Nông sản xuất khẩu 2024

Hơn 1,5 triệu USD nâng cao chất lượng 4 mặt hàng trái cây chủ lực

Bảo Thắng - Thứ Ba, 16/04/2024 , 14:34 (GMT+7)

Xoài, bưởi, sầu riêng và chanh leo tại 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang sẽ hưởng lợi từ Pha 2 Dự án GQSP, từ nay đến năm 2026.

Bà Bachmann Sibylle, Trưởng Ban hợp tác, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam nhận hoa từ Viện trưởng VIAEP Phạm Anh Tuấn. Ảnh: Bảo Thắng.

Rau quả là mặt hàng mũi nhọn, đóng góp khoảng 20% vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Năm 2023, rau quả lập kỷ lục xuất khẩu 5,6 tỷ USD và dự kiến giữ đà tăng lên mức 6 tỷ USD trong năm 2024.

Xoài, bưởi, sầu riêng và chanh leo là 4 trong số các loại trái cây chủ lực. Riêng giá trị xuất khẩu sầu riêng năm 2023 đạt 2,2 tỷ USD, xoài hơn 370 triệu USD. Còn lại, bưởi có nhiều dư địa xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU. Chanh leo hiện phát triển nóng, nhằm chớp thời cơ ngay khi có Nghị định thư với Trung Quốc.

Từ năm 2020, Chương trình Tiêu chuẩn và Chất lượng (GQSP) do Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện và Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ thông qua Tổng cục Kinh tế Liên bang (SECO) đã tập trung nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm này.

Sau pha 1 của Dự án GQSP, triển khai trên xoài và bưởi tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều kết quả được ghi nhận. Trong đó, có quy trình thao tác chuẩn (SOP) thử nghiệm công nghệ sau thu hoạch mới để quản lý chất lượng quả trong toàn chuỗi, từ khâu trồng, xử lý nấm bệnh, thu hoạch, quản lý nhiệt độ, vận chuyển…

Nhờ những SOP này, thời gian bảo quản trái cây tăng khoảng 35%. Tại một số chuỗi, thời gian bảo quản bưởi tăng từ 40 lên 120 ngày, giúp người dân, doanh nghiệp có thể xuất khẩu bằng đường biển tới các thị trường xa.

Đồng thời, các mô hình cũng hướng tới tính bền vững, giúp giảm tổn thất sau thu hoạch đến 15%, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, gia tăng giá trị cho nông sản.

Ông Nguyễn Mạnh Hiểu trình bày về chuỗi giá trị của 4 loại trái cây thuộc Dự án GQSP. Ảnh: Bảo Thắng.

Tiếp nối thành công pha 1, pha 2 của Dự án GQSP triển khai từ tháng 10/2023 đến 2026, trên địa bàn 5 tỉnh gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, có ngân sách 1,47 triệu euro (tương đương 1,56 triệu USD) sẽ tập trung đa dạng hóa, cải thiện chất lượng và năng lực tuân thủ các tiêu chuẩn trái cây, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Bà Bachmann Sibylle, Trưởng Ban hợp tác, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam nhấn mạnh, pha 2 sẽ tiếp cận theo hướng tổng thể, nâng cao giá trị cho toàn chuỗi cung ứng. Đặc biệt, các bên liên quan sẽ quan tâm nhiều hơn tới các thành tố phát triển bền vững như tận dụng phế phụ phẩm, nâng cao quyền phụ nữ, ứng phó với biến đổi khí hậu...

"Xoài, chanh leo, bưởi và sầu riêng tăng trưởng nhanh trong 10 năm qua. Những loại trái cây nhiệt đới này là thành phần quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam trong tương lai. Chúng ta cần có những phân tích để người dân được hưởng lợi tối đa", bà nói.

Đi sâu vào từng sản phẩm, ông Johnson Peter, đại diện nhóm chuyên gia khảo sát cho biết, sản phẩm xoài tươi hiện tăng trưởng ổn định tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Australia. Trong đó, cơ hội tại Hàn Quốc và Australia là rất lớn, dựa trên nhu cầu của cộng đồng Việt kiều.

