| Hotline: 0983.970.780

Bức chân dung cố Tổng Bí thư của nghệ nhân trẻ tài hoa

Chủ Nhật 28/07/2024 , 18:46 (GMT+7)

Bức chân dung cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được chế tác từ 5 loại xà cừ khảm trên nền gỗ quý, do một nghệ nhân trẻ thực hiện bằng cả tấm lòng.

Buổi sáng ngày 26/7/2024, trời Sài Gòn vẫn âm u như ngày hôm trước, những đám mây cứ vần vũ trên bầu trời, lâu lâu, một cơn mưa lại trút xuống. Mặc dù thế, hàng ngàn người dân thành phố, đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi, vẫn đội mưa, lặng lẽ xếp hàng vào Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vị lãnh tụ đáng kính của đất nước, về với đất mẹ. Nhiều người trong số họ, khuôn mặt nhòe trong nước mắt.

Những giọt nước mắt người dân TP.HCM trong giây phút tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất mẹ chiều 26/7/2024.
Những giọt nước mắt người dân TP.HCM trong giây phút tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất mẹ chiều 26/7/2024.
Những giọt nước mắt người dân TP.HCM trong giây phút tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất mẹ chiều 26/7/2024.

Những giọt nước mắt người dân TP.HCM trong giây phút tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất mẹ chiều 26/7/2024.

Ngày 25/7, ngày đầu tiên trong lễ tang, lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ở Hội trường Thống Nhất, tôi tình cờ gặp chàng nghệ nhân trẻ Nguyễn Phú Huỳnh, ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Anh đến viếng với bức chân dung cố Tổng Bí thư ôm trước ngực. Nhìn qua bức chân dung, tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi thần thái, dung mạo cố Tổng Bí thư thật đến không thể thật hơn.

Tôi ngạc nhiên hơn khi nhìn kỹ, mới thấy bức chân dung cố Tổng Bí thư được làm vô cùng tỉ mỉ, tinh tế, sắc nét, ánh mắt nghiêm nghị, nhưng vẫn toát lên nét hiền từ, bao dung. Đặc biệt là nhìn chính diện hay nhìn nghiêng, mỗi góc lại thấy màu sắc khác nhau. Thì ra, bức chân dung cố Tổng Bí thư được cẩn (khảm) bằng chất liệu xà cừ, một trong “thất bảo” thời xưa.

Tôi muốn biết tường tận quy trình chế tác “siêu phẩm” nghệ thuật này, nên xin thông tin liên lạc của Huỳnh, hẹn anh hôm sau đến cơ sở để gặp, trò chuyện và tận mắt nhìn nghệ nhân “thổi hồn vào tác phẩm”.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Huỳnh.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Huỳnh.

Người tạo tác chân dung nhiều lãnh tụ

Ngôi nhà của vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Phú Huỳnh nằm ngay mặt tiền đường, chiều sâu khoảng hơn 30 mét, được chia làm 3 phần, phía trước mặt tiền là nơi trưng bày sản phẩm, phần giữa là những căn phòng, nơi ở của vợ chồng anh và 2 con. Phía sau nhà là khu xưởng chế tác.

Nguyễn Phú Huỳnh sinh năm 1985, tại làng Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Tây cũ, nay là thủ đô Hà Nội. Năm 2002, khi mới 17 tuổi, vừa học xong cấp 3, anh đã 1 mình vào đất Sài thành bắt đầu mưu sinh, lập nghiệp. Huỳnh cho biết, làng Chuôn Ngọ quê anh có nghề truyền thống khảm (cẩn) xà cừ từ hàng trăm năm trước.

Gia đình anh, dòng họ anh ngày xưa cũng phần lớn làm nghề khảm xà cừ. Vì thế, ngay từ bé, anh đã tiếp xúc với công việc vô cùng tỉ mỉ này từ gia đình. Không biết do tiếp xúc với nghề từ sớm hay do năng khiếu bẩm sinh, mới hơn 10 tuổi, Huỳnh đã có thể làm được 1 trong những công đoạn khó nhất. Năm 17 tuổi, khi đã hoàn toàn tự tin vào tay nghề của mình, Huỳnh xin gia đình được “xuất sư”, ra ngoài lập nghiệp, và bến đỗ anh chọn là TP.HCM.

Tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao 'Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh' được Nguyễn Phú Huỳnh chế tác từ gỗ quý và nhiều loại xà cừ.

Tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh" được Nguyễn Phú Huỳnh chế tác từ gỗ quý và nhiều loại xà cừ.

Ở Sài Gòn, anh cùng lúc “bao sân” công đoạn tách nét cho nhiều cơ sở khảm trai, vì 1 cơ sở không đủ việc cho anh làm. Sau gần 10 năm lập nghiệp, Huỳnh đã tự mua được đất làm nhà, sau đó lập gia đình và mở cơ sở đồ gỗ, chế tác, khảm xà cừ ngay tại nhà với 5 thợ lành nghề, họ đều là đồng hương từ làng nghề Mỹ Văn vào. Hiện tại, chỉ những tác phẩm khó làm nhất, ông chủ trẻ Nguyễn Phú Huỳnh mới trực tiếp làm, còn lại anh để thợ làm để nâng cao tay nghề.

Huỳnh cho biết, toàn bộ quy trình làm tác phẩm khảm xà cừ, công đoạn nào cũng quan trọng, nhưng công đoạn tách (hay tỉa) nét là khó nhất. Tác phẩm “có hồn” hay không là từ công đoạn này. Vì thế, ngoài kinh nghiệm, chuyên môn cao, người thợ còn phải là một nghệ sỹ, có tâm hồn lãng mạn, tính thẩm mỹ cao, có tình yêu với tác phẩm. “Công đoạn cuối cùng, đó là dùng chất liệu bột màu hoặc sơn màu để làm nổi bật các nét tác phẩm. Đây cũng là công đoạn khó. Ví dụ như bức chân dung bác Trọng, khi tạo màu sắc đôi mắt, phải làm sao để toát lên thần thái của một vị lãnh đạo cương trực, nhân hậu”, Huỳnh nói.

Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Cầm bức chân dung cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên tay, vừa vuốt ve, anh vừa giới thiệu từng chi tiết:

“Chân dung bác Trọng ngoài khung được làm từ gỗ quý thì phần chính là hình ảnh của bác được làm từ 5 loại xà cừ. Khuôn mặt, áo sơ mi trắng và chữ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được làm từ xà cừ ốc giác, loại ốc chuyên nuôi lấy ngọc. Phần áo vest màu xanh sậm, là xà cừ từ ốc cừ xanh, chiếc huy hiệu Đảng màu đỏ là ốc cừ đỏ. Phần cà vạt của bác được làm từ ốc ngọc nữ. Còn viền xung quanh chân dung là xà cừ từ con trai ta.

Đối với những tác phẩm quan trọng như thế này, em tự tay làm tất cả các công đoạn trong thời gian hơn 2 tháng, chứ không để thợ làm. Bởi ngoài sự kính trọng, thì em muốn tác phẩm phải hoàn hảo nhất có thể. Sau khi hoàn tất, em đánh giá mức độ hoàn hảo đạt khoảng 95%. Đôi mắt có thần thái, bao dung, khuôn miệng không cười, nhưng vẫn toát lên là một con người rộng lượng, nhân hậu và dễ gần”, nghệ nhân Nguyễn Phú Huỳnh nói.

Còn đây là chân dung Tổng Bi thư Nguyễn Phú Trọng, tác phẩm mới nhất của nghệ nhân Nguyễn Phú Huỳnh.

Còn đây là chân dung Tổng Bi thư Nguyễn Phú Trọng, tác phẩm mới nhất của nghệ nhân Nguyễn Phú Huỳnh.

