Cà Mau - Vương quốc tôm

Hoàng Minh Tường - Thứ Năm, 26/10/2023 , 06:00 (GMT+7)

Ghi chép nhà văn Hoàng Minh Tường: Cà Mau có thể trở thành 'vương quốc' tôm với lợi thế diện tích mênh mông và là nơi có đặc sản tôm sú dưới tán rừng không đâu trên thế giới có?

Cà Mau được ví như vương quốc của các loài tôm.

Hơn ba mươi năm trước tôi có một chuyến đi cùng nhà thơ Nguyễn Duy từ Sài Gòn xuống Cà Mau chỉ để… nhậu.

Từ năm 1976 cho đến khi nghỉ hưu, nhà thơ Nguyễn  Duy chỉ làm một chức duy nhất là Trưởng đại diện Văn phòng thường trú phía nam của báo Văn Nghệ đặt tại 43 Đồng Khởi, thành phố Hồ Chí Minh. Căn nhà từ thời Pháp, nằm giữa khu đất vàng, mấy lần thành phố đánh công văn đòi, phi Nguyễn Duy thì không ai giữ nổi. Từ ngày về báo Văn Nghệ, (1988 – 1998), hằng năm tôi lại có dịp đến ở tại văn phòng thường trú, rồi đi lang thang khắp Nam kỳ lục tỉnh, gặp đâu viết đó.

Một lần, vào cuối năm 1989, sau chuyến cùng đoàn phóng viên các báo lớn nước ta sang Campuchia đón quân tình nguyện về, Nguyễn Duy rủ tôi đi chơi Cà Mau. Số là, một doanh nhân thủy sản ở Cà Mau vì yêu thơ Nguyễn Duy mà thành bạn nhậu. Anh nhờ người vợ đảm đang và lịch lãm, nhân chuyến lên Sài Gòn bán hàng và đòi tiền, đón các văn sỹ về Cà Mau nhậu và đọc thơ chơi.

Không ngờ ông doanh nhân có người vợ nói giọng pha Bắc lại xinh đẹp và nói chuyện rất có duyên. Chị có bố người Cần Thơ tập kết, mẹ người Gia Lâm, đẻ ở Hà Nội, nên có thể coi như người Hà Nội gốc. Hàng ghế sau có thể ngồi ba người, vậy mà hai chúng tôi phải ngồi né, hơi bị gò bó, vì sau lưng và dưới chân là những bao tải căng phồng.

Sau này hỏi ra mới biết đó là những bao tải tiền. Tiền của các xí nghiệp chế biến, các đầu nậu thu mua thủy sản ở Cần Thơ, Sài Gòn trả. Và bà chủ trên chiếc xe đón chúng tôi, chính là giám đốc một xí nghiệp thu mua và chế biến thủy sản lớn nhất Minh Hải hồi ấy. Con tôm sú, tôm càng xanh, đặc sản của vùng sông nước Cà Mau, lên ngôi từ ngày ấy, trở thành vàng ròng xuất khẩu.

Hơn mười năm sau, năm 2000, tôi chuyển công tác từ báo Văn Nghệ, về báo Du Lịch, rồi sang tạp chí Thủy sản để chuẩn bị ra đời tờ báo Thủy sản, thì người đàn bà đẹp giọng pha Bắc, doanh nhân Minh Hải ấy đã trở thành cấp trên của tôi: Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Nguyễn Thị Hồng Minh.

Lần đến Cà Mau đầu tiên và nhậu say xỉn ấy, tôi không nhìn rõ mặt Cà Mau. Chỉ biết lên xe tại 43 Đồng Khởi từ trưa, chạy miết đường số Một, qua hai phà sông Tiền, sông Hậu cả tiếng đồng hồ, rồi qua chặng cuối con đường xuyên Việt nhựa bong loang lổ, đá dăm lổn nhổn và ổ gà ổ voi, tối một lúc lâu, xe vào thị xã mờ đục ánh đèn đỏ quạch, tới một cái hồ rộng, có nhà chòi gần mép nước, thì đã sẵn ông chủ ngồi đợi cùng mấy người bạn, trên bàn la liệt các món hải vị: tôm, cua, mực, cá… của vùng sông nước mũi tàu nước Việt. Chỉ kịp bắt tay, ôm chầm bập, chưa kịp nhìn kỹ mặt nhau trong ánh điện đỏ khé, mờ ảo, đã cụng ly trăm phần trăm, dô, dô… Cà Mau lần ấy là một đêm say mèm.

