Cuộc phỏng vấn lịch sử của Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm với chí sĩ Lê Đại

Lí Học - Thứ Hai, 26/02/2024 , 15:14 (GMT+7)

Đây là lần đầu tiên bài phỏng vấn được công bố sau gần 100 năm vắng bóng.

LTS: Lịch sử báo chí Việt Nam có một bài phỏng vấn khá đặc biệt. Đó là cuộc phỏng vấn của nhà văn hóa Hoa Bằng với chí sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục - cụ Lê Đại, vào năm 1935. Đây là bài phỏng vấn dài, được đăng tải trên báo Tân Văn trong hai số báo: Tân Văn, số 37, ngày 14, Décembre 1935 và Tân Văn, số 71, ngày 21 Décembre 1935 với tựa đề: “Nho giáo còn chăng thích hạp với hiện tình nước ta - Một giờ cùng cụ Lê Đại”.

Bài phỏng vấn đã cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu quý về một yếu nhân của phong trào Đông Kinh Nghĩa thục - chí sĩ Lê Đại.

Lê Đại, tự là Siêu Tùng, hiệu là Từ Long sinh năm 1875, mất năm 1951. Năm 1907 cụ cử Lương Văn Can cùng cụ Nguyễn Quyền và các đồng chí của mình mở trường Đông Kinh Nghĩa thục, cụ Lê Đại là một trong những người đầu tiên tham gia, khởi xướng phong trào và phụ trách văn chương ngôn luận, cụ thể là sáng tác các bài văn nôm, hoặc dịch tài liệu Hán văn ra quốc văn mục đích để truyền bá tư tưởng cách mạng.

Tháng 12/1907, Pháp đóng cửa trường Đông Kinh Nghĩa thục. Đầu năm 1908 do dính líu đến vụ Hà thành đầu độc, cụ Lê Đại cùng các cụ Võ Hoành, Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Nguyễn Khiêm Ích bị thực dân Pháp bắt giam và bị đày đi Côn Đảo. Sau 17 năm bị tù giam dưới nhà tù thực dân, đến 1925, cụ Lê Đại được thả về nhà, lúc đó cụ tròn 50 tuổi. Từ đây, chí sĩ Lê Đại thuê ngôi nhà số 27 Hàng Mắm để mở hiệu đối trướng, viết câu đối thuê.

Trong thời gian này, cụ Lê Đại ngoài việc nghĩ văn, viết chữ cho thiên hạ để mưu sinh thì vẫn không quên sử dụng văn tài của mình làm vũ khí để giãi bày chí khí, cổ vũ lòng yêu nước của đồng bào, góp tiếng nói vào việc gìn giữ thuần phong mĩ tục, chống lại những hiện tượng tha hóa trong xã hội đương thời.

Năm 2011, PGS.TS Chương Thâu biên soạn cuốn “Lê Đại, con người và thơ văn”, gần 400 trang đã sưu tầm và giới thiệu toàn bộ những thơ văn của cụ Lê Đại và cuốn sách cũng khái quát về tiểu sử cụ Lê Đại bằng bài viết của cháu nội cụ là Lê Thế Dân và Lê Chân Hùng. Tuy nhiên, cuốn sách không in bài phỏng vấn này.

Còn nhà văn hóa Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm sinh năm 1902, vào thời điểm phỏng vấn năm 1935 lúc đó mới tròn 33 tuổi, đang làm việc cho báo Tân Văn. Chàng thanh niên Hoa Bằng ấy sau này đã trở thành một học giả, một nhà văn hóa của đất nước với nhiều công trình văn hóa, lịch sử có giá trị, đã được tôn vinh và ở Hà Nội đã có một con phố mang tên ông - phố Hoa Bằng tại quận Cầu Giấy.

Báo Nông nghiệp Việt Nam xin giới thiệu trích lược bài phỏng vấn của cụ Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm với chí sĩ Lê Đại đã đăng trên báo Tân Văn năm 1935 này. Đây cũng là lần đầu tiên bài phỏng vấn được công bố sau gần 100 năm vắng bóng.

