốn vay cho Việt Nam lớn nhất, với tổng giá trị vay cho đến 12/2019 khoảng 23,76 tỉ USD, chiếm 26,3% tổng vốn ký kết vay nước ngoài.
Từ đầu năm 2020, bất chấp dịch Covid-19, Việt Nam và Nhật Bản vẫn duy trì trao đổi cấp cao. Chính phủ Nhật Bản viện trợ hơn 35 triệu USD để cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện hệ thống y tế và viện trợ không hoàn lại hơn 4 triệu liều vacxin AstraZeneca cho Việt Nam. Việt Nam cũng hỗ trợ tổng cộng 1.190.000 khẩu trang y tế và 20.000 khẩu trang vải cho Nhật Bản.
Hiện Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với gần 220.000 người. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện có hơn 65.000 người. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có gần 450.000 người.