Trai làng đều biết làm cọn nước
Từ bao đời nay, để chống chọi với tình trạng thiếu nước, hạn hán trong sản xuất lúa, nông dân ở các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái đã tạo ra những chiếc cọn dẫn nước vào đồng ruộng.
Với đặc thù là huyện miền núi, địa hình hiểm trở, ít hồ đập, các dòng suối có độ dốc lớn, việc đầu tư máy bơm chạy bằng xăng dầu, công suất lớn là điều rất xa xỉ với người dân vì chi phí lớn. Những chiếc cọn nước bằng gỗ, tre tự chế đã giúp người dân làm thủy lợi với chi phí thấp, hiệu quả cao.
Dùng cọn nước là nét đặc trưng trong canh tác lúa ở xã Nghĩa Tâm, gắn bó với người dân ở đây từ bao đời, không ai có thể trả lời được. Chỉ biết, trai làng ở Nghĩa Tâm, ai lớn lên cũng biết làm cọn nước. Nhà nào ít thì mỗi năm làm một cái, nhiều hơn thì hai, ba cái. Làm chiếc cọn nước cũng quan trọng như dựng một ngôi nhà, phải có sự chuẩn bị, phải cẩn thận, chi tiết.
Dẫn chúng tôi ra thăm cọn nước, ông Lê Quý Tiến, thôn Nghĩa Lộc Cọn, xã Nghĩa Tâm cho biết, toàn thôn có 8 ha ruộng không chủ động nước tưới, hàng năm người dân trong thôn vẫn làm cọn nước để lấy nước lên ruộng. Hiện nay, toàn thôn có 5 chiếc cọn nước, mỗi chiếc có thể phục vụ được khoảng một mẫu ruộng vào thời điểm khô hạn.
"Cọn nước làm từ cây tre, vầu lấy từ rừng nên chi phí cũng không nhiều, chỉ mất khoảng 5 đến 6 ngày công để làm, mỗi chiếc cọn nước khi hoàn thành có thể sử dụng được vài năm. Cũng có một vài trường hợp vào mùa mưa lũ do nước lớn về nhiều, cọn nước bị trôi nên người dân phải mất công làm lại", ông Tiến chia sẻ.
Hình dạng chiếc cọn nước được cấu tạo giống như bánh xe đạp và có đường kính từ 5 đến 10m. Trục quay làm bằng các loại gỗ chắc chắn, có khả năng chịu mài mòn tốt.
Nan hoa làm bằng loại tre già, có sức chịu đựng trong môi trường ẩm ướt. Vành guồng rộng khoảng 45 - 50cm, được đặt các phên nứa để cản nước, tạo lực đẩy guồng quay và có gắn các ống bương buộc chếch khoảng 30 độ để múc đầy nước khi chìm xuống. Lực đẩy của nước khiến guồng quay liên tục, đến tầm cao nhất định, thì các ống bương bắt đầu đổ nước vào các máng dài được làm từ thân cây mét chẻ đôi. Từ đó, hệ thống máng dẫn nước chảy về tưới cho những cánh đồng, các chân ruộng cao khó lấy nước.
Với đặc thù là đất pha cát nên nếu dùng máy bơn cũng chỉ được một hai ngày là nước lại hết, mặt khác chi phí mua máy bơm và vận hành rất đắt đỏ nên người dân không nghĩ đến. Cách chống hạn bằng những chiếc cọn nước tự chế đơn giản, kinh phí ít, nhưng lại mang đến hiệu quả cao hơn rất nhiều.
Chỉ tay về phía những chiếc cọn nước đang miệt mài quay nước lên ruộng, ông Tiến hồ hởi nói với chúng tôi. Nhờ có những cọn nước mà nhiều hộ dân trong thôn không thiếu đói, nhà nước không phải hỗ trợ gạo nữa, bà con canh tác 2 vụ/năm. Thậm chí, nhiều hộ dân trong thôn đã thoát nghèo, có của ăn của để.
