| Hotline: 0983.970.780

Cạn dòng Mekong: Bài 7 - Thách thức chưa từng có

Thứ Ba 13/08/2019 , 09:09 (GMT+7)

Dòng Mekong đã thay đổi, nguồn tài nguyên nước của hàng trăm triệu cư dân các quốc gia trong lưu vực sông từng sinh sống, hưởng lợi bao đời đang đứng trước những thách thức chưa từng có.

NNVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) - người theo dõi sát sao diễn biến khí hậu, thủy văn vùng ĐBSCL, tham gia mạng lưới sông ngòi Việt Nam về vấn đề trên.

13-05-49_2_pgs_ts_le_nh_tun_trong_mot_chuyen_di_den_dp_cnh_hong_jinghong_tren_song_lngcng-mekong
PGS.TS Lê Anh Tuấn trong chuyến đi đến đập Cảnh Hồng (Jinghong) trên sông Langcang - Mekong.

Tháng 6, tháng 7/2019, đỉnh điểm hạn hán, báo động mực nước khu vực hạ lưu sông Mekong thấp kỷ lục hơn 45 năm qua khiến dân cư vùng Đông Bắc Thái Lan và Lào lên tiếng báo động. Qua dữ liệu thu thập của Viện, ông nhận định như thế nào về diễn biến đáng lo ngại này?

Theo tôi, hiện có 2 nguyên nhân chính cho tình trạng khô hạn năm nay: Một là do thiên tai, hiện tượng El Nino gây thiếu hụt lượng lớn nước mưa trong đầu mùa lũ. Hai là do nhân tai, các đập thủy điện ở Trung Quốc đang tích cực trữ nước trong các hồ chứa và hạn chế tối đa xả xuống hạ lưu và phía Lào đóng đập Xayabury trên dòng chính sông Mekong để thử nghiệm vận hành các tổ máy. Tôi chưa có những chứng cứ rõ sông Mekong đã bị đổi dòng, mặc dù có những báo cáo hoạt động chuyển nước trên sông Mekong ở Vân Nam và vùng Đông Bắc Thái Lan.

Hàng triệu nông dân ở lưu vực sông Mekong bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đối diện thách thức chưa từng có. Qua những chuyến đi khảo sát thực địa từ đầu nguồn và dọc theo sông Mekong, ông nhận xét gì khi các đập thủy điện được xây dựng?

Vấn đề hệ quả tiêu cực thủy điện đến các vùng hạ lựu sông Mekong đã được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước cảnh báo liên tục từ nhiều năm trước. Mặc dù Lào và Thái Lan là các nước hưởng được các mối lợi từ thủy điện nhưng có tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, cư dân quanh lưu vực sông Mekong ở chính quốc gia họ. Vùng hạ lưu ở Campuchia và Việt Nam thì nặng nề và khó khắc phục hơn. Bài học năm 2016 và năm 2019 đã chứng minh điều này. Hạn mặn sẽ là bài toán khó cho sự phát triển bền vững khu vực.

Khái niệm chia sẻ nguồn nước từ các dự án thủy điện cho thấy chưa hài hòa sau những lần tham vấn ý kiến người dân các nước ở vùng hạ lưu sông Mekong. Song, các dự án thủy điện vẫn cứ tiến hành, chặn dòng. Vậy trước lợi ích cục bộ và bất lợi từ thủy điện gây ra, cộng đồng cư dân hạ lưu cần phải làm gì? 

Khái niệm chia sẻ nguồn nước từ những nhà đầu tư dự án thủy điện chỉ trên lý thuyết, mối quan tâm của họ là lợi nhuận từ nguồn điện sản xuất và các ý đồ địa chính trị ẩn phía sau. Hoàn toàn không có những kế hoạch chia sẻ nguồn nước cho canh tác nông nghiệp, thủy sản và sinh thái vùng hạ lưu. Các năm khô hạn và lũ lớn thì càng bộc lộ rõ những bản chất này. 

Việc phản đối các dự án thủy điện phải cần những hoạt động mạnh mẽ hơn, không chỉ những cộng đồng hạ lưu, các tổ chức xã hội dân sự hay một số tiếng nói quốc tế mà phải cần sự cương quyết hơn ở cấp chính phủ và cấp khu vực quốc tế, kể cả giải pháp trả đũa kinh tế.

Đối với chuyện đã rồi như xây đập chặn dòng, tích nước và những dự án thủy điện mới đang triển khai, theo ông có cách nào thuyết phục hơn trong việc chia sẻ tài nguyên nước sông Mekong? 

Theo tôi, cần đánh giá lại vai trò của tổ chức Ủy ban Sông Mekong và nội dung Thỏa thuận Mekong 1995. Các Thỏa thuận Mekong 1995 đã quá lỗi thời và bộc lộ những nhược điểm cho việc chia sẻ nguồn lợi từ tài nguyên nước sông Mekong. Song song đó, cần có những ngăn chặn từ ban đầu và không để tình trạng thêm trầm trọng bằng các biện pháp đấu tranh ngoại giao, chính trị và kinh tế. 

