| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 06/01/2019 , 09:35 (GMT+7)

09:35 - 06/01/2019

Thưa bà, nhanh vài phút thì được gì?

Nếu không có người nhìn thấy, nhận ra vợ ông bộ trưởng đi xe biển xanh từ cầu thang máy bay, bức xúc nêu ra thay vì tặc lưỡi "thôi kệ", thì bà vợ ông ấy đã về nhà điềm nhiên như chuyện dĩ nhiên phải như thế.

Thể thức hành chính nào đã sinh ra cái lệ một ông bộ trưởng nằm trong khoảng 200 công chức tương đương hàm bộ trưởng của đất nước này, lại được đón ngay chân cầu thang máy bay? Có con đường tắt vị nể nào sinh ra chuyện hợm hĩnh hơn việc một bà vợ ông bộ trưởng lại được leo lên xe biển số xanh ra khỏi Nội Bài ngay từ sân đỗ tàu bay?

Thưa bà, nếu máy bay áp cửa vào ống lồng dẫn khách, bà chỉ mất vài phút để ra khỏi một sân bay quốc tế đông đúc như Nội Bài. Nếu máy bay đậu ngoài sân đỗ, bà lên xe buýt sân bay vào nhà ga cũng chỉ chậm hơn một chút. Vài phút hay chục phút tùy cách thức đón khách của cảng hàng không, mà tạm gọi là bà đã tiết kiệm bằng việc yêu cầu được ưu tiên ấy, bà dùng để làm được gì là việc của cá nhân bà.

Người ta chỉ biết, bà cũng như bao công dân khác trên đất nước này, không có bất cứ quyền được đặc cách nào. Bởi, bà chỉ là vợ một ông bộ trưởng - một công chức nhà nước, làm việc theo phân công, theo nhiệm kỳ. Một người mà theo thông tư của Bộ Giao thông Vận tải, không thuộc đối tượng có thể di chuyển trong khu vực hạn chế của sân bay nếu không phải trên phương tiện do sân bay bố trí.

Bà có đọc tin về chuyện nữ Thủ tướng Đức mới đây vui vẻ bước lên máy bay dân dụng để về nước (do chuyên cơ của bà bị trục trặc) sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina? “Nữ tướng” khét tiếng của châu Âu ấy cư xử với người ngồi bên cạnh giống như mọi hành khách khác, cũng không sử dụng bất kỳ dịch vụ đặc biệt nào trên máy bay.

Thật khó để so “bà Tây” với “bà ta”, nhất là các bà vợ của một số quan chức nước nhà vốn quen hưởng những đặc ân, lộc lợi sinh ra từ vị thế, quyền chức.
Dĩ nhiên, bà thừa biết mình đang hưởng một sự phục vụ không dành cho mình. Bà có thể vận trang phục hàng hiệu, phụ trang đắt tiền, nhưng hành vi leo lên chiếc xe biển số xanh, có người mở cửa đón tại chân cầu thang máy bay, không hề làm bà sang lên, không giúp bà nhận được ánh mắt trọng vọng từ những người đi cùng chuyến bay.

Đó còn là hình ảnh đặc trưng của sự vô phép tắc từ những người đề nghị xe, điều xe lẫn cho phép xe đưa rước bà.

Dù mỗi ngày có hàng trăm chuyến bay cất hạ cánh, nhưng ở một đầu mối giao thông nhạy cảm như sân bay quốc tế, Cảng vụ Hàng không thừa biết nhà ga đón tiễn ai theo hình thức VIP. Sao lại xuất hiện ở đâu ra bà vợ ông bộ trưởng xách túi thản nhiên ra khỏi sân bay theo lối VIP?

Nếu không có người nhìn thấy, nhận ra bà vợ ông bộ trưởng, nếu không có người hiểu chuyện, bức xúc nêu ra thay vì tặc lưỡi “thôi kệ”, thì bà đã về nhà điềm nhiên như chuyện dĩ nhiên phải như thế.

Để chứng tỏ hơn người, để thể hiện đây phu nhân quan chức, để phô diễn sự sang cả? Không, chỉ có sự ngược lại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm