| Hotline: 0983.970.780

Đánh dậm

Thứ Ba 19/07/2022 , 08:13 (GMT+7)

Không có nghề nghiệp nào ăn mặc sếch-xi như nghề đánh dậm chuyên nhiệp. Quan trọng nhất là cái miếng vải làm quần. Nó phải đủ kín đáo ở cái vị trí nhạy cảm nhất.

Đánh dậm. Ảnh: Tư liệu.

Đánh dậm. Ảnh: Tư liệu.

Dậm có lẽ là công cụ nông nghiệp dùng vào việc kiếm ăn đơn sơ và cổ xưa nhất của người Việt. Mặc dù đã cố gắng tìm hiểu, chăm chú theo dõi qua các chương trình tivi, đài báo… nhưng ngoài Việt Nam, người viết bài này vẫn chưa thấy dậm xuất hiện thêm ở bất cứ đâu. Hoặc giả ở nơi nào đó nó mang cái tên khác, hình thức khác chăng? Ngay cái tên dậm cũng chưa có ai giải thích rõ ngọn ngành. Nó được gọi phỏng theo động tác lao động (giậm - dậm), hay mang một ý nghĩa địa danh, tên người nào, chẳng hạn một cụ tổ nghề có tên Dậm?

Bài liên quan

Chỉ biết rằng cái công cụ ấy bao gồm một cái dậm (hình như nửa quả bí ngô, đan bằng nan tre, có cạp, có cán để cầm), một mảnh tre có đục lỗ để buộc dây hai đầu, nhiều nơi gọi là cái “bùng bục” (có lẽ khi dùng chân dậm dồn cá, nó phát ra tiếng kêu bùng bục?).

Không phải người nhà quê nào cũng cần và phải biết đánh dậm. Nhưng bất cứ ai gắn cuộc đời vào với cái dậm, có thể hiểu đó là người nghèo khó suốt đời. Bởi vì không bao giờ có thể sung túc, mơ làm giàu nhờ đánh dậm. Người có bát ăn, bát để không mấy khi sờ tới cái dậm.

Dậm chỉ có tác dụng ở những mương lạch nhỏ, bãi nước nông, nơi đầu ghềnh cuối bãi, nhằm bắt những con cua con tép nhỏ. Chẳng ai điên mà mang dậm đến những nơi nước sâu có cá lớn. Đánh dậm đồng nghĩa với bòn vét, tận thu, tận diệt. Động tác của nó hoàn toàn mang tính cơ bắp đơn thuần. Thông thường một tay người đánh dậm cầm cán dậm, còn tay kia cầm dây bùng bục.

Dậm được cắm vuông góc, ngập quá nửa dưới nước, miệng hướng ngang chờ cá chui vào. Cái bùng bục được dìm sâu dưới bùn, nhờ cái dây mà người đánh dậm có thể giậm chân dồn cá liên tục. Cái bùng bục cứ lấn dần, lấn dần về phía miệng dậm, xua từ con vật lủi tít dưới bùn như lươn, chạch, rắn mòng, cà cuống, đến những kẻ tí hin lẫn vào cây cỏ. Đừng con vật nào hy vọng thoát, nếu gặp phải tay dậm có thâm niên. Khi nhấc dậm phải dứt khoát, sao cho miệng dậm ngửa nhanh lên trời để hớt gọn lũ thủy sinh. Động tác tưởng đơn giản nhưng kẻ mới vào nghề thường lóng ngóng, cá không vào dậm mà chạy tóe ra hai bên hoặc rúc xuống dưới. Thậm chí cá tôm vào dậm rồi nhưng khi nhấc lên chỉ thấy rều rác.

Có người theo nghề đánh dậm cả đời. Có nơi cả làng làm nghề đánh dậm. Lại có nơi, đánh dậm được coi là bài “sát hạch” độ đảm đang của phụ nữ. Ở những nơi đó, khi kén dâu, các bà mẹ chồng (cũng thường là mẹ thiên hạ) không vội xem nòi giống, tông tộc, dáng đi, thế ngồi, vẻ mặt, nết ăn nết ở, cách ăn nói của nàng dâu tương lai ra sao… mà hẵng xem cô ta có biết đánh dậm hay không, đánh dậm khéo ở mức nào, đánh dậm từ khi nào… trước khi đưa ra quyết định.

Rất dễ để phân biệt từng loại thợ dậm. Dân đánh dậm chuyên nghiệp không mấy khi đi lẻ. Họ đi theo đoàn. Họ có kế hoạch từ ở nhà sẽ “càn quét” ở đâu. Trong khi những người đánh dậm như một cách kiếm thêm thì thường ngẫu hứng cả về thời gian và địa điểm. Phân biệt giữa hai loại này còn có thể căn cứ vào thái độ của họ với sản phẩm thu được. Với dân đánh dậm lãng tử, chỉ những con tôm, con tép ngon lành họ mới bắt. Còn đã là dân dậm chuyên nghiệp thì không bỏ đi bất cứ thứ gì lọt vào dậm (như một thứ tín ngưỡng nghề nghiệp?). Bất cứ thứ gì với họ cũng là thành quả, cũng có thể bán được hoặc dùng vào việc đổi chác, làm thức ăn...

Nhưng có lẽ dễ nhận ra nhất là ở cách họ ăn mặc. Không có nghề nghiệp nào ăn mặc sếch-xi như nghề đánh dậm chuyên nhiệp. Có lẽ do xưa kia vải vóc hiếm, nếu cứ ăn mặc bình thường mà xuống mương đánh dậm, thì tiền mua vải bằng ba tiền kiếm được. Vì thế, tiết kiệm tối đa là phương châm mang tính sống còn, thậm chí là “đạo đức nghề nghiệp” của dân dậm. Vả lại, ăn mặc đơn giản đỡ vướng víu? Quan trọng nhất là cái miếng vải làm quần. Nó phải đủ kín đáo ở cái vị trí nhạy cảm nhất, không chỉ riêng về khía cạnh văn hóa, mà còn - và có lẽ là chủ yếu - ở khía cạnh an toàn. Bất cứ con đỉa nào cũng có thể, qua những “kim môn”, chui sâu vào cơ thể nếu không tuyệt đối cẩn thận. Vì thế quanh năm, mùa rét cũng như mùa nóng, đàn ông cũng như đàn bà, luôn chỉ là một chiếc quần ngắn cũn, rách te tua, hở đến tận háng để lộ thiên những mảng đùi non trắng như trứng bóc nhưng chả ai vì thế mà ngượng với mọi người. Áo còn tệ hơn. Phụ nữ là cái yếm sồi, chỉ đủ che kín ngực. Đàn ông thì tùy theo mùa mà cởi trần hoặc đánh may-ô.

Một đoàn quân thợ dậm, vì thế, trước hết là đoàn quân rách rưới.

Nhưng không chỉ có thế, họ còn là đoàn quân vô cùng ồn ào. Chẳng còn ai cùng đẳng cấp với họ, họ biết rõ như vậy thành ra chẳng việc gì họ phải thể hiện sự mặc cảm với thiên hạ. Miếng ăn kiếm bằng chính sức mình, chẳng việc gì mà không hãnh diện! Các người giầu có cứ việc quần là áo lượt. Nhưng liệu hồn nếu chẳng may sa cơ thì hãy coi chừng, còn khuya mới bằng được dân dậm nhé!

Đánh dậm thuộc vào hàng công việc khổ cực nhất, điều đó có vẻ như ai cũng biết. Nhưng tôi đoan chắc rằng còn rất nhiều người không biết cảm giác khoáng đạt tuyệt vời của thứ công việc này. Những kẻ đánh dậm vì thế cũng là những người tự do nhất trên đời. Chẳng thứ gì, từ truyền thống, các quy ước về ăn nói, trang phục, những phân biệt về thứ bậc, tuổi tác, chức tước… đến những quy định về trật tự mang tính phân biệt… có thể tác động được đến họ. Nó không có ý nghĩa gì với những kẻ đã ở dưới đáy cùng. Khi một đoàn quân đánh dậm dừng lại và giở đồ nghề ra, là bắt đầu của một trật tự mới, do chính họ thiết lập, chỉ có thể gọi là trật tự đánh dậm.

Nhưng này, bạn hãy ngắm một đoàn người đánh dậm, trong một không gian chỉ có mây trời, đất, nước, cây cỏ… bạn sẽ thấy, nếu so sánh giữa họ với những kẻ mũ áo sênh sang, ra luồn vào cúi, gọi dạ bảo vâng, nói và đi đứng đều như diễn trò ở những nơi lầu son gác tía…, chưa thể biết “mèo nào cắn mửu nào” về nhiều thứ, trong đó chắc chắn có thứ quý giá vào hạng nhất với một đời người.

Là tôi trong trường hợp phải lựa chọn, thì tôi nhất định đi đánh dậm!

Tạ Duy Anh

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

 

Xem thêm
Câu chuyện thứ mười ba: Câu chuyện cây đu đủ

Cây đu đủ, như bao loại cây khác trong thiên nhiên, có thể trở thành một nguồn tài nguyên vô tận cho những bạn trẻ khởi nghiệp khai thác.

Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia

THỪA THIÊN - HUẾ Nghề làm bún Vân Cù (thị xã Hương Trà) và lễ hội điện Huệ Nam (thành phố Huế) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 12/2024.

Ra mắt câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền'

Câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền' chính thức ra mắt, đánh dấu bước ngoặt phát triển nông nghiệp bền vững. 18 thành viên Ban chủ nhiệm là những doanh nông tiêu biểu.

Chính sách logistics xanh của Bỉ

Những biện pháp logistics xanh mà Bỉ áp dụng gồm giảm phát thải carbon, tăng cường sử dụng vận tải đa phương thức, phát triển đội xe điện...