Cao hơn 2.000m so với mực nước biển, Y Tý được xem như một điểm du lịch với những nét đẹp tiềm ẩn, hoang sơ, chưa có nhiều dấu ấn thương mại hóa. Với những người yêu và gắn bó với Tây Bắc, cụ thể là Lào Cai thì Y Tý hiện nay như Sa Pa cách đây vài chục năm, đẹp và yên bình.
Bản làng trên mây
Từ Cột cờ Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt - đến Y Tý là hơn hơn 40km đường đèo núi, ngoằn ngoèo, hiểm trở. Để so sánh, quãng đường đó ở đồng bằng có thể đi chưa hết 1 tiếng. Nhưng hành trình ở vùng đất biên giới này phải đến 3 tiếng nếu suôn sẻ, còn gặp sự cố về đường sá, xe cộ thì có thể 4 - 5 tiếng, thậm chí nằm lại giữa rừng.
Rời Lũng Pô, sau 10km đường tuần biên đã được đổ bê tông khá thuận tiện, các phương tiện 4 bánh buộc phải ngoặt vào đường tắt để nhập vào tỉnh lộ 158. Dù là tỉnh lộ nhưng do ảnh hưởng của lũ sau bão Yagi, mặt đường 158 xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn sạt lở chỉ mới kịp san gạt để đảm bảo giao thông tối thiểu.
Cung đường còn lại để đến với Y Tý thực sự là thử thách đối với những người yêu vẻ đẹp mộc mạc, nguyên bản của vùng đất này. Đường trơn trượt, gập ghềnh khiến chiếc xe nặng cả tấn vẫn bị quăng quật như món đồ chơi và tay lái dù gắn bó nhiều năm với những cung đường Tây Bắc cũng cảm thấy nản lòng.
Thoát được quãng đường xấu, là gặp mây mù. Quanh vùng Y Tý, những tháng cuối năm mây mù che phủ khắp nơi, cả ngày lẫn đêm. Mới non nửa buổi chiều mà xe cộ phải bật hết đèn, dò dẫm trên đường mới đảm bảo an toàn.
Càng về cuối chiều, mây mù tràn xuống mỗi lúc một nhanh và nhiều hơn. Chẳng mấy chốc mà trời đất, cỏ cây như trộn cả vào nhau, chung một màu trắng xám, mờ mịt. Con số trên nhiệt kế đã kéo xuống 7 độ C, rét cắt da cắt thịt. Rảo bước quanh trung tâm xã, đôi giày thể thao không đủ ngăn cái lạnh cứa vào bàn chân, lan dần lên đầu gối.
Lúc này, những sạp hàng bên trong Chợ Y Tý đã vãn người, chỉ còn lác đác vài quán bán đồ ăn vặt, phục vụ đám trẻ tan học về và những du khách phương xa. Giữa chợ, một gian nhà làm nơi bày bán đã được dọn dẹp gọn gàng, vài đứa trẻ lấy khoảng không có được làm nơi đánh cầu lông.
Bên ngoài, sắc xanh của màn đêm bắt đầu xâm chiếm không gian, các cửa hàng đã phải hạ rèm ni lông che phủ bên ngoài để chống gió lạnh và hơi ẩm tấn công. Thi thoảng, vài ánh đèn phá sương vàng vọt phát ra từ đầu ô tô, xe máy như mũi giáo xé toạc màn sương, lừ lừ lướt qua phố.
Với tay múc muôi nước dùng vẫn sôi sùng sục, Trang nói với mấy vị khách miền xuôi đang nóng lòng chờ bát mỳ cứu cánh vì nhỡ bữa: "2 tháng nay chúng em ở đây không thấy mặt trời". Quả thật không ngoa, giai đoạn cuối năm, khu vực trung tâm xã Y Tý phần nhiều bị mây mù che phủ. Kể cả giữa trưa, thì trời cũng chỉ hửng sáng thêm chút ít.
Trang quê ở Tương Dương, miền Tây Nghệ An, cô đi học ở Hà Nội rồi quen chồng là người ở Y Tý rồi theo chồng về quê lập nghiệp, đã hơn 10 năm nay. Sở hữu một quán ăn bình dân mở cửa từ sáng đến đêm đối diện chợ Y Tý, cô nói, mùa đông ở đây nhiệt độ thường xuyên ở dưới 10 độ C, về đêm có khi chỉ còn có 2 - 3 độ.
Những năm rét đậm, ngoài Sa Pa chỉ có băng thì Y Tý đã có tuyết rơi. Theo bà chủ quê Nghệ An này, năm nay cũng rét sớm và sâu, mây mù thì không cần phải kể, cả vùng như sống trong mây. Bằng chứng là cả tuần nay cô làm giá đỗ để phục vụ quán ăn thì không lên nổi mầm, vì rét quá.
