Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022; triển khai nhiệm vụ tháng 3 năm 2022 của UBND TP.HCM chiều 4/3, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho biết, trong những tháng đầu năm 2022, TP.HCM có được một số dự án triển khai, có số thu từ tiền sử dụng đất và thuê đất tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Thị trường đất đai, bất động sản có những phát triển lại từ những ngày đầu năm dẫn tới thuế thu nhập cá nhân từ việc chuyển bất động sản trong dân có sự tăng trưởng khá cao.
Tuy nhiên, theo ông Minh, đối với 4 lô đất bán đấu giá tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện TP.HCM chịu nhiều áp lực từ Trung ương đó là xem xét khả năng tài chính của các doanh nghiệp tham gia đấu giá đất như thế nào. "Cục Thuế nhận được thông tin từ các doanh nghiệp, hiện có 2 lô đất có giá trị lớn nhất tại buổi đấu giá đã xin điều chỉnh kết quả. Còn lại hai lô đất với giá trị khoảng gần 8.000 tỉ đồng, các doanh nghiệp vẫn chưa nộp thêm phần tiền theo quy định, ngoài phần đã đặt cọc".
Theo ông Minh, hiện nay, Cục thuế TP.HCM đang áp dụng các giải pháp để xử lý, tuy nhiên ông cho rằng, trong vấn đề này, TP cần gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc thực thi kết quả đấu giá đợt vừa qua. Đồng thời, từ cuộc đối thoại này có những thông tin để Cục thuế TP.HCM có thể trả lời thêm với các cơ quan báo chí đang theo dõi tiến độ của vụ việc bán đấu giá này.
Trong thời gian tới, ông Minh cho biết, Cục thuế TP.HCM sẽ tiếp tục cùng với các cơ quan ban ngành đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ, trước mắt trong vòng dưới 90 ngày Cục thuế TP.HCM sẽ có thư nhắc nhở
“Nếu quá 90 ngày không thực hiện thì cơ quan thuế sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Trong đó có các biện pháp cưỡng chế từng cấp độ, biện pháp cao nhất là đề nghị không thực hiện dự án, và sẽ yêu cầu thu hồi dự án”, Cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho hay.
Về việc đấu giá đấu thầu các lô đất, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu Cục thuế TP.HCM tiếp tục theo các quy định của pháp luật về hợp đồng, cũng như các cơ quan chức năng có những động thái phù hợp. "Theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy TP.HCM, chúng tôi sẽ ngồi lại, gặp gỡ các đơn vị tham gia, để có các giải pháp đề xuất kế hoạch sắp tới như thế nào", ông Mãi nói.
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Mãi, trước mắt Thành phố sẽ tính toán lại để việc đấu giá, đấu thầu dự án trên tinh thần lợi ích tổng thể. "Để làm sao phù hợp với quy hoạch, công năng của khu. Không chỉ thu tiền qua đấu giá, mà thu được số tiền đầu tư vào để phát triển công trình đó, để từ công trình đó góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM", ông Mãi nói.
Trước đó, ngày 28/1, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt đã có văn bản chính thức xin không tiếp tục thực hiện dự án và bỏ cọc lô đất 3-12 (diện tích 10.059,7m2). Lô đất này có giá khởi điểm là 2.942 tỉ đồng, giá trúng thầu là 24.500 tỉ đồng và tiền cọc đã đóng là hơn 588 tỉ đồng.
Ngày 8/2, Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh có văn bản xin không tiếp tục thực hiện dự án ở lô đất 3-9 (diện tích 5.009,1m2). Lô đất này có giá khởi điểm là hơn 728,6 tỉ đồng, giá trúng thầu là 5.026 tỉ đồng, tiền cọc đã đóng là hơn 145 tỉ đồng.
Còn lại 2 lô đất do Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446m2) với giá 3.820 tỉ đồng (giá khởi điểm 578 tỉ đồng, đã đóng cọc là 115 tỉ đồng) và Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2) với giá 4.000 tỉ đồng (giá khởi điểm là hơn 1.018 tỉ đồng, số tiền cọc đã đóng là hơn 203 tỉ đồng).