| Hotline: 0983.970.780

Tiếp vụ "Hàng ngàn công nhân thủy nông Hà Nội lại bị 'treo' lương"

Thứ Năm 02/04/2020 , 13:19 (GMT+7)

Trong khi hàng ngàn công nhân thủy nông đang khó khăn vì bị "treo" lương nhiều tháng, thì các sở, ngành và lãnh đạo TP Hà Nội vẫn loay hoay bàn giải pháp.

Hệ thống thủy lợi của TP Hà Nội giao cho 4 công ty thủy nông quản lý vận hành, gồm có 2.213 trạm bơm; 513 đập, hồ chứa; hơn 35.000 hệ thống dẫn, chuyển nước và gần 49.000 cống, xi phông, cầu máng.

Để quản lý, vận hành tốt hệ thống thủy nông khổng lồ này, nhằm phục vụ tưới, tiêu cho khoảng 310.000ha/năm, 4 công ty (gồm: Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội; Đầu tư phát triển Thủy lợi sông Nhuệ; Đầu tư Phát triển Thủy lợi sông Đáy và Công ty TNHH MTV Thủy lợi sông Tích) phải tổ chức đội ngũ nhân sự lên tới 3.500 người.

Thủy nông Hà Nội phục vụ xả nước đổ ải vụ xuân 2020.

Thủy nông Hà Nội phục vụ xả nước đổ ải vụ xuân 2020.

Bài liên quan

Trong văn bản gửi Bộ NN-PTNT vào ngày 18/3/2020, Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, để lấy nước vụ đông xuân, 4 công ty đã phải lắp đặt các trạm bơm dã chiến trên sông Đà (trạm bơm Phù Sa), trên sông Hồng (các trạm bơm Thanh Điềm, Ấp Bắc, Bá Giang...), trên sông Nhuệ; nạo vét các bể hút trạm bơm... để kịp thời lấy nước theo 3 đợt xả nước của các hồ chứa thủy điện.

Kết quả, các công ty đã chủ động lấy nước gieo cấy cho 87.261ha lúa xuân (đạt 97% kế hoạch) trong khung thời vụ tốt nhất, đúng theo lịch xả nước của Bộ NN-PTNT, đồng thời chủ động tưới dưỡng cho lúa và cấp nước cho các loại cây trồng khác.

Từ những sự việc trên, cần phải đánh giá lại năng lực và xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm Sở NN-PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính... đã không chủ động tham mưu cho lãnh đạo Thành phố Hà Nội; không chủ động tháo gỡ vướng mắc trong việc quyết định đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công ích thủy lợi theo đúng thời gian quy định. Dẫn đến hậu quả là hàng ngàn công nhân thủy nông phải chịu thiệt. 

Việc UBND TP Hà Nội chậm trễ trong việc quyết định lựa chọn nhà thầu theo hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu đối với lĩnh vực dịch vụ công ích thủy lợi (theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ), đã khiến các công ty gặp khó khăn.

Về vấn đề này, tại công văn số 1078 ngày 14/2/2020 của Bộ NN-PTNT nêu rõ: “UBND thành phố quyết định phương thức đặt hàng hoặc đấu thầu (không bắt buộc phải đấu thầu) với công trình vừa và nhỏ. Riêng công trình thủy lợi lớn (phân loại theo quy định của Nghị định 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 và Nghị định số 114/2018/NĐ-CP phải thực hiện đặt hàng, không đấu thầu)".

Bộ NN-PTNT cũng khẳng định, hiện nay trên cả nước chưa có địa phương nào thực hiện phương thức đấu thầu công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Nghị định số 32/2019/NĐ-CP đã quy định các nội dung liên quan triển khai thực hiện nên không có thông tư hướng dẫn Nghị định.

Không những thế, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, trước ngày 31/12 năm trước, UBND các cấp phải hoàn thiện việc giao dự toán ngân sách cho năm kế hoạch.

Do đó, để chuẩn bị cho năm kế hoạch, các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi phải đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để chủ động báo cáo UBND thành phố quyết định phương thức thực hiện quản lý, khai thác công trình thủy lợi trước khi giao dự toán.

Như vậy, có thể nói, Thành phố Hà Nội đã thiếu chủ động trong việc thực hiện quy trình để đặt hàng hoặc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ công ích thủy lợi. Từ đó dẫn đến việc chưa bố trí ngân sách để các đơn vị thủy nông hoạt động.

Mấy năm trở lại đây, công nhân thủy nông Hà Nội liên tục bị “treo” lương, do cách quản lý tùy hứng và không giống ai của lãnh đạo TP Hà Nội. Điển hình như năm 2017, Báo NNVN có loạt bài: “Bị treo lương, đời sống 3.700 công nhân thủy nông đã cùng cực lắm rồi!”.

Theo đó, công nhân thủy nông bị giảm lương, chậm trả lương trong hơn nửa năm. Nguyên nhân xuất phát là do UBND TP Hà Nội chậm trễ trong khâu đặt hàng dịch vụ công ích thủy lợi. Do đó, các công ty thủy nông hoạt động rối loạn “như gà mắc tóc”, do không biết UBND TP Hà Nội sẽ cấp bao nhiêu tiền.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.