| Hotline: 0983.970.780

Thủy nông mong ngày hết khó: [Bài 1] ‘Cân não’ đảm bảo 3 mục tiêu

Thứ Hai 22/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Công việc hàng ngày đã vất vả, vào mùa mưa bão, công nhân thủy nông tại công trình đầu mối các hồ chứa càng vất vả hơn khi ‘cân não’ đảm bảo 3 mục tiêu.

Thủy nông viên Công ty Thủy lợi Khánh Hòa điều tiết nước phục vụ sản xuất lúa cho người dân. Ảnh: KS.

Thủy nông viên Công ty Thủy lợi Khánh Hòa điều tiết nước phục vụ sản xuất lúa cho người dân. Ảnh: KS.

Lắm gian truân

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi cùng ông Đinh Tấn Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa (Công ty Thủy lợi Khánh Hòa) lên thăm công nhân thủy nông đang quản lý cụm đầu mối hồ chứa nước Am Chúa, nằm tại xã Diên Điền, huyện Diên Khánh.

Lúc này hồ này đang được nâng cấp, sửa chữa, nạo vét để phục hồi dung tích nước theo thiết kế, đảm bảo an toàn hồ đập, cũng như xây dựng lại nhà quản lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các công nhân thủy nông sinh hoạt và làm việc tại đây. Bởi suốt thời gian qua, họ chịu nhiều thiệt thòi, sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn, không có điện, vận hành tràn xả lũ bằng tay rất vất vả.

Nghe chúng tôi đến, anh Bùi Hữu Hoàng, Cụm trưởng hồ chứa nước Am Chúa đang ở dưới cánh đồng lúa của Hợp tác xã Nông nghiệp Diên Điền 2 vội chạy về hồ để đón khách.

Từ sáng sớm đến giờ anh Hoàng tất bật hỗ trợ điều tiết nước tưới cho bà con sản xuất lúa vụ hè thu, hiện chỉ còn 3 phiên tưới nữa là kết thúc vụ. Vào mùa này, ai nấy đều đầu tắt mặt tối lo nước tưới. Nếu điều tiết nước không tốt, dẫn đến lúa khô khát, giảm năng suất là có chuyện với dân ngay. Vì đời sống bà con nơi đây chủ yếu thu nhập từ vài sào lúa nên trách nhiệm công nhân thủy nông rất nặng nề.

Anh Bùi Hữu Hoàng, Cụm trưởng hồ chứa nước Am Chúa tâm sự nỗi vất vả của công nhân thủy nông. Ảnh: KS.

Anh Bùi Hữu Hoàng, Cụm trưởng hồ chứa nước Am Chúa tâm sự nỗi vất vả của công nhân thủy nông. Ảnh: KS.

Hồ Am Chúa chỉ có dung tích thiết kế 4,7 triệu m3 nước, song phải đáp ứng nhu cầu tưới tiêu 2 vụ/năm với tổng diện tích từ 500 - 600ha lúa cho các xã Điên Điền, Diên Sơn và Diên Phú (huyện Diên Khánh). Do đó, điều tiết và quản lý không tốt thì vào mùa hạn nhiều diện tích lúa sẽ bị cắt giảm, rất tội cho dân.

“Để đưa được nguồn nước về đến ruộng cho bà con sản xuất, đòi hỏi anh em thủy nông phải tận tâm với nghề, tỉ mỉ trong công việc nhằm phân phối đồng đều lượng nước cấp, không được để bất kỳ khoảnh ruộng nào thiếu nước. Nhiều hôm anh em phải thức trắng đêm trực canh nước, đặc biệt là trong các tháng mùa khô hạn”, anh Hoàng chia sẻ.

Ông Đinh Tấn Thành, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Khánh Hòa cho biết thêm, trung bình mức tưới cho 1 ha lúa cần khoảng 10.000m3 nước/vụ. Với diện tích khoảng 600ha, tức là cần 6 triệu m3 nước, trong khi hồ Am Chúa dung tích thiết kế chỉ hơn 4,7 triệu m3. Tuy nhiên thời gian qua, anh em thủy nông tại đây đều vượt qua khó khăn, ngày đêm âm thầm cống hiến, góp phần tạo dựng những mùa vàng cho bà con.

Để có mùa vàng, công nhân thủy nông nỗ lực điều tiết nước đảm bảo cho sản xuất lúa. Ảnh: KS.

Để có mùa vàng, công nhân thủy nông nỗ lực điều tiết nước đảm bảo cho sản xuất lúa. Ảnh: KS.

Hơn nữa , 3 công nhân thủy nông tại cụm hồ Am Chúa còn phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn công trình, ngăn chặn tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi và kênh mương.

Do đó, hàng ngày họ chia nhau tuần tra kiểm soát, phát hiện kịp thời và báo cáo chính quyền địa phương xử lý. Điều này khiến một vài người “sinh lòng ghen ghét”, thậm chí còn đe dọa tính mạng của anh em giữ hồ. Anh Hoàng mong muốn cần sự vào cuộc, phối hợp tốt hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết những tồn đọng, để bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi.

