Công nghệ số, kỹ năng kinh doanh và nhận thức về bảo vệ môi trường đã trở thành yêu cầu tối thiểu. Do đó, việc tri thức hóa nông dân cần được thực hiện theo hướng định hình gắn liền nội dung đào tạo, tập huấn với nhu cầu thực tiễn đời sống và sản xuất của bà con nông dân
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, tri thức hóa nông dân đã trở thành yếu tố cốt lõi để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Trong Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tri thức hóa nông dân. Thông qua việc nâng cao trình độ, nhận thức và bảo đảm quyền làm chủ của nông dân trong bối cảnh chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0.
Lấy bài học từ các quốc gia trên thế giới, TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) khẳng định, tri thức hóa nông dân không chỉ là mục tiêu mà còn là chìa khóa để phát triển ngành nông nghiệp bền vững.
“Cho dù tài nguyên có đa dạng, phong phú, nhưng người nông dân không chuyên nghiệp sẽ không thể phát huy được những giá trị của tài nguyên đó. Việc tri thức hóa nông dân không phải là một phong trào mà là quá trình liên tục để từ đó người nông dân từng ngày một bước phát triển”, TS Trần Minh Hải nhấn mạnh.
Trước bối cảnh trên, việc sản xuất của bà con không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm. Công nghệ số, kỹ năng kinh doanh và nhận thức về bảo vệ môi trường đã trở thành yêu cầu tối thiểu. Do đó, việc tri thức hóa nông dân cần được thực hiện theo hướng định hình gắn liền nội dung đào tạo, tập huấn với nhu cầu thực tiễn đời sống và sản xuất của bà con nông dân.
Nhiều địa phương gặt hái được nhiều kết quả nổi bật trong việc chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đi đầu là tỉnh Đồng Tháp, nông dân nơi đây không chỉ nắm vững các kỹ thuật canh tác hiện đại mà còn gắn kết các giá trị văn hóa truyền thống để đưa vào phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn, tăng thêm thu nhập.
Hay tại tỉnh Bình Phước, nông dân đã áp dụng mô hình nuôi dơi trong vườn sầu riêng để thu phân bón cho cây trồng, vừa giúp giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường.
Hay mới đây, tại huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội), cộng đồng nông dân đã vận động nhau giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chuyển hẳn sang các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, hiện nay bà con nông dân cũng không còn sử dụng những công cụ, thiết bị sản xuất truyền thống. Thay vào đó là ứng dụng công nghệ số, nắm bắt thông tin thị trường, hay những kỹ năng phát triển bền vững để trở thành những “doanh nông” (doanh nhân ở nông thôn).
Dựa vào những thế mạnh trên, ngành chuyên môn các địa phương, nhất là Hội Nông dân, Sở NN-PTNT sẽ thiết kế các nội dung tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, kiến thức phù hợp theo từng đối tượng nông dân, vùng miền, đặc tính, ngành nghề. Như chuyển sang hình thức đào tạo theo nhóm hoặc theo lãnh tụ cộng đồng, nghĩa là chọn ra những người nông dân giỏi và chuyên về một lĩnh vực nào đó để tập trung đào tạo; hoặc đa dạng lĩnh vực, đối tượng đào tạo.
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình trao đổi, hợp tác quốc tế, các dự án cũng tập trung vào việc phát huy vai trò của người nông dân theo hướng bền vững, thân thiện môi trường. Đặc biệt là khuyến khích nữ nông dân tham gia vào các chương trình cộng đồng. Điều này sẽ tạo tác động lớn, đẩy nhanh quá trình tri thức hóa nông dân.
Đặc biệt, hiện nay vùng ĐBSCL đang đẩy mạnh triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, buộc bà con nông dân phải chuyên nghiệp hơn. Góc nhìn của chuyên gia Trần Minh Hải, việc tri thức hóa là giúp bà con giảm lượng lúa giống gieo sạ từ 120 – 150kg/ha xuống còn 80 – 100kg/ha. Hay vận động bà con giảm phân bón hóa học, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, vi sinh, xử lý rơm rạ để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng từ rơm.
Về phía khối doanh nghiệp tư nhân khi tham gia đề án, cũng sẵn sàng liên kết với Hội Nông dân để tạo thành chuỗi sản xuất theo các tiêu chuẩn của thị trường. Dựa vào đó, ngành chuyên môn các cấp sẽ triển khai tập huấn cho nông dân để bà con có thể đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp, tạo lực hút về mặt thị trường.
Bản thân nông dân khi tham gia liên kết, nếu ngại hoặc không muốn thay đổi phương thức sản xuất sẽ không được doanh nghiệp tiêu thụ.
Với hình thức liên kết mang tính chất ràng buộc này sẽ hạn chế được tình trạng được mùa mất giá, ngược lại doanh nghiệp sẽ thu mua với mức giá cao hơn. Bà con nông dân sẽ thay đổi được thói quen là sản xuất tự do, nhỏ lẻ và cùng nhau đi liên kết.