Lần thứ hai tôi đi Cà Mau với nữ văn sỹ Nguyễn Thị Mai, hội viên văn nghệ tỉnh Minh Hải, một cây bút vốn là cô giáo, dịu dàng và rất có duyên. Chuyến đi xuống huyện Trần Văn Thời và Đầm Dơi. Chỉ nhớ, hai đứa được bố trí ngủ trong căn nhà khách của huyện trống trải và rộng thênh thang, muỗi bay như phản lực, tìm mọi cách chui vào chiếc mùng rách lỗ chỗ. May mà phẩm chất nghề nghiệp và sự mệt mỏi của chuyến đi đã giữ trinh tiết cho cả hai chúng tôi và chẳng hề có tai tiếng gì.

Chuyến đi Cà Mau thứ ba, năm 2003, khi tôi đang là Phó Tổng biên tập phụ trách tạp chí Thủy sản. Tổng biên tập là Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc. Nhiều người hay đùa: Ông Tạ Quang Ngọc vừa làm quan thượng thư, nhị phẩm triều đình, vừa làm lý trưởng, sao không giao cái chức Tổng biên tập quèn cho người khác.

Tôm sú Cà Mau.

Anh Ngọc muốn giao cho tôi, nhưng tôi bảo: Em chuyển công tác về đây là để giúp anh cho ra đời tờ báo Thủy sản. Em làm Tổng biên tập Tạp chí thì sao rút chân ra nổi để làm báo. May mà sau đó, năm 2004, Bộ Thủy sản không chủ trương ra báo nữa, tôi mới có cớ xin trở lại Hội Nhà văn.

Chuyến đi thứ ba này, có nhà thơ Ngô Xuân Hội, đi cùng. Ngô Xuân Hội, quê Nghệ An nhưng lại lập nghiệp tại vùng than Quảng Ninh, trở thành nhà thơ của vùng mỏ. Anh học khóa Một trường viết văn Nguyễn Du, bạn học với toàn cây đa cây đề văn chương, như Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Trường, Lâm Mỹ Dạ, vv…

Hồi tôi làm báo Du Lịch, anh phụ trách văn phòng thường trú tại TP Hồ Chí Minh, anh em rất ý hợp tâm đầu. Ngày ấy từ Cà Mau xuống đất mũi chưa có đường. Từ thị xã xuống Cái Nước, rồi Năm Căn là một con đường đá lổn nhổn ổ gà, ách tắc bởi cầu phà, vì thế hầu như chỉ có đường thủy. Mỗi ngày một chuyến tàu đi từ thị xã tới Đất Mũi, hết cả ngày trời.

Nhờ có tài tháo vát của Ngô Xuân Hội, chúng tôi tới Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Minh Hải (trực thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II, nay là Phân viện Thủy sản Nam Sông Hậu). Biết nguyện vọng của chúng tôi, giám đốc phân viện Thiều Lư liền điều ngay chiếc xuồng cao tốc còn sáng choang đưa chúng tôi ra đất mũi. Xuồng rẽ sóng giữa mênh mông sông nước chằng chịt và rừng đước, rừng mắm, rừng tràm bạt ngàn, mới thấy câu thơ Xuân Diệu “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”, nếu thay chữ thuyền, bằng chữ tàu, thì thật tài tình và quá tuyệt vời.

***

Mới đó mà đã hai mươi năm. Hai chiếc cầu dây văng hiện đại Mỹ Thuận và Cần Thơ đã xóa khỏi ký ức thế hệ chúng tôi những bến phà vừa thơ mộng vừa dằng dặc chờ đợi khổ ải. Nếu đoạn cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ hoàn thành cuối năm nay, chúng ta sẽ đi một lèo cao tốc từ Sài Gòn đến Cần Thơ trong ba giờ đồng hồ. Từ Cần Thơ đi Cà Mau, rồi sẽ cao tốc, nhưng bây giờ đã có thêm nhiều ngả lựa chọn.

