Bức tranh "Chân dung mẹ tôi", theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, cháu ngoại họa sĩ Nam Sơn, thuộc về tác phẩm kinh điển trong nền mỹ thuật Việt Nam. Tranh này được ghi nhận là một tác phẩm từ trước đến nay chỉ thấy trong sách vở và báo chí. Gần một thế kỷ sau, như phượng hoàng trở lại từ đống tàn tro, tranh đã trở lại.
Bức tranh sơn dầu "Chân dung mẹ tôi" vẽ cụ Nguyễn Thị Lân, mẹ Nam Sơn, ngồi một cách uy nghi trên ghế. Bà đội mũ khăn và khoác áo theo Phật giáo truyền thống. Quanh cổ là chuỗi tràng hạt, ngực đeo Kim Khánh "Tiết hạnh khả phong" do vua Bảo Đại ban năm 1927, trên gối tay cầm quyển kinh. Chân dung được diễn tả trang trọng và mạnh mẽ.
Ông Ngô Kim Khôi lưu ý đến một chi tiết thú vị: Hãy chú ý đến cái bóng dưới chân bà, được đặt trên bục gỗ của ghế ngồi. Độ dày màu trắng của đế giày chắc chắn thu hút ánh nhìn cúi xuống - phải chăng đây là sự khéo léo của tác giả, đảm bảo việc người ta sẽ không quên cúi đầu trước mẹ của ông?
"Chân dung mẹ tôi" đã tham gia Triển lãm Thuộc địa Paris 1931, rồi triển lãm tại Salon Hội Nghệ sĩ Pháp năm 1932, trưng bày tại sảnh XXV tại Đại Cung điện. Hội đồng giám khảo Salon 1932 đã trao Huy chương Bạc cho tranh "Chân dung mẹ tôi". Sau đó, ngày 21/2/1933, ông Sambuc - Chủ tịch Hội người Pháp tại Đông Dương (Société des Français d'Indochine) mua tranh "Chân dung mẹ tôi".
“Tác phẩm đặc sắc, trên quan điểm kỹ thuật cũng như phương diện lịch sử hội họa Việt Nam, "Chân dung mẹ tôi" xứng đáng được hiện diện trong những bộ sưu tập hoặc bảo tàng lớn nhất trên thế giới”, ông Ngô Kim Khôi bình luận.
Ông Ngô Kim Khôi cũng mong muốn: “Niềm hy vọng duy nhất của tôi là tranh sẽ được người Việt sưu tập, để còn có cơ hội một ngày nào đó triển lãm cho giới nghiên cứu cũng như thưởng ngoạn một danh tác của nền mỹ thuật Việt Nam”.
Hoạ sỹ Nam Sơn tên thật là Nguyễn Văn Thọ. Ông sinh ngày 26/3/1899 (tức ngày 15/2 năm Kỷ Hợi), tại số 17 phố Hàng Dầu (rue du Lac).
Đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương, hoạ sĩ Nam Sơn - Nguyễn Văn Thọ là thầy dạy của nhiều hoạ sĩ lớp đầu tiên đã thành danh (đều được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Mỹ thuật): Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn… cho đến Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái…
Năm 2021, tên họa sĩ Nam Sơn được đặt cho một tuyến phố tại khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai (Hà Nội).