Vợ chồng Mạc đều là giáo viên dạy giỏi. Ngay năm đầu tiên, rồi tiếp ba năm sau, Luyến đã có học sinh giỏi văn toàn tỉnh, được gọi vào đội tuyển thi quốc gia. Môn sử của Mạc, học sinh các trường đều ngán ngẩm, chán học, nhưng riêng Thượng Sơn năm nào cũng đỗ trên chín mươi phần trăm tốt nghiệp.
Nhưng rồi trời chẳng cho vợ chồng Mạc trọn vẹn. Luyến bị ung thư. Lúc phát hiện thì không qua khỏi. Thằng Sơn con trai duy nhất của họ còn đang tuổi mẫu giáo.
Mạc đau lắm. Đau đến bạc tóc vì nhiều đêm thức trắng. Vì không ngờ Luyến bỏ anh giữa đường. Anh lâm vào cảnh gà trống nuôi con đột ngột mà không hề được tập dượt.
Tình cảnh mồ côi vợ của Mạc lúc ấy thật thảm thương không bút nào tả xiết. Giả dụ, nếu sống ở một vùng đất thâm sơn cùng cốc, hoặc phải làm một công việc thầm lặng, đơn côi, tỷ như trông đèn biển giữa trùng khơi, đo khí tượng trên núi cao như trong các tác phẩm văn học đã viết, chắc chắn Mạc đã tự tử hay strees nặng phải vào trại tâm thần.
Nhưng ơn trời, những ngày bi thương ấy, Mạc lại sống ở Thượng Sơn, sống giữa một tập thể giáo viên tràn đầy nghĩa tình, niềm yêu thương, trắc ẩn, và nhất là giữa “thế giới” học trò. Ngày nào, nhà thầy Mạc cũng tíu tít tiếng cười nói, tiếng trẻ líu lo.
Ấy là lúc cuối ngày, những học trò của thầy phân công nhau, nhóm đi đón thằng Sơn từ lớp mẫu giáo về, nhóm gíup thầy dọn nhà cửa, chuẩn bị nấu cơm, nhóm cho lợn ăn, gọi gà về chuồng... Dường như những gì cô giáo Luyến từng làm trước đây, thì nay các học trò lớp 11A, cả nam và nữ, đều muốn mọi việc vẫn được chu toàn như ngày cô chưa hề đi xa.
Trong những học trò ấy, cô lớp phó Bùi Thị Hân là một nữ sinh đặc biệt. Các bạn thường gọi Ngọc Hân công chúa. Biệt danh này chỉ đúng với cái tên, còn con người Hân thì không yểu điệu, mảnh mai như công chúa, mà cao ráo, quí phái, giống với hình ảnh nữ tướng Bùi Thị Xuân hơn. Hân không chỉ học giỏi, lao động giỏi mà tính tình lại rất nhẹ nhàng, đa cảm, thương người.
Có lần, thầy Mạc xuống làng gặp phụ huynh học sinh, khi ngang qua cánh dược mạ, bỗng thấy một phụ nữ quần áo kín từ đầu tới chân đang “vắt”, “diệt” con trâu mộng kéo bừa ngon lành trên thửa ruộng để ải, thấy lạ, đứng nhìn. Cô thợ bừa ban đầu có ý tránh, nhưng khi con trâu đi tới đầu bờ giáp đường lớn, thì đành “họ” trâu lại, cất tiếng chào thầy. Phải đợi Hân lật chiếc khăn khỏi đầu, lộ đôi mắt to đen láy, thầy mới à lên:
- Có phải em là học sinh lớp 11A không?
- Dạ, em Hân đây ạ, thầy không nhận ra em ư?
- Thầy tưởng, với một con trâu mộng như thế kia, chỉ có chị nông dân sức vóc…
- Em tuổi Dần… mà thầy. Mẹ em bảo em cầm tinh con Hổ. Trâu nào vào tay em cũng phải ngoan hiền.