Chẵn hai mươi năm, giờ tôi lại đến Cà Mau. Chuyến đi này là do sáng kiến của kỹ sư Nguyễn Văn Phú, vốn cùng làm tạp chí Thủy sản với tôi, và người chỉ đạo là tiến sỹ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản và Đại biểu Quốc hội. Ông vốn là thủ trưởng trực tiếp của tôi hồi tôi làm tạp chí Thủy sản. Cái số tôi, đi đâu cũng chỉ làm cấp phó, đến cơ quan nào, vài năm sau nơi đó cũng bị xuống cấp.

Ví như hồi về xây dựng tờ báo cho ngành Du lịch, nơi hai vị ủy viên Trung ương là Đỗ Quang Trung và Võ Thị Thắng làm thủ trưởng, sau khi tôi đi khỏi, Tổng cục Du lịch liền bị sáp nhật vào Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, rồi hạ xuống thành Cục. Với Bộ Thủy sản cũng vậy, khi tôi đi khỏi, Bộ sáp nhập vào Bộ Nông nghiệp và PTNT, thành Tổng cục, và giờ thành Cục Thủy sản.

Vậy mà riêng chức tài xế của anh Tám, lái xe của Viện, và chức nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thủy sản II của thạc sỹ Nguyễn Văn Trọng, lại không hề suy suyển. Hai người vốn là dân Sài Gòn gốc, lại thông thạo đường đất, thung thổ miệt đồng bằng, đã đưa tôi đi trên con đường hoàn toàn mới, nối Cần Thơ với Cà Mau, tránh đi trên quốc lộ Một qua Bạc Liêu, Sóc Trăng, ngắn hơn được bốn mươi cây số. Xe đi trên con đường nhựa thẳng tắp, qua những thành phố Ngã Bảy của Hậu Giang, Ngã Năm của Sóc Trăng mới thành lập, mới có tên trên bản đồ, nhưng đã sầm uất và mỹ lệ.

Nhà văn Hoàng Minh Tường (phải) và tiến sỹ Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản.

Xe đi trong mưa mù mịt, trắng trời. Địa điểm đến là khách sạn Mường Thanh, trung tâm thành phố Cà Mau. Khách sạn Mường Thanh của doanh nhân nổi tiếng Lê Thanh Thản, năm sao, number one của đất mũi phương nam, cao sừng sững gần hai mươi tầng với biểu tượng cánh đại bàng trên nóc ngạo nghễ giữa một quảng trường bao la.

Thoạt đầu tôi cứ tưởng khách sạn Mường Thanh nổi trên mặt hồ, hóa ra không phải. Mưa ngập trắng các ngả đại lộ, mưa ngập cả quảng trường rộng bằng mấy sân bóng đá. Xe chúng tôi như bơi trên sông. Nếu cứ đà mưa bão này tiếp tục một ngày nữa, cả thành phố Cà Mau sẽ thành Vơnidơ trên mặt nước.

Tiến sỹ Nguyễn Việt Thắng và Tổng biên tập tạp chí Thủy sản Dương Hùng, hai vị chủ trì cuộc họp báo ngày mai, đón chúng tôi ở sảnh khách sạn Mường Thanh. Ông Thắng nói vui: Chúng tôi đi sau các vị bốn tiếng, máy bay lại ướt cánh vì mưa bão, mà vẫn đến sớm cả tiếng đồng hồ.

Tôi bảo: Thì ra tuyến bay Tân Sơn Nhất – Cà Mau có lợi cho các quan chức thật. Tiến sỹ Thắng nói: Oan cho các quan chức đấy. Chuyến bay vừa rồi, gần bảy mươi hành khách, toàn là các ông bà nông dân nuôi tôm. Dân Cà Mau giờ đi máy bay là chuyện thường ngày ở huyện.

Con tôm và con cua, quả là đã làm cho Cà Mau đổi đời. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau, Châu Công Bằng, cho biết: Năm 2023, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 160.000 hộ nông dân tham gia nuôi tôm, với diện tích tới 280.000 ha (bán tự nhiên và thâm canh), sản lượng đạt trên 200.000 tấn, sẽ xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Cà Mau cùng với Bạc Liêu và Sóc Trăng là 3 tỉnh đứng đầu sản xuất tôm cả nước.

