| Hotline: 0983.970.780

Một thoáng Di Linh

Thứ Ba 08/12/2020 , 19:34 (GMT+7)

Nếu ăn và chơi thì nên đến thành phố ngàn hoa và bạt ngàn thông Đà Lạt. Nhưng nếu để sống, để di dưỡng sức khỏe, thì nên ở Di Linh.

Di Linh - mảnh đất còn nhiều tiềm năng.

Di Linh - mảnh đất còn nhiều tiềm năng.

Tôi vừa có một kỳ nghỉ hoàn hảo ở Di Linh. Không khí se lạnh buổi sáng, buổi chiều, sự mát dịu buổi trưa khi nắng hừng lên trên thảm xanh mênh mông những vạt đồi cà phê lượn sóng, và thảng hoặc, một làn mưa như sương, khiến ta xuýt xoa nhớ nhung đất Bắc…

Ở đây, bất chợt tôi đọc được một tài liệu liên quan đến những cuộc thám hiểm Tây Nguyên kì vĩ và mạo hiểm của Alexandre Yersin (1863 - 1943), mà sau này có nhà làm phim nào dựng lại những chặng đường ấy, sẽ vô cùng cuốn hút, chẳng khác nào những phim trinh thám và hành động trứ danh.

Thì ra, đích đến đầu tiên, chuyến thám hiểm đầu tiên, ngay sau khi từ Pháp sang Đông Dương (1890) của bác sĩ tài danh, nhà thám hiểm quả cảm A. Yersin lại là Di Linh.

Đó là những ngày đầu tiên về định cư ở Xóm Cồn, Nha Trang vào năm 1891, hành nghề y với cái tên thân thiết "ông Năm", Yerin đã có ý định tìm một con đường bộ vào Sài Gòn.

Thuở ấy chưa có đường bộ xuyên Việt. Từ Nha Trang, ông cùng mấy người Việt bản địa dẫn đường, đi ngựa vào Phan Rí, và lần theo thung lung sông Lũy mà đi. Rốt cục, ông không đến được Sài Gòn mà lại đến Di Linh, tìm thấy một cao nguyên mênh mông trên độ cao trung bình 1.000m so với mặt biển.

Vẻ đẹp bình dị thường gặp ở Di Linh.

Vẻ đẹp bình dị thường gặp ở Di Linh.

Chuyến đi lạc đến Di Linh, đã gợi cho Yersin, ở tầm một nhà y học, nhà bác học, bao điều về thiên nhiên, về con người…

Khác hẳn với Sài Gòn, Nha Trang, Hải Phòng, nơi ông đã từng chứng kiến mùa nóng thiêu đốt của mặt trời nhiệt đới, Di Linh ở độ cao trung bình 1.000m mà khí hậu mùa hè đã tuyệt vời thế này, thì ở bậc thềm cao hơn, 1.300m, 1.500m, thiên nhiên, khí hậu chắc chắn sẽ tương đồng như xứ sở ôn đới Thụy Sĩ, Pháp, quê hương ông.

Ông lại tiếp tục một chuyến đi nữa vào ngày 23/9/1892, từ Nha Trang lên Buôn Ma Thuột, sang tận Stungtreng bên bờ Mekong.

Nhưng phải đến cuộc hành trình thứ ba, bắt đầu từ Đồng Nai, lên Di Linh, rồi ngược lên thác Prenn, lên chân ngọn Langbiang, Yersin mới hoàn thành cuộc khám phá ra Đà Lạt, vào ngày 21/6/1893.

“Từ trong rừng thông bước ra, tôi sững sờ khi đối diện một bình nguyên hoang vu giống như mặt biển tràn đầy những làn sóng màu xanh lá cây. Sự hùng vĩ của rặng Langbiang hòa lẫn vào đường chân trời tây bắc tạo nên bối cảnh tráng lệ, gia tăng vẻ đẹp của vùng đất này…” Đó là những trang nhật ký của người tình Yersin khi phát hiện ra ý trung nhân Đà Lạt.

Chỉ sáu năm sau đó, năm 1899, toàn quyền Paul Doumer đã cho thiết lập khu nghỉ dưỡng cho người Pháp tại chân dãy Langbiang, có tên là Đà Lạt bây giờ.