Bốn chữ 'Túy hương tam cuồng' (Ba chàng điên làng say) là bút tích của cụ Lê Đại. Từ trái sang: Cụ Lê Đại (1875 - 1951), cụ xứ Trừu (?-?) và cụ cử Nguyễn Hữu Cầu (1879 - 1946).

Bốn chữ “Túy hương tam cuồng” (Ba chàng điên làng say) là bút tích của cụ Lê Đại. Từ trái sang: Cụ Lê Đại (1875 - 1951), cụ xứ Trừu (?-?) và cụ cử Nguyễn Hữu Cầu (1879 - 1946).

Trước khi thuật câu chuyện phỏng vấn cụ Lê Đại, tôi hãy xin giới thiệu cụ với các bạn đã: Cụ là một nhà nho học lớp trước, học cứng, chữ viết tốt. Vì vụ Đông Kinh nghĩa thục hồi năm 1909 cụ phải đày ra Côn Đảo. Sau 17 năm mãn án quốc sự, cụ được từ giã cái nghề “đập đá, đốn cây” ở trường học thiên nhiên mà về Hà Nội. Về nhà từ năm 1926 đến nay, cụ mở tiệm “Từ Long” làm đối trướng ở phố Hàng Mắm để sinh nhai. Thờ chủ nghĩa “chán đời”, bây giờ cụ không muốn biết đến thời cuộc nữa.

Vừa rồi tôi muốn đến để hỏi cụ một vài vấn đề như Nho giáo còn chăng thích hợp với hiện tình nước ta. Vì tôi muốn biết ý kiến nhiều người về vấn đề nầy để xem có thể giải quyết được ngay không kẻo cứ “lúng búng, loanh quanh” mãi. Rồi đây nếu tiện dịp, tôi sẽ còn hỏi nhiều vị tiền bối luôn với các bạn thanh niên, làm như một cuộc trưng cầu ý kiến để xem phần đông “bỏ thăm” thế nào, bấy giờ ta sẽ cùng nhau giải quyết cho dứt khoát. Khi các bạn đọc đến bài nầy, xin để ý vào những lời chúng tôi đã nói chuyện với nhau đây, rồi làm ơn bàn góp thêm vào cho rộng đường dư luận.

Một buổi trưa mùa đông. Vừa thoạt đến cửa cụ Lê Đại đã sặc mùi nước mắm, tôi bỗng nảy hai mối cảm tưởng: 1. Hoàn cảnh mạnh sức vô cùng. Tiệm cụ không bán nước mắm, song xung quanh bán nước mắm, nên không khí nước mắm vây phủ một vùng, mùi nước lắm lan tràn cả sân trước cửa tiệm cụ; 2. Không nên xét đoán theo bề ngoài. Bữa nay tiệm cụ đóng cửa chắc là vì có việc riêng. Ngoài thoạt đến cửa, thấy mùi nước mắm có khi tưởng lầm cụ cũng bán nước mắm, chớ có biết đâu rằng cụ bán “chữ”. Vậy cần phải vào tạm trong nhà mới biết rõ sự thực.  {…} Đi hết cầu thang lộ thiên, tôi gõ cửa gác, rồi ngó vào trong, thấy cụ Lê Đại đang lúi húi cúi trên cái bàn làm hàng, chừng đang bận về việc cắt, dán câu đối. Thấy khách đến, cụ Lê Đại ung dung bước ra khỏi chỗ bàn ngồi chơi ngó tôi bằng cặp mắt ngỡ ngàng ẩn sau kiếng trắng, gọng kền.

Sau khi chào và hỏi thăm sức khỏe, tôi liền nói mục đích tôi đến, để cụ khỏi bận trí “thai đoán”.

- Thưa cụ, tôi cất giọng lễ độ, hôm nay tôi lấy tư cách một nhà báo đến phỏng vấn cụ một vài vấn đề… Cụ là một nhà đại Nho túc học, chắc có nhiều ý kiến hay. Bây giờ cụ có bận không? Có thể cho tôi nói chuyện độ một giờ không?

