Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc theo nghi lễ cổ truyền nhằm thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời thể hiện tấm lòng tôn kính, biết ơn sâu sắc của nhân dân đối với thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau nhiều năm, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã đi qua rất nhiều nơi ở miền Nam như Bình Thuận, Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Tiền Giang, Bến Tre... và sang tận Campuchia để truyền bá tư tưởng yêu nước thương dân.
Từ năm 1917, cụ thường lui tới hoạt động, giúp dân bốc thuốc trị bệnh và tuyên truyền lòng yêu nước, chí căm thù giặc xâm lược cho bà con làng Hòa An, Cao Lãnh (Đồng Tháp). Cụ mất ngày 27/10/1929 (âm lịch).
Tại lễ giỗ, đại diện Ban quản lý Khu di tích đã tiếp nhận, công nhận cây khế và cây sộp trong Khu di tích là Cây Di sản Việt Nam. Bên cạnh đó, Khu di tích còn đón nhận xác lập kỷ lục Việt Nam 2 tác phẩm điêu khắc nghệ thuật từ gốc cây nguyên khối lớn nhất Việt Nam là tác phẩm hình hoa sen và 12 con giáp; tác phẩm hình trống đồng Đông Sơn và 9 đầu rồng đang được trưng bày tại Khu di tích.
Ngoài ra, tại lễ giỗ, Quỹ học bổng mang tên Nguyễn Sinh Sắc của tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận ủng hộ hơn 2,5 tỷ đồng từ các Mạnh Thường Quân. Quỹ học bổng sau 4 năm thành lập đã quyên góp được hơn 43 tỷ đồng, cấp hơn 17 nghìn học bổng cho các học sinh nghèo khó khăn trong tỉnh tiếp tục đến trường.