| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp phát triển hệ sinh thái sầu riêng

Chủ Nhật 01/09/2024 , 18:02 (GMT+7)

Thủ phủ sầu riêng Krông Pắc (Đắk Lắk) đối diện nhiều thách thức đã được các nhà quản lý, chuyên gia góp ý để phát triển bền vững.

Sáng 1/9, UBND huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) tổ chức hội thảo xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững huyện Krông Pắc năm 2024. Hội thảo có sự tham gia của khoảng 600 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương, các đại sứ quán nước ngoài, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp thu mua sầu riêng xuất khẩu trong và ngoài nước.

Huyện Krông Pắc có diện tích sầu riêng đứng đầu tỉnh Đắk Lắk, với khoảng 8.000ha, trong đó hơn 4.000ha kinh doanh; năng suất đạt 24 tấn/ha, đặc biệt có những vườn sầu riêng trồng lâu năm cho năng suất rất cao, đạt 35 tấn/ha.
Số diện tích sầu riêng đã được đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP đạt 902ha; có 37 mã vùng trồng, với 2.015ha; 18 cơ sở đóng gói được cấp mã. Đây là một trong những lợi thế rất lớn để sản phẩm sầu riêng xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắc phát biểu khai mại hội thảo. Ảnh: Quang Yên.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắc phát biểu khai mại hội thảo. Ảnh: Quang Yên.

Tuy nhiên, ngành hàng sầu riêng của huyện Krông Pắc đang đối mặt với khó khăn, thách thức, đó là: vùng nguyên liệu chưa tập trung, chủ yếu trồng xen với cà phê; quy mô sản xuất còn nhỏ; vùng trồng được cấp mã còn ít; ứng dụng công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch phát triển chưa nhiều, chất lượng chưa đồng đều; liên kết chỗi giá trị còn lỏng lẻo, kết cấu hạ tầng sản xuất thiếu đồng bộ… Đây là những điểm nghẽn khiến ngành hàng thiếu tính bền vững.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng với điều kiện tự nhiên đặc thù, sầu riêng ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã mở rộng và kéo dài thời gian thu hoạch sầu riêng của Việt Nam, tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn của sầu riêng Việt Nam so với Thái Lan và các nước trong khu vực. Song, do trước đây sầu riêng chỉ là cây trồng xen trong vườn cà phê nên nhà vườn chưa quan tâm đầu tư đến kỹ thuật chăm sóc để sầu riêng đạt năng suất và chất lượng cao.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng đang gây ra những hiện tượng thời tiết bất thường, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng trái sầu riêng, như: cây ra hoa không tập trung, ra hoa nhiều đợt, bệnh hại sầu riêng lại phát triển mạnh, rất khó phòng trị…

Trước thực trạng trên, các bộ, ngành, chuyên gia đã có nhiều chia sẻ về vấn đề phát triển sầu riêng bền vững tại Đắk Lắk và các giải pháp kỹ thuật sản xuất sầu riêng bền vững; công tác quản lý chất lượng trái sầu riêng trong quá trình sản xuất và thu hoạch.

Đại diện Công ty Corteva Agriscience Việt Nam trình bày về giải pháp phát triển cây sầu riêng. Ảnh: Quang Yên.

Đại diện Công ty Corteva Agriscience Việt Nam trình bày về giải pháp phát triển cây sầu riêng. Ảnh: Quang Yên.

Tại hội thảo, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng hệ sinh thái sầu riêng bền vững cũng được nhiều ý kiến quan tâm, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) nhằm tăng hiệu quả canh tác với cây sầu riêng…

Ông Đặng Văn Bảo, Tổng Giám đốc Công ty Corteva Agriscience Việt Nam cho biết, sầu riêng hiện đang là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng việc phát triển ngành hàng sầu riêng hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Theo ông Bảo, Công ty Corteva Agriscience rất tán đồng với tầm nhìn của huyện Krông Pắc về việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững và mong muốn được góp sức tạo nên cơ hội, môi trường để “4 nhà” cùng chung tay giải bài toán phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Công ty Corteva ra mắt Bộ giải pháp CORTEVATM trong canh tác cây sầu riêng bền vững. Ảnh: Quang Yên.