"Chiều đã thế này thì đêm chắc chỉ có 3 - 4 độ thôi. Khách sạn, nhà nghỉ ở đây ít lắp điều hòa, nên các anh tìm nhà nào có đệm sưởi mà thuê, chứ chăn bông không đủ ấm đâu", Trang sắp 3 bát mỳ nghi ngút khói xuống bàn rồi đưa ra lời khuyên cho những người khách phương xa.
Đêm xuống, trung tâm Y Tý tràn ngập mây mù, đường phố lập lòe mấy bóng đèn mờ đục, không đủ mạnh để xuyên qua làn sương dày đặc. Tầm nhìn gần như bằng không, những cây thông lúc chiều còn lừng lững, giờ căng mắt cũng chỉ thấy lờ mờ phía gốc. Thứ rõ rệt nhất trước mắt mỗi người, có lẽ là làn khói từ hơi thở, gặp không khí lạnh buốt, ẩm ướt mà sinh ra.
Người Hà Nhì đen
Tập trung nhiều ở các huyện Bát Xát (Lào Cai), Mường Tè (Lai Châu) và Mường Nhé (Điện Biên), người Hà Nhì được chia thành 3 nhóm, gồm Hà Nhì Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí và Hà Nhì đen. Ở Y Tý là không gian của người Hà Nhì đen, trang phục của họ lấy màu đen làm chủ đạo, phối cùng trắng và xanh chàm. 2 nhóm còn lại, quần áo lại sặc sỡ đỏ, hồng, rất dễ phân biệt.
Có thể nói, Y Tý là nơi đậm đặc văn hóa của người Hà Nhì đen. Chỉ cần thoát khỏi khu trung tâm vài trăm mét, mọi dấu ấn của người miền xuôi gần như biến mất. Trong tầm mắt chỉ còn ruộng bậc thang, hàng rào đá, nhà trình tường, quang cảnh vẫn như hàng trăm năm họ sinh sống ở đây.
Cách chợ Y Tý 1km, Choản Thèn là thôn còn lưu giữ được nhiều nét truyền thống nhất của người Hà Nhì đen, cả về kiến trúc lẫn phong tục, văn hóa. Mấy chục nóc nhà của thôn tựa vào núi, nhìn xuống ruộng bậc thang, hòa mình vào thiên nhiên, cây cỏ.
Sớm mùa xuân, dù trời đã hửng lên nhưng nhiệt độ vẫn ngấp nghé mức 8 độ C. Nhưng cái lạnh khủng khiếp của miền núi Tây Bắc dường như bất lực trước kiến trúc nhà trình tường của người Hà Nhì. Nhà được đắp bằng đất, tường dày khoảng 40cm, được thiết kế một lớp hiên bên trong rồi mới đến không gian sinh hoạt, nên cách nhiệt càng tốt hơn.
Nằm ngay đầu thôn, nhà của Nghệ nhân dân gian Ly Hờ Suy thuộc dạng khang trang so với phần còn lại ở Choản Thèn. Căn nhà xây năm 1987, rộng khoảng 40m2, cao 3 tầng, tầng 1 để ở, 2 tầng trên làm kho để lúa, ngô. Bên bếp lửa hồng củi cháy lép bép, nghệ nhân đan lát 73 tuổi đang ngồi sưởi ấm. Phía trên, lớp bồ hóng sau hàng chục năm đã dày và sánh lại như quét nhựa đường vào trần nhà.
"Mùa này, bếp trong nhà người Hà Nhì không bao giờ tắt, vừa sưởi ấm vừa đun nấu. Không nấu cơm thì đun nước, ninh cám cho trâu, cho bò", cụ Suy kể. Bếp của họ được đặt trên một nền đất đắp, cao hơn sàn khoảng 50cm, cùng mặt phẳng với nơi đặt bàn thờ, giường ngủ, tủ thờ... Trên bếp, gác đủ loại tre nứa để đan lát, rồi thịt lợn dự trữ hay những bắp ngô làm giống, tất cả đều ám màu đen bồ hóng.
Trong quan điểm của người Hà Nhì, bếp là nơi quan trọng, người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà - như cụ Suy - được bố trí giường gần bếp nhất, kế đó là giường của vợ, con. Đặc biệt, con dâu và các cháu chỉ được ngủ trong 2 gian chái nhà, không được ở trong gian giữa, có bếp.
Sự phân biệt này còn rõ rệt hơn khi bố chồng đang ngồi trên nền đất cao đặt bếp, giường, tủ... thì con dâu, cháu dâu chỉ có thể đứng hoặc ngồi dưới sàn, không được ngang hàng. Bữa cơm cũng vậy, phong tục của người Hà Nhì là đàn ông ăn riêng, đàn bà con gái ăn riêng, mâm dưới. Nhưng cụ Suy nói bây giờ cũng hài hòa hơn nhiều, không còn phân biệt, quy định nặng nề như trước.