Cà Mau, “vương quốc” tôm, tại sao không, với diện tích nuôi tôm mênh mông và là nơi có đặc sản tôm sú dưới tán rừng không đâu trên thế giới có? Tôi nhớ lại ngày làm tạp chí Thủy sản 20 năm trước. Chỉ tiêu xuất khẩu hai tỷ USD toàn ngành năm 2000 là một cột mốc tưởng khó phấn đấu nổi. Vậy mà 20 năm sau, toàn ngành Thủy sản đã xuất khẩu vượt mốc 11 tỷ USD, riêng tôm chiếm 4,3 tỷ USD.

Cuộc họp báo “Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam 2024” (Vietshrimp 2024) tại hội trường nhỏ Trung tâm Hội nghị Cà Mau không ngờ quy tụ nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và gần hai mươi cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước. Tình cờ tôi gặp những người bạn cũ ở Bộ Thủy sản ngày trước: các tiến sỹ hàng đầu nghề cá Nguyễn Việt Thắng, Lê Thanh Lựu, Phạm Anh Tuấn, Trần Đình Luân, Phan Thanh Lâm…

Mái tóc nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thủy sản I Lê Thanh Lựu không thể trắng hơn. Hai năm trước được uống rượu, ăn lẩu cá hồi, cán tầm ở trại nuôi cá nước lạnh của ông trên vùng núi Văn Bàn - Lào Cai, giờ lại thấy ông vào Sông Hậu triển khai đề tài nuôi lươn công nghệ.

Tôm sú Cà Mau.

Tiến sỹ Nguyễn Việt Thắng chủ trì buổi họp báo phát biểu đề dẫn: Vietshrimp đã trở thành ngày hội khoa học, thương mại và quảng bá quốc tế của ngành tôm Việt Nam, từng được tổ chức hai năm một lần ở Cần Thơ, Sóc Trăng tới lần thứ tư. Lần thứ 5 này, lần đầu tỉnh Cà Mau sẽ đăng cai, với một chủ đề đầy tính nhân văn, khoa học: “Đồng hành cùng người nuôi tôm”.

Sẽ có nhiều hội thảo khoa học về con tôm, nghề nuôi tôm; các hình thức nuôi thâm canh, quảng canh, bảo vệ nguồn lợi môi trường; các sản phẩm chế biến; các mô hình sản xuất và công nghệ thương phẩm tiên tiến… Sẽ tập hợp hàng trăm gian hàng của các điển hình nuôi, các nhà sản xuất và chế biến, các công nghệ và dịch vụ, các mẫu hình trong nước và quốc tế… Qua Hội chợ này, Cà Mau sẽ thực sự là “vương quốc” tôm của cả nước và thế giới.

Rất bất ngờ, như một sự tung hứng nhịp nhàng, đại diện tỉnh Cà Mau, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Châu Công Bằng cho biết, Cà Mau đang chuẩn bị gấp cho fecstival Tôm vào tháng 12 năm 2023. Đây là một ngày hội văn hóa, thương mại, kinh tế, khoa học về con Tôm lớn nhất của Cà Mau và các tỉnh nam Sông Hậu từ trước đến nay.

Mọi người cùng nhìn ra quảng trường mênh mông nước, nơi hàng trăm công nhân đang lật lớp gạch cũ để tôn cao nền quảng trường thoát khỏi nực nước ngập. Nơi đây, hai tháng nữa, sẽ là diễn trường hoành tráng và kỳ vĩ tôn vinh con Tôm, và tất nhiên, những người nghiên cứu, sản xuất, chế biến, quảng bá đặc sản Tôm Cà Mau.

Hoàng Minh Tường
Tin khác
Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức
Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức

Thơ hay thường vận vào người. Chung cuộc, cho tới khi rũ áo ra đi, nhà Thơ Phạm Đức chỉ có một mình. Gia tài ông để lại là căn nhà bên mép sông Bùi còn chưa hết nợ, một tủ sách đồ sộ mấy trăm cuốn. Và đàn trâu…, gần hai trăm con.

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học
Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.

‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ
‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ là tác phẩm mới của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, mang nhiều suy tư về tinh thần văn hóa Việt.

‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.