Tôi không thể đưa ra nhận xét chi tiết về bức chân dung, bởi tôi không có chuyên môn về nghệ thuật, nhưng bằng cảm quan của người chẳng có chuyên môn nghệ thuật gì, tôi thấy bức chân dung cố Tổng Bí thư càng nhìn càng thấy đẹp. Từ cặp lông mày hơi cong, ánh mắt, khoé miệng đến cả những nếp nhăn, mọi chi tiết đều rất thật.

Ngoài chân dung cố Tổng Bí thư, nghe nói anh đã từng làm chân dung nhiều lãnh tụ khác?”, tôi hỏi. “Dạ. Em đã làm nhiều chân dung Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bác Phan Văn Khải, cô Võ Thị Sáu. Ban đầu em làm vì lòng kính trọng, sau đó khách đến thấy đẹp nên đặt em làm”, Huỳnh đáp.

“Bức chân dung bác Trọng cũng như chân dung Bác Hồ, bác Giáp… em làm kỹ từng chi tiết, từ các nguyên liệu quý, trong đó, phần khung, nền là loại gỗ nhóm I, nên về độ bền, em khẳng định là “mãi mãi với thời gian”. Rất nhiều tác phẩm khảm xà cừ đã lên đến cả ngàn năm mà nay vẫn nguyên vẹn. Ở đây em cũng có sản phẩm cổ mấy trăm năm tuổi rồi mà vẫn như mới”, Huỳnh nói.

“Nếu được, em muốn tặng bức chân dung này cho gia đình cố Tổng Bí thư hoặc một khu lưu niệm về bác ở Hà Nội hay TP.HCM cũng được. Đây là tấm lòng chân thành em dành cho bác, một con người giản dị, suốt cả cuộc đời vì dân, vì nước. Nhưng chưa biết tặng bằng cách nào. Sau này, em sẽ làm một bức chân dung khác, cùng chân dung Bác Hồ, bác Giáp để treo tại cơ sở. Em muốn bản thân, vợ con và cả những người thợ tại cơ sở nhìn ngắm những vị lãnh tụ đáng kính hàng ngày, để làm động lực phấn đấu, hoàn thiện bản thân”, Nguyễn Phú Huỳnh trải lòng.

Bức tranh chữ Nôm cổ hình chữ nhật bằng gỗ khảm xà cừ (2 bức cao đối xứng) do anh Huỳnh sưu tầm.

Bức tranh chữ Nôm cổ hình chữ nhật bằng gỗ khảm xà cừ (2 bức cao đối xứng) do anh Huỳnh sưu tầm.

Mai này, liệu có còn nghề khảm xà cừ?

Huỳnh bảo, khảm xà cừ là một trong những nghề rất đặc thù, thợ làm nghề này phải có năng khiếu, đam mê, học tính kiên nhẫn. Sau vài năm mới học ra nghề, rồi sau đó, cả ngày ngồi 1 chỗ, tỉ mẩn với những chi tiết nhỏ như sợi tóc, mỏng manh như tờ giấy. “Cho nên, giới trẻ bây giờ ít người chịu làm. Đó cũng là một trong những lý do khiến nghề này đã mai một. Cách đây hơn 20 năm, Sài Gòn vẫn có nhiều cơ sở cẩn xà cừ lắm, nhưng nay gần như đóng cửa hết rồi, chỉ còn ít những người thợ làm riêng lẻ tại nhà. Ngoài ra, các món đồ cẩn xà cừ đều có giá cao, chỉ những người khá giả, có kiến thức về xà cừ và đam mê, mới bỏ tiền mua sắm, cũng là một lý do khiến nghề này ngày càng hiu hắt”, Huỳnh nói.

Tách (tỉa) nét, một trong những công đoạn khó nhất để tạo ra một tác phẩm khảm xà cừ 'có hồn'.

Tách (tỉa) nét, một trong những công đoạn khó nhất để tạo ra một tác phẩm khảm xà cừ "có hồn".