Trong bữa cơm của người Hà Nhì đen, rau cải luộc là món không thể thiếu, họ luộc với nước lã, không nêm nếm, luộc xong chấm với muối trộn ớt để ăn cùng cơm. Ngoài rau thì thịt, cá phụ thuộc vào điều kiện của từng gia đình, từng buổi chợ.
"Một trong những món hấp dẫn nhất ở đây là rau cải xào thịt gác bếp", cháu đích tôn của cụ Suy hào hứng chia sẻ. Còn cụ ông tuổi cổ lai hy thì nói, chỉ khoảng 20 năm nay mới đủ lúa để ăn, còn trước đó người Hà Nhì thường xuyên phải ăn ngô thay cơm.
Đại gia đình 4 thế hệ, 7 nhân khẩu của nhà cụ Suy hiện nay có 2 sào ruộng, mỗi năm trung bình làm 1 vụ, thu thoảng 3 tạ thóc. Năm nay thời tiết bất thuận, thóc lép nhiều nên sản lượng sụt khoảng 1/3, còn 2 tạ. Ngoài lúa, người Hà Nhì đen chủ yếu trồng thêm ngô và sắn.
Đó là trồng trọt, còn chăn nuôi thì chủ yếu là gà, lợn, trâu, bò. Hơn 10 năm trước vào Choản Thèn, người có khi phải chen chân với gia súc, gia cầm vì thói quen nuôi thả của người Hà Nhì đen. Nhưng bây giờ, để giữ gìn vệ sinh và thu hút khách du lịch, vật nuôi trong thôn đã được di chuyển sang khu chăn nuôi tập trung cách xa nơi sinh sống.
Ngày nay, Choản Thèn đã trở thành điểm phải đến của du khách khi ghé Y Tý. Không chỉ vì nhà trình tường nguyên bản hay món cải xào thịt gác bếp hấp dẫn mà còn nhờ vào những nghệ nhân dân gian như cụ Ly Hờ Suy, vẫn duy trì, truyền dạy được nghề truyền thống của cha ông cho con cháu.
"Một cái mâm khi đã có sẵn nguyên liệu đan cũng phải mất 1 tuần", nghệ nhân đan lát duy nhất còn lại ở Y Tý thủng thẳng nói khi đệm thêm củi vào bếp than hồng.
Trước đây, đa phần dụng cụ trong gia đình người Hà Nhì đen như mâm, làn, gùi, rổ... đều đan từ tre, nứa. Bây giờ, có đồ nhựa thay thế thì những sản phẩm đan lát lại được bán cho homestay, bán cho khách du lịch, đem lại nguồn thu nhập khá cho người có tay nghề.
Tinh hoa, văn hóa hàng trăm năm nay của người Hà Nhì đen vì thế vẫn xuôi theo dòng thời gian, ít bị mai một. Họ vẫn còn nhớ về gốc gác của mình, vẫn trao đổi, hỏi han những người họ hàng ở bên kia biên giới dù đã 4 - 5 đời cách biệt. "Bây giờ chúng em nói chuyện với họ hàng bên Trung Quốc bằng phần mềm điện thoại rồi", cháu đích tôn của cụ Suy nói.
Từ Ga Tho Tho đến Tết Nguyên đán
Ở tuổi 73, cụ Ly Hờ Suy không còn nhanh nhẹn nữa, thêm chứng bệnh zona thần kinh đang phát tác, ngoài trời thì rét cắt da cắt thịt nên cả ngày cụ chỉ quanh quẩn bên bếp lửa, chiếc giường và bàn uống nước giữa nhà.
Nhấp nhẹ ngụm trà, đưa mắt một vòng chậm rãi, cụ nói: "Nhà này xây năm 1987. Năm ấy trời đẹp, không mưa, 4 người làm liên tục hơn 1 tháng mới xong được phần đất đắp. Còn hoàn chỉnh phải mất 2 tháng trời".
Trong đời sống của người Hà Nhì, tính cố kết, chia sẻ trong cộng đồng được thể hiện rất rõ rệt. Họ giúp nhau xây nhà rồi mời nhau ăn Tết, công to việc nhỏ gì đều có họ hàng, làng xóm chung tay.
Về lễ Tết, trong năm người Hà Nhì đen ở Y Tý có 2 lễ, 2 Tết. Sớm nhất là lễ Khu Già Già, được tổ chức sau khi hoàn tất việc gieo cấy, thường rơi vào tháng 6 âm lịch. Khi đó, người làng tổ chức mổ trâu, cúng tổ tiên cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Thịt trâu không dùng hết thì treo hết lên bếp để ăn dần.