Nhìn những chiếc cọn "làm việc" cả ngày lẫn đêm không ngừng nghỉ để lấy nước vào ruộng, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn nét mặt vui mừng của người nông dân, có lẽ đây cũng là bước ngoặt tạo nên bức tranh làng quê đổi khác.
Khi nông dân là “kỹ sư thủy lợi”
Ông Tiến tiếp tục dẫn chúng tôi đi xem một cọn nước khác cách vị trí ban đầu khoảng 1 km, là cọn nước của gia đình anh Phan Văn Huân.
"Cọn nước có từ đời ông cha chúng tôi, làm cọn nước không khó, chi phí cũng thấp, cọn nước bình thường dùng được 2 năm, sau đó tu sửa lại và có thể sử dụng tiếp. Mùa mưa bão thì chúng tôi phải tháo ra cho cọn lên bờ để đảm bảo an toàn, vì trước kia lũ về đã có trường hợp nước cuốn trôi cọn", anh Phạm Văn Huân chia sẻ.
Những chiếc cọn nước của người nông dân nơi đây đã trở thành những công trình thủy lợi tự chế hết sức độc đáo, phục vụ sản xuất nông nghiệp, chống hạn cho đồng ruộng, đặc biệt là các cánh đồng khô hạn ở vị trí cao. Cọn nước là minh chứng thể hiện sự sáng tạo của người nông dân trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, phục vụ lao động sản xuất và sinh hoạt.
Những người nông dân miền núi được ví như những kỹ sư thủy lợi tài ba trong việc sáng tạo ra một biện pháp tưới tiêu cho hiệu quả tối ưu trong điều kiện địa hình bất thuận, đồng thời tạo nên điểm nhấn cho bức tranh làng quê tươi đẹp.
Hàng năm những chiếc cọn nước đã phục vụ đủ nước tưới cho những cánh đồng, góp phần đem lại mùa vụ tốt tươi, cọn nước đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây.
Ông Hoàng Ngọc Út, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tâm chia sẻ, những chiếc cọn nước này đã phục vụ nước tưới cho diện tích 8ha ruộng khó lấy nước trên toàn xã, đời sống của người dân được cải thiện. Từ những mảnh đất tưởng như phải bỏ đi thì nay đã được người dân cày cấy.
Để chủ động đối phó với hạn hán, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất trên địa bàn, Phòng NN-PTNT huyện Văn Chấn đã có phương án ngay từ đầu mùa vụ, nhất là công tác thông tin tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức sử dụng nước, tiết kiệm và tận dụng tối đa nguồn nước từ các khe, suối, ao.
Thời gian tới, huyện tiếp tục bố trí nguồn kinh phí để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các kênh mương, đập chứa nước ở các xã để đảm bảo nguồn nước tưới. Ngoài ra huyện cũng khuyến khích người dân tự chủ động đưa nước về ruộng bằng cọn nước như cách làm của người dân tại xã Nghĩa Tâm.
Ông Đinh Khánh Tùng - Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Chấn cho biết, làm cọn nước rất đơn giản, hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt, vật tư không tốn nhiều tiền, nông dân ở xã Nghĩa Tâm từ bao đời nay vẫn duy trì làm cọn nước, sản lượng lúa năm nào cũng đạt năng suất cao, người nông dân hết sức phấn khởi. Những chiếc cọn nước của bà con đã giải quyết được khó khăn cho chính quyền trong việc chống hạn.
Một thực tế cho thấy, ở khu vực miền núi, nhiều diện tích gieo cấy nhỏ lẻ, mỗi khu vực có vài ha đất trồng lúa, nếu đầu tư hệ thống thủy lợi sẽ rất khó khăn, lãng phí. Người dân ở đây cũng chưa bao giờ dám nghĩ sẽ bỏ tiền ra để mua máy bơm dẫn nước vào ruộng.
Không chỉ là một công trình dẫn nước, cọn nước của nông dân Yên Bái đã trở thành bản sắc văn hóa độc đáo. Bên nếp nhà sàn truyền thống, nghe những âm thanh lách cách của cọn nước đổ vào máng dẫn, cảm giác như được nghe một bản nhạc đồng quê bình yên và thơ mộng.