| Hotline: 0983.970.780

Thuận Phong khẳng định không sản xuất phân bón giả

Thứ Ba 29/09/2015 , 09:46 (GMT+7)

Sau khi bị đoàn kiểm tra liên ngành 389 kiểm tra đột xuất xưởng sản xuất và lập biên bản cho rằng Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả, đến nay đã 5 tháng trôi qua, mọi chuyện vẫn “dậm chân tại chỗ” vì các cơ quan chức năng chưa thống nhất quan điểm.

Trong khi đó, Công ty Thuận Phong có nguy cơ phá sản vì toàn bộ nhà xưởng vẫn đang bị niêm phong, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Ngày 22/9, trao đổi với PV một số cơ quan báo chí xung quanh vụ việc, lãnh đạo Công ty Thuận Phong khẳng định không sản xuất phân bón giả.

Diễn biến vụ việc

Khu nhà xưởng sản xuất của Công ty Thuận Phong nằm trên diện tích gần 18.600m2 ở khu phố 7, P.Long Bình, TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Toàn bộ khu sản xuất, nhà kho, văn phòng đều được đầu tư khá lớn.

Trao đổi với PV các báo ngay tại văn phòng khu nhà xưởng, ông Lê Công Minh, chủ tịch HĐQT và ông Khiếu Mạnh Tường, TGĐ Công ty Thuận Phong cho biết, ngày 24/4/2015, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Ban chỉ đạo 389/ĐP tỉnh Đồng Nai và Ban chỉ đạo 389/QG Quốc gia (Đoàn kiểm tra liên ngành 389) phối hợp đến kiểm tra đột xuất xưởng sản xuất của công ty.

Tại thời điểm kiểm tra, có 2 công nhân đang chiết phân bón (dạng nước) từ bồn chứa 1.000 lít vào bao bì (chai nhựa) mang nhãn hiệu Vitol, trên nhãn ghi xuất xứ Made in USA.

Đoàn đã tiến hành kiểm kê toàn bộ hàng tại kho và sản phẩm có nhãn hàng hóa đã ghi xuất xứ nói trên, đồng thời yêu cầu công ty cung cấp hồ sơ, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Văn phòng công ty ở cách xa khu sản xuất, trong khi yêu cầu của đoàn kiểm tra lại quá nhiều, nên ngay thời điểm kiểm tra, Công ty Thuận Phong chưa cung cấp được đầy đủ các hồ sơ, chứng từ theo yêu cầu.

Vì thế, trong biên bản làm việc, Đoàn kiểm tra đưa ra nhận định Công ty Thuận Phong có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa về chỉ dẫn địa lý nơi xuất xứ sản phẩm, sản xuất hàng giả thương hiệu của Công ty Bio Huma Netics (viết tắt là BHN) Hoa Kỳ, đồng thời, tiến hành niêm phong toàn bộ khu sản xuất và kho chứa hàng hóa của công ty.


Khu nhà xưởng của Thuận Phong được đầu tư quy mô, bên trong là dây chuyền sang chiết, đóng gói phân bón hiện đại

10-54-58_nh-2
Toàn bộ xưởng sản xuất, kho hàng của Thuận Phong bị niêm phong từ 5 tháng nay

Ngay sáng hôm sau, tức ngày 25/4/2014, công ty đã chủ động cung cấp đầy đủ giấy tờ, hồ sơ theo yêu cầu. Cụ thể năm 2013, Thuận Phong đã đàm phán thành công và ký hợp đồng với Công ty BHN. Theo đó, Thuận Phong là đối tác của độc quyền phân phối tại Việt Nam các sản phẩm phân bón mang thương hiệu Huma Gro® nhập khẩu từ Mỹ để phân phối tại thị trường Việt Nam.

Đồng thời, BHN cũng cho phép bằng văn bản việc Thuận Phong thuê doanh nghiệp trong nước sản xuất bao bì (tem, nhãn, logo, seal) thương hiệu BHN để đóng chai (Công ty Thuận Phong cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan cho các PV để chứng minh).

Không chỉ thế, ngày 25/4/2015, Công ty BHN đã có văn bản gửi Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM khẳng định việc cho phép Công ty Thuận Phong sử dụng bao bì sản xuất tại Việt Nam để đóng gói, sang chiết các sản phẩm thương hiệu Huma Gro.

Sau đó, Lãnh sự quán Hoa kỳ tại TP.HCM đã có Công hàm gửi đoàn kiểm tra liên ngành 389 về việc Công ty Thuận Phong được phép sử dụng logo Huma Gro cho sản phẩm phân bón của Công ty BHN tại Việt Nam.

Lãnh đạo công ty nghĩ rằng, hồ sơ, chứng từ cung cấp như trên đã có thể chứng minh rằng Công ty Thuận Phong thực hiện hoạt động sang chiết, đóng gói các sản phẩm phân bón theo sự chấp thuận của Công ty BHN (có công hàm kèm theo).