***

So với cao nguyên Lâm Viêm, Di Linh thấp hơn năm trăm mét, không có những điểm đột khởi như trong dãy Langbiang (đỉnh cao nhất núi Bà, 2.167m), nhưng địa hình lượn sóng chập trùng, tầng phong hóa dày, đất bazan mầu mỡ.

Nếu ăn và chơi thì nên đến thành phố ngàn hoa và bạt ngàn thông Đà Lạt, một cuộc ăn chơi rất đáng giá mà bất cứ người Việt nào, và cả những du khách thế giới, nên đến ít nhất một lần trong đời. Nhưng nếu để sống, để di dưỡng sức khỏe, thì nên ở Di Linh.

Dường như nhiều người có chung niềm yêu mến Di Linh như tôi, và nhanh nhạy, thực tế hơn tôi, họ quyết biến niềm yêu mến ấy thành hiện thực.

Từ Sài Gòn, Vũng Tàu, Hà Nội, họ đã đến Di Linh mua đất. Khi dự án đường cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt được khởi công, giá đất ở Di Linh bỗng tăng đột ngột. Năm 2016, người cháu gọi tôi bằng cậu đang sống ở khu quy hoạch gần trường dạy lái xe Di Linh khuyên tôi mua một lô đất 200m2, giá 200 triệu, thì nay đã tăng gấp năm lần. Bốn năm, bỏ túi tám trăm triệu, một vốn bốn lời.

Đóng vai một người đi mua đất, buổi chiều se lạnh, tôi lang thang đến khu vườn cà phê bên hồ Tây, một hồ lớn mấy chục héc ta nằm gọn giữa lòng thị trấn Di Linh. Nơi đây trước kia là một hợp tác xã trồng chè và cà phê, thu hút nhiều lao động từ Nam Định, Thái Bình vào lập nghiệp.

- Bác định mua đất à? - Người đàn bà tuổi ngoài năm mươi, đẹp nền nã, đến gần tôi chủ động bắt chuyện. Tiếc quá, giá bác đến từ tháng trước. Em vừa bán hai sào rưỡi vườn cà phê này cho một bác từ Vũng Tàu lên mua. Hai sào rưỡi trong này là 2.500m2. Họ chẳng cần mặc cả. Em nói năm tỷ, liền trao tiền mặt luôn bác ạ…

Vui chuyện, người đàn bà tên Thoa rủ tôi vào căn nhà hai tầng của chị, tọa lạc trên một khoảnh đất bốn trăm mét vuông, chẳng kém gì biệt thự.

- Chồng em người Quảng Nam. Chúng em lấy nhau ngay sau khi em từ Nam Định vào trong này lập nghiệp. Em bán vườn cà phê kia để mua một ngôi nhà ở đường Nguyên Tử Lực trên Đà Lạt, cạnh nhà vợ chồng đứa con gái duy nhất vừa lấy chồng trên ấy. Vừa mua xong, có người nước ngoài thuê ngay mười triệu một tháng anh ạ.

Tôi chợt nhớ đến vợ chồng người chủ khách sạn TY TY khu Hòa Bình gần chợ Đà Lạt mà tôi mới nghỉ vài hôm trước. Họ mới ngoài bốn mươi tuổi. Hai mươi năm trước từ Phú Thọ vào Di Linh trồng cà phê. Chỉ hơn chục năm, đã ôm tiền từ rẫy lên mua đứt ngôi khách sạn sáu tầng giá hơn 35 tỷ ngay giữa trung tâm thành phố mộng mơ.

Đã có bao nhiêu gia đình, vốn đói nghèo, thiếu đất, đã đi lên từ vùng cao nguyên đất đỏ bazan màu mỡ này? Và Di Linh hôm nay, sẽ ra sao, nếu không có cây cà phê?

Với hơn 40.000ha đất trồng cà phê, bằng một phần tư diện tích tự nhiên của huyện, với năng suất bình quân 32 tạ/ha, sản lượng gần 134 000 tấn/năm, bằng 40% toàn tỉnh Lâm Đồng, cây bản địa cà phê đã tạo nên một Di Linh xanh trù phú.