- Cứ kể, cụ Lê Đại trang trọng đáp. Bận thì lúc nào cũng bận, nhưng ngài đã có lòng hỏi đến thì biết điều nào tôi xin nói điều đó.

- Cụ tưởng Nho giáo bây giờ có còn thích hợp với trình độ nước ta nữa không?

- Tam giáo vẫn đồng nguyên, Khổng Tử, Thích Ca, Gia Tô bao giờ cũng cùng một tinh thần cả. Nho giáo chẳng những dùng được ở ta mà ngay như ở Âu châu bây giờ cũng dùng được nữa. Trước khi, cụ Lê Đại tiếp, cái cũ nó hủ bại quá, thì phải lấy cái mới cữu vãn lại, nhưng bây giờ cái mới lại bại hoại quá, vậy cần phải lấy cái cũ để bổ chữa vào.

- Thế là ý cụ cho rằng ngày xưa học Nho dở, ta cần phải xoay theo Âu tây; bây giờ học chữ Tây dở, ta lại nên trở theo học Nho, phải không?

- Ý tôi không phải bảo bỏ hẳn tân học mà theo Nho giáo, nhưng tôi muốn giữ tinh thần luân lí của Nho giáo để làm “thể” (1), theo Tây học để làm “dụng” (2).

- Còn như cụ nói bên Âu tây, người ta cũng phải dùng Nho giáo, nghĩa là rồi ra họ sẽ bỏ văn hóa Âu tây, xoay học chữ Hán, theo Nho giáo phải không?

- Người ta sẽ dùng cái tinh thần Nho giáo để làm “thể” mà thôi.

- Tôi tưởng cái luân lí của Khổng giáo nó chật hẹp không đủ ứng dụng cho đời nay, Khổng giáo có Ngũ luân, Thái Tây có luân lí đối với bản thân, đối với gia đình, đối với xã hội, đối với nhân loại. Trong luân lí đối với gia đình họ đã bao gồm được cả mục “Cha con, vợ chồng, anh em” của luân lí đạo Khổng rồi. Còn luân lí đối với xã hội và nhân loại của họ có phải còn rộng hơn mục “vua tôi và bè bạn” của Nho giáo không?

- Ngũ luân là nói đại thể chứ đến lúc dùng thì một chữ “Tín” trong mục bè bạn cũng đủ làm được bao nhiêu việc rồi! Ở đời, gì mà chẳng cần “Tín”? Cha, con, vợ, chồng, anh em đối với nhau mà chẳng phải “tín” à?

Ngài, cụ Lê Đại tiếp, cứ lấy những cái hay, cái tốt của Âu tây mà nói ra đi, tôi sẽ lấy cái hay, cái tốt của Nho giáo mà ghép vào, thì thấy tinh thần hai bên chẳng khác nhau gì đâu.

- Những nước dân chủ ngày nay chắc không thể thực hành được mục “quân thần” của Nho giáo?

- Ông Khổng là “thánh cải thời”. Giá ông Khổng ở ngày nay, chắc cũng phải theo thời thế, cũng dân chủ, cũng cộng hòa, cũng nhân quyền… Ông Mạnh Tử chẳng nói đấy ư: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân là quý, thứ đến nước, vua là khinh).

- Nhưng cái mầm “dân quyền” đó bị vùi dập đã lâu lắm rồi!…

Bị lôi cuốn vì câu chuyện nhảy đầm, thành thử chúng tôi “nhảy” sang vấn đề hôn thú.

- Thưa cụ, tôi trịnh trọng hỏi, cụ tưởng Hán học ngày nay nên hay không nên bảo tồn?

