| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi như cơn lốc dữ

Thứ Sáu 08/11/2024 , 14:54 (GMT+7)

TÂY NINH Thấm đẫm thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, Tây Ninh đang tăng cường cảnh giác và phòng ngừa để dịch bệnh không làm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi, kinh tế.

Nhiều trại nuôi lợn Tây Ninh 'trắng tay' khi dịch tả lợn châu Phi càn quét năm 2019. Ảnh: Lê Bình.

Nhiều trại nuôi lợn Tây Ninh 'trắng tay' khi dịch tả lợn châu Phi càn quét năm 2019. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Văn Thành (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành) vừa tái đàn lợn cách đây chưa lâu. Lứa lợn này, ông Thành nuôi 35 con để phục vụ thị trường cuối năm. Như mọi năm, lứa lợn này quyết định việc năm nay nhà ông ‘có Tết’ hay không.

Bởi, nếu chăn nuôi suôn sẻ và bán được giá thì Tết này nhà ông Thành còn dư dả, sắm đồ đạc cuối năm. Còn không, Tết sẽ kém vui hơn nhiều. Thực tế đó đã nhiều lần xảy ra với gia đình ông Thành, đặc biệt là năm 2020, khi dịch tả lợn Châu Phi ập đến.

Trang trại nhà ông bị buộc tiêu hủy hết cả 42 con do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn Châu Phi. Từ tiền con giống, thức ăn, thuốc đến nhiều khoản đầu tư đều ‘xuống hố’ chung với đàn lợn. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến cho những người nuôi lợn như ông Thành trở tay không kịp.

“Từ khi lợn xuất hiện triệu chứng bệnh đến khi bị tiêu hủy diễn ra rất nhanh, chúng tôi bất lực không thể làm gì. Nhà nước cũng hỗ trợ nhưng cũng không thấm tháp vào đâu cả. Chúng tôi trắng tay, bị cuốn đi tất cả như trải qua cơn lốc dữ”, ông Thành bần thần.

Giống như ông Thành, nhiều người chăn nuôi đều chung cảnh… mất trắng sau đợt dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh đã cho những người nông dân một bài học cảnh tỉnh, được hoặc mất trắng nếu lơ là trước mầm bệnh. Đặc biệt, các hộ nuôi lợn nhỏ lẻ rất chú trọng công tác tiêm phòng, vệ sinh, tiêu độc, sát trùng chuồng trại.

Tổng đàn lợn của Tây Ninh gần 400.000 con, nên việc phòng chống bệnh tả lợn Châu Phi hiệu quả đóng vai trò rất lớn với ngành chăn nuôi và ổn định thị trường. Ảnh: Lê Bình.

Tổng đàn lợn của Tây Ninh gần 400.000 con, nên việc phòng chống bệnh tả lợn Châu Phi hiệu quả đóng vai trò rất lớn với ngành chăn nuôi và ổn định thị trường. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Văn Thúy (ngụ tại khu phố 4, thị trấn Dương Minh Châu) đã nhiều năm nuôi lợn. Đỉnh điểm, trại nuôi lợn nhà ông có đến 120 con lợn nái sinh con để nuôi lớn rồi thịt. Ông Thúy rất quan tâm công tác tiêm phòng về vệ sinh chuồng trại nên đàn lợn của ông hiếm khi phát bệnh.

“Lợn đẻ ra là tôi phải chích vacxin định kỳ, theo lịch của anh em Trạm Thú y huyện. Các yếu tố nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cũng được chúng tôi chú trọng cách ly, không lơ là được. Chuồng trại thì tôi cũng vệ sinh thường xuyên, 3 lần trong ngày để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của lợn”, ông Thúy chia sẻ.

Từ năm 2023 đến nay, Tây Ninh không ghi nhận bệnh tả lợn Châu Phi trên địa bàn nhưng một số tỉnh lân cận đã xuất hiện dịch bệnh. Do đó, ngành chăn nuôi và thú y Tây Ninh luôn chú trọng công tác phòng trừ loại bệnh nguy hiểm này.

Năm 2019, toàn tỉnh phát hiện dịch tại 78/95 xã, phường, thị trấn, buộc tiêu hủy hơn 32.800 con lợn. Năm 2020 có 2 ổ dịch, số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 26 con. Năm 2021 có 41 ổ dịch, tiêu hủy hơn 4.700 con và năm 2022 có 19 ổ dịch tiêu hủy 501. UBND tỉnh đã hỗ trợ với tổng kinh phí gần 60 tỉ đồng cho các chủ nuôi có lợn bị tiêu hủy.

Hiện, tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên cả nước đang diễn biến phức tạp, khó lường. Nguy cơ xảy ra dịch tả lợn châu Phi ở Tây Ninh rất cao. Điều này không chỉ khiến lĩnh vực chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm sụt giảm số lượng đàn và sản lượng thịt lợn của tỉnh, gây tổn thất kinh phí cho ngân sách.

Trước thực trạng này, Sở NN-PTNT Tây Ninh đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường giám sát, khuyến cáo người chăn nuôi phải cảnh giác phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập.

Chăn nuôi an toàn sinh học và vacxin phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu để chặn đứng dịch bệnh tả lợn Châu Phi. Ảnh: Lê Bình.

Chăn nuôi an toàn sinh học và vacxin phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu để chặn đứng dịch bệnh tả lợn Châu Phi. Ảnh: Lê Bình.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, ngay từ đầu năm, Sở đã ban hành kế hoạch phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, số lượng vacxin dịch tả lợn Châu Phi sử dụng tiêm phòng trong năm 2024 là 4.000 liều.

“Ngoài đối tượng chăn nuôi nông hộ được miễn phí tiêm phòng, chúng tôi còn vận động người chăn nuôi tự tiêm phòng vacxin áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi, hạn chế tối đa việc ra, vào cơ sở chăn nuôi”, ông Xuân cho hay.

Trạm Chăn nuôi và Thú y của các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền người dân áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bền vững để chủ động trước dịch bệnh. Các biện pháp được khuyến khích chủ yếu như chăn nuôi an toàn sinh học, nhằm giảm thiểu, loại trừ các tác nhân gây bệnh có nguy cơ xâm nhiễm từ bên ngoài.

Đồng thời, chủ nuôi cũng cần phát hiện sớm các nguy cơ, tác nhân gây bệnh để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ông Dương Văn Phụng, Trưởng phòng Kĩ thuật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh khuyến cáo, bà con nông dân cần nhận biết sớm những dấu hiệu bệnh trên đàn lợn. Việc phòng ngừa, phát hiện bệnh sớm sẽ giúp người chăn nuôi và lực lượng thú y có được thế chủ động để điều trị, phòng ngừa lây lan và giảm thiệt hại.

“Nếu đàn lợn biếng ăn thì bà con phải nghi ngờ và có biện pháp để xử lý liền. Đặc biệt, nếu lợn có dấu hiệu như sốt đây là cảnh báo của bệnh tả lợn Châu Phi và tai xanh, cần báo cho lực lượng thú y liền”, ông Phụng khuyến cáo.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.