Lần trước, vào Di Linh, tôi đến thăm những người làng Động quê tôi vào lập nghiệp ở Hòa Nam, xã cuối huyện Di Linh, gần Bảo Lộc. Họ dời quê từ thuở hai mươi, giờ có người đã cháu nội, cháu ngoại đầy đủ.

Cả xóm gần hai mươi gia đình mổ lợn đãi tôi. So vơi ngoài quê, dân làng Động ở đây khác hẳn. Nhà nào cũng có vài mẫu cà phê và chè, hơn nửa số gia đình xây nhà tầng, mua ô tô, mua nhà trên thành phố Bảo Lộc. Từ vườn cà phê, các gia đình trồng xen sầu riêng, vụ đầu mùa đã thu trăm triệu.

Mấy đứa cháu tôi bảo: Ông viết báo, đề nghị nhà nước đầu tư công nghệ chế biến sâu vào đây. Cà phê Di Linh nổi tiếng chẳng kém gì Brazil đâu ông ạ, nhưng bán cà phê hạt, nông dân lỗ vốn. Phải có nhà máy chế biến tại chỗ, phải bán sản phẩm tinh chất cà phê Di Linh thơm lừng ra thế giới…

Tôi nghĩ tới một khu du lịch nghỉ dưỡng, vùng nông nghiệp sạch công nghệ cao của Di Linh vài năm sau. Di Linh sẽ lên thị xã khi con đường cao tốc hoàn thành. Trên những đỉnh đồi lượn sóng kia sẽ mọc lên nhiều biệt thự nhà vườn ẩn mình dưới rừng cây. Sẽ có khu chế biến cà phê, nông sản, hoa trái cao nguyên.

Và sao lại thiếu hoa như Đà Lạt? Hai tháng nữa sẽ mùa hoa dã quỳ. Hoa dã quỳ phủ vàng rực dọc các triền đồi, dọc các khe suối.

- Di Linh đang là tâm điểm của phong lan đột biến Châu Như nữa cậu ạ.

Vườn lan Châu Như.

Vườn lan Châu Như.

Hoàng Lê Khâm, cháu tôi, chợt nhớ ra và đưa tôi đến khu nhà vườn trước mặt. Tôi quá bất ngờ khi lọt vào giữa một vườn lan mái che rộng 4.000m2 với hàng nghìn chậu lan đang ươm mầm của vợ chồng Đoàn Hải Phi. Thì ra người Di Linh đang xôn xao về giống lan mới lai tạo, trong đó có những chậu lan đột biến giá tiền tỷ có tên lan Châu Như là đây.

Phi dẫn tôi đi thăm vườn lan Châu Như đang ươm, mỗi chậu lan đều có ghi thế hệ, mã số riêng, đa số là lan thế hệ F2. Riêng những chậu lan F1, có thể sẽ cho hoa đột biến, lan F2 sẽ có nhiều lan bệt, một loại lan gần đột biến, có vầng đỏ trên cánh rất độc đáo và quí hiếm.

Châu Như là tên em gái Phi, kỹ sư nông lâm Đoàn Thị Châu Như, người Di Linh. Từ ý thích của người cha chơi lan lâu năm, Châu Như đã lai tạo từ những giống lan rừng Di Linh với các loài lan phi điệp, lan giả hạt ra loại lan F1. Rồi từ lan Châu Như F1 lai tiếp với lan rừng ra lan Châu Như F2.

- Hai tháng nữa, dịp áp tết chú đến đây, sẽ thấy lan Châu Như nở tưng bừng…

Lan Châu Như.

Lan Châu Như.

Nghe Đoàn Hải Phi khoe, tôi thấy háo hức muốn làm một chuyến vào lại Di Linh mùa Xuân tới. Tôi mường tượng cảnh phong lan Di Linh khoe sắc khắp muôn nhà, trên nền vàng rực của hoa dã quỳ và màu xanh bất tận của chè, cà phê.

Di Linh, tháng 10/2020

Xem thêm
Toàn văn phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Khai trương phòng đọc báo xuân Ất Tỵ tại Thái Nguyên

Phòng đọc báo xuân Ất Tỵ tại Thư viện tỉnh Thái Nguyên mở cửa phục vụ bạn đọc và người dân từ ngày 24/01/2025 đến hết ngày 05/02/2025.

Bình luận mới nhất