Gọi là “bài chòi” vì muốn chơi loại bài này người ta phải cất chòi, dựng trại. Đây là một thú chơi mộc mạc nhưng tao nhã của người bình dân vùng duyên hải Trung bộ, từ Quảng Bình, Quảng Trị cho đến Phú Yên, Khánh Hòa.
Tuỳ thuộc vào diện tích sân rộng hay hẹp và tập quán chơi bài của mỗi địa phương mà người ta dựng từ 8 đến 10 chòi, nhưng phổ biến là lối chơi 9 chòi.
Trên mặt sân đất trống của sân đình hoặc sân chợ, người ta bố trí các chòi, trại theo hình chữ nhật, mặt quay vào trong sân. Nếu là 9 chòi thì trên hai cạnh dài dựng mỗi bên bốn chòi, đối diện và tương ứng nhau từng cặp một. Giữa một trong hai cạnh ngắn cất chòi trung ương. Đối diện chòi trung ương là rạp hội đồng, dành cho Ban trị sự. Rạp hội đồng có trống chầu dành cho người điều khiển cuộc chơi, một chiếc bàn lớn đặt khay tiền và những lá cờ hiệu, cạnh đó là chỗ ngồi của dàn nhạc gồm 1 sanh, 1 nhị, 1 kèn, 1 trống tum, có khi thêm 1 phèng la.
Khoảng đất trống ở giữa là sân khấu trệt bốn mặt. Đây là không gian dành cho một nhân vật đặc biệt, làm nhiệm vụ quản trò, gọi là Hiệu. Tùy theo tuổi tác và giới tính, người ta gọi là anh Hiệu, chú Hiệu, hay cô Hiệu. Người này phải rành các điệu hát, điệu hò quen thuộc, nhớ nhiều thơ và ca dao, biết pha trò, giỏi ứng tác. Hiệu là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn của bài chòi. Hiệu có thể là một người, nhưng thường thì có 2 người, một nam một nữ, cũng có khi thêm người thứ ba, làm nhiệm vụ thay bài. Hiệu mặc áo dài, đội khăn đóng, thắt dây lưng đỏ, mặt đánh phấn thoa son như đào kép hát bội.
Đánh bài thì phải có con bài, đó là những thẻ tre, một đầu bè ra như đầu đũa cả để dán lá bài. Đầu kia nhỏ hơn, vót tròn vê nhọn. Các chân bài nhuộm màu đỏ, giống hệt nhau để khi cho đầu dán bài vào ống thì không phân biệt được từng con bài.
Bộ thẻ bài chòi gồm 27 cặp, chia làm 3 pho (Văn, Vạn, Sách) với các con bài có tên cụ thể . Dù có tên như vậy, nhưng trên mỗi con bài người ta chỉ dùng mực vẽ hoặc in những hình gợi tả theo kiểu vừa siêu thực, vừa phồn thực, làm ký hiệu.
Từ 27 cặp bài (mỗi cặp 2 con bài giống nhau) người ta đem 27 con bài bỏ vào ống. 27 con bài còn lại đem dán vào 9 thẻ lớn, mỗi thẻ 3 con bài để phát cho 9 chòi (mỗi chòi một thẻ), nên thẻ lớn còn gọi là thẻ chòi.
Cuộc chơi bắt đầu, trống chầu một hồi ba tiếng gióng lên. Giàn nhạc tiếp theo phụ họa. Những người chơi lên ngồi trên chòi theo sắp xếp của Ban trị sự. Họ có thể rủ bạn bè, thân nhân lên ngồi trong chòi của mình. Hiệu bưng khay đến từng chòi phát bài và thu tiền. Người chơi nhận bài, rồi găm vào khúc chuối hay bó rơm để sẵn. Phát bài xong, Hiệu đến trước rạp vái chào Ban trị sự, rồi hô lớn: “Bài phát ra đã đủ, xin cho Hiệu tính tiền!”. Người điều khiển cuộc chơi đáp lại bằng ba tiếng trống chầu. Một tiếng “Dạ!” vang lên, Hiệu gom tiền, đếm cẩn thận rồi giao cho Ban Trị sự.
Lại thêm một hồi trống. Hiệu dùng hai tay bụm ống tre đựng thẻ lắc đều nhiều lần cho các con bài trộn lẫn vào nhau. Nhón tay rút một con bài, Hiệu ra bộ tản lơ, đủng đỉnh. Tiếng trống chầu thúc liên hồi, âm nhạc tưng bừng, rộn rã, kích thích mọi người. Hiệu múa chân tay, vái chào quan khách và khán giả rồi mới cất giọng hô điệu bài chòi bằng hai câu thơ hay cả bài lục bát.
Gió xuân phảng phất ngọn tre
Bà con, cô bác lắng nghe bài chòi...
Lời hô có thể ngắn hoặc dài, câu hát có thể thâm trầm ý nhị hoặc hài hước, tếu táo, nhưng câu cuối bao giờ cũng có những từ chỉ định hoặc gợi ý tên con bài vừa mới rút được:
Hồi nào đói rách có qua
Bây giờ nên xưởng, nên nhà thì lơ.
...Là con Sáu Xưởng!
