Tỉnh Bắc Ninh đã phải xây dựng nhiều trạm bơm lấy nguồn nước mới từ sông Đuống, Thái Bình thay thế cho nguồn ô nhiễm thuộc hệ thống sông Ngũ Huyện Khê. Ảnh: NH |
Nước thải sinh hoạt
Báo cáo đánh giá môi trường quốc gia mới đây cho thấy, mức độ ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt đến chất lượng các nguồn tiếp nhận ở khu vực đô thị lớn hơn nhiều so với khu vực nông thôn, tình trạng ô nhiễm nước các kênh mương nội thành khá phổ biến.
Những năm gần đây, chất lượng nước một số ao, hồ, kênh mương khu vực nông thôn cũng đã ghi nhận hiện tượng nước bị ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh.
Đặc trưng của nước thải sinh hoạt có chứa nhiều chất dinh dưỡng, hàm lượng chất rắn lơ lửng TSS, BOD5, Nitơ của các muối Amoni (NH4+), Phosphat, Clorua (Cl-) và chất hoạt động bề mặt.
Ngoài ra, trong nước thải sinh hoạt còn có các thành phần vô cơ, coliform và các vi khuẩn, vi trùng gây bệnh khác. Nước thải sinh hoạt cũng chứa dầu mỡ và các chất hoạt động bề mặt có nguồn gốc phát sinh do sử dụng các chất tẩy rửa trong sinh hoạt.
Nước thải y tế
Nước thải y tế phát sinh từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở nghiên cứu, đào tạo y, dược, cơ sở sản xuất thuốc, trong đó, đáng kể nhất là nước thải bệnh viện.
Tính đến tháng 3/2017, cả nước có trên 13.000 cơ sở y tế, ượng nước thải y tế phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế có giường bệnh khoảng trên 150.000m3/ngày đêm, chưa kể lượng nước thải của các cơ sở y tế thuộc hệ dự phòng, các cơ sở đào tạo y, dược và sản xuất thuốc.
Trong nước thải y tế, ngoài những yếu tố ô nhiễm thông thường như chất rắn lơ lửng, chất hữu cơ, các chất dinh dưỡng, dầu mỡ còn có những chất khoáng và chất hữu cơ đặc thù, các vi khuẩn gây bệnh, chế phẩm thuốc, chất khử trùng, các dung môi hóa học, dư lượng thuốc kháng sinh và có thể có các đồng vị phóng xạ được sử dụng trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh.
Nước thải công nghiệp
Do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều ngành công nghiệp được mở rộng quy mô sản xuất cũng như phạm vi phân bố, cùng với đó là sự gia tăng lượng nước thải gây ra áp lực lớn đối với các nguồn tiếp nhận và đây là nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng tới chất lượng nước tưới tại các công trình thủy lợi.
Một số địa phương có lượng nước thải công nghiệp phát sinh lớn như Tp. Hồ Chí Minh 143.701 m3/ngày đêm, Bình Dương 136.700 m3/ngày đêm, Hà Nội 75.000 m3/ngày đêm, Bắc Ninh 65.000 m3/ngày đêm.
Theo kết quả điều tra, khảo sát năm 2016 của Tổng cục Môi trường cho thấy, lượng nước thải từ các cơ sở sản xuất, nhà máy chiếm khoảng 37% tổng lượng nước thải phát sinh. Trong đó, các cơ sở có quy mô xả thải nhỏ hơn 200m3/ngày đêm chiếm phần lớn, khoảng 65%.
Tính chất nước thải công nghiệp ở mỗi địa phương, mỗi khu vực có sự khác biệt, tùy thuộc vào ngành nghề sản xuất. Việc xả nước thải không qua xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước tại các địa phương.
Nước thải làng nghề
Cùng với sự phát triển mở rộng của các làng nghề truyền thống, môi trường làng nghề đang bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, trong đó nước thải là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.
Nước thải làng nghề cũng là nguyên nhân chính khiến chất lượng nước trong các công trình thủy lợi bị suy giảm, ô nhiễm, điển hình tại các hệ thống Bắc Hưng Hải, Bắc Đuống, Sông Nhuệ.
