‘Báu vật’ rừng xanh
Thôn Trăng - Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị những ngày cuối năm! Dòng người trong thôn, cả đàn ông lẫn đàn bà bỏ lại sau lưng bếp lửa hồng, len vào giữa đại ngàn Trường Sơn. Phía xa xa sương khói ấy, sau những con dốc trơn trượt là cả một thế giới đầy hương sắc của núi rừng.
Hương bồ kết như một hoài niệm xa xăm!
Hồ Văn Giỏi cầm trên tay cây sào dài, phía ngọn buộc chặt lưỡi sắt sắc nhọn, xé màn mưa bụi, lầm lũi xuyên vào rừng thẳm. Sau nhiều giờ đồng hồ len lỏi giữa những chằng chịt cây cối ẩm ướt, lên xuống nhiều con dốc, Giỏi và đoàn người ngồi bệt dưới gốc cây cao vút trời xanh nói chuyện tíu tít. Bầu trời xám xịt, rộng lớn ngoài kia như thu lại trong tầm mắt. Lấp ló dưới những tán lá sum suê, cơ man những chùm quả dài, dẹt như quả đậu ván; có quả xanh, có cả quả đã lấm chấm đen.
“Cây bồ kết khi chưa ra hoa kết trái, thân sẽ bám đầy những chùm gai dài, nhọn hoắt như sự thách thức đối với bất kỳ một loài sinh vật nào, kể cả con người. Khoảng 10 năm sau khi nhô lên từ mặt đất, cây đơm hoa, kết trái nhưng vẫn khẳng khiu. Lúc đó, hầu hết những chùm gai nhọn cũng biến mất”, Hồ Văn Giỏi tỏ ra sành sỏi.
Chuyện trò vài phút, nhấp ngụm nước, Giỏi phát lệnh: “Vào việc thôi!”.
Cả nhóm người lập tức đứng dậy. Giỏi bám vào thân cây bồ kết leo lên thoăn thoắt như một nghệ sĩ xiếc tài ba. Đến một nhánh cây to và chắc, Giỏi dừng lại, dùng dây mang theo bên mình, cố định người vào thân cây. Nhận cây sào những người phía dưới trao, Giỏi bắt đầu làm những công việc quen thuộc. Đầu cây sào vươn ra đến đâu, từng chùm bồ kết rơi xuống đến đó trong sự hân hoan của những người phụ nữ cùng đi trong đoàn.
Gặp một cây bồ kết sai quả, nhóm người của Giỏi sẽ mất khoảng hơn 1 giờ để thu hoạch. Thời gian thu hoạch cũng có thể được rút ngắn lại nhưng với người dân thôn Trăng – Tà Puồng, bồ kết là “báu vật” giữa rừng xanh: “Cắt cả cành để lấy quả thì rất nhanh nhưng cây bị tổn thương, những chồi non không kịp già để ra hoa, kết trái cho mùa sau. Vì thế, dân bản chỉ hái quả thôi, không chặt cả cành to đâu”, Giỏi vừa nói vừa phà phà phả ra luồng hơi nóng từ miệng.
Hái bồ kết là công việc không dành cho những người yếu tim. Trong đoàn đi “săn” bồ kết, phụ nữ, người già thường được phân công đứng phía dưới để thu gom quả rơi xuống. Cây bồ kết khi có quả thường sẽ rất cao, cành nhánh giòn, người đi hái phải bám chắc, dùng dây nịt vào thân cây mới có thể yên tâm đứng trên những cây to cao vút. Chưa kể, vào mùa mưa bụi, di chuyển đường rừng khó khăn, vắt và các loại côn trùng lại thường xuyên bám theo.
Đánh thức hương sắc núi rừng Trường Sơn
“Trước đây, các bà, các mệ trong thôn dùng quả bồ kết ngâm vào nước nóng để gội đầu. Hương bồ kết thơm lắm và nuôi những mãi tóc dài óng ả. Nhưng ngày nay, ít người dùng dầu gội từ quả bồ kết vì mất rất nhiều công mới có thể sử dụng. Dân làng đi hái trong rừng về chủ yếu là để bán lấy tiền thôi”, Hồ Văn Giỏi nói với chúng tôi trên đường ra khỏi rừng Trường Sơn.
Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái quả bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái. Những người lớn tuổi thường đi những khu vực gần thôn, nhặt những trái bồ kết rụng hoặc chỉ hái những cây thấp. Mỗi ngày, một người cũng nhặt được vài cân quả tươi.
“Mỗi ngày nhặt được 2-3 kg quả tươi là vui lắm rồi. Cứ 2 kg bồ kết tươi, phơi khô sẽ được 1kg, bán cũng được 90 nghìn đồng, đó là số tiền lớn đối với đồng bào…”, bà Hồ Thị Đần, một người dân thôn Trăng - Tà Puồng nói khi vừa ra khỏi rừng.
Những người trẻ như chị Hồ Thị Mạnh thì lập nhóm vào rừng tìm kiếm cây bồ kết, đánh dấu vị trí, sau đó gọi nhau cùng hái. Các nhóm này thường sẽ có 1 người giỏi leo cây, những người còn lại sẽ chờ dưới gốc để nhặt quả.
“Ngày nào may mắn tìm được nhiều cây hoặc cây to nhiều quả thì mỗi người chia nhau cũng được vài chục cân tươi và ít cũng được chục cân. Cứ như vậy chị em tranh thủ thu hái, phơi khô rồi bán, hết mùa mỗi người cũng được 4- 5 triệu đồng…”, chị Mạnh hồ hởi.
Ở thôn Trăng – Tà Puồng, vợ chồng Hồ Văn Giỏi thường hái được nhiều bồ kết hơn cả. Giỏi nhanh nhẹn, khỏe mạnh, leo cây nhanh thoăn thoắt như con sóc không biết mệt. Đường đi lối lại trong khu vực rừng quanh bản Tà Puồng, không ai rành hơn Giỏi. Cây bồ kết nằm ở đâu, đi đường mất bao lâu, lên xuống bao nhiêu con dốc, quả nhiều hay ít, Giỏi rõ trong lòng bàn tay. Có cây nhiều quả nhưng cành khẳng khiu, cao vút, ít người dám leo lên. Nhưng Giỏi thì khác, cây nào có quả là Giỏi tìm cách hái bằng được.
“Cây cao quá thì mình leo chậm thôi, phải thắt dây đai vào cành thật chắc chắn, cẩn thận rồi mới hái quả. Bồ kết năm nay được mùa hơn mấy năm trước nên mới đầu mùa nhưng nhà nào trong bản cũng hái được nhiều. Vợ chồng mình sáng nào cũng vào rừng hái bồ kết, bán lấy tiền trang trải cuộc sống và lo cho con ăn học”, Giỏi bộc bạch.
Bồ kết đưa từ rừng Trường Sơn về được đồng bào thôn Trăng – Tà Puồng phơi khô. Ngày nào thương lái cũng chạy xe máy tới từng nhà để hỏi mua. Mùa bồ kết chỉ diễn ra trong vòng 1-2 tháng cuối năm nhưng cũng đem về thêm một món thu nhập kha khá cho nhiều hộ đồng bào. Quả bồ kết khô tại huyện Hướng Hóa hiện nay chủ yếu được Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị (Công ty Nhiên Thảo) thu mua về làm nguyên liệu.
Chính hương thơm quyến rũ và những điều đặc biệt kết tinh từ trái bồ kết đã thôi thúc bà Trần Thị Dung, Giám đốc Công ty Nhiên Thảo quyết tâm biến nó trở thành một sản vật của vùng đất này. Quả bồ kết sau khi sơ chế sẽ được chiết xuất thành sản phẩm dầu gội thảo dược, nụ thảo dược đuổi muỗi… Ngoài ra, Công ty Nhiên Thảo còn thu mua quả bồ hòn chiết xuất nước lau sàn; sả, hương nhu, bưởi, thảo dược… đã tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích đưa đến những khách hàng sành điệu khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Bồ kết là cây bản địa khu vực rừng nguyên sinh bao quanh thôn Trăng- Tà Puồng. Quả bồ kết đem về bán có tiền mua gạo nên giờ đây, không chỉ khai thác quả và bảo vệ nghiêm ngặt, người dân thôn Trăng – Tà Puồng còn trồng dặm cây con vào dưới tán rừng. Tiên phong trong hoạt động này là 22 thành viên trong Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Trăng - Tà Puồng do Hồ Văn Giỏi làm tổ trưởng.