Nói về các công đoạn thực hiện một tác phẩm cẩn xà cừ, nghệ nhân Nguyễn Phú Huỳnh cho biết, phải thực hiện nhiều công đoạn. Đầu tiên là vẽ tạo mẫu. Công đoạn này có thể là ý tưởng do thợ sáng tạo, hoặc do khách hàng đặt làm theo yêu cầu. Sau khi thống nhất mẫu thì qua giai đoạn 2 là tạo hình nguyên liệu xà cừ theo mẫu. Đầu tiên là chẻ vỏ ốc, vỏ trai thành mảnh, rọc theo thớ, uốn phẳng bằng lửa, sau đó bắt đầu, cưa, đục, mài, giũa các chi tiết theo mẫu đã vẽ.

“Công đoạn này cần sự tỉ mỉ, chính xác gần như tuyệt đối, bởi có những chi tiết rất nhỏ. Nói chính xác là chỉ sai nửa ly cũng không được. Đồng thời, phải chọn đúng loại nguyên liệu phù hợp, đây cũng là công đoạn khó và phức tạp, yêu cầu người thợ phải có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết để làm toát lên sự tinh xảo của bức tranh”, anh nói.

Khảm (cẩn) xà cừ là một nghề rất khó chọn thợ, ngày càng hiếm người trẻ đủ kiên nhẫn gắn bó với nghề.
Khảm (cẩn) xà cừ là một nghề rất khó chọn thợ, ngày càng hiếm người trẻ đủ kiên nhẫn gắn bó với nghề.

Khảm (cẩn) xà cừ là một nghề rất khó chọn thợ, ngày càng hiếm người trẻ đủ kiên nhẫn gắn bó với nghề.

Tiếp theo là công đoạn đục gỗ, hay nói cách khác là làm khuôn để ghép những chi tiết xà cừ vào. “Sự chính xác là các chi tiết ghép vào phải khớp, ngay cả soi kính lúp cũng không thấy khe hở. Nói vậy đủ thấy 2 công đoạn trước là tạo khuôn, tạo chi tiết phải chính xác gần như tuyệt đối. Nếu không, tác phẩm sẽ không có sự liền mạch, dễ bị bong chóc sau này”, Huỳnh nói tiếp.

Sau khi hoàn tất khuôn gỗ, bắt đầu ghép các mẫu vật xà cừ đã tạo trước đó vào khuôn. “Ngày xưa, các cụ nhà ta dùng sơn, chất keo lấy từ cây sơn Phú Thọ để kết dính các mẫu vật này vào gỗ. Nhưng bây giờ dùng keo công nghiệp, độ dính cao lại mau khô, chứ rất ít người còn dùng sơn, vì hiếm, lại phải mất vài ngày mới khô. Sau khi gắn xong, đến công đoạn tiếp theo là mài khảm và đánh bóng thô để những mảnh ghép nằm khớp và mịn trên bề mặt gỗ.

Bởi công việc đòi hỏi năng khiếu và đam mê, sự kiên nhẫn và tỉ mỉ với những chi tiết nhỏ như sợi tóc, mỏng như tờ giấy.
Bởi công việc đòi hỏi năng khiếu và đam mê, sự kiên nhẫn và tỉ mỉ với những chi tiết nhỏ như sợi tóc, mỏng như tờ giấy.

Bởi công việc đòi hỏi năng khiếu và đam mê, sự kiên nhẫn và tỉ mỉ với những chi tiết nhỏ như sợi tóc, mỏng như tờ giấy.

“Khảm xà cừ không chỉ là nghề gia truyền của gia đình, dòng họ em, mà còn là nghề quý của đất nước từ ngàn năm trước, nên em chỉ ước có một làng nghề khảm xà cừ tập trung, để duy trì và phát triển, có sự hậu thuẫn của nhà nước. Nếu không, chỉ sợ một ngày nào đó, nghề này biến mất, không còn trên “bản đồ” làng nghề truyền thống Việt Nam thì thật đáng tiếc”, nghệ nhân Nguyễn Phú Huỳnh.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.