| Hotline: 0983.970.780

Phóng sự

Nhà văn Hoàng Minh Tường: Vũng Tàu, nơi ấy...

Nhà văn Hoàng Minh Tường: Vũng Tàu, nơi ấy...

Sau Hà Nội, Vũng Tàu là thành phố tôi gắn bó và có nhiều kỷ niệm.

 

Tháng 2/1982, lần đầu tiên tôi đến Vũng Tàu và ở liền hai tháng. Ấy là dịp tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, với tư cách hội viên dự bị. Nhà văn Nguyễn Thành Long trao cho tôi quyết định kết nạp khi tôi nhập Trại sáng tác Vũng Tàu. Đây là trại sáng tác đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam dành riêng cho các nhà văn phía Nam đặt tại khu biệt thự Tuấn Tú, kề bên Niết Bàn Tịnh Xá trên đường Hạ Long, tên cũ là đường Võ Tánh. Tôi cùng Chu Văn Mười, Nguyễn Quang Thân, Chính Tâm là bốn anh Bắc kỳ được đặc cách tham dự trại.

Ngày ấy Vũng Tàu còn là một thành phố hiu hắt ven biển. Năm 1975, rồi những năm tiếp theo, cư dân Vũng Tàu di tản và vượt biên gần hết. Phố xá, những khu biệt thự, khu nghỉ dưỡng Bãi Trước, Bãi Sau vợi hẳn người, nhà cửa trống vắng, hoang liêu. Tụ điểm duy nhất của thành phố là mấy quán cà phê, bia bốc ở bãi Tầm Dương và khu chợ lồng kẹp giữa hai phố Trưng Trắc, Trưng Nhị.

Trại sáng tác mượn lại khu biệt thự Tuấn Tú nằm trên sườn dốc phía nam của Núi Nhỏ (tên chữ là Tao Phùng), xoải xuống là Bãi Dứa, bãi tắm nhỏ xinh cát mịn và ít sóng, leo ngược lên theo lối dốc đứng có thể tới chân ngọn hải đăng cổ xưa nhất trong 79 ngọn hải đăng nước ta, được xây từ thời Pháp (1862), hoặc chếch sang phía đông sẽ đi tới tượng Chúa Kito trên đỉnh thứ hai cao 170m của núi Tao Phùng.

Trại sáng tác ấy chủ yếu tập hợp những nhà văn trẻ phía Nam, mà bấy giờ và mấy năm sau đều trở nên sáng giá trên văn đàn: Bùi Nhật Tuấn và Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Mạnh Tuấn và Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Quang Thân và Nguyễn Quang Hà, Đào Hiếu và Lưu Ngũ, Chu Hồng Hải và Nguyên Tùng... Rồi một dàn người đẹp miền Tây và Huế tuổi hoa niên mới vào nghề viết, văn và người tươi rói và trong trẻo: Lý Lan, Dạ Ngân, Trà Giang, Đinh Thu Vân, Trần Thùy Mai.

Buổi gặp mặt đầu tiên của trại, nhà văn Nguyên Ngọc, Bí thư đảng đoàn, Phó Tổng Thư ký thường trực Hội, bay từ Hà Nội vào, cùng với ban giám đốc trại (gồm nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, các nhà văn Huy Phương, Nguyễn Thành Long, Lê Xuân Giang), tập hợp đội ngũ trước khoảnh sân rợp bóng bàng và những cây đại cổ thụ nở hoa trắng, hoa vàng thơm ngát, huấn thị: “Đây là nơi ươm mầm lớp nhà văn chủ lực cho nền văn học tương lai, những nhà văn cốt cán cho vùng đất phương Nam…”.

Với một chế độ đãi ngộ đặc biệt, mỗi trại viên một phòng, bàn viết sang trọng. Mỗi sáng cô Hằng béo cấp dưỡng cùng anh xích lô đẩy chiếc xe bánh mì, xôi lạc ì ạch vượt dốc qua Niết Bàn Tịnh Xá lên sân, tiếng kẻng vang lên, báo giờ chia suất sáng đến từng phòng. Trưa và chiều cả trại ăn ở bếp tập thể. Cơm không phải độn bo bo như các bếp tập thể thịnh hành, lại có thêm chút đạm hải sản của biển Vũng Tàu, văn thơ tuôn trào như sóng biển.