- Nên bảo tồn chứ! Vì như tôi đã nói, người mình bây giờ nên lấy tinh thần Hán học làm “thể”, lấy hình thức Âu tây làm “dụng”. Cái nào cũng có tinh thần và hình thức của cái ấy. Tinh thần và hình thức bao giờ cũng đi đôi với nhau, chứ không thể tách riêng ra được. Văn minh Âu tây có tinh thần lắm chứ. Ban đầu người ta cũng phải suy nghĩ, phải phát minh ra khoa học, rồi sau mới ứng dụng ra việc, chế tạo ra máy móc là hình thức, là vật chất chứ.

- Khốn nỗi, cụ Lê Đại phàn nàn, người mình học Tây bây giờ không học được đến cái tinh thần của người ta, mà lại chỉ học được những cái vật chất cặn bã. Thấy người ta nhảy đầm, cũng đua nhau nhảy đầm. Nào có biết người ta ngoài cái nhảy đầm ra, còn có nhiều cái hay khác. Tinh thần ái quốc tức là cái hay, cái tốt của Âu tây đó.

Bây giờ cụ Lê Đại lại cất giọng than vãn, phu phụ vô biệt, nam nữ hỗn tạp quá chừng. Tưởng cần phải đem cái tinh thần Nho học mà bổ vào chỗ khuyết điểm ấy. Nếu bỏ bớt được một cái dở đi tức là thêm được một cái ích đấy.

- Có chỗ này, tôi trịnh trọng nói, xưa nay hai bên vẫn không hiểu lẫn nhau: Tây học thấy trong Nho giáo có nhiều người hủ bại, thì tưởng là hỏng cả, chứ không biết cũng có người tốt. Nho học thấy Tây học theo nhiều cái cặn bã, thì mạt sát đại, chứ không xét đến cái hay. Cứ bình tĩnh mà nói: Thanh niên chúng tôi ngày nay cũng có người có chí hướng, có thủ đoạn, có sự cầm nắm chắc chắn chứ không phải là rỗng không cả đâu. Có điều khó là, tôi cứ tiếp, bây giờ quốc dân học Tây cả, thà cứ bảo họ học Tây thì theo lấy cái tinh túy của Âu tây, còn dễ hơn và tiện hơn là bảo họ trở theo Hán học để giữ lấy cái hay, cái tốt của Nho giáo.

Sẵn dịp bận đồ Tây, tôi liền chỉ vào người tôi mà thí dụ: Một người mặc đồ Tây thế này, thà cứ bảo họ mặc Tây thì mặc cho đúng đắn, chứ nếu bảo họ cứ mặc quần Tây, đi giầy Tây, đeo cờ ra vát nhưng phải đội khăn, bận chiếc áo trùng trắng hoặc mang chiếc áo the thâm, thì khó cho họ quá, vì không thích hạp. (3)

- Sự ăn mặc là hình thức. Không thể đem hình thức với tinh thần được. Tinh thần của Hán học là nhân, nghĩa, lễ, trí, hiếu đễ, trung tín, liêm sỉ. Còn gì gì cũng là hình thức cả. Xưa kia người mình lầm lạc, chỉ học từ chương khoa cử, chứ có học đâu đến tinh thần. Tinh thần Nho học mới là quốc túy của ta.

- Xin ông, cụ Lê Đại lặp lại cái ý ban nãy, thử kể những cái hay, cái tốt của Âu tây ra đây xem nào, rồi tôi sẽ lại lấy cái hay, cái tốt của Nho giáo mà ghép vào thì chúng ta sẽ thấy chẳng có cái gì có trong Tây học mà Hán học không có.

Im lặng một phút. Chúng tôi bấy giờ mới chạy sang vấn đề quốc túy.

- Nay, tôi cất giọng ôn hòa, cụ cứ nói bảo tồn, nhưng cái gì nên bảo tồn, cái gì không nên bảo tồn, xin cụ phải chỉ rõ ra chứ? Vì những cái đó nó thuộc về trừu tượng dễ làm cho người ta hiểu lầm lắm. Rồi người ta không giữ cái hay đâu mà bị giữ cái dở. Cụ Khổng bảo: “Phụ phụ tử tử” (4). Nào họ có nhớ đâu, nhưng chỉ nhớ câu “Hữu sự đệ tử phục kì lao; hữu tử tự, tiên sanh soạn” (5) để cho tính ích kỉ và ỷ lại.