Độ nửa năm sau là Khù Sự Chà, lễ mừng cơm gạo mới của người Hà Nhì, được tổ chức sau khi đã thu hoạch xong hết lúa, ngô ngoài ruộng. Đây là dịp để người dân cảm tạ tổ tiên đã phù hộ, ban cho một vụ mùa bội thu.
Với Tết, ý nghĩa nhất trong năm đối với người Hà Nhì là Tết truyền thống Ga Tho Tho. Theo phong tục từ xa xưa, Ga Tho Tho là dịp để tổng kết một năm sản xuất nông nghiệp, để các gia đình làm mâm lễ vật dâng tổ tiên, tạ ơn thần linh và cầu mong tổ tiên, các vị thần linh phù hộ cho năm mới mùa màng bội thu, người an, vật thịnh.
Ga Tho Tho không có ngày cố định mà được chọn là ngày Tỵ đầu tiên của tháng 11 âm lịch mỗi năm. Tết kéo dài trong 3 ngày. Đây cũng là Tết mà người Hà Nhì cúng tổ tiên nhiều nhất, cúng cả 3 ngày.
Trong ngày đầu tiên, các gia đình người Hà Nhì thường mổ lợn làm lễ cũng tổ tiên, thần linh. Chủ nhà sẽ lấy tim, gan, thịt lợn để chế biến món ăn dâng cúng. Ngoài thịt lợn, các lễ vật khác là các sản phẩm tự sản xuất như bánh dày, chè gừng, cơm trắng, rượu… Đặc biệt, phần dâng lễ, cúng bái tổ tiên phải do người đàn ông chủ gia đình thực hiện.
"Tết Ga Tho Tho nhà nào có điều kiện thì mổ lợn riêng. Nhà nào kém hơn thì chung hoặc vay thịt, đến Tết Nguyên đán lại trả", cụ Ly Hờ Suy lý giải. Dịp này, người Hà Nhì nghỉ hết công việc, dành trọn 3 ngày để thăm hỏi, liên hoan với họ hàng, làng xóm.
Cuối cùng, muộn nhất, không ý nghĩa như Ga Tho Tho nhưng lại ăn lớn nhất là Tết Nguyên đán của người Kinh. Nếu như Ga Tho Tho nhiều người phải chung lợn thì Tết Nguyên đán nhà nào cũng phải mổ riêng 1 con. Lợn dành cho Tết Nguyên đán được nuôi cả năm, thậm chí hơn năm, khi làm thịt phải trên 1 tạ.
Người Hà Nhì đen ở Y Tý ăn Tết Nguyên đán từ 25 tháng Chạp. Từ ngày đó, mỗi bữa sẽ có một nhà thịt lợn, mời anh em, họ hàng, làng xóm sang ăn cỗ. Cỗ bàn cứ sáng một nhà, chiều một nhà cho đến tận chiều 30 Tết thì dừng, không mổ lợn nữa.
Chuyện cúng bái, làm cơm dâng tổ tiên chỉ diễn ra vào ngày 30 Tết chứ không kéo dài như Tết Ga Tho Tho. Tuy chỉ cúng 1 ngày nhưng việc liên hoan, ăn cỗ thì phải đến mùng 5 tháng Giêng mới tạm dừng.
Đặc biệt, bàn thờ của người Hà Nhì đen rất đơn giản, nói đúng hơn thì trông giống một tủ bát cỡ vừa đặt ở góc nhà, cạnh bếp lửa. Ngày thường, trên mặt bàn thờ không đèn, không ảnh, không cả bát hương mà chỉ có 2 cái thớt.
Khi lễ Tết, 4 chiếc bát được cất trong ngăn tủ bên dưới sẽ được bày lên, tương ứng để đựng cơm, thịt, rượu và nước gừng (thay cho trà của người Kinh) và có thêm hoa quả, bánh trái. 2 cái thớt trên bàn thờ được dùng để thái thịt cúng, không thái bằng thớt dùng hằng ngày.
Tuy đơn sơ, giản dị nhưng tấm lòng thành kính mà người Hà Nhì dành cho tổ tiên là điều không thể nghi ngờ. Dù cho năm nay thóc có lép, lợn có chết vì dịch thì mâm cơm Tết của họ vẫn đề huề, đầy đủ.
Ngoài kia, trời đã hửng, đâu đó góc vườn những đóa hoa xuân đã nở, mận đã thành hình, cặp dẻ "hạnh phúc" ở cuối thôn đã hiện ra. Tất cả như hứa hẹn một năm mới khởi sắc, ấm no cho những người Hà Nhì đen giữa núi rừng Y Tý.