Đắk Lắk bán thành công gần 17 tấn carbon trên cây lúa

Minh Quý - Thứ Ba, 10/09/2024 , 14:37 (GMT+7)

Doanh nghiệp đã thu mua gần 17 tấn carbon trên cây lúa với giá 20 USD/tấn, trở thành địa phương đầu tiên tại Việt Nam bán được tín chỉ carbon.

Sáng 10/9, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công ty Cổ phần Net Zero Carbon tổ chức tọa đàm về quy trình khép kín “Lúa sạch hơn, xanh hơn, tăng năng suất, đo lường và bao tiêu giảm phát thải khí nhà kính”.

Tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận

Mô hình thí điểm giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất được triển khai trong vụ đông xuân 2023 - 2024 trên diện tích 4,2ha tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana).

Đây là mô hình được áp dụng giải pháp kết hợp quy trình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), kết hợp sử dụng chế phẩm Nano composite của Công ty Cổ phần BSB Nanotech và áp dụng quy trình báo cáo xác nhận giảm phát thải của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon.

Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quang Yên.

Sau hơn 3 tháng thực hiện, mô hình này đã mang lại kết quả tích cực. Năng suất trung bình đạt gần 11,7 tấn/ha, tăng hơn 0,93 tấn/ha so với mô hình đối chứng; chi phí đầu tư giảm được 2.891.800 đồng (giảm 9,44%) so với đối chứng.

Trong đó, chi phí về giống giảm được 675.000 đồng/ha (tương đương 21,43%), phân bón giảm được 785.000 đồng/ha (tương đương 6,20%), bảo vệ thực vật giảm được 1.431.000 đồng/ha (tương đương 24,03%). Lợi nhuận ròng của mô hình đạt gần 94,8 triệu đồng, tăng trên 15,5 triệu đồng so với mô hình đối chứng (tương đương 19,55%).

Đặc biệt, mô hình này giúp nông dân thay đổi phương pháp canh tác truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo đất lúa. Đồng thời, mô hình giúp giảm phát thải được gần 4 tấn/ha khí nhà kính (CO2e), góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng ít nước tưới, lúa sạch hơn, năng suất cao hơn, sản xuất an toàn hơn, đảm bảo sản lượng không giảm so với phương pháp canh tác kiểu truyền thống, giảm chi phí đầu tư của bà con nông dân.

Ông Lê Như Hùng (ngụ xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) cho biết, tham gia mô hình đã giúp gia đình tiết kiệm được lượng phân bón trên cây lúa khoảng 30%. Đối với lượng nước tưới giảm được 50%. Đặc biệt năng suất của gia đình cao hơn so với bình quân chung của huyện.

Doanh nghiệp mua gần 17 tấn carbon của người dân tại Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên.

“Gia đình giảm được chi phí đầu tư, năng suất cao hơn bình quân đã giúp tăng thu nhập. Đặc biệt năm nay gia đình có thêm hơn 8 triệu đồng tiền bán tín chỉ carbon, nhờ vậy thu nhập tốt hơn rất nhiều. Trong vụ tới, gia đình sẽ tiếp tục tham gia mô hình của công ty”, ông Hùng nói.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, nông nghiệp được xem là ngành gây phát thải rất lớn, do vậy giảm mạnh phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp gắn với việc công nhận chứng chỉ carbon sẽ trở thành định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới, nhằm gia tăng giá trị, phát triển ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Cam kết mua 20 USD/1 tấn tín chỉ carbon

Tại Đắk Lắk, diện tích gieo trồng lúa ổn định với khoảng hơn 100 nghìn ha, chiếm khoảng 35% diện tích gieo trồng cây hàng năm của tỉnh. Sản xuất lúa của Đắk Lắk đứng đầu khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; năng suất bình quân của tỉnh đạt 69,50 tạ/ha, năm 2023 sản lượng ước đạt khoảng 800.000 tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Đắk Lắk có diện tích lúa lớn, phù hợp với triển khai sản xuất giảm phát thải. Ảnh: Quang Yên.

