Phấn đấu hoàn thành cầu Rạch Miễu 2 vào dịp Quốc khánh 2025
Cầu Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre; được xây dựng cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 4 km về phía thượng nguồn sông Tiền. Điểm đầu dự án tại ngã tư Đồng Tâm (giao quốc lộ 1 với đường tỉnh 870), tỉnh Tiền Giang. Điểm cuối trên quốc lộ 60, đoạn gần cầu Hàm Luông, tỉnh Bến Tre.
Dự án có chiều dài khoảng 17,6 km, phần cầu dài gần 2 km, rộng 21,5 m, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng mức đầu tư hơn 6.810 tỷ đồng và sử dụng ngân sách Trung ương. Dự án được khởi công vào tháng 3/2022 và dự kiến hoàn thành tháng 12/2025. Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư do tỉnh Tiền Giang và Bến Tre làm chủ đầu tư và thực hiện.
Trong chuyến kiểm tra dự án cầu Rạch Miễu 2 vào ngày 15/2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo xây dựng lại tiến độ, rút ngắn thời gian thi công để phấn đấu sớm hoàn thành cầu Rạch Miễu2, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên cầu Rạch Miễu 1 vốn đã mãn tải.
Bộ Giao thông vận tải đang quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, tổ chức thi công phấn đấu hoàn thành dự án cầu Rạch Miễu 2 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt hơn 96%, tiến độ thi công đạt hơn 41%, cơ bản đáp ứng được tiến độ theo kế hoạch. Các cơ quan liên quan phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trong quý I/2024. Đến hết năm 2024 đạt tiến độ thi công 70% toàn dự án và hoàn thành toàn bộ trong năm 2025.
Trên công trường, Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư, địa phương, các nhà thầu tiếp tục cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm hơn nữa trong triển khai dự án, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, kỹ thuật, mỹ thuật, phòng chống tiêu cực, lãng phí; giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm cho người dân và hoàn thiện hạ tầng giao thông của hai tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, của ĐBSCL và cả nước.
Đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, các thủ tục cũng đã xong, Thủ tướng đề nghị Ban Quản lý dự án lập kế hoạch, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ 3 tháng, hoàn thành vào dịp Quốc khánh 2/9/2025, đáp ứng mong đợi của nhân dân.
Bổ sung vốn cho tuyến đê biển Gò Công
Trước đó, Thủ tướng cũng đã đến thị sát tuyến đê biển Gò Công, có tổng chiều dài 21 km, trong đó có hơn 6,8 km đê giảm sóng xa bờ chưa được đầu tư. Tỉnh Tiền Giang kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn đầu tư tuyến đê giảm sóng xa bờ này với kinh phí khoảng 336 tỷ đồng.
Sau khi nghe báo cáo và đề xuất của các bộ, ngành và tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng nhấn mạnh đây là tuyến đê rất trọng yếu, việc đầu tư gần 7 km tuyến đê giảm sóng xa bờ là rất cần thiết để ngăn chặn tình trạng xói lở bờ biển xảy ra ngày càng nghiêm trọng bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của khoảng 600.000 hộ dân và tài sản của Nhà nước, bảo vệ gần 54.000 ha đất tự nhiên, trong đó có khoảng 43.000 ha đất canh tác của 4 huyện, thị xã ven biển.
Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương bố trí nguồn vốn cho dự án quan trọng này, trong đó nghiên cứu dùng nguồn dự phòng của năm 2024.
Cũng tại chuyến khảo sát, tỉnh Tiền Giang cũng báo cáo với Thủ tướng về quy hoạch xây dựng cảng biển và khu phục hồi diện tích biển Gò Công. Hiện quy hoạch cảng biển này đã có rồi, chỉ còn chờ nhà đầu tư. Toàn bộ khu cảng dự kiến có diện tích khoảng 280ha, tổng mức đầu tư khoảng 264 triệu USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh ý tưởng mở rộng không gian phát triển này và yêu cầu tỉnh Tiền Giang phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan lập quy hoạch, dự án cụ thể trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng cảng biển và khu vực kinh tế này phải phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, của vùng ĐBSCL và với quy hoạch cảng biển của cả nước. Đồng thời, nghiên cứu yếu tố liên kết, liên thông về mặt giao thông, dịch vụ logistics với khu vực và cả nước; phục vụ việc xuất nhập khẩu hàng hóa không chỉ cho tỉnh Tiền Giang mà cả khu vực. Thủ tướng lưu ý cần xây dựng dự án, kêu gọi, huy động nguồn lực, triển khai theo hình thức hợp tác công tư.