Giọng Quảng Nam

. - Thứ Bảy, 06/08/2022 , 15:33 (GMT+7)

Nói đến giọng Quảng Nam, cả Đà Nẵng, là nhớ những câu đã trở thành đặc trưng khi trêu chọc nhau: Eng không eng tét đèng đi ngủ, đừng kèng nhèng chó kéng nheng reng.

Tác giả Hữu Thọ, quê Hà Đông, Hà Nội, giảng viên Đại học Sư phạm Qui Nhơn (1980-2000) và Đại học Công nghiệp TP.HCM (2000-2017), cựu chiến binh thời chống Mỹ, nay nghỉ hưu ở Thành phố Cần Thơ.

Nói đến giọng Quảng Nam, bao gồm cả Thành phố Đà Nẵng, hẳn ai cũng nhớ những câu đã trở thành đặc trưng khi trêu chọc nhau: Eng không eng tét đèng đi ngủ, đừng kèng nhèng chó kéng nheng reng (Ăn không ăn tắt đèn đi ngủ, đừng cằn nhằn chó cắn nhăn răng); Mì tơm anh Tốm Quảng Nôm, hồi mô đúa bụng dô lồm một tô (Mì tôm anh Tám Quảng Nam, hồi mô đói bụng vô làm một tô); Choa ơi choa, anh boa ảnh câu con cóa ảnh để trên hòn đóa con gòa héng eng (Cha ơi cha, anh ba ảnh câu con cá ảnh để trên hòn đá con gà hắn ăn), v.v.

Bà con xứ Quảng chớ la tôi “chửi cha không bằng pha tiếng” nhé, bởi chính người Quảng Nam cũng thường đem giọng nói quê mình ra giễu cợt. Tại sao ư? Chỉ những cộng đồng tự tin cao độ và có óc hài hước mới dám tự trào về mình. Thái độ người Quảng Nam có điều gì đó tương tự người xứ Gabrovo ở Bulgaria. Họ sáng tác vô số chuyện cười về tính keo kiệt của mình, thậm chí còn lập Bảo tàng nghệ thuật trào phúng Gabrovo để lưu giữ và quảng bá ra thế giới.

Tiếng Quảng Nam từng được coi là ngôn ngữ chuẩn, ngôn ngữ quốc gia. Thật vậy, vua Tự Đức đã khẳng định: “Bình văn, xướng văn tất phải dùng tiếng Quảng Nam, được xem là trung thanh”. Nghe đồn, đã có dự án trình UNESCO đề nghị công nhận giọng Quảng Nam là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới cơ mà.

Giọng Quảng Nam rất đặc trưng, không giống giọng Bắc Bộ - cái nôi của người Việt, khác hẳn giọng Thừa Thiên Huế - dù chỉ cách một con đèo Hải Vân, hao hao giọng Quảng Ngãi - có lẽ từ một nguồn mà ra, cũng chẳng giống giọng Bình Định, Phú Yên - hai xứ cùng cảnh ngộ. Nhà thơ trào phúng Tú Rua, người xứ Quảng, viết:

Rứa mới kêu là chất Quảng Nôm

Ăn hòn nói cục chẳng thôm lôm

Có chàng công tử quê Đà Nẽng

Cưới ả Thúy Kiều xứ Phú Côm

Cha vợ đến thăm chào trọ trẹ

Mẹ chồng không hiểu nói cồm rồm

Thêm ông hàng xóm người Hà Nội

Chả hiểu mô tê cũng tọa đồm.

Người Quảng Nam vào Sài Gòn làm ăn, học hành tất nhiên phải nói giọng Sài Gòn, không thì ai nghe? Nhưng khi về quê, nếu quen miệng thì chắc chắn bị người ta khó chịu, từ lườm nguýt, bĩu môi đến chửi xiên chửi xỏ. Một ví dụ: Chàng trai từ Sài Gòn về quê ăn Tết, sang thăm hàng xóm: - Bác dạo này sao bác? (Tiếng Quảng Nam phải là: Hồi ni bác răng, khỏe không?). Ông già nghe ngứa cái lỗ tai, bèn thủng thẳng hỏi: - Con mới dề đó hả? - Dạ con mới dìa. - Hư... ừm, rứa chớ hồi mô dô lại? - Dạ, ra Tớt con dô trỏng lại. Có gì không bác? - Ừ, hồi mô dô nhớ nói bác biết, bác gửi cái ni. - Dạ, cái gì bác? - Chẳng có chi, gửi con chó vô, hồi dề hắn sủa tiếng Sài Gòn nghe chơi!

Làng cổ Lộc Yên, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Ảnh: Lê Khánh.