Trong đó, đối với ngành trồng trọt, canh tác lúa, những tác động rõ thấy là diện tích đất canh tác suy giảm, tình trạng hạn hán, sâu bệnh, vấn nạn xâm nhập mặn đang diễn ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu long… gây áp lực lớn đến năng suất cây trồng, sinh kế của người nông dân và cơ hội thương mại nông sản.

Theo kết quả nghiên cứu, một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có lượng phát thải lớn đã được ghi nhận bao gồm: Riêng khí CO2, theo thống kê, mỗi năm, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn, chiếm trên 30% tổng lượng khí CO2 toàn quốc. Trong đó, gần 70% phát thải CO2 đến từ các hoạt động trồng trọt. Sản xuất lúa nước chiếm 50% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp. Có nhiều nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, bao gồm sử dụng nước kém hiệu quả, mật độ gieo sạ cao, tỷ lệ bón phân chưa hiệu quả, thu hoạch rơm rạ chưa đúng cách…

Để giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa nước cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như chế độ tưới nước chủ động khô và ngập nước thay vì để các ruộng lúa ngập nước trong suốt cả mùa vụ, từ đó giúp giảm phát thải khí metan. Tuy nhiên, với giải pháp này cần xây dựng hệ thống thủy lợi chủ động để áp dụng công nghệ phù hợp và cũng đòi hỏi chi phí đầu tư tương đối lớn.

Tiêu dùng xanh hiện nay là một xu thế, sản phẩm ngoài việc cung cấp dinh dưỡng còn phải chứng minh phát triển bền vững, đảm bảo môi trường. Vì thế, ngành nông nghiệp các địa phương phải thay đổi cách tiếp cận hướng tới nền nông nghiệp xanh, sản xuất lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính.

Bộ NN-PTNT đã xây dựng Đề án sản xuất bền vững lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, trồng lúa chất lượng cao sẽ phải áp dụng các quy trình canh tác bền vững hơn, sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống…

“Nông nghiệp được xem là ngành gây phát thải rất lớn, do vậy giảm mạnh phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp gắn với việc công nhận chứng chỉ carbon sắp tới cũng sẽ trở thành định hướng mà nông nghiệp Đắk Lắk mong muốn đạt được. Việc  tạo được sản phẩm đầu ra chất lượng tốt hơn, tạo thương hiệu nông sản thân thiện môi trường, tạo thu nhập ổn định cho nông dân và chuẩn bị tư thế sẵn sàng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon một khi thị trường này được hoạt động vào năm 2028.

Có thể thấy, sản xuất theo hướng giảm phát thải khí CO2 không chỉ phù hợp với xu thế tiêu dùng mới, mà quan trọng hơn đây sẽ là cơ hội để nông dân Việt Nam bán tín chỉ khí CO2 nhờ vào việc canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính”, ông Hà thông tin.

Công ty Cổ phần Net Zero Carbon cam kết thu mua 20 USD/1 tấn carbon. Ảnh: Quang Yên.

Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon cho biết, doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng nông dân.

Theo ông Tiến, doanh nghiệp cam kết khi tham gia mô hình năng suất của nông dân sẽ bằng hoặc cao hơn so với bình quân năng suất tại địa phương. Đối với mô hình thấp hơn năng suất bình quân tại địa phương doanh nghiệp sẽ bù sản lượng.

“Hiện nay doanh nghiệp mới ra được báo cáo giảm phát thải, tuy đây chưa phải là tín chỉ nhưng doanh nghiệp vẫn thu mua. Trong vụ này doanh nghiệp sẽ thu mua 20 USD/tấn carbon.

Để tính được giá mua 20 USD thì doanh nghiệp dựa vào công sức của bà con nông dân là chính. Hiện nay doanh nghiệp làm tất cả không thu một đồng nào của người dân. Chi phí cho một tấn carbon cao hơn 20 USD rất nhiều”, ông Tiến thông tin.

Ông Tiến cho biết thêm, trong thời gian tới, doanh nghiệp có hợp đồng ràng buộc với HTX, người dân. Theo đó, nông dân khi tham gia chương trình thì phải tham gia ít nhất 5 năm. “Khi đã đăng ký thửa ruộng này với tổ chức quốc tế, nếu dừng sẽ bị gạt ra khỏi hệ thống, còn đăng ký lại sẽ rất khó”, ông Tiến nhấn mạnh.

Đây là mô hình có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, kết quả đáng tin cậy. Vì vậy, nhiều HTX, ngành nông nghiệp các địa phương mong muốn được tiếp cận và áp dụng trên diện rộng. Đặc biệt trong dịp này, Công ty Cổ phần Net Zero Carbon mua gần 17 tấn khí thải CO2e của mô hình, với giá 20 USD/tấn, đồng thời tặng Chứng nhận giảm phát thải cho Sở NN-PTNT Đắk Lắk. Đây là chứng nhận CO2e đầu tiên trên lúa của Việt Nam được bán thành công.

Minh Quý
Tin khác
Trai '9x' làm giàu nhờ suy nghĩ táo bạo
Trai '9x' làm giàu nhờ suy nghĩ táo bạo

Mỗi năm trang trại tuần hoàn của Ngô Đình Tuấn cho thu nhập hơn 300 triệu đồng. Thanh niên này còn sử dụng hiểu quả mạng xã hội để bán hàng.

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận với cuốn sách đầu tay 'Tôi & Meet More… more'
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận với cuốn sách đầu tay 'Tôi & Meet More… more'

TP.HCM Cuốn sách kể về quá trình khởi nghiệp của doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận - CEO cà phê nông sản Meet More xuất khẩu sang 12 quốc gia.

Xâm nhập thị trường Halal bằng tiêu chí dinh dưỡng
Xâm nhập thị trường Halal bằng tiêu chí dinh dưỡng

Việc phát triển các sản phẩm dinh dưỡng từ nông sản Việt Nam không chỉ là chiến lược kinh doanh mà còn là mong muốn khẳng định giá trị của nông sản Việt.

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD
Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD

Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, với số lượng dân số đông đảo, nhu cầu tiêu dùng sầu riêng đông lạnh cao.

4 lưu ý đối với doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc
4 lưu ý đối với doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc

Việc thực hiện điểm kiểm soát tới hạn do doanh nghiệp quyết định để đảm bảo sản phẩm sầu riêng đông lạnh đáp ứng yêu cầu.

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc: Cần sự minh bạch, hợp tác
Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc: Cần sự minh bạch, hợp tác

Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ với nông dân, hợp tác xã, để hướng tới môi trường xuất khẩu lành mạnh.

Nâng cao năng lực cạnh tranh từ thích ứng sớm với cơ chế CBAM
Nâng cao năng lực cạnh tranh từ thích ứng sớm với cơ chế CBAM

Dù nông sản chưa trong danh sách điều chỉnh của CBAM từ 1/1/2026, chuyên gia cho rằng, việc đón đầu xu thế sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn, trọng điểm.

Cà phê dừa độc đáo ở vùng quê xứ Hậu
Cà phê dừa độc đáo ở vùng quê xứ Hậu

Hậu Giang Cà phê dừa với hương vị dịu nhẹ, thơm béo, nhận được sự yêu thích của nhiều thực khách, sản phẩm tạo nên làn gió mới trong phong trào khởi nghiệp ở nông thôn.

Vinaseed và IRRI hợp tác phát triển giống lúa chất lượng cao
Vinaseed và IRRI hợp tác phát triển giống lúa chất lượng cao

Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế - IRRI và Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam hợp tác phát triển và thương mại các công nghệ và giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt. IRRI có ngân hàng gen khổng lồ trên 127.000 nguồn gen lúa khác nhau.

Unifarm tiên phong phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao
Unifarm tiên phong phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao

Unifarm là doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao và tham gia thí điểm mô hình trường học nông nghiệp gắn với du lịch.

Nối dài hành trình 'Môi trường sạch - Cuộc sống xanh'
Nối dài hành trình 'Môi trường sạch - Cuộc sống xanh'

ĐBSCL Sau 10 năm tổ chức, chương trình đã tổ chức thu gom và tiêu hủy trên 130 tấn vỏ bao gói thuốc BVTV, trồng hơn 3.550 cây xanh, tập huấn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả cho hơn 30.000 nông dân tại 15 tỉnh thành trên cả nước.