Công ty Corteva ra mắt Bộ giải pháp CORTEVATM trong canh tác cây sầu riêng bền vững. Ảnh: Quang Yên.

“Đối với cây sầu riêng, Corteva Agriscience đã phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng tiến hành nhiều khảo nghiệm bộ giải pháp bảo vệ thực vật để chứng minh những hiệu quả rõ nét trong phòng trừ các bệnh do nấm, các loại côn trùng chích hút kháng thuốc và khó trị như rầy, rệp sáp…

Công ty Corteva sẽ tiếp tục giới thiệu đến nông dân Việt Nam các giải pháp quản lý tuyến trùng cũng như các sản phẩm điều hòa sinh trưởng. Các sản phẩm và giải pháp của Corteva Agriscience không chỉ đáp ứng nhu cầu của nông dân với mục tiêu tối ưu năng suất, mà còn thân thiện với môi trường và thiên địch, giữ gìn hệ sinh thái sầu riêng phát triển bền vững”, ông Bảo thông tin.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi thì ngành hàng sầu riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn.

Theo ông Văn, điều quan trọng nhất là sớm nhận diện đầy đủ những tiềm năng, cơ hội, đan xen với những khó khăn, thách thức, kịp thời khắc phục những hạn chế dựa trên tầm nhìn chiến lược và các giải pháp đồng bộ về phát triển ngành hàng sầu riêng hiệu quả bền vững.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk và Ban tổ chức trao quả sầu riêng Dona cho doanh nghiệp trúng đấu giá. Ảnh: Quang Yên.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk và Ban tổ chức trao quả sầu riêng Dona cho doanh nghiệp trúng đấu giá. Ảnh: Quang Yên.

Tại hội thảo, các nhà quản lý của Trung ương và địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, HTX cùng nhau chia sẻ thông tin về hệ sinh thái ngành hàng sầu riêng, gồm các định hướng và chính sách của nhà nước; các quy định của thị trường nhập khẩu; các giải pháp về công nghệ tiên tiến, kỹ thuật canh tác bền vững; các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của các thị trường nhập khẩu... Địa phương mong muốn thông qua hội thảo, các bộ, ngành cùng địa phương cùng nhau xây dựng những giải pháp, chiến lược thực tiễn nhằm phát triển ngành hàng sầu riêng thật bền vững.

Ba "nữ hoàng sầu riêng" gồm “Nữ hoàng sầu riêng cổ”, “Nữ hoàng sầu riêng Dona” và “Nữ hoàng sầu riêng Ri6”. Đây là 3 trái sầu riêng đẹp nhất, chất lượng nhất được chọn từ 32 vườn sầu riêng tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk để đem ra đấu giá.

Tại phiên đấu giá, các doanh nghiệp đã chốt giá thành công ở mức từ 350 triệu đến 1,4 tỷ đồng. Trong đó, nữ hoàng sầu riêng Ri6 được mua với giá cao nhất là 1,4 tỷ đồng; 900 triệu đồng cho “Nữ hoàng sầu riêng Dona” và 350 triệu đồng cho “Nữ hoàng sầu riêng cổ”.

Ban tổ chức cho biết, những người trúng đấu giá sẽ nhận được quả sầu tươi để về thưởng thức và thêm quả sầu riêng mạ vàng 24k trị giá 50 triệu đồng làm kỷ niệm. Tiền trúng đấu giá sẽ phục vụ công tác an sinh xã hội và tái đầu tư cho người nông dân trồng sầu riêng.

Xem thêm
Kinh tế xã hội 11 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng

Chiều 7/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.