Hân nói xong câu ấy, biết hớ, liền đỏ bừng mặt giấu ánh mắt vào vạt khăn. Cái Thảo cùng tổ với Hân, trùm buôn dưa lê, có lần bảo: Thầy Mạc tuổi Sửu. Trâu rừng, Trâu chọi Đồ Sơn nhưng góa vợ, bây giờ không bằng con nghé ọ, mày tuổi hổ, sợ gì? Thích thầy thì dấn lên, làm mẹ kế của thằng Sơn cho thầy đỡ khổ…
Và, như như ngầm phát động một âm mưu, tất cả bọn con trai con gái nhất quỷ nhì ma lớp 11A nhất tề gán ghép Hân với thầy, khi thấy Hân đặc biệt quyến luyến và chăm sóc thằng Phan Hoàng Sơn. Những lúc đón Sơn từ lớp mẫu giáo về, bọn cái Tháo còn liều lĩnh bắt thằng Sơn khoanh tay gọi “dì Hân”.
Năm học tiếp đó, thầy Mạc theo học sinh lên chủ nhiệm lớp 12A. Hân vẫn là lớp phó học tập. Những giờ sử của thầy Mạc vẫn có sức lôi cuốn đặc biệt học trò các khối. Những năm ấy, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hoặc thi vào đại học, học sinh cả nước thường bị điểm rất thấp môn sử, vì chúng chán lịch sử tới tận... chân răng, nhưng học trò trường Thượng Sơn năm nào cũng xếp hạng cao nhất tỉnh.
Bởi thầy Sử Mạc, đồng nghiệp và học trò thường gọi thầy Mạc thế, đã biến những giờ sử khô khan đầy những số liệu, sự kiện thành nỗi đam mê khao khát được ngược nguồn dân tộc, khám phá những trang bi hùng của đất nước.
Tỉ dụ, khi học về cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, thầy Mạc không dạy trên lớp mà cho học trò đến thắp hương nhà thờ chi họ Bùi làng Trung Sơn do ông Bùi Viên là trưởng tộc. Có được buổi học điền dã này cũng là nhờ sự dẫn mối của Hân. Hân nải nỉ bác Viên để có cuốn gia phả họ Bùi cho thầy Mạc mượn nghiên cứu và soạn các bài lịch sử địa phương.
Sau khi thầy trò thành kính dâng hương, thầy Mạc nói:
- Các em biết không, tại Hội thề Lũng Nhai năm 1416, trước khi Lê Lợi làm lễ xuất quân đánh đuổi giặc Minh, có một người họ Bùi quê hương ta tham dự. Đó là danh thần Bùi Quốc Hưng. Ông là một trong 18 vị công thần có tên từ ngày đầu dưới cờ nghĩa Lam Sơn. Sách Đại việt sử ký toàn thư chép, cụ nội Bùi Quốc Hưng tên là Phí Mộc Lạc, làm quan dưới triều vua Trần Nhân Tông.
Mộc Lạc, nghĩa là cây đổ, cây rụng. Vua Trần Nhân Tông quí tài và đức Phí Mộc Lạc, nhưng thấy tên ấy không hay, liền đổi cho ông sang họ Bùi, Bùi Mộc Đạc, tức là cái mõ có sức vang xa. Từ đó có một dòng họ Bùi chuyển từ họ Phí về sống ở Thượng Sơn, rồi phân một nhánh về Hải Dương, tạo nên một dòng gốm nổi tiếng Chu Đậu.
Danh thần Bùi Quốc Hưng là bạn vong niên của Ức Trai Nguyễn Trãi, đã từng làm quan dưới triều Trần. Khi biết Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, ông và các trung thần nhà Trần đã tìm vào tụ nghĩa. Bùi Quốc Hưng là một trong những tướng tài của Lam Sơn, từng lập chiến công vây thành Nghệ An, phá thành Điêu Diêu, thành Xương Giang khiến quân Minh đại bại. Mẹ ông người vùng núi đá vôi Thượng Sơn. Từ thuở thiếu thời và trước khi vào Lam Sơn, Bùi Quốc Hưng đã từng sống ở quê mẹ. Cuối đời ông về Thượng Sơn an trí và chọn đây là nơi an nghỉ cuối cùng...
- Cái Hân là hậu duệ của danh tướng Bùi Quốc Hưng đấy thầy ạ - Ai đó bỗng nói to lên.
