Chợ nhỏ

. - Thứ Bảy, 11/06/2022 , 16:02 (GMT+7)

Năm ấy Mậu Thân, gia đình đưa thằng nhỏ về Long Xuyên tránh đạn pháo kích trên Sài Gòn. Con gái cô chừng tám tuổi ngồi nép bên mẹ, má phúng phính hồng.

Chợ nổi Long Xuyên. Ảnh: Nụ Cười Mê Kông.

CHỢ NHỎ

Khách đứng trông đò qua chợ nhỏ

Thăm cô hàng xén nỗi niềm xưa

Lèo tèo dăm sạp rau chiều úa

Đám trẻ tèm lem mãi miết đùa…

Chợ ở bên vàm, em bó gối

Ngọn đèn hột vịt thắp tình quê

Gần khuya… tiếng hát nghe thương lái

Lục tỉnh chìm trong một tiếng xề…

Em còn bó gối bao năm nữa

Lớp sóng ngày xuân mất dấu rồi

Trả tách cà-phê, chào chợ nhỏ

Xóm nghèo ngơ ngác ngó đò trôi…

Lê Học Lãnh Vân, 8.1.2008

Lòng khách nửa chìm nửa nổi khi bước chân lên bến đò. Thiệt ra không còn chuyến đò của ngày xưa mà là chiếc tắc ráng lớn chừng nửa chiếc phà nhỏ được sửa lại đưa khách qua sông Long Xuyên. Sao khách vẫn còn thấy chiếc đò con chòng chành ba mươi năm trước giữa lăn tăn đốm bạc trên sông, cô Sáu mặc áo bà ba trắng, nón lá sáng dưới nắng mai… Con gái cô chừng tám tuổi ngồi nép bên mẹ, má phúng phính hồng. Khách lúc đó là thằng nhỏ mười ba tuổi, thích nhìn chiếc má phính hồng mịn cho tới lúc cô bé buồn bực quay mặt đi!

Năm ấy Mậu Thân, gia đình đưa thằng nhỏ về Long Xuyên tránh đạn pháo kích trên Sài Gòn. Ba cô Sáu là người quen cố cựu với ông nội cậu bé khi hai ông cùng làm dưới quyền ông Chánh ở Long Xuyên… 

Khách đứng trông đò qua chợ nhỏ

Thăm cô hàng xén nỗi niềm xưa

Lèo tèo dăm sạp rau chiều úa

Đám trẻ tèm lem mãi miết đùa…

Bước chân bỗng ngập ngừng. Xóm cũ còn nghèo vậy sao! Sau năm 1975, gia đình ông Phán T. khá giả một thời lâm vào túng quẫn. Cô Sáu, con ông, là thông dịch viên sở Mỹ, thất nghiệp về quê. Cô bé con cô Sáu đã là thiếu nữ quán xuyến trông coi sạp chạp phô gia đình đặt trước cửa nhà. Trước ngày xuất ngoại, khách có về đây thăm gia đình cô Sáu. Hôm nay, cảnh vật không khác mười năm trước!   

Chợ ở bên vàm, em bó gối

Ngọn đèn hột vịt thắp tình quê

Gần khuya tiếng hát nghe thương lái

Lục tỉnh chìm trong một tiếng xề…

Cô Sáu mất đã mười năm và con gái cô đã là thiếu phụ. Ráng vàng tắt, chiều vào đêm, ai thắp chiếc đèn hột vịt đặt trên tủ nhôm nơi bên trong bày bán mấy chai dầu gội đầu, mì gói với các hộp cà-phê gói pha sẵn. Hình ảnh con phố đêm tịch mịch đầy bóng tối với hai chị em đứa bé bên chiếc đèn con chiếu sáng một vùng đất nhỏ hiện về. Lòng khách bỗng gợn mơ hồ nỗi đau, sau gần nửa thế kỷ với hai cuộc chiến tang thương, vùng quê Lục Tỉnh trù phú lại gợi nhớ cảnh vùng quê nghèo miền Bắc trong truyện ngắn Hai Đứa Trẻ của Thạch Lam! Trong nhà, đèn nê-ông nhợt nhạt trắng, ngoài này, nơi vàm ngó ra sông, chiếc đèn hột vịt gợi nhiều điều. Dưới này trời mau tối, mới hơn bảy giờ chiều đã như nửa đêm trên Sài Gòn. Tiếng ca tài tử văng vẳng từ ghe thương hồ lẫn với tiếng sông.