Nguồn nước thải làng nghề đa phần có xu hướng bị ô nhiễm hữu cơ nặng nề do nước thải từ các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ. Trong khi đó, ô nhiễm chất vô cơ lại chủ yếu tập trung tại các làng nghề dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ và mây tre đan, tái chế giấy. Nước thải có hàm lượng cặn lớn và chứa nhiều chất ô nhiễm như dung môi, dư lượng các chất trong quá trình nhuộm...
Trước thực trạng nguồn nước trong công trình thủy lợi ô nhiễm, suy giảm, Tổng cục Thủy lợi đã xây dựng Đề án tăng cường bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi do Bộ NN-PTNT quản lý. Ảnh: NH |
Nước thải nông nghiệp
Cùng với nước thải công nghiệp và làng nghề, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân bón hóa học bất hợp lý trong sản xuất nông nghiệp cũng là một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi, đặc biệt là tại những địa phương có nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh như ở vùng ĐBSCL.
Trung bình khoảng 20 - 30% thuốc BVTV và phân bón sẽ theo quá trình rửa trôi xâm nhập vào nguồn nước mặt và tích lũy trong đất, nước ngầm dưới dạng dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, ô nhiễm môi trường chăn nuôi tại các vùng nông thôn ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo một số nghiên cứu, tổng lượng nước thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi ước tính lên tới trên 681 triệu m3/ ngày. Nước thải chăn nuôi thường có hàm lượng lớn chất rắn lơ lửng, các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh vật với một số thông số ô nhiễm đặc trưng bao gồm: BOD5, COD, tổng Nitơ và tổng Coliform được quy định rõ trong QCVN 62-MT:2016/BNTMT.
Rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn
Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh từ các nguồn: các hộ gia đình, chợ, nhà kho, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính... Chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn có tỷ lệ khá cao chất hữu cơ, chủ yếu là từ thực phẩm thải, chất thải vườn và phần lớn đều là chất hữu cơ dễ phân hủy (tỷ lệ các thành phần dễ phân hủy chiếm tới 65% trong chất thải sinh hoạt gia đình ở nông thôn).
Ngoài chất thái rắn sinh hoạt nông thôn, hằng năm còn phát sinh lượng lớn chất thải rắn nông nghiệp. Ước tính mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh hơn 14.000 tấn bao bì hóa chất BVTV, phân bón các loại, 76 triệu tấn rơm rạ và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi. Theo ước tính, có khoảng 40 - 70% (tuỳ theo từng vùng) chất thải rắn chăn nuôi được xử lý, số còn lại thải trực tiếp thẳng ra ao, hồ, kênh, rạch... nên đây cũng là một tác nhân gây ô nhiễm nước trogn công trình thủy lợi.
Trạm bơm Lương Tân thuộc hệ thống Thủy lợi Bắc Đuống, Bắc Ninh. Ảnh: NH |
Đề xuất kiến nghị
Để thực hiện hiệu quả “Đề án tăng cường bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi do Bộ NN-PTNT quản lý”, hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái nguồn nước, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng nước trong công trình thủy lợi, tạo nguồn cấp nước ổn định, bền vững, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng nguồn nước, Tổng cục Thủy lợi kiến nghị một số vấn đề sau.
Với Bộ NN-PTNT ưu tiên lồng ghép thực hiện Đề án Bảo vệ chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi với các dự án, chương trình khác liên quan do Bộ quản lý.
Với các địa phương huy động tối đa mọi nguồn lực, chủ động cân đối, bố trí vốn từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác, kết hợp với sự hỗ trợ của Trung ương cho công tác bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi. Vận động, thu hút các nguồn lực đầu tư của các tổ chức, cá nhân và tài trợ quốc tế cho mục đích bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi.
Đề án tăng cường bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi do Bộ NN-TNT quản lý được huy động kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau, dự kiến khoảng 219 tỷ đồng, tập trung vào các nội dung điều tra, kiểm đếm, lắp đạt thiết bị quan trắc nhằm cải thiện chất lượng nước tưới tại một số công trình thủy lợi lớn, trọng điểm của đất nước. |