- Câu “Hữu sự…” đó chỉ là một cái mảnh vụn, chứ có phải là đại thể của Nho giáo đâu. Đại thể của Nho là ở chữ “Nhân”, chữ “Trung” chứ.

- Muốn bảo tồn? Vậy cái phương pháp bảo tồn thế nào chứ?

Cụ Lê Đại cười xòa. Vò thuốc lào, vít xe điếu ống, hút xong, cụ nói:

- Khó lắm. Tôi biết có phương pháp gì bây giờ? À, trước kia tôi có làm một bài “bảo tồn Hán học ca”, nhân nay ngài nói đến việc này tôi lại sực nhớ đến. Đây, ở đây…

Đứng dậy, cụ Lê Đại đi ra chỗ tủ kiến kê ở góc gác, gần cửa sổ day ra ngoài đường.

Theo cụ ra đó, tôi nhìn vào bốn bức giấy trắng đã cũ dán sau lần kiếng ở cánh cửa tủ. Chữ viết thảo rất đẹp.

Cụ Lê Đại đọc đến đâu lại giảng nghĩa đến đó.

Đại ý bài đó nói Hán học của thánh hiền vốn dạy cái hay song vì người mình học lầm, đi lạc, nên kết quả mới không ra gì. Bây giờ cần phải tỉnh biết, nhận lấy con đường chân chính của thánh hiền, giữ lấy cái hay, cái tinh túy thì mới có ích.

Đoạn cụ Lê Đại nói:

- Tôi cũng đã dịch bài này ra quốc văn, nhưng bây giờ không biết để lẫn vào đâu rồi!

Rồi cụ hứa khi nào tìm thấy sẽ đưa cho tôi coi.

Cùng nhau trở lại chỗ ngồi, cụ Lê Đại ôn tồn nói:

- Bài đó tôi làm đã lâu, song cũng cứ bỏ đấy.

- Nhưng, tôi nhắc lại, cách bảo tồn ra sao, tôi vẫn muốn biết?

- Ấy, ông Trần Trọng Kim đã làm bộ Nho giáo, chắc các ngài cũng đã xem đấy chứ?

- Tôi có coi sơ, nhưng theo như lời ông Trần Trọng Kim thì ông chỉ là một người thợ vẽ, vẽ lại kiểu mẫu cái nhà gần sụp để cho nguười khác biết thôi, chứ ông ấy không nói nên hay không nên bảo tồn và dùng cách nào để bảo tồn Nho giáo.

Cất giọng chậm rãi, cụ Lê Đại lại ngâm: “Sóng dạt, bèo trôi! Cột cả giữa dòng, nào mấy kẻ?”.

- Đời nay là đời sống chung lẫn nhau. Cái bèo ở trong ao, nếu một góc nước bị sóng đánh, thì nào cũng không thể giữ yên lặng được.

- Phải, đã sống chung, giữ thế nào được? Song đã gọi là “trĩ trụ đồi ba” (cột cả giữa dòng) thì giữ được tí gì hay tí ấy.

Một phút im lặng ngự giữa chúng tôi.

- Tinh thần Nho giáo, cụ Lê Đại cất giọng thương tiếc, là quốc túy của ta. Vụt chốc vứt bỏ đi hết, thì còn gì nữa.

- Cụ muốn bảo tồn quốc túy nhưng phải chỉ rõ cái gì là túy để bảo tồn? Không khéo sẽ bị người ta lợi dụng đấy. Vì người ta có thể bảo cái “Áo rộng xanh” kia là quốc túy, các anh phải bảo tồn dễ mặc đi đón các quan.

- Cái đó là hình thức chứ có phải tinh túy đâu mà bảo tồn?

- Vậy cần phải biết lựa chọn mới được. Nhưng cách lựa chọn thế nào? Ở đời mấy người đã mắt tinh nhìn rõ đời để theo ai hay, bỏ cái dở?