- Thảo nào con gái họ Bùi ai cũng có võ. Nữ tướng Bùi Thị Xuân này. Lớp phó Bùi Thị Hân cũng có võ đấy thầy ơi. Con trai toàn bị nó đá đít...
- Cái Hân sinh năm Giáp Dần, cầm tinh con Hổ đấy thầy ơi.
Một giọng con gái chua loét như dấm:
- Cái Hân nó bảo Hổ sẽ ăn thịt Trâu, Dần sẽ vần nát Sửu đấy thầy ơi…
Suốt từ buổi học dã ngoại ấy, lớp 12A bỗng lao xao một điều gì mà chỉ có thế giới học trò nhất quỉ nhì ma mới hiểu nổi.
Sau nỗi đau mất vợ, thầy Phan Hoàng Mạc hầu như không muốn nghĩ đến người đàn bà nào khác. Với học trò, lại càng tối kỵ. Nhưng cô học trò Bùi Thị Hân, đã bằng cách nào đó, đôi khi lẻn vào trong giấc ngủ của thầy. Có lúc là một người phụ nữ đang cần mẫn bừa trên dược mạ. Có lúc là một đôi mắt đen thẳm nhìn hút từ vành khăn che gần kín mặt. Có lúc là một người mẹ đang chăm chút, chơi đùa với thằng Sơn…
Ôi chao, những cử chỉ chăm sóc nâng niu bé Sơn của Hân, sao giống Luyến lạ lùng. Đã nhiều lần, như cô Tấm hiện ra từ quả thị, Hân lặng lẽ đến, lặng lẽ để một bộ quần áo mới, một túi đồ chơi, một gói kẹo trên bàn. Và ánh mắt, thảng hoặc Hân nhìn, rồi vội bối rối quay đi...
Những giờ sử của thầy Mạc, có một đôi mắt to đen, với hàng mi cong rợn ngợp, từ dãy cuối bàn, luôn đắm đuối nhìn thầy, biết vậy, nhưng thầy không dám nhìn lại. Trò kém thầy đến hai mươi tuổi, ngây thơ, trong trắng quá, thầy không dám và không nỡ...
Có một đêm thao thức vì đôi mắt ấy, Mạc không ngủ. Anh ôm chặt lấy thằng Sơn, cố nghĩ đến Luyến, nước mắt ứa ra. Nhưng rồi chen lẫn với hình ảnh của Luyến, lại là đôi mắt học trò ấy. Không quen làm thơ, mà Mạc vẫn không ngăn được tứ thơ dạt dào cảm xúc.
“Em trong trắng quá, như trang giấy
Chưa kịp chia ô, chửa kẻ dòng
Anh thì bụi bặm như đời vậy
Mực đã bao lần đục lẫn trong.
Giá em đừng trắng như giấy trắng
Thì anh viết tiếp số phận mình
Đời lắm đắng cay và đen bạc
Mà giấy em vẫn trắng rưng rưng...’’
Bài thơ này Mạc đặt tên là GIẤY TRẮNG, sau này in trong tuyển thơ tình học trò của nhà xuất bản Thanh Niên. Nhưng dạo ấy thì Hân và các bạn của nàng không thể biết thầy Phan Hoàng Mạc có phẩm chất thi sỹ.
***
Rồi chính cô học trò tinh nghịch đặt thầy Mạc vào một tình huống cực kỳ khó xử. Ấy là buổi kiểm tra học kỳ, một tiết, điểm số ghi học bạ với hệ số hai. Thầy Mạc đứng trên bục nhìn bao quát toàn lớp. Sĩ số 46 học trò đủ mặt. Thầy ghi đầu bài lên bảng: “Anh, chị hãy cho biết diễn biến lịch sử Cuộc kháng chiến chống quân Minh. Hãy bình luận về chiến thắng vĩ đại này”.
Cả lớp im phắc. Những đôi mắt lim dim nhìn vào tiềm thức như những nhà sử học nghiêm cẩn đang nghiền ngẫm những sự kiện và nhân vật. Rồi tiếng giấy mở loạt soạt, những mái đầu nghiêng nghiêng, bắt đầu viết lia lịa.
