| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam đi đầu trong công tác bảo vệ rừng nhờ chương trình tín chỉ carbon

Thứ Năm 05/09/2024 , 15:36 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Đối với Nguyễn Thám, Vườn Quốc gia Bạch Mã là cuộc sống của ông. Đây là nơi ông lớn lên, nuôi sống gia đình nên ông hàng ngày góp phần vào việc bảo vệ rừng.

Vườn Quốc gia Bạch Mã có tổng diện tích 37.000ha, được công nhận là Công viên di sản ASEAN vào năm 2022. Ảnh: Linh Phạm/WB.

Vườn Quốc gia Bạch Mã có tổng diện tích 37.000ha, được công nhận là Công viên di sản ASEAN vào năm 2022. Ảnh: Linh Phạm/WB.

Ông Thám không phải là trường hợp duy nhất. Ông và nhiều người dân khác trong thôn Khe Su, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) thường xuyên đi tuần tra rừng cùng các kiểm lâm. Trong mỗi chuyến đi, lực lượng bảo vệ rừng dọn bẫy của lâm tặc hay dọn rác thải nhựa do khách du lịch để lại.

Đây là công việc nhọc nhằn không ngơi nghỉ, nhưng những khoảnh khắc yên tĩnh như hôm nay, khi mọi người nghỉ ngơi thu hoạch măng ven đường, đã nhắc nhở ông về lý do khiến mình không ngừng nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái quan trọng này.

Ông Thám cho biết: "Chúng tôi làm những công việc này không chỉ cho riêng mình. Những cánh rừng xanh tốt và khỏe mạnh mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Rừng làm sạch không khí, ngăn ngừa lũ lụt và giúp chống lại biến đổi khí hậu. Tất cả chúng ta cần phải chung tay".

Nhưng bảo vệ rừng không phải là nhiệm vụ dễ dàng. "Trước đây lực lượng kiểm lâm còn mỏng và địa bàn quản lý rộng nên không phủ được hết. Nhờ có sự tham gia của người dân chung tay bảo vệ rừng mà nguồn nhân lực được tăng lên, mang lại hiệu quả lớn", kiểm lâm Võ Hồng Minh cho biết.

Thêm nguồn lực cho người giữ rừng

Quỹ Đối tác carbon trong Lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới (WB) đang hỗ trợ thêm về tài chính cho những nỗ lực bảo vệ rừng của ông Thám, kiểm lâm Minh và những người dân từ hơn 1.300 cộng đồng trong khu vực chương trình.

Quỹ FCPF ghi nhận tầm quan trọng của rừng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bảo vệ và quản lý tốt hơn những cánh rừng hiện có, tái trồng rừng và cải tạo rừng sẽ góp phần cắt giảm lượng khí thải CO2. Khí CO2 và các khí thải nhà kính khác là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tháng 10/2020, Chính phủ Việt Nam và Quỹ FCPF đã ký kết Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) trên diện tích 2,9 triệu ha rừng tự nhiên tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ.

Theo thỏa thuận này, Quỹ FCPF chi trả cho Việt Nam 51,5 triệu USD cho các nỗ lực bảo vệ rừng, với mục tiêu cắt giảm 10,3 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 6 năm, bắt đầu từ 2018. Một phần nguồn ngân sách này được chi trả cho các cá nhân và cộng đồng giữ rừng.

Đáng chú ý, Việt Nam đã vượt mục tiêu trên ngay trong trong kỳ báo cáo đầu tiên giai đoạn 2018 - 2019.Theo báo cáo kết quả đo lượng carbon phát thải trong giai đoạn này, Việt Nam đã giảm được 16,2 triệu tấn CO2. Con số này đã được Aster Global Environmental Solutions xác nhận độc lập.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết: “Đây là một thỏa thuận mang tính đột phá đối với ngành lâm nghiệp Việt Nam, mở đường cho các nguồn tài chính bổ sung giúp hỗ trợ bảo vệ rừng và sinh kế của người dân cũng như góp phần giảm phát thải khí nhà kính”.

Người dân và kiểm lâm cùng nhau thực hiện các chuyến tuần tra rừng, góp phần bảo vệ rừng và đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Bạch Mã. Ảnh: Linh Phạm/WB.

Người dân và kiểm lâm cùng nhau thực hiện các chuyến tuần tra rừng, góp phần bảo vệ rừng và đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Bạch Mã. Ảnh: Linh Phạm/WB.

Thành công nhờ quản lý rừng bền vững

Thành công của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ bắt nguồn từ những nỗ lực bảo vệ rừng quyết liệt từ trước đó. Kể từ năm 2017, Việt Nam đã thực hiện nghiêm ngặt việc bảo vệ rừng tự nhiên, bao gồm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên.

