Trái phiếu doanh nghiệp sau một thời gian tăng trưởng mạnh mẽ, đã có nhiều dấu hiệu chững lại, do bị ảnh hưởng từ sự càn quấy của một số kẻ tham tàn. Khi lực lượng chức năng công bố kết quả điều tra giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát, công chúng mới ngã ngửa trước những thủ đoạn bất lương lẩn khuất xung quanh thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Cụ thể, từ năm 2018 đến năm 2020, bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng pháp nhân của bốn công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là Công ty An Đông, Công ty Quang Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Setra để phát hành 25 mã trái phiếu doanh nghiệp với tổng khối lượng 308 triệu trái phiếu, để lừa bán cho 35 nghìn nhà đầu tư, thu về 30,8 nghìn tỉ đồng.
Toàn bộ trái phiếu doanh nghiệp mà Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tung ra, đều là trái phiếu “khống”, không có tài sản đảm bảo và cũng không nhằm phục vụ các dự án kinh tế để có lợi nhuận trả gốc và lãi cho nhà đầu tư. Vì vậy, trái phiếu doanh nghiệp của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gần như mất khả năng thanh toán.
Để phù phép 25 mã trái phiếu doanh nghiệp và chiêu dụ nhà đầu tư, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Ngân hàng SCB liên minh với Công ty chứng khoán Tân Việt. Dĩ nhiên, ngoài việc hứa hẹn lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm, Ngân hàng SCB và Công ty chứng khoán Tân Việt còn dùng một số thủ thuật mờ ám để che mắt và lừa gạt khách hàng về mức độ tin cậy của đơn vị phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Những nhà đầu tư “sập bẫy” của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, dĩ nhiên không thể nắm rõ hoạt động của Công ty An Đông, Công ty Quang Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Setra. Họ mua trái phiếu doanh nghiệp vì tin tưởng Ngân hàng SBC được mệnh danh “ngân hàng thương mại tốt nhất Việt Nam” và tin tưởng Công ty chứng khoán Tân Việt treo biển hiệu “thành lập từ năm 2006, luôn khẳng định là một trong những định chế tài chính uy tín hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam và khu vực”.
Bây giờ mọi chuyện đã vỡ lở, đừng trách nhà đầu tư nhẹ dạ hay hám lợi. Bởi lẽ, nhà đầu tư không thể biết mánh khóe lắt léo xáo trộn “trái chủ sơ cấp” và “trái chủ thứ cấp”. Hơn nữa, quy trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, dù là “trái phiếu phát hành riêng lẻ” cho nhà đầu tư chuyên nghiệp hay “trái phiếu phát hành đại chúng” dành cho nhà đầu tư bình thường, cũng phải có sự giám sát của các cơ quan chuyên môn. Đáng tiếc, Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước đã không có những cảnh báo và ngăn chặn kịp thời những hành vi gian trá kia.
Từ bài học mà Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đem lại đầy xót xa cho xã hội, đã đến lúc phải nghiêm túc rà soát văn bản pháp lý về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP dù đã có những điều khoản tương đối chặt chẽ, nhưng cũng phải tăng cường biện pháp kiểm tra nhằm minh bạch thị trường, tránh rủi ro tài chính và nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.