Sau hơn hai tháng đóng cửa phòng văn hì hục viết, mười tám trại viên, ai cũng có “sản phẩm”. Nguyễn Mạnh Tuấn, nhà văn thời thượng đang lừng lẫy với tiểu thuyết “Những khoảng cách còn lại”, vừa đặt dấu chấm cuối cùng cho tiểu thuyết “Đứng trước biển” dày như cục gạch, đã có nhà xuất bản đến túc trực rinh đi. Dạ Ngân và Nguyễn Quang Thân qua tuổi tam, tứ thập, vừa gặp nhau đã bập vào mối tình sét đánh để đời mà mỗi người vẫn có một tập truyện ngắn ngồn ngộn đời sống.

Trần Thùy Mai vừa ôm một “quả địa cầu trước bụng” vừa thai nghén những trang truyện ngắn “Trăng nơi đáy giếng”. Nguyễn Nhật Ánh bắt đầu hé lộ tài năng viết cho tuổi thơ bằng bản thảo truyện dài “Trước vòng Chung kết” và những ý tưởng cho “Kính vạn hoa”, ”Mắt biếc”… sau này. Riêng Trần Mạnh Hảo, ngày nào cũng có thơ ra lò. Anh đọc sang sảng trong phòng ăn, ngoài sân vườn, thơ tuôn trào như Maiacopski đọc trước quảng trường vạn người nghe.

6-4

Tượng Phật trên núi Lớn.

Gần ngày bế mạc trại, cái nắng phương Nam làm khô xác những vầng hoa giấy như những trang màu học trò xé rách tung bay trong gió. Đúng vào dịp đó, nhiều thuyền nhân bị đánh đắm ngoài khơi, xác người dạt vào Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dứa… Một sáng ngày đầu tháng Năm, các nàng thơ cùng các văn sĩ đang tắm biển Bãi Dứa, bỗng thất kinh, kêu thét lên khi quờ tay vào những bộ nội tạng sóng đánh dạt vào. Rồi lờ lững một xác người... Cái nóng và gió như cộng hưởng, thổi thốc vào từng phòng viết thứ mùi phân hủy của xác động vật.

Đúng vào dịp đó, cả nước ăn độn bo bo, nhà văn Nguyên Hồng, tác giả lừng danh của "Bỉ Vỏ", "Thời thơ ấu"… từ trần tại Nhã Nam, nơi ông bỏ biên chế nhà nước về vỡ đất trồng ngô sắn và viết bộ tiểu thuyết “Núi rừng Yên Thế”. Tin ông chết đăng trên trang bốn báo Nhân Dân, in bằng thứ giấy rơm xỉn màu thô ráp trên diện tích bằng một bao thuốc lá. Trưa 3/5/1982 ấy, toàn trại bỏ bữa. Không thể nuốt được trong không khí đó. Thương Nguyên Hồng và thương những người vượt biên nằm rải rác ngoài bãi biển chờ thân nhân đến nhận mặt.

Hội Văn nghệ Hải Phòng, nơi nhà văn Nguyên Hồng sống nhiều năm và là chủ tịch danh dự của hội, cả hai lãnh đạo (chủ tịch Chu Văn Mười và phó chủ tịch Nguyễn Quang Thân) đều đang ở trại sáng tác Vũng Tàu. Tổ chức một lễ truy điệu cho Nguyên Hồng ở Vũng Tàu là chí phải. Không thể kiếm đâu ra một bức ảnh của nhà văn. Nhật Tuấn, tác giả lừng danh của những truyện ngắn cho tuổi đang yêu “Trang mười bẩy” và “Con chim biết chọn hạt”, người vừa hoàn thành đề cương cho tiểu thuyết để đời “Đi về nơi hoang dã”, chợt nghĩ ra chi nhánh Nhà xuất bản Văn học của anh đang tái bản "Bỉ Vỏ", có thể đã in xong. Không chần chừ, Nhật Tuấn phóng con xe Renault "second hand" về Sài Gòn, may quá, sách vừa ra lò.

