| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM gia tăng số xã, phường 'nguy cơ cao' về Covid-19

Thứ Hai 08/11/2021 , 18:09 (GMT+7)

Ngày 1/11 TP.HCM chỉ có 4 phường, xã, thị trấn ở cấp độ 3, nhưng nay đã tăng lên 13 xã, phường, thị trấn có cấp độ dịch Covid-19 màu cam (nguy cơ cao).

Xã Phước Kiển đánh giá "nhầm" cấp độ dịch

Tại cuộc họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM chiều 8/11, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đánh giá tình hình dịch bệnh trong tuần qua, số ca mắc mới trong tuần giảm hơn 500 ca Covid-19.

Hiện trên địa bàn TP.HCM đang ở cấp độ 2 của dịch Covid-19. Có 7 địa phương cấp độ 2; riêng Nhà Bè và Cần Giờ cấp độ 2. Riêng xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè đánh giá ở cấp độ 4 dịch Covid-19, bác sĩ Nam cho rằng, huyện đánh giá "nhầm".

“Sở Y tế TP.HCM đã thành lập 4 đoàn công tác xuống kiểm tra đánh giá tại Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè ngày 7/11. Riêng tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè đánh giá nhầm số liệu, thực chất là cấp độ 3 do địa phương tính dân số trên xã là hơn 31.000, tuy nhiên thực tế có 60.269 người sinh sống tại đây”, bác sĩ Nam lý giải.

Lý giải về việc số ca mắc Covid-19 tại huyện Nhà Bè, Cần Giờ có xu hướng gia tăng, bác sĩ Nam cho biết, do huyện Nhà Bè có hai khu công nghiệp gồm Hiệp Phước, Long Hậu. Khi các doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm công nhân và phát hiện có nhiều ca dương tính. Trong khi đó, khu công nghiệp tại đây chưa tổ chức cách ly tập trung cho công nhân, do đó người lao động được hướng dẫn về cách ly tại địa phương. Nhóm người dân sống ở Lý Nhơn, Cần Giờ cũng đi làm việc tại Khu Công nghiệp Long Hậu và cũng đã phát hiện các ca dương tính.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho hay, so sánh ở tuần trước, ngày 1/11, khi TP công bố cấp độ dịch chỉ có 4 địa phương phường xã, thị trấn ở cấp độ 3. Tuy nhiên đến nay, địa phương cấp độ 3 đến 13 xã, phường, thị trấn, vì vậy người dân vẫn hết sức lưu ý, thực hiện đúng nguyên tắc 5K cũng như tuân thủ các biện pháp, nguyên tắc phòng dịch Covid-19.

Xét nghiệm định kỳ ngẫu nhiên nhóm nguy cơ

Để kiểm soát số ca mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng, bác sĩ Nam cho hay, hiện nay trên toàn Thành phố đang tổ chức giám sát phát hiện kịp thời F0 và xử lý dịch bệnh phù hợp, không để dịch bệnh lan rộng, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Tại các khu dân cư, TP.HCM đang tổ chức xét nghiệm giám sát định kỳ ngẫu nhiên đối với các khu nguy cơ như chợ, bến xe, siêu thị, cơ sở bảo trợ xã hội và các nhóm nguy cơ khác. Đồng thời, xét nghiệm tại các hộ gia đình trong khu vực cần điều tra dịch tễ theo quy trình xử lý F0 tại cộng đồng. Tại các cơ sở sản xuất kinh doanh xét nghiệm, giám sát định kỳ ngẫu nhiên cho người lao động có nguy cơ cao với tần suất phù hợp với từng cấp độ dịch.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: T.N.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: T.N.

Về lập trạm y tế lưu động trong bối cảnh hiện nay, ông Nam cho biết, khi tình hình căng thẳng, TP lập gần 550 trạm y tế lưu động với sự hỗ trợ của các lực lượng phối hợp với 312 trạm y tế phường, xã đã giúp chăm sóc F0 cách ly tại nhà từ việc theo dõi, hỏi thăm sức khỏe qua điện thoại, cấp phát túi thuốc A, B, C giúp người dân an tâm hơn trong công tác điều trị.

