Từ trưa đến chiều ngày 12/2/2025, tại tỉnh Tiền Giang xảy ra một số cơn mưa khá lớn. Đây là những cơn mưa trái mùa trên diện rộng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông.
TP Mỹ Tho và một số khu vực trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra các cơn mưa kéo dài từ 20-30 phút. Trong đó, khu vực TP Gò Công và huyện Gò Công Đông lượng mưa cao nhất.
Sau thời gian nắng hạn, mưa trái mùa đã làm cho bầu không khí mát mẻ, cây trái, hoa màu thêm tươi tốt, giảm được lượng nước tưới. Tuy nhiên ở một số khu vực của huyện Gò Công Đông, mưa trái mùa gây khó khăn cho việc thu hoạch lúa đông xuân.
![tien-giang-mua-trai-mua-dien-rong-de-phong-xam-nhap-man-192003_703.jpg Mưa trái mùa gây ảnh hưởng đến thu hoạch lúa đông xuân. Ảnh: AT.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/12/tien-giang-mua-trai-mua-dien-rong-de-phong-xam-nhap-man-192003_703-203950.jpg)
Mưa trái mùa gây ảnh hưởng đến thu hoạch lúa đông xuân. Ảnh: AT.
Ông Lê Văn Phúc, nông dân huyện Gò Công Đông nói: “Mưa khá to, hoa màu phát triển tốt, thời tiết mát mẻ, chỉ cực cho người làm lúa bởi đang trong kỳ thu hoạch. Tại một số cánh đồng, ngoài mưa, hiện mặt ruộng còn sình lầy do nước ngập cục bộ, gây khó cho các máy gặt đập liên hợp nên một số khu vực phải xả nước ra bớt”.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, mưa trái mùa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Vùng biển phía Tây của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào, dông mạnh, sóng cao từ 2-3,5m.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, hiện nay, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tăng trở lại. Theo dự báo, từ ngày 11-20/2/2025, trên sông Tiền, chiều sâu ranh mặn 1 g/l xâm nhập với phạm vi từ 40-48km.
Trước đó, ngày 10/2, độ mặn cao nhất đo được tại cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) 0,78 g/l, Công viên Lạc Hồng 0,06 g/l. Hầu hết các điểm đo đều ghi nhận độ mặn tăng so với ngày trước đó.