Hồ Dầu Tiếng, một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường như sạt lở đất và suy giảm rừng đầu nguồn. Để giải quyết các vấn đề này, nhiều nỗ lực đã và đang được triển khai, đặc biệt là công tác trồng rừng nhằm xây dựng một "bức tường xanh" bảo vệ hồ và hệ sinh thái xung quanh.
Theo chân Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đến thăm khu rừng vừa được tái sinh tại khoảnh 1, tiểu khu 58, đập vào mắt chúng tôi là những vạt rừng trồng xanh mướt trải dài. Để có được khu rừng như hôm nay là cả một quá trình tuyên truyền, vận động người dân địa phương tham gia giữ rừng. Đáng chú ý, nhiều hộ dân trước đây từng tham gia lấn chiếm đất rừng nay cũng tích cực tham gia trồng và bảo vệ rừng.
Vừa hướng dẫn người dân các kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng, kỹ sư lâm nghiệp Trần Quang Nghĩa, cán bộ phụ trách trồng rừng thuộc Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, vào những năm 2000, tình trạng lấn chiếm đất rừng diễn ra phổ biến. Người dân trồng các loại cây nông nghiệp như sắn và cao su trên diện tích rừng phòng hộ, không đúng quy hoạch. Đến giai đoạn 2008 - 2009, UBND tỉnh đã triển khai xử lý các vi phạm này nhằm tạo quỹ đất để trồng rừng theo đúng mục đích rừng phòng hộ.
Thông qua chương trình trồng rừng, các hộ tham gia được ký hợp đồng với Ban Quản lý rừng và nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Hiện tại, có hơn 400 hộ dân tham gia vào công tác trồng rừng, với tổng diện tích khoảng 2.500ha.
Trước đây, người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc trồng và bảo vệ rừng, nên công tác trồng rừng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi được đơn vị vận động và tuyên truyền, họ đã hợp tác tích cực hơn.
“Sau khi ký hợp đồng, các hộ nhận khoán trồng rừng được hưởng các chính sách hỗ trợ từ nhà nước như kinh phí trồng rừng, chăm sóc rừng, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Ngoài ra, người dân cũng có thể trồng thêm các loại cây nông nghiệp trên diện tích rừng được giao để tăng thêm thu nhập. Việc người dân tham gia trồng rừng đã góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ nguồn nước mặt và ngầm, ngăn ngừa xói mòn, sạt lở đất và phòng chống thiên tai”, kỹ sư Trần Quang Nghĩa phấn khởi chia sẻ.
Là một trong những hộ tích cực tham gia nhận khoán trồng rừng, ông Lê Văn Giao, ngụ tại xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, phấn khởi cho biết, được nhà nước giao 2ha đất để nhận khoán trồng rừng, ông rất tự hào và cảm thấy việc làm của mình rất ý nghĩa đối với sự phát triển của địa phương.
“Nhờ được nhận khoán, chúng tôi có đất để sản xuất và sinh kế ổn định, nâng cao thu nhập. Gia đình tôi cam kết sẽ chăm sóc và bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, góp phần vào việc bảo vệ lưu vực hồ Dầu Tiếng”, ông Lê Văn Giao nói.
Ông Phạm Chí Trung, Giám đốc Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết thêm, khu vực rừng phòng hộ do đơn vị quản lý có tổng diện tích hơn 30.000ha, trong đó khoảng 19 tiểu khu tiếp giáp với lòng hồ Dầu Tiếng và sông Sài Gòn, với diện tích khoảng 16.000ha, chiếm 50% tổng diện tích khu vực rừng bảo vệ quanh hồ.
“Rừng ở đây bao gồm cả rừng tự nhiên và khoảng 9.000ha rừng trồng. Riêng trong năm 2023, đơn vị đã trồng được trên 900 ha rừng. Quỹ đất trồng rừng hiện còn hơn 1.000ha và chúng tôi đang xây dựng kế hoạch sử dụng quỹ đất này cho giai đoạn 2026 - 2028. Dự kiến đến năm 2030, các mục tiêu phát triển rừng sẽ được hoàn thành, đảm bảo quỹ đất trồng rừng ổn định và phù hợp với quy hoạch”, ông Phạm Chí Trung nói.