Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trên hành trình tri thức hóa nông dân, tuy nhiên so với nhiều quốc gia khác, xuất phát điểm của nông dân Việt Nam vẫn còn thấp, khiến việc hiện đại hóa sản xuất cho nông dân vẫn còn nhiều khó khăn.
TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) lấy Thái Lan là một ví dụ tiêu biểu. Một hợp tác xã trồng sầu riêng tại tỉnh Chanthaburi của quốc gia này có hơn 5.300 thành viên và đã chuyển đổi hoàn toàn sang quy trình sản xuất hữu cơ. Ở đó, bà con nông dân sẽ không thể tìm thấy bất kỳ loại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Đây là thành quả của quá trình nâng cao nhận thức và hỗ trợ người nông dân của quốc gia láng giềng.
Trong khi đó, tại Việt Nam, việc khuyến khích nông dân canh tác hữu cơ vẫn đang tiến hành và vẫn còn gặp khó khăn, khi nguồn cung các chế phẩm vi sinh và phân hữu cơ còn hạn chế.
Tại một số địa phương như huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) đã có những bước tiến tích cực bằng cách giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điểm sáng nhỏ lẻ.
Mặt khác, việc tri thức hóa nông dân đã được đề cập trong nhiều chính sách như Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, đến nay quá trình triển khai ở cấp địa phương vẫn còn nhiều khác biệt. Có tỉnh thực hiện nhanh chóng, nhưng cũng có nơi chỉ dừng lại ở việc lập kế hoạch. Nguyên nhân một phần đến từ hạn chế về kinh phí.
Đặc biệt, nhiều hoạt động đào tạo thường được dồn vào các tháng cuối năm, gây áp lực lớn cho cả người tổ chức và bà con nông dân khó có thể tiếp thu “dồn dập” những kiến thức mới.
“Tại các quốc gia tiên tiến, việc tập huấn, chuyển giao tri thức cho nông dân được trải đều trong năm. Ví dụ, mùa khô, mùa mưa sẽ tập huấn nội dung gì, họ có rất nhiều chủ đề”, ông Hải cho biết.
Thêm một hạn chế là sự tham gia của nông dân Việt Nam vào các tổ chức kinh tế tập thể như hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác còn thấp. Trung bình, mỗi HTX tại Việt Nam chỉ có khoảng 200 thành viên, riêng ĐBSCL chỉ khoảng 80 người. Trong khi đó, tại Thái Lan con số này đạt 1.500 hộ nông dân/HTX và ở Nhật Bản lên đến 14.500 người/HTX.
Việc thúc đẩy người nông dân tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể không chỉ giúp bà con chia sẻ kinh nghiệm mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua các chuỗi liên kết.
TS Hải nhìn nhận tri thức hóa nông dân không phải là nhiệm vụ ngắn hạn mà là một hành trình dài đòi hỏi sự kiên trì và đầu tư đúng mức. Nhất là sự hỗ trợ từ các cấp quản lý và thay đổi trong nhận thức của chính người nông dân.
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo cần được phân bổ hợp lý theo thời gian và mùa vụ, tránh tình trạng dồn ép vào cuối năm. Những sáng kiến như chọn lựa các nông dân tiêu biểu làm “lãnh tụ” để dẫn dắt cộng đồng cũng cần được nhân rộng.
Để đồng hành cùng Bộ NN-PTNT và các địa phương trong quá trình tri thức hóa nông dân, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn đã xây dựng trung tâm đào tạo nông dân. Trung tâm có nhiệm vụ tổ chức một số chương trình tọa đàm trực tuyến hàng tuần, hướng dẫn những chủ đề thiết thực nhất với nông dân như sử dụng phân hữu cơ, quản lý huyết áp hay phòng bệnh đường hô hấp.
Ngoài ra, mỗi năm trường triển khai đào tạo từ 12.000 – 15.000 học viên, trong đó khoảng 50% là nông dân các tỉnh.
Với vai trò tham mưu chính sách cho Bộ NN-PTNT, trường cũng xây dựng các tài liệu đào tạo chuyên biệt, phù hợp với từng nhóm đối tượng, góp phần nâng cao kỹ năng sản xuất và quản lý cho nông dân.