- Phải, phải lựa chọn cho kĩ, như học Hán tự thì nên bỏ phắt bộ Kinh lễ đi, vì suốt cả bộ Kinh lễ không thể dùng được một câu nào cả.

- Cụ nói phải lắm, tôi gật đầu.

- Bây giờ, tôi tiếp, cái chế độ gia đình của ta cũng cần phải sửa đổi. Vì tôi thấy có hạng cha me lạm dụng lòng “hiếu” của con, rồi chất bao nhiêu gánh nặng lên vai người thiếu niên, ỷ lại lẫn nhau chẳng được gì cả.

- Phải, đã ỷ lại thì hỏng mất.

- Tôi biết Nho giáo bị nền quân chủ xưa lợi dụng từ lâu rồi. Tàu đã sai lạc đừng nói đến ta. Bây giờ bảo tồn, cụ tưởng có thể khôi phục được bản sắc, bản tướng của đạo Khổng không? Nếu không được thì thà để cái công phu, cái thì giờ bảo tồn đó mà làm cái gì mới mẻ hơn, tốt tươi hơn, có hơn không? Nước ta bây giờ cái tinh túy cũ đã tiêu hết rồi, cái tinh túy mới thì chưa có. Thực như người Tàu gọi là một thời kì quá độ. Nghĩa là ví như một chiếc thuyền đã dời bến cũ, nhưng chưa sang được đến bến mới mà bốn mặt thì sóng dữ, gió to. Nếu bốn mặt đều có ba đào dông tố, về bến cũ cũng dở, sang bến mới cũng khó. Nhưng thuyền thế tất phải đi, thì đi đâu bây giờ? Thà cứ xông pha sóng gió, ráng đi cho tới bến mới kia, may ra còn có bông thơm trái ngọt, chứ vội gì lóp ngóp trở về bến cũ? Vậy cụ bảo về đằng nào hơn?

- Tôi sợ, cụ Lê Đại hơi lúng túng, không thả neo để giữ lấy bến cũ thì cũng khó đem thuyền sang bến mới kia? Cái nhà của mình, cụ Lê Đại lạnh lùng tiếp, bây giờ đã đổ sụp rồi. Có vài cây gỗ còn tốt cũng muốn quăng nốt đi ư?

- Nhưng nếu nhà đó đã đổ thì cần phải dỡ đi, nhường chỗ để xây nhà khác. Có phá hoại mới kiến thiết được chứ?

- Cái “phá hoại kiến thiết” trước kia chúng tôi đã biết đến rồi. Nhưng có “phá hoại thượng chi phá hoại, kiến thiết thượng chi kiến thiết” (6).

Rồi cụ Lê Đại cất giọng mát mẻ:

- Cái “vô gia đình” của người ta vẫn là hay lắm. Nhưng ở ta, bây giờ lắm người chưa theo hẳn được cái hay của người, đã vội vô gia đình; coi cha mẹ như người ngoài đường, không thiết gì đến anh em họ mạc… Thành ra như người lênh đênh giữa biển, tất là chìm đắm mất thôi.

- Người ta đã nhắm mắt một mục đích gì để đi, thì ta cứ để yên cho họ đi, mặc dầu họ đương loanh quanh luẩn quẩn trên đường nhưng rồi may ra còn có hi vọng một ngày đến mục đích. Chớ thấy họ đương đi, trở vội gọi giựt lại: Anh đừng đi nữa, anh phải ở đây! Thì bao giờ cho họ đi tới mục đích?

- Ngài tưởng, trong mười năm nay người mình hơn hay kém trước?

- Cứ nói cho đúng, cũng có cái hơn, cũng có cái kém, chứ bảo hẳn là thụt lùi cũng không phải.

- Tôi thấy bây giờ phong hóa bại hoại hơn trước nhiều lắm. Nhất là về nam nữ thì hỗn tạp quá. Chỗ nào cũng thấy nhảy đầm. Thật là học toàn những cái dở của người ta.

