Cây có múi là đối tượng cây trồng quan trọng, đóng góp hơn 21% tổng sản lượng ngành trái cây của Việt Nam. Cây có múi vốn phục vụ chủ yếu cho thị trường nội địa, nhưng những năm gần đây đã có sự gia tăng đáng kể về giá trị xuất khẩu, với các sản phẩm chủ lực như bưởi và chanh đã tăng giá trị xuất khẩu gấp 5 lần trong vòng 8 năm. Trong thời gian tới, Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao giá trị xuất khẩu của cây có múi.
Nông dân sản xuất nhỏ được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành cây có múi, tuy nhiên trong thực tế, bà con đang gặp phải nhiều thách thức, ví dụ như giống cây chất lượng kém, sâu bệnh phá hoại, suy thoái đất, và biến động giá cả, thị trường. Những vấn đề này đã khiến nhiều cây chết sớm, nông dân phải bỏ vườn trống và chịu nhiều thiệt hại về kinh tế.
TS Irene Kernot, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trồng trọt của ACIAR, ghi nhận các tác động đáng kể nói trên đối với nông dân. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11/2023, bà đã thấy nhiều nông dân xóa bỏ vườn cây có múi và chuyển sang các cây trồng khác để đảm bảo thu nhập.
“Những thách thức hiện tại khiến nông dân trở nên thận trọng hơn trong việc đầu tư vào cây có múi. Dự án mới này do các đối tác nghiên cứu Việt Nam đề xuất và chủ trì thực hiện sẽ giúp tìm ra hướng giải quyết các khó khăn nói trên. Dự án sẽ tiếp cận vấn đề một cách toàn diện để xây dựng một lộ trình nghiên cứu đầy đủ, nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp người dân đang phải đối mặt”, bà Irene nói.
Với mục đích xây dựng lộ trình nghiên cứu để phát triển bền vững ngành cây có múi, dự án sẽ hỗ trợ các nhà quản lý và hoạch định chính sách trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển ngành trong thời gian tới.
Giám đốc dự án - TS Nguyễn Văn Liêm, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bảo vệ Thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), nhấn mạnh sự cần thiết phải có một phương pháp tiếp cận tổng hợp và toàn diện trong nghiên cứu cây có múi để giải quyết các rào cản hiện tại đối với sự phát triển của ngành.
Việt Nam đã thực hiện nhiều nghiên cứu về cây có múi, nhưng chủ yếu về phát triển và thử nghiệm các kỹ thuật riêng lẻ. Theo TS Liêm, Việt Nam vẫn cần hoàn thiện năng lực để thực hiện các nghiên cứu đa ngành. Ông cho hay: “Chúng tôi cần tập hợp các chuyên gia trong các lĩnh vực giống, sức khỏe đất, quản lý sâu bệnh, thiết kế vườn cây ăn trái cho đến tiếp thị, kinh doanh nông nghiệp để giải quyết các vấn đề mà ngành cây có múi đang phải đối mặt”.
Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục xây dựng một lộ trình nghiên cứu nhằm xác định nguyên nhân khiến số lượng vườn cây sụt giảm, các biện pháp phục hồi phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương mục tiêu, tìm hiểu cơ hội thị trường và phát triển các chiến lược phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu. Lộ trình nghiên cứu này sẽ góp phần đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng và cải thiện sinh kế cho người dân Việt Nam.
Australia có bề dày hơn 60 năm kinh nghiệm về phát triển cây có múi, loại trái cây tươi xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Australia với kim ngạch khoảng 400 triệu AUD/năm. Australia là đối tác hoàn hảo để hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền tảng để phát triển ngành cây có múi.
TS Irene cho biết: “Với sự tham gia của các chuyên gia người Australia trong dự án, chúng tôi mong muốn xây dựng năng lực cốt lõi cho các nhà nghiên cứu người Việt để thực hành các nghiên cứu đa ngành. Điều này sẽ mang lại những hỗ trợ cần thiết và kịp thời trong việc thiết kế và thực hiện các chiến lược phát triển cây có múi ở Việt Nam”.
Mục tiêu xây dựng năng lực này phù hợp với chính sách phát triển quốc tế của Australia trong việc tối đa hóa các giá trị chuyên môn của Australia. Nghiên cứu cũng sẽ cung cấp thông tin về các hợp tác trong tương lai giữa ACIAR và Việt Nam về cây có múi, với mục tiêu cuối cùng là tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho các cộng đồng nông dân sản xuất nhỏ.