Mùa mưa bão phải trực công trình 100%

Vào mùa mưa bão, anh em trong Cụm đều trực 100% quân số, có mặt tại công trình 24/24h để theo dõi, quan trắc, kịp thời phát hiện hư hỏng để khắc phục ngay, không để tình trạng xói lở lan rộng, ảnh hưởng đến an toàn công trình. "Nhiều thời điểm, chúng tôi phải điều tiết lũ trong thời tiết mưa to, gió lớn. Lúc đầu anh em thấy cực, vất vả, muốn bỏ nghề nhưng lâu dần thành quen”, anh Hoàng tâm sự.

Công nhân thủy nông vớt rác từ kênh mương lên bờ để xử lý, đảm bảo nguồn nước lưu thông. Ảnh: KS.

Công nhân thủy nông vớt rác từ kênh mương lên bờ để xử lý, đảm bảo nguồn nước lưu thông. Ảnh: KS.

Còn ông Nguyễn Văn Hùng, phụ trách Văn phòng đại diện Cam Lâm thuộc Công ty Thủy lợi Khánh Hòa cho biết, đã làm công việc này đòi hỏi anh em phải yêu nghề, chứ đồng lương ít ỏi. Như bản thân ông đã có 27 năm gắn bó với nghề thủy nông, lại có thêm phụ cấp chức vụ, nhưng mỗi tháng thu nhập chỉ hơn 8 triệu đồng.

Trong khi đa số người lao động quản lý hồ chứa nước với mức thu nhập trung bình từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng trách nhiệm của họ rất nặng nề, phải “cân não” làm sao đảm bảo 3 mục tiêu: vừa an toàn công trình, vừa giảm thiểu ngập lụt cho hạ du và vừa tích đủ nước cho sản xuất năm sau.

Ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, công việc thủy nông đòi hỏi anh em phải yêu nghề. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, công việc thủy nông đòi hỏi anh em phải yêu nghề. Ảnh: KS.

“Vào mùa mưa lũ, các hồ chứa nước của công ty quản lý thực hiện vận hành theo đúng quy trình vận hành điều tiết nước được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, những năm qua do biến đổi khí hậu, mưa lớn vượt tần suất gây ngập lụt hạ du, nhiều người dân hiểu sai do hồ thủy lợi xả lũ”, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Khánh Hòa chia sẻ và cho biết, thực tế việc ngập lụt tại khu vực hạ du hiện nay chỉ một phần nhỏ cộng hưởng từ lượng nước được điều tiết qua tràn của các hồ chứa trong mùa mưa lũ.

Các yếu tố như lượng mưa ngoài lưu vực hồ, triều cường, hệ thống sông suối tự nhiên ở hạ du bị lấn chiếm, cây cối mọc nhiều, thu hẹp dòng chảy làm giảm khả năng tiêu thoát nước mưa. Cùng với đó, tốc độ đô thị hoá, xây dựng cơ sở hạ tầng diễn ra nhanh chóng, trong khi hệ thống tiêu thoát nước mưa đô thị chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ ngày càng tăng. Đó mới là nguyên nhân chủ yếu.

Vào mùa mưa bão, công nhân thủy nông phải trực 100% quân số nhằm đảm bảo an toàn công trình thủy lợi. Ảnh: KS.

Vào mùa mưa bão, công nhân thủy nông phải trực 100% quân số nhằm đảm bảo an toàn công trình thủy lợi. Ảnh: KS.

Về những vất vả của cán bộ thủy nông, ông Nguyễn Duy Quang, Sở NN-PTNT Khánh Hòa rất đồng cảm và thấu hiểu. Ông cho rằng, từ xưa đến nay, nước luôn mang ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn, gắn liền với đời sống của người dân và góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nước luôn được đặt lên vị trí hàng đầu như lời câu tục ngữ: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Việc quản lý, vận hành, khai thác công trình được giao cho các cán bộ thủy nông thực hiện, luôn đảm bảo và phát huy hiệu quả công trình.

“Cán bộ thủy nông luôn đồng hành, sát cánh cùng với nông dân trên đồng ruộng. Họ tâm huyết với nghề, không ngừng nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác điều tiết nước; đồng thời phải chịu rất nhiều áp lực cả về sức khỏe lẫn tinh thần trong mùa nắng và mùa mưa để mang về dòng nước quý giá đến với người nông dân”, ông Quang đánh giá.

Tiếp xúc các công nhân thủy nông, chúng tôi mới thấu hiểu công việc của họ quanh năm dãi nắng, dầm mưa nên gương mặt sạm màu sương gió. Dù vậy, họ vẫn cười rạng rỡ, xua tan những vất vả, lo toan. Đối với họ, chỉ cần thấy những cánh đồng thơm bông, vườn cây trĩu quả thì mọi khó khăn, gian khổ đều tan biến.

Xem thêm
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Cần giải quyết sớm việc xen ghép, ổn định dân cư

Ngày 18/9, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với tỉnh Tuyên Quang về khảo sát và đề xuất bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai sau bão số 3.

Các doanh nghiệp cam kết không tăng giá bán giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ tối đa khôi phục sản xuất

Tất cả các doanh nghiệp đều cam kết không tăng giá bán giống, các loại vật tư nông nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ tối đa, đồng hành cùng bà con khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hậu phương vùng lũ quét Làng Nủ

Người phụ nữ nhanh nhẹn như con thoi chạy qua chạy lại giữa hai điểm trường Làng Nủ; chiếc điện thoại lúc nào cũng nóng ran bởi các cuộc điện thoại liên tục đổ về.