Thầy Mạc ngồi trước bàn, mở cuốn tiểu thuyết “Con tàu trắng” của Chyngyrz Aytmatov, nhưng đọc chừng vài dòng thầy lại nhìn xuống lớp xem học trò làm bài có nghiêm túc không. Và kỳ lạ, lần nào nhìn xuống, thầy cũng bắt gặp đôi mắt to đen vời vợi của Hân nhìn lên. Hai luồng ánh mắt gặp nhau. Lần đầu tiên, Mạc biết thế nào là đấu mắt. Một cuộc đấu âm thầm, cháy bỏng, thổn thức, đắm say. Và thầy thua. Vội cúi xuống Aytmatov. Nhưng nào có đọc được gì nữa, thầy bắt đầu xao xuyến. Chẳng lẽ cô bé này đã làm xong bài? Mấy lần thầy tự hỏi, và lần nào nhìn xuống dãy bàn cuối lớp, vẫn gặp đôi mắt vời vợi ấy.
Trống trường điểm ba tiếng. Hết giờ. Hân đứng phắt dậy thu bài của từng bàn, như mọi lần. Trong dáng vẻ hăng hái và mẫn cán của một lớp phó, ánh mắt nàng không che giấu nổi một cái gì rạo rực, bồn chồn, chen lẫn lo lắng, hoang mang, rất khó tả.
Việc đầu tiên về đến phòng, sau khi đóng chặt cửa lại, thầy Mạc mở tập bài kiểm tra, tìm ngay bài của Bùi Thị Hân. Đây rồi. Dưới phần chép đề, là phần bài làm. Không một dòng nào, ngoài mấy chữ viết nghiêng, nắn nót: Thưa thầy, em không làm được ạ! Dấu chấm than mới to và dứt khoát làm sao. Một sự thú nhận. Một nỗi thổn thức. Một trách móc giận hờn…
Trái tim chai sạn của thầy có một tích tắc như ngừng đập. Thầy Mạc không tưởng tượng nổi đời dạy học của mình lại có một tình huống sư phạm oái oăm thế này. Ngay bây giờ, hoặc một lúc nào đó trong hôm nay, ngày mai, ngày kia..., chỉ cần nhắn con chim non ấy lên phòng, nàng sẽ sà ngay vào lòng thầy và thổn thức. Không phải là ngoại lệ. Rất nhiều mối tình thầy trò từ trước thuở bố mẹ Nguyễn Trãi, (thầy Nguyễn Phi Khanh và trò Trần Thị Thái), tới giờ, đã bào chữa và thi vị hóa một phạm trù đạo đức tưởng như bị cấm kị.
Phải nói không là điều đau đớn và gian dối với lòng mình, nhưng vẫn có thể làm được việc không nên ấy, trên cương vị một thầy giáo chủ nhiệm mà chức phận và nghề nghiệp cao quý đã mặc định. Mạc sẽ bóp chặt trái tim mỗi lần nghĩ đến cô trò nhỏ. Mạc sẽ tránh gặp nàng, hoặc giả làm một trò lố bịch, thậm chí tàn nhẫn cho nàng thoát khỏi trạng thái cuồng yêu.
Nhưng việc trước mắt, không thể lẩn tránh, không thể thoái thác: Chấm bài của Hân thế nào? Cái ô điểm số hình vuông phía bên trái và ô lời phê của giáo viên hình chữ nhật bên phải không thể để trống. Cả tuần Mạc căng óc suy nghĩ. Điểm không (0) là dĩ nhiên rồi. Nhưng đó là điểm hệ số hai, ghi học bạ, là điểm xét thi tốt nghiệp và thi đại học.
Điểm không thì ác quá, tàn độc quá. Vậy thì điểm mấy? Với học lực của Hân, lại gắn với ký ức và truyền thống của họ Bùi, của mảnh đất thấm đẫm những dấu ấn lịch sử bi tráng này, bài này Hân kiếm tám, chín, thậm chí mười điểm là đương nhiên. Cho Hân tám điểm, chẳng học trò nào thắc mắc, ghen tị. Lần đầu tiên trong đời thầy giáo, Mạc chấm một bài kiểm tra khó khăn vô cùng.
