| Hotline: 0983.970.780

Nợ nần chồng chất, công nhân thủy nông cùng cực, trách nhiệm thuộc về TP.Hà Nội

Thứ Tư 24/01/2018 , 08:48 (GMT+7)

Cách đặt hàng dịch vụ thuỷ lợi công ích kỳ lạ, độc đoán và thiếu căn cứ khoa học của UBND TP Hà Nội là nguyên nhân chính khiến 5 công ty thuỷ nông gặp khó khăn về tài chính, buộc phải nợ lương và vi phạm các thoả ước lao động.

UBND TP Hà Nội độc đoán chỗ nào?

Ngày 18/1, Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT) đã có buổi làm việc bất thường với Sở NN-PNTT Hà Nội và các công ty thuỷ nông để tháo gỡ khó khăn cho hơn 3.000 người lao động.

08-08-15_2
Tổng cục Thuỷ lợi làm việc với Sở NN-PTNT nhằm tháo gỡ khó khăn cho 5 công ty thuỷ nông (ngày 18/1/2018)

Theo ông Đoàn Ngọc Vinh, GĐ BQL Dịch vụ thuỷ lợi Hà Nội (đại diện cho TP Hà Nội đặt hàng dịch vụ thuỷ lợi công ích) thì từ 2013 - 2015, kinh phí đặt hàng dịch vụ thủy lợi với 5 công ty thuỷ nông dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật đã được phê duyệt (gồm cả kinh phí cấp bù miễn thuỷ lợi phí theo Nghị định 67/NĐ-CP năm 2012 và kinh phí tạo nguồn), đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý.

Tuy nhiên, từ khi Bộ Tài chính có thông tư 280 quy định về giá tối đa dịch vụ thuỷ lợi công ích, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 (thực chất là “copy” biểu phí dịch vụ thuỷ lợi theo Nghị định 67 trước đây), TP Hà Nội không thể đặt hàng theo định mức kinh tế kỹ thuật, bởi chi như vậy sẽ “vượt khung” giá tối đa cho phép. Điều này đã khiến các công ty lâm vào cảnh khó khăn do không thể cân đối thu - chi.

Không đồng tình, ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thuỷ lợi) khẳng định: “Mọi khó khăn, vướng mắc của 5 công ty thủy nông hiện nay vẫn thuộc thẩm quyền xử lý của UBND TP Hà Nội. Thậm chí không cần thêm bất kỳ văn bản nào của 2 Bộ cũng vẫn giải quyết được, bởi các văn bản pháp luật đã quy định rất rõ ràng rồi”.

Việc Hà Nội “đổ lỗi” cho cơ chế chính sách, nhất là quy định của Thông tư 280 là không đúng. Bởi theo ông Khanh, dịch vụ thuỷ lợi là dịch vụ công ích thiết yếu, nên nhà nước quản lý giá (thông qua việc định giá tối đa). Nếu giá tối đa dịch vụ thuỷ lợi thấp hơn và không đảm bảo chi phí hợp lý (theo định mức kinh tế kỹ thuật được cơ quan thẩm quyền phê duyệt) thì các DN thuỷ lợi được trợ giá, trợ cấp.

Về thẩm quyền quyết định mức trợ giá, quy định tại khoản 3, Điều 7 Nghị định 130/NĐ - ngày 16/10/2013 nêu rõ: “Đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc UBND cấp tỉnh quản lý thì các Sở chuyên ngành xây dựng phương án trợ giá, trợ cấp gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND cấp tỉnh quyết định mức trợ giá, trợ cấp cụ thể”.

Như vậy, với tư cách là chủ sở hữu công trình thuỷ lợi trên địa bàn, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm phân bổ kinh phí để đảm bảo chi phí hoạt động hợp lý của các DN thuỷ nông.
 

Trì trệ, độc đoán đến bao giờ?

Cần phải nhấn mạnh thêm rằng, ngay từ tháng 3/2017, sau khi Báo NNVN có loạt bài “Bị treo lương, 3.700 công nhân thuỷ lợi khốn đốn”, Tổng cục Thuỷ lợi và Bộ Tài chính đã có buổi làm việc Sở, ngành của TP Hà Nội để hướng dẫn cách triển khai đặt hàng, tháo gỡ khó khăn (như đã nêu ở trên). Sau đó, tháng 7/2017, hai Bộ ra văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét bố trí kinh phí trợ giá, trợ cấp, đảm bảo chi phí hợp lý cho 5 công ty thuỷ nông.

08-08-15_1
Công nhân thuỷ nông Hà Nội “ngóng” lương từng ngày

Nhưng dường như, những ý kiến của liên Bộ không được TP Hà Nội tiếp thu. Thậm chí, hai Sở NN-PTNT, Tài chính vẫn bảo thủ khi cho rằng, ba chữ “giá tối đa” của thông tư 280 chính là mức kinh phí tối đa mà TP Hà Nội được trích từ ngân sách để cấp cho các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi công ích. Do đó, định mức kinh tế kỹ thuật đã được “đút vào ngăn kéo”, coi như không tồn tại, không có giá trị làm cơ sở để đặt hàng theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ.

Trong khi DN thuỷ lợi nợ đầm đìa, công nhân kiệt quệ về kinh tế, hoang mang về tinh thần, hệ thống thuỷ nông đứng trước nguy cơ lung lay tận gốc, thì TP Hà Nội vẫn không biết rằng mình đang nắm trong tay “quyền” tự quyết để tháo gỡ khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi, đặt câu hỏi: Cùng một cơ chế, chính sách, nhưng vì sao trong số 63 tỉnh thành trên toàn quốc, chỉ có Hà Nội gặp khó khăn như vậy? Có lẽ, cách vận dụng và triển khai chính sách của địa phương này đang có vấn đề.

Có thể lấy ví dụ: Hiện nay, các công ty thuỷ nông trực thuộc Bộ NN-PTNT đang thu từ 3 nguồn: (1) Tiền cung cấp sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi công ích (theo thông tư 280); (2) tiền cấp bù/trợ giá phần chênh lệch khi nguồn thu không đảm bảo chi phí hợp lý theo định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá mà các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đặt hàng; (3) kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước để các công ty trích quỹ khen thưởng, phúc lợi theo các mức hoàn thành nhiệm vụ.

Cơ chế chính sách đã rất rõ ràng và không hề xảy ra vướng mắc trong khâu thanh, quyết toán. Vậy, nếu TP Hà Nội không đặt hàng theo định mức kinh tế kỹ thuật mà chỉ chỉ đặt hàng dựa vào giá tối đa cung cấp sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi công ích là không đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.