| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ - sức bật cho đam mê nông nghiệp

Thuyền trưởng tài ba của hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới

Thứ Năm 31/03/2022 , 08:14 (GMT+7)

Với 20 năm chuyên canh tác hồ tiêu, sau khi tìm ra 'bí quyết hữu cơ', anh Chung thành lập hợp tác xã, chế biến sâu sản phẩm nhằm nâng cao chuỗi giá trị.

Đi lên từ gian khó

Đến thăm cơ sở sản xuất tiêu sấy của anh Phạm Thanh Chung tại huyện biên giới Lộc Ninh, một trong những thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Hệ thống nhà xưởng được anh Chung đầu tư khang trang, thiết bị máy móc tiên tiến, hiện đại, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp từ khâu sản xuất đến tiếp thị sản phẩm, bên cạnh là vườn tiêu xanh tốt nặng trĩu quả đang trong thời kỳ thu hoạch.

Ít ai nghĩ rằng chủ cơ sở là một người rặt nông dân nhưng thích mày mò nghiên cứu và kinh doanh, là một trong những người mạnh dạn đưa hạt tiêu Bình Phước vào chế biến và từng bước đưa thương hiệu hạt tiêu địa phương ngày càng vươn xa.

Vườn tiêu hữu cơ xanh tốt của anh Chung. Ảnh: Trần Trung.

Vườn tiêu hữu cơ xanh tốt của anh Chung. Ảnh: Trần Trung.

Theo lời anh Chung, từ năm 2016, chu kỳ giá tiêu bắt đầu đi xuống cùng với tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, dịch bệnh bùng phát khiến việc canh tác cây tiêu trở nên khó khăn, không ít người trồng tiêu lâm cảnh nợ nần chồng chất. Không đành lòng nhìn vườn tiêu 4.000 trụ từng đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình ngày càng trở nên hoang phế, anh đã tìm cách giảm chi phí sản xuất.

Đặc biệt, anh đã tự mày mò nghiên cứu các phương pháp chế biến các loại phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương. Nhiều dòng sản phẩm phân hữu cơ cây nhà lá vườn, nhưng chất lượng không thua kém nhiều so với các sản phẩm khác trên thị trường được anh cho ra đời.

Từ vỏ sò, vỏ trứng sau khi nghiền nát, anh phối trộn cùng các chế phẩm chứa các vi sinh vật có lợi và phân hủy nhanh để tạo ra loại phân giàu canxi và kali. Cùng công thức, anh tiếp tục tận dụng xác tôm, cá từ chợ để tạo ra loại phân giàu đạm. Ngoài ra, các loại rau, củ, quả cũng được anh thu gom và chế biến thành phân hữu cơ.

Các chế phẩm sinh học, phân bón từ các phụ phế phẩm nông nghiệp tại địa phương được anh Chung tự mày mò nghiên cứu. Ảnh: Trần Trung.

Các chế phẩm sinh học, phân bón từ các phụ phế phẩm nông nghiệp tại địa phương được anh Chung tự mày mò nghiên cứu. Ảnh: Trần Trung.

Mặt khác, để biến đất thành nơi cư ngụ cho các vi sinh vật có lợi, cây tiêu hấp thụ nhanh phân bón, anh còn trồng cỏ lạc, đây là một trong những loại cây họ đậu có tính năng giữ ẩm, chống xói mòn, tạo độ tơi xốp cho đất. Mặt khác, cỏ này còn làm thức ăn để anh nuôi dê. Nguồn phân thải từ chuồng dê lại được ủ hoai mục để bón ngược lại cho vườn tiêu, giúp tăng độ phì nhiêu cho đất. Từ ngày có phân tự ủ, anh không phải mất thêm chi phí phân bón.

Sản phẩm sau thu hoạch được đưa vào sơ chế trước khi chế biến sâu. Ảnh: Trần Trung.

Sản phẩm sau thu hoạch được đưa vào sơ chế trước khi chế biến sâu. Ảnh: Trần Trung.

Chưa dừng lại ở đó, anh nhận thấy hạt tiêu của địa phương chủ yếu bán thô đem lại giá trị không cao, tiêu hữu cơ hay tiêu truyền thống đều có giá trị như nhau, trong khi đời sống người dân càng nâng cao, nhu cầu sử dụng nông sản sạch, thân thiện với môi trường ngày càng phổ biến, việc chế biến sâu sản phẩm tiêu cũng không khó, chỉ cần sơ chế, sấy khô, đóng gói là có thể cung ứng ra thị trường. Anh tiếp tục bắt tay vào nghiên cứu để tạo ra sản phẩm hồ tiêu qua chế biến.

“Giá thành của các loại nông sản tươi nói chung và hạt tiêu nói riêng thường bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố như sản lượng mùa vụ, nhu cầu thị trường, thương lái ép giá..., khiến sản xuất nông nghiệp không mang tính ổn định. Chính vì lẽ đó, tôi đã chú trọng khâu chế biến, từng bước nâng cao giá trị nông sản”, anh Chung chia sẻ.

Nhờ có tiếng từ sản xuất hồ tiêu sạch, sản phẩm không chỉ tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất hữu cơ, mà còn có truy xuất nguồn gốc từ cây giống, chăm sóc đến sản phẩm cuối cùng, ngay khi được tung ra thị trường, sản phẩm chế biến của anh Chung đã được người tiêu dùng đón nhận.

Đặc biệt, năm 2021 vừa qua, tất cả 5 dòng sản phẩm gồm hạt tiêu xanh sấy thăng hoa, bột tiêu xanh sấy thăng hoa, bột tiêu tứ sắc sấy thăng hoa, hạt tiêu đen và bột tiêu đen được chứng nhận OCOP 4 sao và được UBND tỉnh Bình Phước chứng nhận sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tiêu biểu tỉnh Bình Phước năm 2021.

Phân đoạn đóng gói sản phẩm sau khi chế biến. Ảnh: Trần Trung.

Phân đoạn đóng gói sản phẩm sau khi chế biến. Ảnh: Trần Trung.

“Sau khi có chứng nhận, không ít siêu thị chủ động kêu gọi tôi cung ứng sản phẩm, thậm chí các đối tác từ Hàn Quốc cũng đến đề nghị hợp tác đầu tư. Mặc dù công suất chế biến của nhà xưởng còn tương đối nhỏ, trung bình mỗi tháng làm ra gần 10 tấn tiêu thành phẩm các loại, nhưng với những kết quả đạt được, tôi sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất”, anh Chung phấn khởi nói.

Liên kết sản xuất, tạo dựng vùng nguyên liệu

Theo anh Chung, khi sản phẩm dần có chỗ đứng trên thị trường cũng là lúc anh tính đến chuyện liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu cùng người dân địa phương làm giàu. Hơn ai hết, với gần 20 năm gắn bó với cây hồ tiêu, anh hiểu được tình cảnh của những người cùng cảnh ngộ, một mặt giúp họ làm chủ trên mảnh đất của mình.

Mặt khác, với phương châm “một cây làm chẳng nên non, 3 cây chụm lại nên hòn núi cao”, “đi một mình sẽ đi nhanh, đi tập thể đi vững chắc”, từ đó, anh vận động bà con trồng tiêu trong vùng thành lập Hợp tác xã Tiêu hữu cơ Lộc Quang.

Các sản phẩm được đóng nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và mã QR trước khi cung ứng ra thị trường. Ảnh: Trần Trung.

Các sản phẩm được đóng nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và mã QR trước khi cung ứng ra thị trường. Ảnh: Trần Trung.