Mọi lần, giờ trả bài kiểm tra một tiết, sau nhận xét của thầy, Mạc thường đưa tập bài cho lớp trưởng, hoặc một học sinh đầu bàn, phân phát cho các bạn. Nhưng lần này thì không thể. Không để học trò nào đọc thấy bút phê và điểm số bài kiểm tra của Hân.
Nhưng cũng không nên thành ngoại lệ, trả bài Hân riêng ra, trả đầu tiên hoặc sau cùng. Mạc xếp riêng mỗi bàn thành một tệp. Mạc đi từng bàn, trả từng tệp cho trò ngồi đầu bàn. Bàn cuối cùng, trước khi đưa cho Hân, thầy ý tứ đưa mắt, và cô học trò thông minh, quá hiểu ý thầy, nàng trả bài cho các bạn, còn bài của mình thì cất ngay trong cặp, dưới hộp bàn.
Tiết học ấy, Hân không nhìn thầy Mạc một lần nào, nhưng anh biết, trái tim non nớt của cô học trò đang thổn thức, muốn nhảy tung ra khỏi lồng ngực. Lát nữa, hoặc một lúc nào đó sau tiết học, nàng sẽ bí mật lấy bài ra xem, và sẽ không thấy một chữ bút phê nào của thầy, chỉ có một vòng khoanh mực đỏ quanh dòng chữ của trò và một dấu hỏi to tướng bên lề, cùng với một điểm 5 hào phóng, cái điểm 5 trung bình mà không một thầy giáo nào từ cổ chí kim lại bút phê một cách khó khăn, khổ sở đến như vậy.
Điểm 5 trung bình ấy đã vi phạm một quy tắc nghiêm ngặt của nghề thầy, nhưng lại manh nha nhen nhóm và nuôi cấy một ngọn lửa tình yêu..., mà ba năm sau, khi Hân đã là cô sinh viên năm thứ ba Đại học Nông nghiệp, mới bùng lên thành ngọn lửa tình bỏng cháy, nồng nàn.
***
Ấy là vào kỳ nghỉ hè nắng chói chang, sân trường đỏ rực sắc hoa phượng vĩ, thầy Mạc đang ngồi trong phòng đọc sách, thì cô sinh viên khoa Sinh học di truyền, Đại học Nông nghiệp ào đến.
- Thầy ơi, thầy có thơ đăng báo. Thầy ký bút danh khác, nhưng em vẫn nhận ra …
Hân xòe tờ báo Văn còn thơm phức mùi mực mà cô vừa mua từ bến xe. Đúng là bài thơ GIẤY TRẮNG, với bút danh Thượng Sơn, địa danh mà Mạc đã gắn bó cả cuộc đời dạy học. Một người bạn phóng viên đã chép từ sổ tay của Mạc bài thơ này và gửi cho tờ báo văn chương trẻ...
Bắt gặp cái nhìn của Mạc, cô học trò bỗng sững lại. Vì đôi mắt ấy của thầy, mà cô suýt bị điểm không bài kiểm tra cuối học kỳ bốn năm trước.
- Hân biết không, em mới chính là tác giả của bài thơ Giấy Trắng…
Nói được điều này, thầy giáo Phan Hoàng Mạc đã thực sự vượt qua cái ranh giới ước lệ, nhưng rất nghiêm cẩn và đầy lễ nghi, tập tục của thứ bậc thầy trò.
Và, như một phép màu, họ đến với nhau như định mệnh sắp đặt. Tất nhiên, có sóng gió, có cấm chợ ngăn sông. Bởi con gái hơ hớ lấy đâu chẳng được tấm chồng việc gì phải ăn cơm thừa canh cặn. Bởi trò lấy thầy khác gì con lấy bố, gấp đôi tuổi mình. Thiên hạ dèm một, họ hàng cấm hai. Nhưng lòng Hân đã quyết thì có giời cản. Cuối năm sau, khi Hân có bằng kỹ sư nông nghiệp và tình nguyện trở về quê hương để hoàn thành cái dự án bảo tồn và phát triển loài gien đặc hữu của nếp cái hoa vàng Thượng Sơn, đám cưới được tổ chức ngay tại trường.