Vậy là "Bỉ Vỏ" trở thành bài vị của nhà văn trong lễ tưởng niệm trên khuôn viên khu biệt thự dưới những vòm đại già ngát hương ngay tối hôm đó. Ai cũng muốn nói một điều gì đó với nhà văn bậc thầy Nguyên Hồng. Đến lượt nhà thơ Trần Mạnh Hảo, anh lấy từ túi áo ra một trang giấy kín đặc, bỗng nấc lên, rồi hất mái đầu tóc rễ tre, giọng nghẹn ngào:   

“Một mẩu giấy bằng bàn tay đứa bé/ Báo Nhân Dân đăng một tin buồn/ Nhà văn Nguyên Hồng vừa mất/ Không có quê hương, không một dòng sự nghiệp…”.

Bài thơ "Khóc Nguyên Hồng" không ngờ trở thành một sự kiện văn học của Trại sáng tác Vũng Tàu, gây cho tác giả không ít phiền phức. May mà mới đây, tập "Tuyển thơ Trần Mạnh Hảo" được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản, có in bài thơ này đã được sửa nhiều so với bản đầu.

Từ trại sáng tác ấy, nơi tôi viết cuốn tiểu thuyết “Vùng gió quẩn”, truân chuyên chìm nổi suốt mười lăm năm sau mới được in và đổi tên thành “Thủy hỏa đạo tặc” (Tập 1 của "Gia phả của đất", Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1996), sau này, nhiều trang viết của tôi có "nơi sinh" là thành phố biển Vũng Tàu.

Bây giờ, mỗi năm tôi ở Vũng Tàu vài tuần lễ. Vũng Tàu đã khác xa bốn mươi năm trước, một thành phố đáng sống, đặc biệt thích hợp với người già. Bãi Trước và Bãi Sau đã là những bãi biển của hết thảy người yêu biển. Con đường Hạ Long bây giờ, và cả đường Trần Phú vòng quanh Núi Lớn, là đường hẹn hò của không chỉ những cặp tình nhân.

Mỗi lần đến Vũng Tàu, lại nhớ ngày ấy chập chững đời văn. Ngày ấy Vũng Tàu còn nghèo, nhưng là nơi phát tích nhiều áng văn chương, nhiều văn tài đương đại. Nhiều nhà văn của Vũng Tàu, gắn bó với Vũng Tàu ngày ấy đã thành thiên cổ: Lê Quốc Minh, Hoàng Trung Thủy, Xuân Sách, Giang Tấn, Trần Hoài Dương, Nhật Tuấn… Nhớ nhất là những ngày mưa ở Vũng Tàu. Lạ lắm, những ngày mưa luôn gợi nhớ bạn cũ, cảnh cũ và nhớ da diết xứ Bắc.

Có hai kỳ trong năm, ngày mưa đặc biệt  gợi nhớ xứ Bắc. Ấy là tháng Ba, cữ rét nàng Bân ngoài Bắc, ở Vũng Tàu có những ngày trời đầy mây, mưa sùi sụt và se lạnh. “Rồi một ngày bỗng mưa rả rích/ Phố phường như đất Bắc quê nhà/ Rét nàng Bân so ro áo mỏng/ Có ai ngờ đang ở Vũng Tàu xa…”.

Nhìn người đi trên phố, bỗng thấy một nỗi nhớ Hà Nội nao lòng. Tự nhiên muốn đọc lại Vũ Bằng với “Thương nhớ mười hai” hay “Món ngon Hà Nội”. Tự nhiên câu thơ ám ảnh của Thảo Phương trong nhạc Phú Quang lại ngân lên: “Làm sao về được mùa đông/ Để nghe chuông chiều xa vắng...”.

