| Hotline: 0983.970.780

Cối xay lúa

Thứ Tư 29/06/2022 , 06:36 (GMT+7)

Trong một gia đình nhà quê chính gốc nhất định không được thiếu chiếc cối xay lúa, như không được thiếu cái liềm, cái hái, chiếc hòm đựng thóc.

Ảnh tư liệu: Flickr.

Ảnh tư liệu: Flickr.

Còn thiếu là còn phải nghĩ đến ngày ngày, khi nào có mới thôi. Bởi vì có những dụng cụ không chỉ đơn thuần làm chức năng của đồ vật, mà nó còn mang ý nghĩa biểu tượng.

Bài liên quan

Chẳng hạn cái bếp, ngoài việc dùng để nấu nướng, luôn là tượng trưng cho hạnh phúc và an bình. Bếp lạnh là tối kiêng kị. Bếp lạnh, dấu hiệu của bần hàn chỉ là một nhẽ, mà đáng sợ hơn, nó đồng nghĩa với tuyệt sinh. Một gia đình nề nếp, trước hết phải nề nếp từ cái bếp. Giàu ba bữa, nghèo mấy, nghèo kiết xác thì vẫn cứ phải đỏ lửa ba lần.

Cối xay lúa cũng thuộc về những thứ như vậy. Nó báo hiệu sự no đủ, sung túc. Một nhà nào đó không thấy có chiếc cối xay lúa, chắc chắn gia đình ấy đi ăn vay ăn mượn từng ngày, vay trước trả sau hoặc khá lắm thì cũng chỉ đủ thóc nửa vụ nên có thể xay nhờ.

Cối xay lúa còn là vật chứng ghi dấu về một thời đau thương.

Với những chị vợ xa chồng quá lâu ngày do chiến tranh, do kiếm sống… thì cái cối xay lúa thực sự là vật cứu tinh. Nửa đêm da thịt cựa quậy, dây thần kinh nổ râm ran nơi thắt lưng, hơi thở nóng như phả ra lửa, vật mình vật mẩy chán chê, “đánh cho lằn cái xuân tình” mà thịt da không chịu yên thì chỉ còn một cách là trở dậy xúc thóc ra xay một mình. Xay cho bõ tức cái thanh xuân hơ hớ không chịu cam phận! Bao nhiêu sức lực dư thừa dồn vào cả cái giằng, khiến chiếc cối gào lên thảm thiết. Thây kệ! Không xay thì chết. Hết lúa thì xay trấu. Xay hết đợt này sang đợt khác, kì cho trấu nát vụn, mồ hôi tháo ra đầm đìa, người mệt lử, mới mong hạ hỏa cơn giận của kiếp phải làm đàn bà. Không có thóc thì xay chay, xay nát dăm cũng bất cần. Thân gái hơ hớ còn chả ra gì nữa là cái cối làm bằng tre và đất?

Tranh của họa sỹ Ngô Xuân Khôi.

Tranh của họa sỹ Ngô Xuân Khôi.

Nhưng, không giống như việc mua sắm những vật dụng quan trọng, để có được chiếc cối xay lúa, là cả một kế hoạch về tiền bạc và tâm thế.

Chưa có một món tiền dư dật chưa vội nghĩ đến “bà ù” khó tính khó chiều ấy. Nhà đang có chuyện cãi cọ, đang có việc khiến tâm tính rối bời, thì đừng dở hơi nghĩ đến chuyện đóng mới (hoặc đóng lại) một cái cối xay lúa. Trời mưa sũng nước, mưa thối đất thối cát hoặc nóng chết cò cũng không vội giở dói mà hỏng việc.

Thông thường vào cữ trước hoặc sau thu hoạch vụ mùa, thời tiết hanh khô, mát mẻ, tâm trí thảnh thơi, công việc đồng áng không còn cấp tập, tiền bán nông sản cũng có tí tỉnh, là thời điểm các ông thợ đóng cối bộn việc. Mỗi vùng chỉ có vài ông nên các ông phó thường kiêu lắm. Mời không khéo cứ việc ngồi mà chờ, nhất là với loại thợ có tay nghề cao nhiều khi vài vùng mới có nổi một người.

Tuy là một nghề sử dụng vật liệu đơn giản, nhưng đóng cối là cả một nghệ thuật tinh vi. Để có một cái cối tốt, phải kỹ càng từ khâu chọn vật liệu. Không phải tre nào cũng cứ hạ đại đi rồi làm nan để đan áo cối, không phải loại đất thịt nào cũng có thể dùng tạo thớt cối. Rồi là gỗ dùng để chẻ dăm cối, kỹ thuật phơi sấy, gia công… là cả một quá trình chuẩn bị kĩ lưỡng, với nhiều bí truyền về nghề.