Thầy hiệu phó Cao Huy Cần, dạy Văn, cổ lỗ như một ông đồ nho, tự tay viết vế đối trên khổ giấy đỏ có trang trí hoa văn, bằng lối viết thư pháp, kèm tờ 100USD xanh trong chiếc phong bì hồng, trịnh trọng tặng cặp uyên ương và công bố trước hội hôn:
- Đây là một vế đối văn chương tôi viết tặng chú rể Phan Hoàng Mạc và cô dâu Bùi Thị Hân. Vế một như sau: EM DẦN ANH SỬU, HỔ TÌM TRÂU SƠN CÙNG THỦY TẬN. Tôi để ngỏ vế hai để mời mọi người, trong đó có cả cô dâu chú rể cùng đối. Các vế đối qua vòng sơ khảo sẽ lần lượt được đăng trên tờ báo tường của trường Thượng Sơn. Vế hay nhất, chỉnh nhất sẽ được giải thưởng trị giá 100 USD trong chiếc phong bì này…
Một cuộc thi câu đối bắt đầu tại Thượng Sơn, thu hút thầy trò, các trường trong huyện, trong tỉnh, các tao nhân mặc khách đến thăm. Vế đối tưởng dễ, nhưng vướng vào mấy cặp chữ Dần - Sửu, Hổ - Trâu, Em - Anh, Sơn - Thủy với niêm luật bằng trắc rất khắt khe. Bao học giả văn nhân bạc tóc, trăn trở nhiều năm vẫn chưa đối được.
***
Hơn hai mươi năm, khi cậu bé mẫu giáo Phan Hoàng Sơn ngày nào, nay đã vào đại học, và có thêm hai đứa em nữa, khi kỹ sư Bùi Thị Hân đã trở thành nhà nông học, có bằng sở hữu trí tuệ về giống lúa nếp hoa vàng đặc sản TS-1nổi tiếng cả nước, tham gia chuỗi xuất khẩu hàng nông sản đặc biệt ra thế giới, và thầy Phan Hoàng Mạc đã nhận sổ hưu, vẫn chưa tìm được vế đối thứ hai hoàn chỉnh.
Thế rồi, đúng ngày 23 tháng chạp năm Tân Sửu, ngày Táo Quân chầu Trời, chuẩn bị sang năm mới Nhâm Dần, trang Facebook của cụ giáo già Cao Huy Cần bỗng ngân reo:
“Kính thưa bạn đọc. Đã tìm thấy tân khoa Cuộc thi câu đối ở Thượng Sơn. Sau đúng 25 năm, người được thách đối trong đám cưới đã xuất hiện, với một vế đối không thể tuyệt vời hơn, ngay cả nếu cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, cụ Tam nguyên Nguyễn Khuyến, hay cụ Tú Xương tái thế cũng chỉ biết cho nhiều vòng khuyên đỏ.
Vế mời đối là :
EM DẦN ANH SỬU, HỔ TÌM TRÂU SƠN CÙNG THỦY TẬN
Vế đối là:
TRÒ HỔ THẦY TRÂU, DẦN YÊU SỬU ĐẦU BẠC RĂNG LONG.
Tác giả vế đối hiện vẫn ẩn danh. Chúng tôi, chủ trang Facebook này, (đại diện cả cho vợ chồng thầy giáo Phan Hoàng Mạc, Bùi Thị Hân) xin kính mời tác giả đến nhận số tiền giải thưởng là 500 USD, tương đương 12.500.000 VND quy đổi.
(Ghi chú : Do thời gian quá lâu, tiền trượt giá, ban chấm giải phải điều chỉnh. Vả lại, cuộc tình thầy trò Thượng Sơn đã được thời gian thử thách, ngày càng bền chặt và hạnh phúc, rất xứng đáng với cả vế mời đối và vế đối. Đây cũng là dịp vinh danh vùng đất Thượng Sơn, vinh danh kỷ niệm một lễ cưới bạc trong một ngày gần đây).