Hiện nay, số F0 có giảm, nhưng việc duy trì trạm y tế lưu động vẫn hết sức cần thiết. Với địa phương có số F0 cao thì vẫn phải duy trì trạm y tế này, làm sao mỗi trạm có thể chăm sóc 50-100 F0.

“Tuần vừa rồi, Sở Y tế đã huy động 40 trạm y tế lưu động tại Hóc Môn. Còn huyện Nhà Bè đang cách ly 772 F0 mà chỉ có 7 trạm y tế lưu động. Như vậy, huyện Nhà Bè phải thành lập ít nhất 15 trạm y tế lưu động để chăm sóc F0 tại nhà. Việc lập trạm y tế lưu động là rất hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, bác sĩ Nam thông tin.

Về gói thuốc phát cho các F0, ông Nam cho biết, số lượng thuốc A-B có 264.500 túi, đã cấp cho các TTYT quận huyện là 213.076 túi; về túi thuốc C TP.HCM được Bộ Y tế cấp 50.000 túi và đã cấp xuống cho F0 là 28.583 túi. “Trong thời gian tới, tùy theo tình hình dịch bệnh TP sẽ mua sắm thêm 100.000 túi A-B. Và đề nghị Bộ Y tế cấp thêm túi thuốc C theo tình hình dịch”, bác sĩ Nam cho hay.

Tiêm ngừa vacxin phòng Covid-19 là cần thiết

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, vừa qua nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiến hành phân tích mẫu bệnh phẩm của 359 bệnh nhân đang điều trị tại đây cho thấy, trong nhóm chưa tiêm ngừa vacxin phòng Covid-19 có 47% người mắc bệnh nặng, 26% mắc bệnh nhẹ; còn trong nhóm có tiêm ngừa có 40% người mắc bệnh nặng, 60% mắc bệnh nhẹ.

Phân tích sâu hơn trong nhóm có tiêm ngừa, nhóm đã tiêm đủ 2 mũi có 12% bệnh nặng và 88% bệnh nhẹ; Còn nhóm mới tiêm 1 mũi vacxin phòng Covid-19 có 49% bệnh nặng, 51% bệnh nhẹ.

Phân tích mối tương quan giữa mức độ bệnh nặng và mũi tiêm ngừa, trong nhóm chưa tiêm ngừa có 52% bệnh nhân cần thở máy xâm lấn, trong đó có một số trường hợp cần chạy ECMO (16% người đã tiêm ngừa 1 mũi; 1 trường hợp phải thở máy xâm lấn; còn những người còn lại phải thở máy HNC, hoặc oxy qua mũi).

“Mặc dù số lượng bệnh nhân nghiên cứu ít, nhưng đây là định hướng rất rõ. Như vậy, với một nghiên cứu ngắn cho thấy, số người đã được tiêm ngừa có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn nhóm chưa được tiêm ngừa, đặc biệt khi tiêm đủ hai mũi đa phần bệnh ở mức độ nhẹ chiếm 88%, ít phải thở máy xâm lấn”, bác sĩ Nam nói.

Theo bác sĩ Nam, từ kết luận này thì việc tiêm ngừa vacxin phòng Covid-19 là hết sức cần thiết. Hiện nay, TP đang tổ chức tiêm vét cho người dân chưa được tiêm mũi 2, mũi 1 cũng như tiêm cho người dân từ các tỉnh thành trở về TP.HCM. “Nếu người dân nào chưa được tiêm thì nhanh chóng liên hệ tiêm ngay”, bác sĩ Nam nói.

Ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19", áp dụng trên toàn quốc. Có 4 cấp độ dịch bệnh, gồm: Cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ. Tương ứng với mỗi cấp độ sẽ có các lĩnh vực được hoạt động hoặc phải hạn chế, tạm dừng.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.