- Ảnh ung thư chết rồi, mẹ con em sống qua ngày. Nghèo chớ em cũng ráng nuôi nó thi đại học lên Sài Gòn, nhớ năm đó anh hứa tiếp tụi em cho nó ở nhà đi học! Mà thằng nhỏ em không ham học anh ơi!

Em còn bó gối bao năm nữa

Lớp sóng ngày xuân mất dấu rồi

Trả tách cà-phê, chào chợ nhỏ

Xóm nghèo ngơ ngác ngó đò trôi…

Nhìn dáng em ngồi cam chịu trong bóng mờ, nhớ ông Phán T. nội em nổi tiếng năm xưa. Má phính xa lắc. Áo dài, áo bà ba, tóc mượt cũng xa. Tách cà-phê mời khách nguội ngắt. Trao tách lại cho em, tìm sự giao lưu những ngón tay thay lời vĩnh biệt, nghe hỏi chừng nào anh trở lại.

Chiếc đò tách bến, ngoái đầu, em vẫn còn ngồi bên chấm đỏ đèn hột vịt. Qua bên kia sông, xe hơi nhà đang đợi đưa về quầng sáng mênh mông Sài Gòn.

Lê Học Lãnh Vân, 28.5.2022

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

.
Tin khác
Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp
Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp

Biểu tượng thờ cúng của người Việt rất đa dạng và ẩn chứa nhiều ý nghĩa tâm linh, được học giả Pháp Gustave Dumoutier biên soạn thành cuốn sách công phu.

Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa
Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa

Lê Ký Thương, họa sĩ kiêm thi sĩ nổi tiếng, sau một thời gian đau ốm đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9h50’ ngày 14/2 tại TP.HCM, hưởng thọ 80 tuổi.

Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu
Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu

Phan Thị Vàng Anh sau nhiều năm vắng bóng trên văn đàn, đã tái ngộ công chúng bằng tập truyện ngắn có cái tên lắt léo ‘Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác)’.

Nhà thơ Phạm Trung Tín góp bao trải nghiệm thành câu vô thường
Nhà thơ Phạm Trung Tín góp bao trải nghiệm thành câu vô thường

Nhà thơ Phạm Trung Tín đánh dấu hành trình bước vào tuổi thất thập cổ lai hy bằng cuốn sách 'Con chữ tấm lòng' ghi lại những kỷ niệm đường văn và bạn văn.

Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ
Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ

Ký ức biệt động Sài Gòn từng được đưa lên màn ảnh, bây giờ lại tái hiện trong truyện dài ‘Nụ hôn dưới vòm cây’ của tác giả Nguyễn Khắc Cường.

Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ
Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ

Châu Thành được đặt tên cho vùng đất nằm cạnh tỉnh lỵ, áp dụng hầu hết miền Tây Nam bộ, như một thói quen ngày xưa, như một kỷ niệm hôm nay.

Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người
Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người

‘Hồ Chí Minh - Người tin ở con người’ là tuyển thơ của tác giả Hải Như, được ấn hành nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay
Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay

Thơ Hồ Xuân Hương có sức ảnh hưởng to lớn đến mức ngoài phần thơ 'chính hiệu', còn trên trăm bài phổ biến trong dân gian cũng được 'tương truyền' là do bà sáng tác.

‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai
‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai

‘Đóa hoa sương núi’ của tác giả Tâm An được ra mắt sáng mồng ba Tết Ất Tỵ tại lễ hội Đường sách TP.HCM, chia sẻ cuộc sống những đứa trẻ dân tộc Raglai.

'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu
'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu

‘Tắt lửa lòng’ của nhà văn Nguyễn Công Hoan sau 90 năm xuất hiện trên sân khấu cải lương lại được đưa lên sân khấu kịch nói vào dịp Tết Ất Tỵ.

Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết
Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết

Khắp các khoảnh đất, dưới các bụi tre, bên đình đều có xới đáo của bọn trẻ con. Quần áo mới, túi rủng rẻng, mồ hôi, mồ kê bết tóc, hăng say và cay cú.