Dù gì thì sự việc đã diễn ra và hậu quả khó tránh khỏi, phía vùng hạ du sông Tiền, sông Hậu ở ĐBSCL hiện tại ra sao?

Đón con nước theo mùa, từ tháng 6, tháng 7 nước sông Mekong đổ về hạ lưu ĐBSCL. Tuy hiện thời thấy lượng nước mặt vẫn còn trên sông Tiền, sông Hậu nhưng theo dõi số liệu thực đo cho thấy mức thấp hơn nhiều so cùng kỳ và dao động theo triều.

Thông tin vận hành chuỗi các đập ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) không rõ ràng như cho biết số liệu lượng nước xả theo từng thời gian. Mực nước đo trên sông Mekong tại Vientiane, Chiang Saen (Lào) và Phnom Penh (Campuchia) thấp kỷ lục so với TBNN. Vì vậy lượng nước thượng nguồn về giảm không còn đủ để đẩy lượng mặn ra. Nước mặn từ biển đưa vào.

13-05-49_1_c_lng_chi_bien_ho_cmpuchi_mc_cn_trong_mu_lu_-_nh_lt
Cả làng chài biển Hồ (Campuchia) mắc cạn trong mùa lũ.
PGS.TS Lê Anh Tuấn: Tác hại của các đập thủy điện trên thượng nguồn mang tính tích lũy lâu dài. Càng nhiều đập thủy điện xây lên, qua thời gian phù sa xuống đồng bằng sẽ ngày càng giảm. Trước đây khi đang xây đập Xayaburi thì họ chưa đóng dòng nước lại, khi xây xong, đóng dòng chảy lại thì nước và phù sa sẽ bị giữ, tác hại sẽ tăng lên.

Độ mặn cao trước mắt ảnh hưởng đến canh tác, các vùng trồng lúa, đến nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân trong vùng. 

Theo dự báo Tổng cục Khí tượng thủy văn - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ sẽ ít có khả năng xảy ra lũ đầu vụ, lũ trễ và mực nước tại Tân Châu và Hồng Ngự thấp hơn so với TBNN. Như vậy nếu lũ thấp và tương lai ĐBSCL không còn mùa lũ nữa hậu quả sẽ như thế nào?

Lũ cực thấp đồng nghĩa phù sa sẽ giảm sút, làm gia tăng sạt lở, sụt lún và đất trồng trọt sẽ nghèo kiệt hơn. Nguồn lợi thủy sản, cá tôm sẽ giảm sút nghiêm trọng. Hơn nữa, lũ cực thấp sẽ gia tăng ô nhiễm nguồn nước mặt trên sông, do các hoạt động sản xuất, sinh hoạt.

Tình trạng nguồn nước bị nhiễm mặn, ô nhiễm tích tụ sẽ tăng nhu cầu khai thác nước ngầm dẫn đến lún sụt đồng bằng thêm nặng nề. Khô hạn sẽ làm gia tăng các vấn đề xã hội cho vùng đồng bằng như di dân, nghèo đói và tệ nạn.

Hệ lụy hạn hán và mực nước sông Mekong thấp kỷ lục như hiện nay, liệu kịch bản cũ hạn và mặn xâm nhập sâu vào vùng ĐBSCL có tái diễn? Chính quyền và người dân vùng ĐBSCL cần có sự chuẩn bị gì để ứng phó trước mắt và về lâu dài như thích ứng trong điều kiện BĐKH?

Theo tôi, với tình hình hiện nay, nguy cơ khô hạn và xâm nhập mặn sẽ diễn ra như năm 2016 và thậm chí nặng nề hơn. Chúng ta phải đối phó trong tình thế bị động. Sản xuất lúa tăng diện tích càng nhiều càng cần lượng nước ngọt nhiều hơn. Trong điều kiện tự nhiên không còn thuận lợi như trước đây, trồng trọt và nuôi thủy sản, trong đó nuôi cá tra sẽ gặp khó khăn hơn, chi phí sản xuất sẽ tăng cao hơn.

Do vậy, cần khuyến cáo người dân giảm diện tích lúa nước không cần thiết, chuyển qua cây trồng cần ít nước, tiết kiệm nước trong canh tác, sử dụng nước mặn và nước lợ để bù mất thu nhập và sinh kế. Khuyến khích và hỗ trợ người dân tích nước mưa, nước ngọt trong ác vùng trũng, lung bàu, ao đìa, kênh mương và kể cả những vật dụng trữ nước trong gia đình như lu kiệu, bể nước...

Xin cám ơn ông!

Theo Bangkok Post công bố bản đồ về các dự án đập dọc sông Mekong cho thấy Trung Quốc đã hoàn thành 10/11 dự án đập. Đoạn sông Mekong tiếp theo chảy qua Lào, Campuchia trước khi vào Việt Nam theo kế hoạch có thêm 9 dự án đập thủy điện, trong đó có 2 dự án đang xây là đập Xayaburi và đập Don Sahong.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.