Ngay 21/1, Bộ NN-PTNT đã tổ chức "Hội nghị triển khai công tác chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2025" tại TP.HCM với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ, địa phương trên cả nước.
Hội nghị là hoạt động thiết thực, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn ngành về triển khai thực hiện hiệu quả các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong công tác quản lý chất lượng. Điều này nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến, mở rộng và phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản.
Thời gian qua, Bộ NN-PTNT tập trung vào công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, chế biến gắn với chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP)…
Theo ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong năm 2024, ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu đáng kể. Trong đó, ngành đã hoàn thiện thể chế với 100% kế hoạch đạt được, bao gồm nhiều Nghị định, Chỉ thị và Thông tư giúp tăng cường quản lý ATTP và phát triển thị trường.
Hiện, cả nước đã cấp 8.052 mã số vùng trồng và 1.596 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, có 93 sản phẩm nông lâm thủy sản được xếp hạng thương hiệu quốc gia, tăng 11% so với năm 2022.
Các cơ quan thực hiện giám sát đã tổ chức lấy hơn 36.000 mẫu để giám sát các chỉ tiêu ATTP, phát hiện 660 mẫu vi phạm, chiếm 1,8%. Ngành đã thực hiện thanh tra 26.072 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính 1.705 cơ sở.
Mặc dù vậy, năm 2024, ngành nông nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, và lạm phát tăng cao.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, công tác quản lý chất lượng ATTP trong thời gian tới cần đi vào thực chất, phù hợp với từng vùng miền hơn. Đặc biệt, ngành nông nghiệp nói riêng cần chuyển đổi tư duy quản lý ATTP theo chuỗi giá trị.
“Bây giờ, quản lý theo chuỗi giá trị để kéo tất cả các mắt xích trong chuỗi đều có trách nhiệm về ATTP. Không chỉ các hệ thống siêu thị, cơ quan chức năng mà cả cơ sở sản xuất đến công đoạn sơ chế, chế biến… cùng phải thể hiện trách nhiệm trong đảm bảo ATTP. Tất cả địa phương cũng nên áp dụng theo mô hình này để truy vết, quy trách nhiệm đối với những cơ sở vi phạm”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam lấy ví dụ câu chuyện của TP.HCM kiểm soát rất tốt các cơ sở giết mổ tập trung nhưng lại hơi lúng túng với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, đặc biệt là ở các cơ sở nằm giáp ranh các địa phương khác.
“Đó là bài toán đặt ra cho không chỉ TP.HCM mà còn ở các địa phương khác. Nếu quản lý theo chuỗi, quy trách nhiệm của từng địa phương thì việc quản lý giết mổ tại các cơ sở này cũng trở nên dễ dàng hơn”, Thứ trưởng nói.
Một thực tế đáng buồn là hiện nay, phần lớn các nhà máy chế biến chỉ quan tâm đến máy móc chứ không quan tâm đến ATTP. Đây là một trong những hạn chế và là nút thắt khiến nông sản Việt bị “tắc nghẽn” trước nhiều thị trường tiềm năng.
Theo đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo, phải phát triển chất lượng từ gốc để đi vào đa thị trường. Văn phòng SPS Việt Nam cũng sẽ phải là đầu mối, tham gia cùng các địa phương để cập nhật các quy định mới nhất của các thị trường quốc tế, từ đó mới có những “ứng phó” kịp thời.
Sản phẩm OCOP được các địa phương và người tiêu dùng ưa chuộng. Đây là sản phẩm tuân thủ các yêu cầu chất lượng từ địa phương đến Trung ương. Hiện, có khoảng 15.000 sản phẩm OCOP các loại, mở ra nhiều triển vọng về sản xuất, phát triển kinh tế. Các sản phẩm này được Bộ NN-PTNT xúc tiến thương mại tại các nước châu Âu, Nhật Bản, Dubai…
“Xu hướng đưa sản phẩm OCOP ra thế giới được đón nhận rất tích cực. Nhiều nơi, sản phẩm được ghi nhận "cháy hàng". Do đó, công tác đảm bảo ATTP là vấn đề trọng tâm của ngành nông nghiệp các cấp”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo.