Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu phỏng vấn của Thái Hạo với PGS-TS Andrea Hoa Pham, tác giả của cuốn sách "Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam".
Vừa qua, PGS-TS Andrea Hoa Pham, giảng viên tại Khoa Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa – Viện đại học Florida; tốt nghiệp Tiến sĩ Ngôn ngữ học, Đại học Toronto (Canada); Giải thưởng Giáo sư tiêu biểu, Đại học Florida (2021 - 2024), đã cho ra đời công trình khoa học Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam. Cuốn sách đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp độc giả. Đánh giá về công trình này, Giáo sư Mark Alves, Đại học Montgomery (Rockville, Maryland), Khoa ELAP, Ngôn ngữ và Giao tiếp, nhận xét: Cuốn sách Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam trình bày một phân tích chi tiết âm vị học của phương ngữ Quảng Nam. Tuy nhiên nó cũng mô tả những chi tiết lịch sử… Nhìn chung, cuốn sách này là một ứng dụng hiệu quả về cả nghiên cứu ngôn ngữ lẫn dân tộc học lịch sử ở Việt Nam. Dưới đây, báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu phỏng vấn của Thái Hạo với tác giả của cuốn sách.
Thái Hạo: Xin chào tiến sĩ Andrea Hoa Pham. Công trình khoa học Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam của chị vừa ra mắt đã thu hút được sự chú ý và trao đổi rất sôi nổi trên nhiều diễn đàn. Cuốn sách đã lập tức được bán hết ngay khi vừa phát hành, điều ấy chứng tỏ giọng Quảng Nam và tiếng Việt nói chung vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả thuộc nhiều tầng lớp, cả chuyên và không chuyên về một ngành khoa học đặc thù, ngành Ngôn ngữ học. Chị có thể chia sẻ vắn tắt về cơ duyên, quá trình hình thành và hoàn thiện công trình này cho những người chưa có cơ hội tiếp cận cuốn sách trước khi nó được tái bản?
Tiến sỹ Andrea Hoa Pham: Cảm ơn anh. Tôi viết cuốn sách này trước hết vì tôi sinh ra lớn lên ở Quảng Nam, và có lợi thế là có cái mẫn cảm ngôn ngữ của người nói tiếng Việt. Thứ hai là vì giọng Quảng Nam quá sức lý thú với một người làm về âm vị học. Cuốn sách này chỉ là một phần trong công việc mà tôi đã theo đuổi trong hơn một phần tư thế kỷ qua. Đó là tìm hiểu sự biến đổi âm thanh của tiếng Việt, chú trọng vào các chứng cớ đồng đại. Cuốn sách này mất chừng 5 năm để viết xong, nhưng nó là kết quả của một thời gian dài đi tìm thu tư liệu và phân tích, rồi dựa trên kiến thức của ngành ngôn ngữ học mà hình thành giả thuyết (hypothesis), và tìm kiếm câu trả lời, đến thử nghiệm (test) các giả thuyết. Cho nên có chuyến đi thực địa dọc miền Trung Việt Nam, bạn bè hỏi tôi đi tìm cái gì, tôi nói tôi đang đuổi theo một nguyên âm (cười). Một trong những điều tôi tâm niệm từ khi mới bắt đầu cuốn sách này, là gắng viết sao cho bất cứ người nào cầm lên cũng có thể tìm thấy cái gì đó hứng thú để đọc. Tuy nhiên vì là sách nghiên cứu, nên tôi cũng nói rõ từ đầu là một số chương tôi viết cốt cho những sinh viên ngôn ngữ hoặc những ai trong ngành mà có quan tâm đến ngữ âm và âm vị học. Tôi cũng gắng viết các chương tương đối độc lập, mỗi chương khá đầy đủ như một bài báo. Nhưng muốn hiểu hết luận điểm cuốn sách thì cần đọc cả cuốn. Cuốn sách thì đã ra đời, nhưng công việc thì có lẽ chẳng bao giờ có thể “hoàn thiện” được (cười). Ngay cả công trình này cũng còn nhiều vấn đề để ngỏ.
Thái Hạo: Đây là một công trình khoa học, đòi hỏi độc giả phải có ít nhiều kiến thức ngôn ngữ học thì mới có thể lãnh hội trọn vẹn được. Và thêm nữa, đối với vấn đề về nguồn gốc thì câu hỏi Vì sao không quan trọng bằng câu hỏi Như thế nào, tức là yêu cầu chứng minh phải giữ vai trò quyết định. Trọng tâm của cuốn sách là luận điểm Giọng Quảng Nam được xây dựng trên cái nền giọng Thanh Hóa và thu nhận, điều chỉnh một số nét độc đáo ở giọng Nghệ Tĩnh. Vậy, đâu là bằng chứng quan trọng nhất cho luận điểm ấy, và bằng chứng đó có ảnh hưởng thế nào đến sự biến âm một cách có hệ thống trong giọng Quảng Nam để hình thành một diện mạo phương ngữ như chúng ta đang thấy?
Tiến sỹ Andrea Hoa Pham: Thật ra tùy hoàn cảnh mà mình nói đến tầm quan trọng của các câu hỏi “vì sao?” và “như thế nào?”, phải không? Chẳng hạn nói đến hình dạng lạ lùng của vần Quảng Nam, đầu tiên người ta sẽ hỏi “lạ như thế nào?”. Sau khi trả lời, tức đã miêu tả nó, thì câu hỏi tiếp theo là đi tìm nguyên nhân “vì sao nó lạ?”. Giả thuyết của tôi cho rằng nó lạ là vì trên cái nền của giọng Thanh Hóa, nó đã tiếp nhận một số đặc trưng ở giọng Hà Tĩnh, và cùng với các chuyển biến nội tại mà hình thành nên hệ thống vần Quảng Nam như chúng ta biết. Bằng chứng quan trọng nhất là tôi xuất phát từ câu hỏi “Vậy tổ tiên của người Quảng Nam đã nói giọng địa phương nào?” để từ đó phăng tới. Và một cách tự nhiên, tôi dựa vào sử liệu về những đợt di dân lớn vào vùng đất Quảng Nam như một chứng cớ khó chối cãi. Thứ hai, câu hỏi “như thế nào” ở đây, như anh nói, một lần nữa rất quan trọng, tức là không phải đơn giản chỉ ra các đặc trưng chỉ có trong giọng Hà Tĩnh và Quảng Nam (như nguyên âm trong “cá, gà”, hay vần “ao”) hoặc một hoạt động ngữ âm ở mức cực đoan như tính đôi hóa cực mạnh trong cả ba giọng nói này (Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Nam), mà cần phải chứng minh những nét đặc trưng ấy đã được thẩm thấu như thế nào vào giọng Quảng Nam. Điều này cần đến các nguyên tắc (principles) và các thao tác làm việc của ngành ngữ âm-âm vị học. Ví dụ trong cuốn sách, tôi dùng các chứng cớ từ đặc trưng ngữ âm và phân bố âm vị. Tôi cũng giải thích và đưa ra rất nhiều ví dụ cho ba thao tác: giản hóa, đôi hóa nguyên âm, và sự rơi rụng âm lướt cuối. Những nguyên tắc và các hoạt động này giải thích tính hệ thống trong các biến đổi âm thanh, không chỉ trong giọng Quảng Nam mà còn trong nhiều phương ngữ khác của tiếng Việt, đặc biệt trong giọng Hà Tĩnh và Thanh Hóa, hai phương ngữ có liên hệ mật thiết với giọng Quảng Nam. Tất nhiên những nguyên tắc này không phải chỉ áp dụng trong tiếng Việt, vì một lý thuyết chỉ có giá trị khi nó có tính khái quát cao, phải không? Các chương này cốt dành cho dân ngôn ngữ đọc, tuy trong các chương đó cũng có những phần mà người không quen thuộc với các cách làm việc của ngành ngữ âm-âm vị học cũng đọc được. Cho nên với một người ngoài ngành, khi nói “giọng Quảng Nam hình thành trên cái nền giọng Thanh Hóa, có thu nhận một số đặc trưng của giọng Hà Tĩnh”, khó có thể giải thích một cách ngắn gọn, dễ hiểu cho câu chất vấn “thế thì vì sao giọng Quảng Nam lại khác xa giọng Thanh Hóa và Hà Tĩnh như vậy?”. Nói chuyện khoa học mà không cần kiến thức khoa học thì cũng khá vô lý phải không? (cười).
Thái Hạo: Có một số độc giả thắc mắc rằng, trước đây, năm 2011 tác giả Hồ Trung Tú đã xuất bản cuốn sách tựa đề Có 500 năm như thế, trong đó đã dành hẳn 1 chương để lý giải về nguồn gốc giọng Quảng Nam và nhận được sự đồng tình của nhiều người; tuy nhiên, ở Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam của mình, trong khi chị điểm qua nhiều công trình của các nhà ngữ học thì lại không thấy chị nhắc đến hay trích dẫn cuốn sách ấy của tác giả Hồ Trung Tú. Dưới góc độ khoa học, chị có thể chia sẻ với độc giả về lý do của việc “bỏ qua” này?
Tiến sỹ Andrea Hoa Pham: Đồng tình hay không đồng tình, người nghiên cứu vẫn phải dẫn công trình của người đi trước (nếu họ biết về công trình ấy; hơn nữa, tác giả được yêu cầu phải biết những công trình quan trọng đã xuất bản về đề tài mình viết). Trong cuốn sách về giọng Quảng Nam, tôi không dẫn cuốn “Có 500 năm như thế” đơn giản chỉ vì nó không phải là một tài liệu ngôn ngữ học. Vì là một người làm âm vị học (duy nhất) viết bài giới thiệu cuốn sách ấy năm 2012 đăng trên Tạp chí Xưa và Nay, nên vào năm 2014, để nói rõ hơn ý kiến của tôi về mặt ngôn ngữ trong cuốn “Có 500 năm như thế”, tôi đã viết một bài phê bình đăng ở số 6, Tạp chí Ngôn ngữ, tập trung vào một nhận định trong cuốn sách ấy rằng giọng Quảng Nam không có nguyên âm “a” (vì nguyên âm viết bằng “a” được phát âm “khác” với các giọng địa phương khác). Tôi đã chỉ ra rằng vì sao nhận định đó không có cơ sở (baseless) ngôn ngữ học. Tôi dùng luôn nhận định ấy để làm ví dụ, trình bày cho sinh viên ngôn ngữ học hiểu hơn cách làm việc của ngành ngữ âm-âm vị học, từ việc thu tư liệu đến việc miêu tả ngữ âm của một âm, rồi dựa vào quan hệ của âm ấy trong hệ thống mà đánh giá giá trị âm vị của âm ấy, v.v. Cho đến nay không có ai phản biện bài báo này, trừ một người đăng trên tờ Nghệ An thì phải, trách tôi không công bằng khi yêu cầu tác giả cuốn “Có 500 năm như thế” phải dẫn các chứng cứ ngôn ngữ học cũng như liên hệ tới tiếng Chăm để giải thích, chứng minh cho luận điểm của mình. Bất kể background của anh về ngôn ngữ như thế nào, khi bàn về một vấn đề ngôn ngữ, người ta vẫn chờ đợi anh làm việc theo cách của ngành khoa học mà anh đang bàn, phải không? (cười). Tôi vẫn giữ nguyên ý kiến về những gì tôi viết trong bài giới thiệu cuốn “Có 500 năm như thế” khi cuốn sách ấy mới xuất bản. Nghĩa là tôi vẫn trân trọng “cái thao thức bất tận trong việc đi tìm sự thật, thái độ viết tâm huyết, nghiêm chỉnh” của tác giả. Song tôi cũng giữ nguyên những nhận định về mặt phân tích ngôn ngữ trong cuốn sách ấy mà tôi cho là thuần suy diễn, thiếu chứng cớ. Làm sao có thể xem là một tài liệu ngôn ngữ học khi nhận định “chính sự chuyển sang nói tiếng Việt sớm muộn khác nhau của người Chàm mà nay ta có những vùng phương ngữ khác nhau từ Quảng Nam trở vào” được tác giả dùng để “kết luận” (tr. 189) trong khi hoàn toàn không đưa ra một giải thích ngôn ngữ học nào cả về việc chuyển biến ấy, cũng như không hề nói đặc trưng gì của tiếng Chăm khiến họ phát âm tiếng Việt không sõi mà thành ra giọng Quảng như vậy? Nếu review (trích dẫn? tóm lược?) cuốn sách ấy, tôi sẽ phân tích thêm về những thuật ngữ ngôn ngữ học dùng một cách mơ hồ, những ngộ nhận về các khái niệm cơ bản của ngữ âm và âm vị học, những phân tích ngôn ngữ dựa trên cảm tính đưa đến thiếu chính xác và không hệ thống, v.v. Cuốn “Có 500 năm như thế” cũng không phải là cuốn đầu tiên nói về giọng Quảng Nam. Nhà ngữ học Vương Hữu Lễ đã miêu tả giọng nói này từ năm 1974, và nhiều nhà ngữ học sau đó cũng đã tiếp nối công việc này. Trong luận văn cao học của mình năm 1997 khi giải quyết một vấn đề về lý thuyết, bản thân tôi cũng đã miêu tả khá kỹ giọng nói Quảng Nam như một trong 4 phương ngữ lớn của vùng (giọng Hà Nội, Huế, Quảng Nam và Sài Gòn). Nhưng như đã nói, “Có 500 năm như thế” không phải là tài liệu ngôn ngữ học nên tôi không thấy relevant (thích hợp?) để dẫn trong cuốn sách của mình.
Thái Hạo: Có thể nói, giá trị của một công trình khoa học sẽ được tính đến khi có một công trình khác ra đời và phủ nhận nó bằng một giả thuyết và những minh chứng vững chắc hơn. Chị có cho rằng cuốn sách của mình sẽ có thể bị phủ nhận như thế trong tương lai, bởi một nhà khoa học khác, thậm chí là bởi chính chị?
Tiến sỹ Andrea Hoa Pham: Tôi luôn luôn để ngỏ vấn đề, vì khoa học là một sự tìm kiếm không ngừng nghỉ. Điều ấy không có nghĩa là tôi không đủ tin vào những gì mình nói hôm nay. Nhưng ở trường hợp này, tôi rất nghi ngờ điều đó (giả thuyết bị phủ nhận). Càng ngày tôi càng thấy thêm nhiều chứng cớ lý thú, chỉ làm mạnh hơn cho luận điểm của mình. Những chứng cớ này sẽ được thêm vào cuốn sách khi tái bản, nhưng chỉ sau khi chính tôi có được chứng cớ ấy và tự tay phân tích, kiểm chứng, chứ không nhắc lại ai hay theo tài liệu nào. Do vậy, sẽ còn nhiều chuyến đi thực địa ở Việt Nam để tìm kiếm tư liệu.
Thái Hạo: Đây là công trình khoa học đầu tiên được chị xuất bản bằng tiếng Việt và đã nhận được nhiều phản hồi. Chị có cảm nhận thế nào về không khí, thái độ, và tinh thần học thuật trong những trao đổi ấy, so với những gì chị đã trải qua ở Mỹ?
Tiến sỹ Andrea Hoa Pham: Um, suốt chặng đường làm nghiên cứu, ở Bắc Mỹ hay châu Âu (vì tôi cũng có vài công trình xuất bản ở châu Âu), như các nhà nghiên cứu khác, những “phản hồi” nhận được đầu tiên là các “phản biện” kín của các chuyên gia trong ngành trước khi bài báo hay cuốn sách được chấp nhận để in (sau khi dựa vào các phản biện mà sửa đổi cho tốt hơn). Những phản hồi sau khi in là những trích dẫn ở các công trình nghiên cứu khác có liên quan đến đề tài tôi đã đăng. Cái “phản biện, phản hồi” theo ý nghĩa đó đối với cuốn sách về giọng Quảng Nam thì tôi chưa hề thấy, vì nó mới ra. Tôi chờ đợi đọc các phản biện qua các bài báo đăng trên các Tạp chí chuyên ngành, có uy tín, có phản biện kín. Nếu những vấn đề là thuần túy học thuật và thuộc phạm vi cuốn sách về giọng Quảng Nam, tôi sẽ hoan hỉ trao đổi khi có dịp. Chuyến ra mắt cuốn sách ở Việt Nam hè này, nhìn thấy những rộn rã từ độc giả tôi cũng rất vui vì cuốn sách của mình may mắn được nhiều người để ý, và rất trân trọng những người đón nhận nó, tuy rằng thái độ khen hay chê phần lớn còn ở mức cảm tính vì họ không đọc, hoặc chưa đọc hết hay đọc kỹ cuốn sách.
Thái Hạo: Chị có dự định gì cho lần tái bản gần nhất không? Sẽ có những bổ sung hay điều chỉnh gì không sau những ý kiến trao đổi nhận được từ lần xuất bản đầu tiên này?
Tiến sỹ Andrea Hoa Pham: Tùy theo các tranh luận học thuật tôi mong sẽ được đón nhận, có thể tôi sẽ đưa vào vài vấn đề liên quan đến nội dung cuốn sách cho những độc giả không chuyên ngành ngôn ngữ. Đối với người trong ngành, tôi sẽ bổ sung thêm chứng cớ mới cho luận điểm, và một chương hướng dẫn cách có thể dùng cuốn sách như một tài liệu thực hành ngữ âm-âm vị học. Tuy nhiên tôi chưa biết đến khi nào sẽ làm, vì còn đang bận với vài dự án khác. Như tôi đang viết chung với một giáo sư ngôn ngữ người Mỹ cho một công trình khởi xướng ở châu Âu, bao quát nhiều thứ tiếng. Chúng tôi phụ trách chương về tiếng Việt. Như có dịp nói trong một buổi tọa đàm ở đâu đó về cuốn giọng Quảng Nam, tôi luôn nôn nóng giới thiệu tiếng Việt ra thế giới để dân ngôn ngữ học có thêm những tư liệu rất độc đáo, giúp chúng ta hiểu thêm về bản chất và cách làm việc của ngôn ngữ loài người.
Cảm ơn anh Thái Hạo đã cho tôi cơ hội trao đổi với độc giả về cuốn sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam – Sound change through contact”.
Thái Hạo: Xin được cảm ơn Tiến sỹ Andrea Hoa Pham đã dành cho chuyên mục Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt của báo Nông nghiệp Việt Nam buổi trò chuyện thú vị và hữu ích này!