Với bưởi, Trung Quốc là thị trường duy nhất tăng nhu cầu nhập khẩu, còn lại tương đối trì trệ. Việt Nam có lợi thế với mùa sản xuất kéo dài, gối vụ nhưng hiện vấp phải sự cạnh tranh lớn với xu hướng sản xuất tăng trên toàn cầu, nhất là Thái Lan.

Chanh leo là một sản phẩm tương đối mới. Để chiếm lĩnh thị trường trọng yếu Trung Quốc, Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan, quốc gia đã thành danh và xây dựng được thương hiệu ở xứ "tỷ dân". Cùng với đó, vấn đề kiểm dịch cũng là một rào cản cho việc xuất khẩu sản phẩm tươi.

Sầu riêng là sản phẩm hiếm hoi Việt Nam tăng trưởng nóng và tương đối thành công ở hiện tại. Trong bối cảnh, nhu cầu từ Trung Quốc được dự báo tăng trưởng khoảng 16%/năm, Việt Nam có lợi thế rõ ràng về cung ứng và logistics.

Bên cạnh trái tươi, ông Peter lưu ý Việt Nam quan tâm hơn đến sản phẩm chế biến. Lấy ví dụ về xoài, giá trị thị trường chế biến toàn cầu hiện là 19,8 tỷ USD, với nhiều dòng sản phẩm như đông lạnh, xay nhuyễn, đóng hộp, cô đặc, nhưng Việt Nam lại đang bỏ ngỏ.

Người dân tại ĐBSCL được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc xoài theo quy trình để chinh phục những thị trường khó tính. Ảnh: TL.

Theo Đề án “Phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025 và 2030” của Bộ NN-PTNT, diện tích cây ăn quả của Việt Nam đạt 1,2 triệu ha, sản lượng 14 triệu tấn vào năm 2025. Trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực 960.000ha, sản lượng 11 - 12 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu giữ ổn định khoảng 5 tỷ USD.

Đến năm 2030, diện tích cây ăn quả cả nước dự kiến tăng lên 1,3 triệu ha, sản lượng trên 16 triệu tấn; trong đó diện tích cây ăn quả chủ lực là 1 triệu ha, sản lượng 13 - 14 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt 6,5 tỷ USD.

Ông Nguyễn Mạnh Hiểu, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (VIAEP) thừa nhận, dù nằm trong 14 loại quả chủ lực được xác định đến năm 2030, xoài, bưởi, chanh leo và sầu riêng đều gặp chung những vấn đề liên quan tới giống, quy trình canh tác.

Chẳng hạn, với sầu riêng, người dân và cơ quan quản lý còn lúng túng trong việc kiểm soát chất lượng giống bán trên thị trường, thiếu giống sầu riêng chất lượng cao, có khả năng kháng sâu bệnh. Ngoài ra, nhà vườn còn thiếu quy trình canh tác chuẩn cho sầu riêng theo từng giống và vùng sinh thái, thiếu biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp hiệu quả.

Tỷ lệ sử dụng tự phát thuốc BVTV, phân bón còn tương đối cao (khoảng 35%). Tỷ lệ diện tích vùng trồng được cấp mã số còn thấp (khoảng 7%). Khi thu hoạch, người nông dân chủ yếu sử dụng kinh nghiệm (gõ sầu riêng), thay vì có bộ tiêu chuẩn về xác định độ chín.

Thông qua việc triển khai Dự án GQSP sắp tới, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng người nông dân, HTX toàn tỉnh được nâng cao năng lực và hình thành thói quen giám sát dư lượng thuốc BVTV, giám sát sinh vật gây hại định kỳ.

Ông cũng bày tỏ mong muốn, các cơ sở nghiên cứu, tổ chức quốc tế sớm nghiên cứu ra một tiêu chuẩn để giám định chất lượng trái cây. Vị Phó Giám đốc Sở lấy dẫn chứng Thái Lan, hiện quốc gia này chỉ sử dụng tỷ lệ khô đối với sầu riêng làm căn cứ chất lượng.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng VIAEP cho biết, tăng cường chế biến, chế biến sâu và giảm tổn thất sau thu hoạch là con đường bền vững để thúc đẩy xuất khẩu rau quả, cũng như giảm chi phí logistics.

