| Hotline: 0983.970.780

Tiếp tục nhen lửa cuộc chiến chống tham nhũng

Thứ Bảy 26/12/2020 , 06:45 (GMT+7)

Trường hợp vướng vào lao lý của ông Tất Thành Cang cũng là bài học đáng suy ngẫm về cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm!

Đối tượng Tất Thành Cang bị khởi tố và bắt giam ngày 16/12.

Đối tượng Tất Thành Cang bị khởi tố và bắt giam ngày 16/12.

Quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam được thực hiện chiều 16/12 đối với ông Tất Thành Cang - cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, thực sự trở thành sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân đô thị phương Nam nói riêng và người dân cả nước nói chung.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố và tạm giam đối với ông Tất Thành Cang về tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Những hình ảnh ông Tất Thành Cang cúi đầu đón nhận sự chế tài từ đại diện pháp luật, đã được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Rõ ràng, kết quả bẽ bàng của vị cựu quan chức này, đã được quần chúng dự đoán và chờ đợi từ lâu. Vì sao ra nông nổi như vậy?

Nguyên nhân nào dẫn đến việc khởi tố và bắt giam ông Tất Thành Cang? Theo phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM, ông Tất Thành Cang được cho có sai phạm liên quan đến việc phát hành, bán 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược - Công ty Nguyễn Kim tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco.

Liên quan đến vụ án này, 20 bị can khác cũng đã bị khởi tố trước ông Tất Thành Cang. Tuy nhiên, vai trò của ông Tất Thành Cang là điều khiến dư luận băn khoăn nhất.

Công ty Cổ phần Nam Sài Gòn - Sadeco là một trong 9 đơn vị thành viên của Công ty Tân Thuận - IPC. Sadeco có hàng ngàn hecta đất được giao giải tỏa để phát triển khu đô thị phía Nam của TPHCM, với hàng loạt dự án được triển khai như khu định cư Tân Quy Đông, khu biệt thự cao cấp Sông Ông Lớn, khu định cư Phước Kiển, khu dân cư Hiệp Phước… 

Năm 2017, từ đề xuất tăng vốn, Sadeco đã bán 9 triệu cổ phiếu của mình cho đối tác chiến lược Nguyễn Kim để thu về 360 tỷ đồng. Tuy nhiên toàn bộ số tiền này được Sadeco gửi ngân hàng lấy lãi. Quá trình tăng vốn, bán cổ phiếu có vai trò của nhóm đại diện, quản lý vốn nhà nước tại Sadeco.

 Năm 2018, Thanh tra TPHCM đã có kết luận chỉ ra rằng thời điểm phát hành cổ phiếu Sadeco chưa thực sự có nhu cầu cần thiết tăng vốn. Việc bán với giá 40.000 đồng/cổ phiếu có khả năng gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho Sadeco, dẫn đến thiệt hại vốn nhà nước. 

Đồng thời phi vụ bán chỉ định cổ phiếu giá rẻ trên đã giúp Nguyễn Kim thâu tóm Sadeco (sau khi mua 9 triệu cổ phiếu, Nguyễn Kim sở hữu tỉ lệ 34,6% vốn tại Sadeco). Còn nhóm cổ đông nhà nước sau khi bán 9 triệu cổ phiếu, thì tỉ lệ sở hữu vốn tại Sadeco đã giảm sâu. 

Ông Tất Thành Cang với tư cách là Phó Bí thư trường trực Thành ủy TPHCM đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận -IPC bán cổ phần tại công ty Sadeco.

Tuy nhiên, việc bán cổ phần này sai hoàn toàn so với đề án tái cơ cấu của IPC, sai quy định pháp luật, và gây thiệt hại cho công ty Sadeco ít nhất 153 tỷ đồng. 

Theo đề án tái cơ cấu thì IPC không cần giảm thêm tỉ lệ sở hữu tại công ty Sadeco. Quá trình thanh tra cho thấy IPC trình UBND TPHCM phương án tăng vốn điều lệ, giảm tỉ lệ sở hữu (sai với đề án tái cơ cấu) nhưng lại được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang chấp thuận chủ trương phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại Sadeco. 

Cổ đông chiến lược được chọn là công ty Nguyễn Kim với giá bán cổ phiếu thấp hơn giá thị trường 17.000 đồng/cổ phiếu. Việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiếc lược trên đã sai quy định vì việc chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu không thẩm định hợp pháp và không thông qua đấu giá công khai.

Như vậy, chỉ với hành vi chỉ đạo bán 9 triệu cổ phiếu gây thất thoát ít nhất 153 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Nam Sài Gòn - Sadeco, ông Tất Thành Cang đã vướng vòng lao lý.

Tuy nhiên, câu chuyện dẫn đến kết cục hôm nay của ông Tất Thành Cang không chỉ có khuất tất này. Ông Tất Thành Cang còn liên quan đến nhiều sai phạm khác, sau khi thăng tiến như diều gặp gió trên quan trường.

Ông Tất Thành Cang có nhiều sai phạm gây bức xúc dư luận.

Ông Tất Thành Cang có nhiều sai phạm gây bức xúc dư luận.

Ông Tất Thành Cang sinh năm 1971 tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Năm 1990, ông Tất Thành Cang đi bộ đội và được huấn luyện tại Lữ đoàn 477 - Quân khu 7.

Sau khi giải ngũ với cấp bậc thượng sĩ, ông Tất Thành Cang thi vào Trường Đại học Tổng hợp TPHCM và bắt đầu tham gia công tác Đoàn.

Từng đảm nhiệm cương vị Bí thư Thành đoàn TPHCM từ năm 2004 đến năm 2009, ông Tất Thành Cang được quy hoạch vào hàng ngũ lãnh đạo chủ chốt TPHCM. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông Tất Thành Cang lần lượt trải qua các chức vụ Bí thư Quận 2, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, rồi Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM.

Ai đã “nâng đỡ không trong sáng” ông Tất Thành Cang là một câu hỏi không dễ trả lời, nhưng rõ ràng ông Tất Thành Cang đã thiếu rèn luyện và kém tu dưỡng khi nhận trọng trách lãnh đạo.

Đi ngược lại sự tin tưởng của đồng chí và sự kỳ vọng của đồng bào, ông Tất Thành Cang liên tục có những sai phạm nghiêm trọng.

Tại kỳ họp thứ 32 diễn ra từ 3/12 đến 6/12/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Tất Thành Cang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM vì những vi phạm “rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy TPHCM, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy TPHCM về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ TPHCM và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy TPHCM, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy TPHCM biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp.

Ông Tất Thành Cang cũng thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ TPHCM.

Trong thời gian giữ cương vị thành ủy viên, ủy viên UBND TPHCM, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tại Hội nghị Trung ương 9, khóa 12 diễn ra vào cuối tháng 12/2018, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức: cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, cách chức Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM, cách chức ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Thế nhưng, trong suốt hai năm 2019-2020, ông Tất Thành Cang vẫn là ủy viên Thành ủy TPHCM được giao nhiệm vụ Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Công trình Lịch sử TPHCM. Đồng thời ông Tất Thành Cang vẫn được duy trì tư cách ủy viên Hội đồng Nhân dân TPHCM cho đến khi bị khởi tố và bắt giam chiều 16/12. Phải chăng, có những vướng mắc gì khiến việc xử lý ông Tất Thành Cang tại TPHCM khiến người dân phải băn khoăn?

Vào tháng 8/2020, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM công bố kết quả xem xét, thi hành kỷ luật đảng đối với vụ việc tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Theo đó, ông Tất Thành Cang và hai Thành ủy viên khác là bà Phan Thị Thắng - nguyên Giám đốc Sở Tài chính TPHCM và ông Bùi Xuân Cường - nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM (kế nhiệm ông Tất Thành Cang) được xác định có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, nhưng do đến nay đã hết thời hiệu xử lý nên chỉ bị phê bình.

(Kiến thức gia đình số 52)

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Hà Lan tiếp tục hỗ trợ quản lý nước, rủi ro về nước vùng ĐBSCL

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Meike van Ginneken, Đặc phái viên về nước của Hà Lan. 

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.