- Nhưng ta không nên vì cái dở nhảy đầm mà bỏ mất cái hay của Tây học.

Im lặng một chút.

- Theo ý cụ, tôi vui vẻ hỏi, thì tinh thần Khổng giáo có thể điều hòa với tinh thần Âu tây, phải không?

- Nên lắm, cụ Lê Đại quả quyết, tinh thần hai bên có thể điều hòa với nhau được. Còn về hình thức quyết không thể dung hòa, vì Tây học có cái hay, cái tốt nào thì trong Hán học cũng đã có rồi.

- Bây giờ, cụ Lê Đại tiếp - xin hỏi: Một nước ở Âu châu kia có nhiều máy bay, lắm súng ống, hình thức cái gì cũng tinh nhuệ cả, song trong quân không có tinh thần thì có thể đem quân đó đi đánh được không? Chắc không. Vậy cái tinh thần đó là gì?

- Là tinh thần yêu nước, lòng hợp bầy, nghĩa đoàn thể.

- Vậy trong sách Nho nói” “Nhân giả vô địch, dung bất cụ” (7) tức là cái tinh thần đó rồi.

- Không cứ Tây học hay Hán học ta cần phải chọn lấy những thích hợp với người mình, với tình thế ngày nay mới đặng. Một người Nam mặc âu phục, nhưng cái bụng bé, cái ngực lép thì khi may quần áo, cần phải đo theo cho vừa người mình, chứ không thể theo vóc vạc người Tây mà cũng may như người Tây được. Còn người nào mặc đồ ta bây giờ tất cũng phải may cho ngăn ngắn, gọn gàng, chứ không thể theo lối ngày xưa: tay rộng thùng thình, áo dài chấm gót. Hình thức đã phải thay đổi thì tinh thần cũng cần phải thay đổi theo.

- Hình thức, phải tùy thời mà đổi thay. Còn đến tinh thần thì không bao giờ thay đổi được. Vì những chữ “nhân, nghĩa, lễ, trí, hiếu, đễ, trung, tín, liêm, sỉ” kia bao giờ mà chẳng thích hợp. Có chăng phải sửa đổi, đại loại như “Trung” thì “Trung với nước”.

- Xin hỏi ngài, cụ Lê Đại cất giọng đinh thép, một nhà giàu lớn kia nhiều tiền, thóc lắm, nhưng vợ, chồng, cha, con, anh, em không đồng lòng nhau, thì nhà đó chắc không vui vẻ chứ? Chắc không giữ được của mà ăn chứ?

- Lẽ tất nhiên!…

Sau mấy câu hỏi sơ về thân thế cụ Lê Đại mà tôi đã giới thiệu với các bạn ở bài trước, tôi liền hỏi thăm đến cách sống của cụ:

- Cụ làm nghề đối trướng có đủ sống không?

- Thôi thì, cụ Lê Đại vui cười đám, bán chữ lấy ăn, cũng đủ tiền “đánh chén”!

Chúng tôi cùng cười lớn, lay động cả bầu không khí chữ nghĩa trong một căn lầu.

- Năm nay, tôi dịu dàng hỏi, cụ bao nhiêu tuổi?

- 61 tuổi.

- Nhưng người cụ, trông còn mạnh khỏe lắm!

- Xin ngài cho biết quý hiệu.

- Tôi là Hoa Bằng.

- Ngài giúp cho báo nào?

- Báo Tân Văn trong Nam Kì.

- Đã lâu tôi không đọc báo, vì sợ nghe biết chuyện nọ chuyện loa, rồi bị kích thích khó chịu.

- Những lúc thong thả, cụ nên lưu tâm về việc trứ tác.

- Ấy, cũng có nhiều bạn khuyên tôi như vậy. Nhưng ngày xưa văn chương tôi quá “thổ lộ” đã không thể truyền thế (8). Bây giờ thì quá “phóng đãng” lại không thể truyền thế. Dẫu vậy rồi tôi cũng thử thập tập xem có được ít nào chăng?