Ngày 27/5, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã ký văn bản gởi Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, khẳng định đoàn kiểm tra đã phát hiện vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả với số lượng nhất từ trước đến nay tại Công ty Thuận Phong và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra công an tỉnh Đồng Nai thụ lý.

“Điều 22, Nghị định 202/2012/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/2/2014), quy định: "Trong vòng 2 (hai) năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tổ chức, cá nhân đang tổ chức kinh doanh phân bón, nếu chưa đáp ứng đủ điều kiện về sản xuất, kinh doanh qui định tại Nghị định này phải bổ sung đủ điều kiện”. Do đó, việc Công ty Thuận Phong chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón tại thời điểm kiểm tra, chưa phải là hành vi vi phạm” - Ông Lê Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Phân bón Thuận Phong.

Đồ̀ng thời, đề nghị Cục Quản lý thị trường gửi văn bản cho tất cả các tỉnh, thành yêu cầu kiểm tra, xử lý, niêm phong các sản phẩm phân bón do Công ty Thuận Phong sản xuất, phân phối.

"Chúng tôi không làm phân bón giả"

Về hành vi sản xuất phân bón giả, ông Khiếu Mạnh Tường khẳng định, Thuận Phong không làm giả phân bón, và dẫn chứng: Số liệu phân tích 29 mẫu phân bón đoàn kiểm tra đã lấy mẫu xét nghiệm của Thuận Phong cho thấy, các chất dinh dưỡng trong sản phẩm đều đạt từ 95% trở lên, duy nhất 1 sản phẩm đạt 84%, tổng dinh dưỡng bình quân của cả 29 sản phẩm đạt 112% (vượt 12% so với công bố).

Một vài chỉ tiêu trong sản phẩm không đạt là do sai sót kỹ thuật và quản lý sản xuất; hoặc do nguồn nguyên liệu phân đơn đầu vào không luôn đúng chỉ tiêu chất lượng công bố. Công ty có đủ bằng chứng từ người sử dụng, khẳng định chất lượng sản phẩm của công ty. Thông tin hàng triệu nông dân là nạn nhân của Thuận Phong là không có căn cứ.

Ngày 27/08/2015, cơ quan điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai có kết luận: Công ty Thuận Phong “không có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón”. Mà là “Công ty Thuận Phong đã tổ chức cho công nhân sang chiết các loại phân nhập khẩu của Công ty BHN và sản xuất các loại phân bón khác mang nhãn hiệu Thuận Phong không đúng địa chỉ đăng ký trong giấy phép; các sản phẩm sang chiết nhập khẩu của Công ty BHN chưa có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; 19/29 mẫu phân bón do Công ty Thuận Phong sản xuất sau khi kiểm nghiệm có các chỉ tiêu không phù hợp với các mức tương ứng ghi trên bao bì”.

10-54-58_nh-5
Ông Lê Công Minh, chủ tịch HĐQT công ty Thuận Phong đang trình bày với PV các cơ quan báo đài ngày 22/9

Đồng quan điểm, Viện KSND tỉnh Đồng Nai cũng kết luận: Vi phạm của Công ty Thuận Phong chỉ áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không đủ yếu tố cấu thành tội hình sự. Và 2 cơ quan này đề nghị chuyển vụ việc sang Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Thuận Phong.

Tuy nhiên, đoàn kiểm tra liên ngành 389 không đồng tình với kết luận của 2 cơ quan nói trên, tiếp tục bảo vệ quan điểm cho rằng Thuận Phong sản xuất phân bón giả.

“Chúng tôi cũng có những sai phạm, như một số thành phần sản phẩm chưa đúng như công bố ngoài bao bì, nhưng sai số rất nhỏ. Bù lại, một số chỉ tiêu khác có lợi cho cây trồng lại cao hơn tiêu chuẩn công bố.

10-54-58_nh-4
Hồ sơ liên quan đến vụ việc do công ty Thuận Phong cung cấp

Ngoài ra, còn một số vi phạm khác như địa điểm sản xuất không đúng như giấy phép đã đăng ký ban đầu; thiếu thông tin bắt buộc theo qui định về ghi nhãn hàng hóa; vi phạm về sở hữu công nghiệp khi in chữ ® sau tên nhãn hiệu mà chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, cái sai này do sơ suất chứ không cố ý, và đây không phải là hành vi giả nhãn hiệu… Những sai phạm trên, chỉ ở mức độ vi phạm hành chính, hoàn toàn không có hành vi giả thương hiệu hoặc sản xuất phân bón giả”, ông Tường trình bày.

“Từ 5 tháng nay, toàn bộ kho hàng trị giá khoảng 25 tỷ đồng của công ty bị niêm phong, đến nay, thiệt hại hàng chục tỷ đồng, nguy cơ phá sản. Chúng tôi khẩn thiết mong các cơ quan chức năng sớm có kết luận để vụ việc sáng tỏ, sai đến đâu chúng tôi chấp nhận hình thức xử phạt tương ứng đến đó, và sẽ khắc phục ngay những vi phạm”, ông Tường nói.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.