Một trong những cái thú của bài chòi là trong khi Hiệu ngân nga câu hát thì mọi người chăm chú lắng nghe và suy đoán tên con bài. Những tay Hiệu tài hoa nhiều khi đẩy đưa câu hát khiến người nghe đoán già đoán non, rồi bất ngờ ngoặt sang hướng khác để kết thúc. Người nghe, người chơi ồ lên tán thưởng, vì cách “đảo chiều” câu hát vượt ra ngoài dự đoán của mọi người, nhưng lại hợp lý, chính xác.
Tên con bài được xướng lên, chòi nào có bài trùng với con bài ấy, đáp lại bằng ba tiếng mõ. Nếu là chòi trung ương trúng thì đánh ba tiếng trống tum. Hiệu trao thẻ bài cho người chạy bài đem đến chòi trúng. Người chơi đón lấy con bài ấy được găm vào khúc chuối cây hay bó rơm. Hiệu lại tiếp tục lắc ống rồi rút con bài khác, theo thủ tục hô bài như đã nói trên.
Ban đầu trong ống có 27 thẻ bài, nhưng bớt dần theo mỗi lần rút thẻ, cho đến khi có một chòi trúng được ba lần, tức là bài “tới” thì mới chấm dứt ván bài. Khi Hiệu hô xong con bài, nếu có chòi tới thì báo hiệu bằng một hồi mõ dài, chòi trung ương thì báo một hồi trống tum. Từ rạp, Ban trị sự cho nổi lên hồi trống chầu báo hiệu có người thắng cuộc và xong một ván bài. Lúc này Hiệu chạy đi các chòi thu hồi thẻ bài, sau đó bưng đến chòi trúng thưởng chiếc khay đựng tiền và lá cờ đuôi nheo xanh đỏ. Người chơi ở chòi trúng thưởng nhận tiền, lấy ra một ít thưởng cho Hiệu. Hiệu lại múa hát tạ ơn, dùng những lời ca tri ân, chúc phúc, cầu năm mới an lành. Cờ thưởng cắm lên chòi trúng thưởng, tỏ điều may mắn, hứa hẹn tân niên thành đạt.
Một thời gian về sau, để thuận lợi trong các cuộc chơi quy mô nhỏ, bài chòi chơi 9 chòi, chuyển thành bài chòi 9 ghế, gọi là Bài chòi ghế, rồi trở thành Bài chòi chiếu. Bài chòi chiếu đánh dấu bước tiến dài trên đường tách rời cuộc chơi bài vào ngày tết để chuyển mình thành một hình thức diễn tấu dân gian.
Từ những năm ba mươi của thế kỷ XX, ở Bình Định, rồi sau đó là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, bài chòi bước lên sân khấu với Bài chòi lớp, rồi Bài chòi truyện. Bài chòi lớp diễn một hoặc vài lớp hát, như kiểu diễn trích đoạn ngày nay. Bài chòi truyện, công phu hơn, có ông bầu, có đào kép sắm vai, có lớp hát, có tích tuồng mượn từ tuồng cổ hoặc truyện Nôm. Các gánh bài chòi truyện, ngoài những buổi diễn ở bổn quán, còn được mời đi diễn ở nhiều phủ, huyện khác, thậm chí ra ngoài tỉnh, như các gánh bài chòi ở Bồng Sơn, Tam Quan (Bình Định) ra diễn ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)
Sau hiệp định Genève - 1954, trên đất Bắc, từ Đoàn Văn công Liên khu V, các nghệ sỹ quê ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (Lệ Thi, Ngô Quang Thắng, Nguyễn Tường Nhẫn, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Kiểm, Đinh Thái Sơn...) chung tay xây dựng kịch chủng mới: Kịch hát bài chòi. Vở diễn đầu tiên là "Thoại Khanh Châu Tuấn" (kịch bản Nguyễn Tường Nhẫn) đã thành công ngoài mong đợi, đánh dấu sự ra đời đầy triển vọng của một thể loại kịch hát mới, khai thác chất liệu từ hát bài chòi và dân ca Nam Trung bộ.
Nghệ thuật Bài chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã. Các thành tố văn hóa nghệ thuật như thơ ca, âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ, tập tục… trong nghệ thuật bài chòi được chuyển tải một cách giản dị, tự nhiên, nhưng giàu sức hấp dẫn đối với công chúng và đã trở thành sinh hoạt văn hóa phổ biến khắp các tỉnh vùng duyên hải miền Trung. Vì thế mà sinh hoạt Bài chòi trở thành môi trường thực hành và sáng tạo nghệ thuật, đồng thời cũng là nơi bảo tồn vốn văn nghệ dân gian, phong cách trình diễn và các giá trị văn hóa vùng miền.
Bài chòi là trò giải trí tao nhã, hào hứng, lấy vui làm chính, không vị chuyện sát phạt, đỏ đen. Nội dung bài chòi giàu tính nhân văn, vừa vun vén cho điều hay, lẽ phải, đạo lý làm người, ca ngợi quê hương, đất nước, tình nghĩa đồng bào, vừa phê phán những thói hư tật xấu, nhắc nhở ai nấy sửa mình.
Ngày 7/12/2017, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.