| Hotline: 0983.970.780

TP. HCM kiến nghị có 'cơ chế đột phá' để phát triển

Chủ Nhật 16/04/2023 , 14:59 (GMT+7)

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, TP. HCM phát triển tốt thì cả nước sẽ có tác động lan tỏa, TP. HCM khó khăn thì cả nước sẽ có những khó khăn bị ảnh hưởng.

Thường trực Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Ảnh: VGP.

Thường trực Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Ảnh: VGP.

Tìm giải pháp tốt nhất

Ngày 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của TP. HCM trên tất cả các lĩnh vực đối với cả nước. Do vậy, thời gian qua, Chính phủ thường xuyên có các buổi làm việc với Thành phố để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy TP. HCM phát triển.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, buổi làm việc lần này nhằm đánh giá lại tình hình kinh tế - xã hội TP. HCM trong quý 1/2023, đặc biệt tìm ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể sát với tình hình TP. HCM. Trên cơ sở đó, Chính phủ cùng với TP. HCM thực hiện, nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tình hình thế giới, khu vực, nhất là các nước chống lạm phát, kinh tế đang trên đà suy giảm cũng ảnh hưởng, tác động đến tình hình kinh tế trong nước.

Thủ tướng cũng cho rằng, các vấn đề nội tại nền kinh tế Việt Nam cũng có những điểm yếu, những khó khăn vướng mắc trong đại dịch Covid-19 bộc lộ sâu sắc. Ngoài ra, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt làm giá nguyên liệu đầu vào, nhất là xăng dầu, tác động đến đầu vào sản xuất.

Ngoài ra, sau khi Trung Quốc mở cửa thị trường tạo nhiều thuận lợi cho hàng hoá Việt Nam, tuy nhiên cạnh tranh về thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn.

"Cần phân tích kỹ yếu tố khách quan, chủ quan những yếu tố tác động trên để có giải pháp khắc phục. Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình, kịp thời, chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta sẽ tìm ra những giải pháp tốt nhất để cùng TP. HCM làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. Ảnh: TTBC TP. HCM.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta sẽ tìm ra những giải pháp tốt nhất để cùng TP. HCM làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. Ảnh: TTBC TP. HCM.

"Chúng ta sẽ tìm ra những giải pháp tốt nhất để cùng TP. HCM làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. TP. HCM là đầu tàu kinh tế lớn của cả nước, kể cả đóng góp GRDP, thu ngân sách... Ảnh hưởng tác động của TP. HCM là rất lớn. TP. HCM phát triển tốt thì cả nước sẽ có tác động lan tỏa, nếu TP. HCM khó khăn thì cả nước sẽ có những khó khăn bị ảnh hưởng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Hàng loạt kiến nghị 

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Tổ Công tác của Chính phủ cùng TP. HCM nghiên cứu việc tái cơ cấu nền kinh tế, xác định động lực, cơ chế đột phá để TP. HCM phát triển nhằm thực hiện đúng vai trò theo Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

TP. HCM cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm cho ý kiến về phương án sử dụng đất doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa cũng như doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa chuyển mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tổ công tác tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản.

Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đưa ra hàng loạt kiến nghị để TP. HCM phát triển.  Ảnh: TTBC TP. HCM.

Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đưa ra hàng loạt kiến nghị để TP. HCM phát triển.  Ảnh: TTBC TP. HCM.

TP. HCM cũng kiến nghị bố trí vốn cho ba bệnh viện cửa ngõ (Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức) từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương 2022.

Cùng với đó, quan tâm chỉ đạo triển khai sớm các dự án giao thông trọng điểm của vùng, liên vùng. Cụ thể đó là dự án Cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, dự án đầu tư hoàn chỉnh cao tốc TP. HCM - Trung Lương, dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, dự án Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu 1 - Chơn Thành. Các dự án đường sắt: Dự án đường sắt TP. HCM - Cần Thơ, dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, ga đường sắt Thủ Thiêm, ga đường sắt Bình Triệu, các dự án đường sắt đô thị và đặc biệt quan tâm bố trí vốn đầu tư trang thiết bị cho 3 bệnh viện cửa ngõ của TP. HCM.

Ngoài ra, TP. HCM kiến nghị Thủ tướng giao cho các địa phương có dự án đi qua chủ động lập dự án. Các địa phương có dự án đi qua đã họp thống nhất tiến độ nhưng phải có cơ quan đầu mối điều phối thúc đẩy. Vì vậy, Bộ GT-VT cần theo dõi đôn đốc để làm sao dự án đường Vành đai 4 được đầu tư đồng bộ.

Chủ tịch UBND TP. HCM cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép TP. HCM thí điểm thực hiện cấp giấy phép lao động điện tử cho người lao động nước ngoài để phù hợp với chủ trương của chuyển đổi số. Đồng thời, có cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án điện mặt trời mái nhà; chủ động quyết định giá cụ thể của sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi.

Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét sửa đổi bổ sung các văn bản như Nghị định 152 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, tuyển dụng quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Quyết định 46 của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp đào tạo dưới 3 tháng theo mức tăng mức hỗ trợ; 

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất.

TP. HCM kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc UBND TP. HCM giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, cho chủ trương để TP. HCM phối hợp với các bộ ngành Trung ương sắp xếp lại các cơ sở nhà đất trên địa bàn TP. HCM.

Trước đó, chiều 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi thực địa, nghe báo cáo về dự án xây dựng nút giao thông An Phú, khảo sát dự án xây dựng Tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) và dự lễ khánh thành Bệnh viện Ung bướu TP. HCM (cơ sở 2), khảo sát, nghe báo cáo và kiến nghị về dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn.

Xem thêm
Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khởi động dự án nhà ở xã hội đầu tiên trong năm 2024 tại Đồng Nai

Đồng Nai Ngày 21/5, tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa (Đồng Nai) diễn ra Lễ khởi động dự án xây dựng nhà ở xã hội, do Công ty CP Chương Dương Homeland tổ chức.

Những kiếp người sống chui: [Bài 1] Phận đời trôi nổi ven sông

'Ba không' - không điện, không nước, không định danh - là cuộc sống suốt gần 40 năm qua của người dân xóm ngụ cư ven sông Hồng, hay còn gọi là 'xóm Phao'.