Ngày ấy, cuối năm 1989, tôi và nhà văn Hồng Phi, hai phóng viên báo Văn nghệ vào Sài Gòn chờ máy bay sang Campuchia đón quân tình nguyện. Thảo Phương hay đến 43 Đồng Khởi, trụ sở phía Nam của báo Văn nghệ chơi và vừa cùng Đỗ Ngọc Thạch đàn ghi ta vừa ngâm những câu thơ buồn. Cô giáo Nguyễn Mai Hương quê Ninh Bình, học sinh học ở Budapest (Hungaria) có nỗi trắc ẩn số phận, đã từ giã vùng biển Hạ Long, mang bốn cậu con trai vào Sài Gòn kiếm sống. Lúc ấy bút danh Thảo Phương bắt đầu gây chú ý với nhiều bạn đọc, bởi nỗi chống chếnh của thân phận đàn bà, sự mải miết ngoái về quá khứ với nỗi khắc khoải hoài niệm, sự đau đớn phải chia xa nơi cũ, chốn cũ, người cũ:

“Dường như ai đi ngang cửa/ Hay là ngọn gió mải chơi/ Chút nắng vàng thu se nhẹ/ Chiều nay cũng bỏ ta rồi/ Làm sao về được mùa đông/ Chiều thu cây cầu đã gẫy/ Lá vàng chìm bến thời gian/ Đàn cá im lìm không quẫy/ Ừ thôi, mình ra khép cửa/ Vờ như mùa đông đang về…”.

 

Ít ai nhớ mùa đông, nhớ Bắc da diết như thế. Những câu thơ của Thảo Phương, giai điệu nhạc của Phú Quang, nếu nghe ở Vũng Tàu một ngày mưa tháng ba, khó mà cầm lòng cho được.

Rồi một kỳ mưa nữa, mà những ai ở Vũng Tàu, sẽ nôn nao nhớ mưa phùn gió bấc xứ Bắc, nhớ Tết sắp về. Ấy là những ngày đầu đông, khởi mùa gió chướng. Khi ấy, các bãi biển Vũng Tàu ngày thứ Bảy, Chủ nhật vắng khách Sài Gòn và các tỉnh. Biển đầy mây, màu xám buồn. Sóng lớn, đục ngầu, đưa từng lớp lớp lục bình dạt vào bờ cát. Bãi Sau, mênh mông, dài rộng, vàng mơ thế bỗng ngổn ngang, tràn ngập xác cây mà miền Bắc gọi là bèo tây, đang phân hủy.

Bèo tây ở đâu tràn về? Phải chăng từ mãi vùng cửa sông Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình xứ Bắc? Chỉ gió mùa đông bắc nhờ dòng hải lưu đưa bèo tây về tới biển Vũng Tàu.

Những ngày mưa ấy, sau bốn mươi năm, lại có thêm nhiều bạn văn chương mới ở Vũng Tàu, không phải bạn văn ở Trại sáng tác Vũng Tàu ngày nào, vì họ đã xa cả rồi, có người đã ở cõi Bồng Lai rồi, mà bây giờ là những người bạn yêu văn, họ đọc văn rồi thương mà kết bạn.

Có một người Thủy Nguyên (Hải Phòng), anh Nguyễn Chí Cư, vốn là lính đặc công nước, sau chuyển sang ngành vận tải dầu khí. Cư đọc và kết bạn với phần đông các nhà văn biệt tài nhưng nghèo và thất thế, như Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn, Châu Diên, Phạm Toàn, Dương Tường… Cư bảo: Hồi ấy, thỉnh thoảng anh theo bạn đến chơi trại sáng tác, lại có dịp được dự buổi lễ tưởng niệm nhà văn Nguyên Hồng ở biệt thự Tuấn Tú. Sau này anh đọc “Gia phả của đất”, “Thời của Thánh Thần” và kết bạn với tôi. Cư bảo: Ngày mưa ở Vũng Tàu thường gây hứng thú đọc sách. Mỗi lần đọc các nhà văn từng ở trại viết Vũng Tàu, anh lại nhớ Bắc da diết.

Tôi bỗng thêm niềm hạnh phúc, vì ở Vũng Tàu, mỗi ngày tôi lại gặp thêm những độc giả từng âm thầm đọc và thương quý mình.

Nhà văn Hoàng Minh Tường
Xem thêm

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm