Hoàn thành 5/6 cống ngăn mặn
Ngày 3/8, ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Ban Quản lý dự án) cho biết, đến thời điểm này có thêm 3 cống ngăn mặn là Hai Tân, Cái Sơn và Cây Còng thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kênh rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 giai đoạn 1 (gọi tắt là dự án) đã hoàn thành.
Cụ thể, cống Cái Sơn đã nghiệm thu đưa vào sử dụng. Riêng cống Hai Tân và Cây Còng cũng đã hoàn thành và chuẩn bị nghiệm thu đưa vào sử dụng. Ngoài ra, cống Mù U, khối lượng thi công ước đạt 86%, dự kiến hoàn thành trong tháng 8 này. Trước đó, 2 cống ngăn mặn khác thuộc dự án là Rạch Gầm và Phú Phong cũng đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Theo Ban Quản lý dự án, dự án có tổng mức đầu tư hơn 846 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương; trong đó, chi phí xây dựng trên 578 tỷ đồng. Dự án bao gồm 6 cống được xây dựng dưới hình thức lộ thiên, bê tông cốt thép, đóng mở bằng hệ thống thủy lực.
Trong đó cống Rạch Gầm và Phú Phong có quy mô lớn nhất với khẩu độ ngang 50m. Ngoài các cống, dự án còn xây dựng tuyến đê dọc sông Tiền (chiều dài 10.212m) và 28 cống tròn dưới đê.
Tổng diện tích đất sử dụng phục vụ dự án hơn 11ha, thời gian sử dụng công trình 50 năm. Thời gian triển khai dự án từ năm 2021 - 2024. Cũng theo ông Tuyến, tiến độ các cống ngăn mặn kể trên đều vượt tiến độ đề ra khoảng 2 tháng.
Triển khai thi công tuyến đê bao 10km
Hiện đơn vị đang tập trung triển khai hạng mục tuyến đê dọc sông Tiền và các cống nhỏ dưới đê thuộc dự án. Chi phí xây lắp hạng mục này khoảng 60 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 120 tỷ đồng.
Huyện Châu Thành đã bàn giao cọc ranh mốc giải phóng mặt bằng cho địa phương. Đồng thời, tổ chức họp dân công bố chủ trương thực hiện dự án. Tổng số khoảng 20 hộ dân bị ảnh hưởng, chiều dài tuyến đê 547/10.212m. Đơn vị đo đạc đang thực hiện công tác nội nghiệp.
Huyện Cai Lậy đã bàn giao mốc ranh giải phóng mặt bằng cho địa phương tiến hành đo đạc, chiều dài tuyến đê 9.665/10.212m. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 275 hộ. Dự kiến, đến quý IV/2023 sẽ thực hiện công tác đền bù, thực hiện các thủ tục đấu thầu và tổ chức thi công hạng mục này vào đầu năm 2024.
Vùng hưởng lợi ngăn mặn của dự án có diện tích khoảng 26.360ha. Vùng hưởng lợi từ việc dâng nước, trữ nước có diện tích khoảng 61.590ha. Mục tiêu của dự án là kiểm soát được nguồn nước ngọt ổn định phục vụ sản xuất nông nghiệp, vùng trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.
Chủ động chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước phục vụ dân sinh và kết hợp tăng cường giao thông nông thôn.
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, mỗi năm tỉnh tốn hàng chục tỷ đồng thi công các đập thép tạm ngăn mặn, khi có hệ thống cống sẽ tiết kiệm được chi phí này. Ngoài ra, hiện Bộ NN-PTNT đang đầu tư xây dựng cống âu Nguyễn Tấn Thành với tổng mức đầu tư (gồm dự phòng) là 518 tỷ đồng. Công trình này đã được khởi công ngày 11/11/2022 và thi công trong 24 tháng. Qua đó, sẽ góp phần giúp các tỉnh Tiền Giang, Long An chủ động nguồn nước, phục vụ dân sinh, sản xuất trong thời điểm xâm nhập mặn.