Rồi cụ bùi ngùi: Sinh, vô ích ư đương thời. Tử, vô văn ư hậu thế (9).

- Cụ quá nhún mình, tôi an ủi.

- Trước đây tôi có một câu đối: “Lúc nhỏ, học đã lầm! May còn chữ “Luân lí, cương thường” in vào ruột đỏ / Việc to, làm chẳng nổi! Nên phải mượn cầm, ca, thi, tửu bạn với non xanh”.

Bây giờ, cụ Lê Đại vui vẻ tiếp, tôi chỉ mượn chén rượu cho qua ngày.

Thế là tôi cất giọng khôi hài, cụ muốn làm như thất hiền ở Trúc Lâm ngày xưa? (10).

- Ấy vì họ cũng chán cuộc đời, nên mới mượn chén rượu để kí thác.

- Nhưng nếu đã là nhà Nho chân chính thuần túy thì nên làm Khổng Minh hơn là Nguyễn Tịch (11).

- Ấy vì, cụ Lê Đại nhoẻn cười, làm Khổng Minh: Khó, làm Nguyễn Tịch: Dễ. Không làm nổi Khổng Minh nên tôi muốn làm Nguyễn Tịch!

Chúng tôi cười rộ. Cái cười có lẽ làm cho chú tiểu đồng giúp việc cụ đang dán câu đối phải ngạc nhiên.

Sau khi trân trọng cám ơn và chúc cụ mạnh giỏi, tôi từ giã cụ mà xuống khỏi lầu.

Ra ngoài cửa, tôi nhảy lên chiếc xe đạp phóng nước “vừa” dưới ánh mặt trời chan chan của một buổi quá trưa mùa đông. Trời nắng! Bụng đói. Xe hơi qua lại vùn vụt. Tôi cảm biết cái thân thiếu niên đương phải chống với mọi nỗi khó khăn, xông pha trên đường đông đảo nhộn nhịp.

Nếu ghi đông thiếu niên không chắc chắn, lái sai chút xíu, thì bị xe hơi nó cán chết như chơi. Mà đương thời buổi máy bay này, mình đi chiếc xe đạp đã là chậm chạp lắm rồi, huống chi các cụ lại lạch bạch xe tay hoặc lẽo đẽo cuốc bộ…

Chú thích:

(1). Nguyên chất chứa ở trong.

(2). Công dung làm ra ngoài.

(3). Khi viết, tôi nghĩ lại, giá thí dụ thế này thì hơn: Một người bận đồ Tây như tôi đây, cụ cho ngồi bàn ghế thế này thì dễ dàng, dễ chịu. Chứ nếu cụ bắt ngồi xếp bằng tròn trên bộ ngựa kia thì khó quá, không tiện quá.

(4). Cha hết bổn phận làm cha; con hết bổn phận làm con.

(5). Có việc, con em phải làm cực nhọc, có rượu thịt, nhà thầy được chén.

(6). Sự phá vỡ trong chỗ phá vỡ, sự gầy dựng trong chỗ gầy dựng.

(7). Người nhân đức được người ta hết lòng giúp đỡ, nên đi đánh đầu, không ai địch. Người mạnh dạn theo lẽ phải, thì không ai sợ sệt cái gì.

(8). Truyền ra cho đời biết.

(9). Sống không ích gì cho đời nay; chết không có tiếng tăm gì cho đời sau biết đến.

(10). Ngày xưa, về đời Tấn bên Tàu, có bảy người là Kê Khang, Nguyễn Tịch, Sơn Đảo, Hương Tú, Lưu Linh, Nguyên Hàm, Vương Nhung bi quan về thời cuộc, cùng nhau đi chơi ở Trúc Lâm.

(11). Nguyễn Tịch là một người trong thất hiền ở Trúc Lâm, thích uống rượu, thường say khướt, như điên như cuồng.

Lí Học (Sưu tầm và giới thiệu)
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.