Ngoài ra, Việt Nam cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các cộng đồng sống gắn bó với rừng, giúp họ đa dạng hóa sinh kế và giảm khai thác tài nguyên rừng.

Ví dụ, các cộng đồng dân cư giữ rừng được nhận hỗ trợ tài chính cho việc bảo vệ rừng, đồng thời được tham gia vào các chương trình chuyển đổi sinh kế. Từ 2008, Việt Nam đã thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) cho người dân giữ rừng. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về thực thi chính sách này, đến nay đã tạo ra nguồn thu gần 400 triệu USD.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, chuyên gia cao cấp về môi trường của WB cho biết: “Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính là bước ngoặt đối với Việt Nam, góp phần tăng nguồn ngân sách cho công tác bảo vệ, phát triển rừng và cho thấy có thể tạo ra nguồn thu mới từ việc hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng”.

Phân phối công bằng và hướng tới tương lai

Chính phủ Việt Nam đã nhận được toàn bộ khoản chi trả vào tháng 3/2024 sau khi đã chuyển giao khối lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2 như đã ký kết trong Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính. Đây là khoản chi trả lớn nhất từ ​​trước đến nay do Quỹ FCPF thực hiện trên toàn cầu dành cho lượng cắt giảm phát thải đã được xác minh.

Để đảm bảo phân phối công bằng các lợi ích từ nguồn tài chính này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một nghị định hướng dẫn thực hiện năm 2022. Cộng đồng của ông Thám đã nhận được 50 triệu đồng. Có hơn 1.300 cộng đồng tại 6 tỉnh tham gia chương trình, đại diện cho khoảng 70.000 người tham gia bảo vệ rừng đang được hưởng lợi từ khoản thanh toán này.

Cộng đồng có tiếng nói trong việc sử dụng tiền hỗ trợ. Như thôn ông Thám đã chọn lắp điện mặt trời cho khu vực nhiều có người dân tộc thiểu số đang sinh sống hiện chưa có điện lưới. "Khoản đầu tư này sẽ giúp nâng cao an toàn ở khu vực đó", ông Thám cho biết, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên của cộng đồng là cải thiện cuộc sống của những thành viên dễ bị tổn thương nhất.

Công nghệ kỹ thuật số giúp đảm bảo các khoản hỗ trợ đến được những người dân ở vùng xa xôi hẻo lánh. Được hỗ trợ bởi Quỹ tín thác EnABLE - tăng cường tiếp cận lợi ích trong giảm phát thải, các thành viên của cộng đồng dân tộc thiểu số có thể sử dụng ứng dụng trên điện thoại để theo dõi và quản lý các khoản thanh toán từ chương trình.

Tương lai xanh

Nhờ những nỗ lực của ngành lâm nghiệp, với 16,2 triệu tấn CO2 cắt giảm được trong giai đoạn 2018 - 2019, Việt Nam đã vượt hơn 5,9 triệu tấn so với mục tiêu đã ký với WB. Với xu thế đó, dự kiến Việt Nam sẽ tiếp tục vượt các chỉ tiêu về cắt giảm CO2 cho hai giai đoạn báo cáo còn lại (2020 - 2024).

Vườn Quốc gia Bạch Mã được ví như viên ngọc thiên nhiên với đa dạng sinh học cao. Ảnh: Linh Phạm/WB.

Vườn Quốc gia Bạch Mã được ví như viên ngọc thiên nhiên với đa dạng sinh học cao. Ảnh: Linh Phạm/WB.

Với lượng CO2 dôi dư này, Việt Nam có thể xem xét để tạo thêm nguồn thu từ chuyển giao trực tiếp thông qua các thỏa thuận song phương hoặc giao dịch trên thị trường carbon. WB đang tích cực hỗ trợ giúp Việt Nam tối đa hóa lợi ích từ các nỗ lực bảo vệ rừng, bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia và hài hòa lợi ích của các bên tham gia.

WB mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam mở rộng chương trình chi trả giảm phát thải khí nhà kính, giúp Việt Nam thu được nhiều lợi ích từ tiềm năng cắt giảm khí nhà kính từ rừng, ước tính lên đến 40 triệu tấn CO2 tại khu vực 6 tỉnh Bắc Trung bộ.

Những người như ông Thám coi việc giữ rừng là công việc cả đời của họ mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

"Với nhiều nguồn lực hơn, chúng tôi có thể làm tốt hơn nữa. Tôi hi vọng Chính phủ sẽ tìm cách duy trì chương trình này và có thể mở rộng hơn nữa", ông Thám chia sẻ.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.