Hợp tác xã (HTX) ra mắt vào tháng 5/2020 có 9 thành viên, với tổng diện tích canh tác hơn 21ha. Mặc dù còn non trẻ, nhưng với sự hỗ trợ nhiệt tâm, nhiệt thành của anh Chung từ bí quyết canh tác tiêu hữu cơ đến việc thu mua bao tiêu sản phẩm với giá cao, ngày càng có nhiều bà con viết đơn xin gia nhập. Đến nay HTX đã có 16 thành viên với tổng diện tích gần 50ha và không ngừng lớn mạnh.

Chị Vũ Thị Bưởi, một trong những hộ đầu tiên tham gia HTX cho biết, trước đây, hầu hết người dân tại địa phương đều canh tác tự phát, sử dụng phân, thuốc hóa học là chủ yếu. Tuy nhiên, từ khi tham gia HTX, được anh Chung hướng dẫn sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ, vừa giảm được chi phí sản xuất, vừa đảm bảo sức khỏe người trồng và cả người tiêu dùng nên chị quyết tâm làm theo.

Đặc biệt, sản phẩm làm ra sẽ được HTX phân loại và thu mua với giá cao hơn thị trường. Nếu như năm ngoái, giá tiêu chỉ quanh mốc 80.000 đồng/kg, thì HTX sẵn sàng thu mua trên 100.000 đồng/kg để chế biến.

Chị Vũ Thị Bưởi phấn khởi khi được tham gia HTX. Ảnh: Trần Trung.

Chị Vũ Thị Bưởi phấn khởi khi được tham gia HTX. Ảnh: Trần Trung.

“Trung bình mỗi thành viên trong HTX chỉ sở hữu vài nghìn trụ tiêu, thế nhưng hiện nay, hầu hết bà con đều sống khỏe với cây tiêu”, chị Bưởi vui vẻ nói.

Theo anh Chung, dù gặp không ít khó khăn nhưng đến nay, Lộc Ninh vẫn là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất tỉnh với hơn 4.740ha, đây là nguồn nguyên liệu lớn cùng khả năng chế biến tại chỗ sẽ là hướng đi đầy hứa hẹn giúp HTX mang lại cho người trồng tiêu sự phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Sản phẩm hạt tiêu chế biến của HTX tiêu hữu cơ Lộc Quang được nhiều người tiêu dùng tin dùng. Ảnh: Trần Trung.

Sản phẩm hạt tiêu chế biến của HTX tiêu hữu cơ Lộc Quang được nhiều người tiêu dùng tin dùng. Ảnh: Trần Trung.

“Để phát huy hết tiềm năng sẵn có, bên cạnh bán hàng trực tiếp, cung ứng vào các hệ thống siêu thị hiện có, HTX còn vận dụng công nghệ internet, công nghệ số để đưa sản phẩm đến với các kênh thương mại điển tử như Lazada, Shopee, Tiki… và đang xúc tiến đăng lên sàn thương mại quốc tế để tiếp cận nhanh hơn đến đối tác, người tiêu dùng nhằm quảng bá thương hiệu, kêu gọi liên kết đầu tư.

HTX chuẩn bị hàng giao cho các đối tác. Ảnh: Trần Trung.

HTX chuẩn bị hàng giao cho các đối tác. Ảnh: Trần Trung.

Bà Đào Thị Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước cho biết: “Hiện nay, phát triển các sản phẩm chế biến là cơ hội, tiềm năng lớn để các HTX, thành viên nâng cao hiệu quả và thu nhập, HTX Tiêu hữu cơ Lộc Quang là một trong những HTX đề ra phương hướng hoạt động rất đúng đắn. Thời gian tới, tôi mong muốn các HTX cần quan tâm, tăng cường các hoạt động nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chế biến, phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, thu hút các nguồn lực đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực. Về phía Hội sẽ cùng với các HTX, trong đó có HTX Tiêu hữu cơ Lộc Quang để tìm kiếm giải pháp, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX hoạt động sản xuất chế biến được phát triển tốt nhất”.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024. Mazda6 cũng giống Mazda3, có kiểu dáng đẹp, nhiều trang bị, giá bán hợp lý trong phân khúc

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.