Đất sét để tạo độ nặng cho cối và giữ chặt dăm cối trên hai bề mặt thớt trên và thớt dưới. Đất sét còn tạo khoang chứa thóc có khả năng tự chảy xuống thớt cối khi xay.

Dăm cối là vật sẽ làm bật vỏ trấu của thóc, đồng thời, do cách tạo rãnh khi đóng (đây thực sự là bí quyết nghề nghiệp, quyết định đẳng cấp của một ông thợ đóng cối), có chức năng đẩy gạo và trấu ra ngoài theo vòng xoay.

Một chiếc cối hoàn chỉnh, ngoài thớt trên, thớt dưới làm thành thân cối, còn phải có một cái giằng, một cái chân và cuối cùng là cái áo bằng lá cót, để khi xay thóc không bị tóe ra xung quanh.

Chỉ là đất sét và dăm gỗ, thêm vào vài phụ kiện mà có thể xay thóc thành gạo, lại vẫn sạch tinh tươm, không thể là chuyện đùa. Cối tốt là cối khi xay tiếng kêu nghe êm, trơn tru, gạo và trấu ra vừa phải, đều xung quanh, ít giập gãy, tỉ lệ hạt bị sống (thóc còn nguyên vỏ) ở mức thấp, thậm chí là không đáng kể. Nhưng quan trọng nhất là mặt cối lì, không ra theo cả đất, thớt trên và thớt dưới khít đều, dăm cối chắc, phẳng, mòn chậm, tức là tuổi thọ của cối cao. Nếu vụng đóng hoặc đóng vào hôm thời tiết không thuận, khi xay cối bị rít, thóc bị sống, hạt gạo gãy nhiều mà người nhà quê gọi là “đớn”. Thảm họa nhất là cả đất và dăm cối ào ra theo mỗi khi xay. Gặp phải trường hợp ấy, ông thợ cối chỉ còn cách đóng lại đền cho khách, coi như gặp hạn.

Nghề đóng cối cũng có thợ cả, thợ phụ, có thầy có trò, có ngay thẳng, gian dối. Phải có số có má mới lành nghề được. Lành nghề cơm gà cá gỡ, chủ nhà chiều như chiều vong. Non nghề, làm ăn gian dối thì nhiều phen đền ốm. Thường những ông thợ có tên tuổi, làm ăn đứng đắn luôn không hết việc. Cối của ông làm ra có thể xay ròng rã ba bốn năm vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Trong khi những ông thợ gian dối, mồm miệng đỡ chân tay thì thường ăn bớt công đoạn làm đất, nêm dăm ẩu, đóng dăm thưa, đóng dối, thậm chí dùng lại dăm cũ để chèn vào. Loại thợ này thường phải bán xới đi xa để kiếm ăn, vì chẳng ai dại mà thuê họ đến lần thứ hai.

Khi đã có một chiếc cối xay đặt ngay ngắn trong gian xép trên ngôi nhà chính hoặc dưới nhà ngang, coi như có thể ung dung trong một không gian tràn ngập vị phong lưu. Còn gì yên bình hơn cảnh chồng xay lúa, vợ ngồi sàng xẩy, bên cạnh đám trẻ bò lê la, hát u ơ… Những hạt rơi hạt vãi nhường cho lũ gà, mỗi lần nghe tiếng cối xay là lại thấp thỏm hy vọng…

Bức tranh quê hoàn hảo nhất định không thể thiếu cảnh xay giã.

Tạ Duy Anh

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

 

Xem thêm
Câu chuyện thứ mười hai: Câu chuyện cây cam hạnh phúc

'Cây cam của tôi', 'Cây xoài nhà tôi', 'Cây dừa vườn tôi', 'Gạo ruộng nhà mình', v.v là những câu chuyện sáng tạo mang nhiều ý nghĩa.

Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật: Ngành Nông nghiệp, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, sẽ tiếp tục phối hợp tốt trong triển khai quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM.

Ra mắt câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền'

Câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền' chính thức ra mắt, đánh dấu bước ngoặt phát triển nông nghiệp bền vững. 18 thành viên Ban chủ nhiệm là những doanh nông tiêu biểu.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá của Na Uy

Đánh bắt cá là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Na Uy. Ngành này đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi biến đổi khí hậu.