Cái sự đáo để, thâm thúy của người xứ Quảng thật là đáng nể! Tại sao giọng Quảng Nam đặc biệt như vậy? Có nghiên cứu cho rằng bởi đó là giọng của người Chăm nói tiếng Việt. Cho đến thế kỉ 11, vùng đất này vẫn thuộc vương quốc Chăm Pa, vì lãnh thổ Đại Việt khi đó chỉ đến “Đèo Ngang bóng xế tà” thôi. Năm 1306 vua Trần gả công chúa Huyền Trân, vua Chế Mân sướng quá, cắt luôn cho Đại Việt hai châu Ô, Rí làm lễ cưới. Một thế kỉ sau, năm 1402 Hồ Quý Ly mở mang bờ cõi đến sông Thu Bồn. Năm 1471 vua Lê Thánh Tông tiến quân đến đèo Cả, sau rút về lập biên giới tại đèo Cù Mông, ranh giới hai tỉnh Bình Định, Phú Yên ngày nay. Thế là trong suốt mấy trăm năm, trai tráng Việt vào đây lập nghiệp, lấy vợ người Chăm. Các cô gái Chăm lấy chồng Việt tất nhiên phải học tiếng Việt, nhưng nói bằng giọng Chăm lơ lớ, vừa biến âm méo tiếng như ă thành e (ắt/ét), am thành ôm, ôm thành ơm, ao thành ô, vừa pha lẫn những từ Chăm, ví như mô (đâu), tê (kia), ni (này), răng (sao), rứa (thế), ri (vậy), chừ (hiện tại), rị (kéo), truất (tệ quá), thộn (túi áo quần), cà rịch cà tang (đủng đà đủng đỉnh), v.v. Thứ giọng và vốn từ ấy truyền cho con cái, những thế hệ người Việt gốc Chăm, tạo nên giọng Quảng Nam ngày nay.

Xin kết thúc bằng bài thơ da diết giọng quê của thi sỹ Tường Linh, người xứ Quảng:

Rủ nhau vô núi hái chơm chơm

Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm

Sáng sáng lơn tơn đi nhử cuốc

Chiều chiều xớ rớ đứng câu tơm

Mùa đông tơi lá che mưa bấc

Tiết hạ hiên tranh lộng gió nờm

Nghe chuyện xóm xưa thời khói lửa

Sảng hồn, sấm nổ tưởng đâu bơm!

Hữu Thọ

Bài viết cho chuyên mục "Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt" xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

.
Tin khác
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa
Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa

Lê Ký Thương, họa sĩ kiêm thi sĩ nổi tiếng, sau một thời gian đau ốm đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9h50’ ngày 14/2 tại TP.HCM, hưởng thọ 80 tuổi.

Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu
Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu

Phan Thị Vàng Anh sau nhiều năm vắng bóng trên văn đàn, đã tái ngộ công chúng bằng tập truyện ngắn có cái tên lắt léo ‘Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác)’.

Nhà thơ Phạm Trung Tín góp bao trải nghiệm thành câu vô thường
Nhà thơ Phạm Trung Tín góp bao trải nghiệm thành câu vô thường

Nhà thơ Phạm Trung Tín đánh dấu hành trình bước vào tuổi thất thập cổ lai hy bằng cuốn sách 'Con chữ tấm lòng' ghi lại những kỷ niệm đường văn và bạn văn.

Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ
Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ

Ký ức biệt động Sài Gòn từng được đưa lên màn ảnh, bây giờ lại tái hiện trong truyện dài ‘Nụ hôn dưới vòm cây’ của tác giả Nguyễn Khắc Cường.

Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ
Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ

Châu Thành được đặt tên cho vùng đất nằm cạnh tỉnh lỵ, áp dụng hầu hết miền Tây Nam bộ, như một thói quen ngày xưa, như một kỷ niệm hôm nay.

Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người
Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người

‘Hồ Chí Minh - Người tin ở con người’ là tuyển thơ của tác giả Hải Như, được ấn hành nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay
Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay

Thơ Hồ Xuân Hương có sức ảnh hưởng to lớn đến mức ngoài phần thơ 'chính hiệu', còn trên trăm bài phổ biến trong dân gian cũng được 'tương truyền' là do bà sáng tác.

‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai
‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai

‘Đóa hoa sương núi’ của tác giả Tâm An được ra mắt sáng mồng ba Tết Ất Tỵ tại lễ hội Đường sách TP.HCM, chia sẻ cuộc sống những đứa trẻ dân tộc Raglai.

'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu
'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu

‘Tắt lửa lòng’ của nhà văn Nguyễn Công Hoan sau 90 năm xuất hiện trên sân khấu cải lương lại được đưa lên sân khấu kịch nói vào dịp Tết Ất Tỵ.

Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết
Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết

Khắp các khoảnh đất, dưới các bụi tre, bên đình đều có xới đáo của bọn trẻ con. Quần áo mới, túi rủng rẻng, mồ hôi, mồ kê bết tóc, hăng say và cay cú.

Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan
Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan

Nhớ năm 1988, Hữu Loan trở lại Hà Nội sau bao năm biền biệt. Đưa cụ Hữu Loan cùng đám bạn bám theo về khu tập thể, chợt tôi lóe ra một quyết định.