Những tháng đầu năm nay, xuất khẩu cao su của Việt Nam sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 572,28 nghìn tấn, giảm 2,4% về lượng so với cùng kỳ 2023.
Lượng cao su xuất khẩu giảm là do nhu cầu nhập khẩu giảm từ một số thị trường lớn, nhất là thị trường Trung Quốc, nước nhập khẩu và tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, 4 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 2,41 triệu tấn cao su , giảm 14,4% về lượng so với cùng kỳ năm 2023. Do Trung Quốc giảm nhập khẩu, nên lượng cao su Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này giảm 8,2% và đạt 457,51 nghìn tấn.
Điều đáng chú ý là dù lượng cao su Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc giảm, nhưng thị phần lại tăng. Nguyên nhân là do mức giảm nhập khẩu từ Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức giảm nhập khẩu từ Thái Lan.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2024, lượng cao su Thái Lan nhập khẩu vào Trung Quốc giảm tới 30,4% so với cùng kỳ 2023, gấp 3,7 lần so với mức giảm nhập khẩu từ Việt Nam. Vì vậy, trong 4 tháng đầu năm nay, trong khi thị phần của cao su Thái Lan giảm xuống còn 33,7% trong tổng lượng cao su nhập khẩu, thì thị phần của cao su Việt Nam tăng lên 18,93%.
Tuy giảm về lượng, nhưng xuất khẩu cao su lại tăng về trị giá khi đạt 859,4 triệu USD trong 5 tháng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch tăng trong khi lượng xuất khẩu giảm là do giá cao su xuất khẩu tăng đáng kể. Trong 5 tháng đầu năm 2024, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.502 USD/tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá cao su tăng là do sản lượng cao su thế giới bị giảm. Theo ước tính của WhatNext Rubber Media, so với quý I/2023, trong quý đầu tiên của năm nay, sản lượng cao su Việt Nam giảm 2,7%, Thái Lan giảm 18,3%, Indonesia giảm 15,2%.
Thái Lan, Indonesia và Việt Nam chiếm gần 60% tổng sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới. Do đó, sản lượng cao su giảm ở Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đã dẫn tới sản lượng thế giới giảm 8,5% trong quý đầu tiên năm nay so với cùng kỳ năm trước. WhatNext Rubber Media cũng ước tính rằng sản lượng cao su thế giới đã giảm 5% trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước.
Giá cao su tăng đã giúp cho doanh thu của nhiều doanh nghiệp cao su khởi sắc trong những tháng đầu năm nay. Ông Trần Công Kha, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), cho biết, trong 5 tháng đầu năm, giá cao su mà Tập đoàn bán ra đạt bình quân 38,4 triệu đồng/tấn, tăng hơn 6 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ 2023.
Trong 5 tháng qua, VRG đã tiêu thụ được 150 nghìn tấn cao su, đạt 29% kế hoạch năm của Tập đoàn. Do cao su là sản phẩm đóng góp doanh thu chính cho VRG nên việc giá cao su tăng đã góp phần quan trọng vào doanh thu trên 7.100 tỷ đồng của Tập đoàn trong 5 tháng đầu năm.
Dù Trung Quốc giảm nhập khẩu cao su, nhưng đây vẫn là thị trường lớn nhất của cao su Việt Nam. 5 tháng năm 2024, xuất khẩu cao su sang thị trường này đạt 380 nghìn tấn, trị giá 547 triệu USD, giảm 14,2% về lượng và giảm 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Do lượng nhập khẩu từ Việt Nam giảm, nên thị phần của thị trường Trung Quốc vì vậy cũng giảm khá nhiều, từ mức chiếm 75,65% về lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng năm 2023, đã giảm xuống còn 66,47% trong 5 tháng năm 2024.
Trong khi xuất khẩu cao su sang Trung Quốc sụt giảm, thì xuất khẩu sang nhiều thị trường khác lại tăng. Trong đó, có thị trường tăng rất mạnh về lượng như Sri Lanka tăng 436%, Indonesia tăng 83%, Brazil tăng 60%, Italia tăng 55%, Ấn Độ tăng 43%… Dù lượng cao su xuất khẩu sang những thị trường này còn khá khiêm tốn so với thị trường Trung Quốc, chỉ từ vài nghìn đến vài chục nghìn tấn/thị trường trong 5 tháng đầu năm, nhưng sự tăng trưởng mạnh của những thị trường đó đã góp phần giúp cho xuất khẩu cao su Việt Nam tuy có giảm về lượng trong 5 tháng qua, nhưng mức giảm không lớn.