| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM: Khai thác nước ngầm ở hộ dân chưa giảm theo lộ trình

Thứ Hai 09/12/2019 , 20:34 (GMT+7)

Việc khai thác nước ngầm của TP.HCM hiện nay là trên 700.000m3/ngày. Theo phê duyệt của Chính phủ đến năm 2025-2030, TP.HCM chỉ còn khai thác khoảng 100.000m3/ngày.

Khai thác nước ngầm tại các hộ dân chưa có chế tài (Ảnh minh họa).

Tại phiên chất vấn Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng trong kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM Khóa IX, đại biểu Lê Trương Hải Hiếu hỏi: TP đặt mục tiêu năm 2020, 100% người dân được tiếp cận nước sạch, không còn trường hợp khai thác nước ngầm. Sở TN-MT thực hiện như thế nào để đạt mục tiêu? Và hiện nay, trong khu dân cư vẫn còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường, vậy sở có biện pháp, giải pháp để di dời và chế tài như thế nào?

Trước vấn đề đại biểu đặt ra, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, TP xác định không chỉ liên quan đến các vấn đề về môi trường mà các cơ sở còn phải di dời do không còn phù hợp với quy hoạch. Từ năm 2013 - 2016 đã có 114 cơ sở phải di dời và phải xử lý do gây ô nhiễm môi trường.

Cũng theo ông Thắng, hiện còn 5 cơ sở tại khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, Quận 12 chưa xử lý dứt điểm. Hiện nay, Sở TN-MT, các sở ngành và UBND các quận đang thực hiện các giải pháp để cưỡng chế di dời. 

“Năm 2019, sở đã tổ chức kiểm tra 190 cơ sở sản xuất và phát hiện 70 cơ sở có vi phạm về vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải và xử phạt số tiền 15 tỷ đồng. Việc xử phạt này không phải là số tiền lớn, tuy nhiên qua đó để nhắc nhở nếu các cơ sở không chấp hành thì sẽ đình chỉ hoạt động để đảm bảo chất lượng môi trường. 
Thời gian qua, TP đã có kiểm soát trên tất cả trên các lĩnh vực, tuy nhiên, vẫn còn hạn chế, có cả hạn chế trong kiểm tra, có cả hạn chế trong xử phạt”, ông Thắng nhận định.

Còn đại biểu Vũ Thanh Lưu cho rằng, TP đã thay đổi công nghệ xử lý rác, biến rác thành điện năng, nhưng liệu đến năm 2020, TP có đủ khả năng để xử lý 50% lượng rác thải thành điện năng hay không? Và việc đốt rác có khả năng phát sinh khí thải, có làm gia tăng ô nhiễm khí thải?

Đối với phân loại rác của người dân TP, Giám đốc Sở TN-MT cho hay, việc phân loại rác thành 3 loại: hữu cơ, rác tái chế và chất thải còn lại trên thực tế bộc lộ nhiều hạn chế. Thời gian tới cần chuyển đổi phân loại theo 2 hình thức: chất thải có thể tái chế (nhựa, thủy tinh sẽ được thu ngày thứ 7, CN); chất thải còn lại sẽ được thu gom hàng ngày.

Hiện mỗi ngày, TP phải xử lý khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt từ hơn 1 triệu hộ gia đình và trên 134.000 hộ kinh doanh thương mại. Đến nay, TP có 2 nhà máy đốt rác phát điện được khởi công, mỗi nhà máy xử lý với công suất 4.000 tấn. Tới đây, sẽ khởi công thêm một nhà máy công suất trên 500 tấn.

Như vậy, theo lộ trình sẽ đảm bảo để thực hiện được mục tiêu đề ra. Riêng về việc chuyển đổi công nghệ đốt phát điện có trình tự rất chặt chẽ. Quy trình vận hành công nghệ xử lý khí từ các nhà máy này cần kiểm soát tác động môi trường qua việc kiểm tra hành tháng, quý, năm.

Liên quan đến vấn đề nước sạch, giám đốc Sở TN-MT cho hay, việc khai thác nước ngầm của thành phố hiện nay là trên 700.000m3/ngày. Theo phê duyệt của Chính phủ đến năm 2025-2030, TP.HCM chỉ còn khai thác nước ngầm khoảng 100.000m3/ngày. Chính vì vậy, TP đã ban hành kế hoạch và có lộ trình giảm hàng năm.

Năm 2019, TP xây dựng lộ trình giảm 177.000m3, đến thời điểm này hoàn thành 105%, trong đó giảm được ở các doanh nghiệp khu chế xuất công nghiệp, còn hộ dân thì vẫn chưa giảm được theo lộ trình.

“Lộ trình giảm việc khai thác nước ngầm được thực hiện tốt hơn tại khu chế xuất, khu công nghiệp so với ở các hộ dân. Do ở khu dân cư chưa có chế tài mà chủ yếu chỉ vận động, tuyên truyền. Vì vậy, Sở TN-MT kiến nghị, đến cuối năm 2019 bên cạnh vận động, chính sách hỗ trợ cần có chế tài theo lộ trình”, ông Thắng nói.

Xem thêm
Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Sơn La duy trì 12 đơn vị cấp huyện sau sắp xếp

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Sơn La giảm được 4 đơn vị cấp xã...

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.