Số người nhận bảo hiểm thất nghiệp giảm
Là thành phố lớn nhất nước, TP.HCM luôn tập hợp đông đảo lực lượng lao động từ các tỉnh/thành về lao động và làm việc. Vì vậy, để đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, UBND TP.HCM chỉ đạo UBND các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức cùng các sở, ban ngành, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM và các doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp vượt qua khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, đơn hàng quốc tế đứt gãy, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nhanh…
Để hỗ trợ người lao động dễ dàng tìm kiếm việc làm, dưới sự chỉ đạo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã có những giải pháp để kịp thời hỗ trợ người lao động hiệu quả.
Bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM cho biết, với chức năng và nhiệm vụ của mình, Trung tâm và 6 chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp tại quận 4, quận 6, quận 12, quận Tân Bình, huyện Củ Chi và Thành phố Thủ Đức đã tư vấn, giới thiệu việc làm hoàn toàn miễn phí trực tiếp cho người lao động trên địa bàn TP.HCM.
“Đây là nơi để người lao động nói chung và những người lao động vừa bị mất việc hoặc đã nhận được thông báo sẽ cắt giảm nói riêng nhanh chóng kết nối với doanh nghiệp tuyển dụng, tìm được việc làm phù hợp”, bà Kiều Phượng cho hay.
Bên cạnh đó, thông qua việc giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm phát hiện các trường hợp doanh nghiệp có lượng lao động nghỉ việc nhiều và có báo cáo kịp thời cho lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cũng như phối hợp với các đơn vị như Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động TP.HCM thành lập tổ giải quyết nhanh, mời gọi doanh nghiệp tuyển dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động mất việc.
Theo ông Lê Minh Phụng, Trưởng phòng Bảo hiểm Thất nghiệp thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, năm 2022, số lượng người lao động nộp hồ sơ là 150.721 người, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 146.285 người, số người đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 145.275 người, số lượt người đến thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng là 578.262 lượt người.
Trong quý I/2023, số lượng người lao động nộp hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp là 30.317 người, giảm 7% so với cùng kỳ quý I/2022; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 29.853 người; số người đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 27.411 người; số lượt người đến thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng là 149.242 lượt người.
Để tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tự nguyên, theo bà Kiều Phượng, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị truyền thông tuyên truyền chính sách cho người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn. Đồng thời, Trung tâm đã phát những nội dung cảnh báo và cần lưu ý về chính sách bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội TP.HCM quý I/2023, UBND TP.HCM đã chỉ đạo UBND quận, huyện và Thành phố Thủ Đức, cũng như các sở, ban ngành tiếp tục thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội. Đồng thời, tăng cường các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, trong đó đẩy mạnh tần suất, nâng cao chất lượng hoạt động của các sàn giao dịch việc làm để kết nối thành công cung - cầu về số lượng và chất lượng.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu tập trung triển khai các nội dung như: Hoàn thành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng; kế hoạch tổ chức hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; chính sách giảm lãi suất vay vốn để sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tự tạo việc làm cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn Quỹ Xóa đói giảm nghèo từ năm 2022 đến năm 2025; chính sách miễn lãi suất vay vốn để kinh doanh, dịch vụ, tự tạo việc làm cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên diện hưởng chính sách người có công từ năm 2022 đến năm 2025.
73.000 chỗ làm việc mới trong quý II/2023
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, để đánh giá về tình hình lao động trong doanh nghiệp, Sở đã triển khai và có kết quả khảo sát tại 3.917 doanh nghiệp, trong đó tỉ lệ doanh nghiệp có giảm lao động chiếm 31% (số lao động giảm là 19.524 người), trong khi số doanh nghiệp tăng lao động chiếm 18% với 5.239 lao động.
Theo nhận định của doanh nghiệp về tình hình lao động trong quý II/2023: Có 71,78% doanh nghiệp sẽ cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định lực lượng lao động, 20,95% dự kiến tăng và 7,27% dự kiến giảm với nguyên nhân giảm chủ yếu là thiếu đơn hàng (chiếm 41,05%), không tái kí hợp đồng lao động hết hạn (chiếm 46,14%) và một số lí do khác.
Theo tính toán của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, dự kiến quý II/2023, nhu cầu nhân lực của TP.HCM cần khoảng 67.000 - 73.000 chỗ làm việc. Trong đó nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu là 14.000 - 15.000 chỗ làm việc, chiếm 21% tổng nhu cầu nhân lực; nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu cần 38.800 - 42.300 chỗ làm việc, chiếm 58%.
Bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng cũng đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và thông thạo ngoại ngữ.
“Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố tổ chức 25 phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, tư vấn giới thiệu việc làm cho 41.163 lượt người; tư vấn và hỗ trợ cho 157 người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, chuyển đổi việc làm. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên của Thành Đoàn cũng tham gia triển khai các chương trình tiếp sức người lao động”, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương bình và Xã hội TP.HCM thông tin.
Về định hướng trong thời gian tới, bà Lê Thị Kiều Phượng cho biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức các phiên sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm và các chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời, Trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm trên cơ sở phối hợp với các phòng lao động – thương binh và xã hội tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố cũng như phối hợp, liên kết với các đơn vị và các tỉnh, thành lân cận để tăng cường kết nối việc làm, tư vấn học nghề, xuất khẩu lao động cho người lao động, đặc biệt là các đối tượng yếu thế thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, công an xuất ngũ, lao động là người mãn hạn tù, hoàn thành cai nghiện…
Dự kiến trong quý II/2023, Trung tâm sẽ tổ chức 47 phiên, sàn giao dịch việc làm, trong đó đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM tổ chức sàn giao dịch việc làm ngành du lịch vào ngày 7/4 tại Công viên 23/9; 3 sàn giao dịch việc làm trực tuyến phối hợp với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ.
Trong khuôn khổ Ngày hội du lịch TP.HCM năm 2023, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố đã tổ chức "Sàn giao dịch việc làm ngành du lịch TP.HCM năm 2023". Qua đó, tăng cường kết nối người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm và các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động ngành nghề du lịch, lữ hành và nhà hàng - khách sạn; đồng thời cung cấp thông tin về nhu cầu việc làm đối với thị trường lao động ngành du lịch trên địa bàn TP.HCM.
Theo Ban tổ chức, Sàn giao dịch việc làm ngành du lịch TP.HCM dự kiến có sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, bao gồm các doanh nghiệp lữ hành. Sàn giao dịch có hơn 1.000 cơ hội việc làm dành cho sinh viên sắp tốt nghiệp cũng như người lao động khi đến tham gia tuyển dụng với các vị trí như trưởng phòng bán hàng, truyền thông; điều hành tour; chăm sóc khách hàng, hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên, lễ tân, buồng, phục vụ bàn, phụ bếp… Ngoài ra, còn có 34 trường nghề, hơn 1.000 sinh viên và 400 lao động của ngành du lịch tham dự.