Bảo Thắng
Tin khác
Dừa tươi Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng 4 con số
Dừa tươi Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng 4 con số

Dừa tươi Việt Nam đang được các thương nhân Hoa Kỳ đẩy mạnh nhập khẩu trong năm nay, qua đó đưa Việt Nam vào tốp 3 những nguồn cung lớn nhất cho thị trường này.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD

Xuất khẩu rau quả Việt Nam đến hết tháng 10 đã có lần đầu tiên vược mốc 6 tỷ USD, đồng thời cũng vượt mốc 4 tỷ USD ở thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc - Hongkong trở thành thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam
Trung Quốc - Hongkong trở thành thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh trong 10 tháng đầu năm, qua đó đưa Trung Quốc – Hongkong trở thành thị trường lớn nhất.

Thu hút người trẻ bằng sản xuất cà phê bền vững
Thu hút người trẻ bằng sản xuất cà phê bền vững

Sản xuất cà phê bền vững không chỉ giúp nông dân yên tâm gắn bó với cây cà phê mà còn thu hút được người trẻ tham gia vào sản xuất cà phê.

Nâng tầm sản xuất nông nghiệp Đất Cảng: [Bài 2] Tăng giá trị tôm, cá qua du lịch
Nâng tầm sản xuất nông nghiệp Đất Cảng: [Bài 2] Tăng giá trị tôm, cá qua du lịch

Hải Phòng Các mô hình kết hợp nuôi trồng thủy sản được người dân phát triển gắn với các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm, qua đó đã giúp gia tăng giá trị tôm, cá.

Nâng tầm sản xuất nông nghiệp Đất Cảng: [Bài 1] Cải thiện giá trị nhờ kết hợp với du lịch
Nâng tầm sản xuất nông nghiệp Đất Cảng: [Bài 1] Cải thiện giá trị nhờ kết hợp với du lịch

Sự kết hợp giữa phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, chất lượng gắn với phát triển du lịch đã giúp nông dân Hải Phòng tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Cam Vạn Yên ‘chắp cánh’ cho du lịch sinh thái
Cam Vạn Yên ‘chắp cánh’ cho du lịch sinh thái

Quảng Ninh Từ những vườn cam bản địa, nông dân xã Vạn Yên (huyện Vân Đồn) đã và đang hình thành nên những khu du lịch sinh thái, tạo điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn.

Tôm, cá ngừ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang UAE
Tôm, cá ngừ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang UAE

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) vừa mới được ký kết đang mở thêm nhiều cơ hội cho tôm, cá ngừ… Việt Nam tại thị trường UAE.

Xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam quay trở lại mốc 1 tỷ USD
Xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam quay trở lại mốc 1 tỷ USD

Xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam đã quay trở lại mốc 1 tỷ USD sau 7 năm nhờ giá xuất khẩu tăng cao. Giá tiêu dự báo tiếp tục cao trong vụ tới.

Đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam ngày càng tăng thị phần ở Hoa Kỳ
Đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam ngày càng tăng thị phần ở Hoa Kỳ

Khi nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ tăng trưởng trở lại, đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam đang tiếp tục tăng kim ngạch, thị phần tại thị trường này.

Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Những bước chuẩn bị rất sớm của 'ông lớn' chăn nuôi tại Việt Nam
Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Những bước chuẩn bị rất sớm của 'ông lớn' chăn nuôi tại Việt Nam

Là một doanh nghiệp đã xuất khẩu thịt gà tới nhiều thị trường, C.P. Việt Nam đang chuẩn bị các công việc cần thiết để xuất khẩu vào thị trường Halal.

Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Cơ hội & thách thức cho hàng 'Made in' Thanh Hóa
Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Cơ hội & thách thức cho hàng 'Made in' Thanh Hóa

Thị trường Halal mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam, nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ…