Nông sản xuất khẩu 2024

Rau quả nhiều cơ hội lập kỷ lục xuất khẩu 6 tỷ USD

Bảo Thắng - Thứ Hai, 08/04/2024 , 11:15 (GMT+7)

Tăng trưởng mạnh trong quý I/2024, sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sắp được mở cửa thị trường... là những tín hiệu giúp ngành hàng rau quả vững tin vào tốc độ tăng trưởng.

Sầu riêng có thể vượt xa mốc 2 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2024.

Nhiều dư địa cho sầu riêng

Bài liên quan

Trong quý I/2024, cùng với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều khởi sắc, theo Tổng cục Thống kê.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 34,01 tỷ USD, tăng tới 37,8% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 14,3%). 

Tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng xuất khẩu tăng 17%, góp phần giúp cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Việt Nam đã có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2024, chiếm 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu tăng trưởng đều ở cả 3 nhóm nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản; công nghiệp chế biến chế tạo và nhiên liệu khoáng sản.

Với nhóm nông, lâm, thủy sản, xuất khẩu ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 10,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong nhóm này, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: Cà phê tăng 54,2%; gạo tăng 40%; chè tăng 27,2%; rau quả tăng 25,8%; sắn và sản phẩm của sắn tăng 21,1%; hạt điều tăng 20,5%; gỗ và sản phầm gỗ tăng 18,9%.

Như vậy, lần đầu tiên ngay trong quý I, xuất khẩu rau quả đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD (1,23 tỷ USD). Điều đáng chú ý, dư địa để rau quả Việt Nam cán mốc kỷ lục 6 tỷ USD còn rất nhiều.

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam qua từng tháng. Ảnh: GDVC.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, đóng góp lớn vào kim ngạch rau quả vẫn là sầu riêng. Mặt hàng này tăng trưởng gấp đôi so với mức bình quân của rau quả trong quý I/2024 (lên tới 66%) so với cùng kỳ năm 2023.

Đặc biệt, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc, khi đã đưa tỷ trọng thị phần tại thị trường này từ mức 32% của năm 2023 tăng lên mức 57%. Giá trị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc hiện chiếm tới 98% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc xác nhận điều này. Quốc gia tỷ dân đã nhập khẩu 53.110 tấn sầu riêng tươi trong 2 tháng đầu năm 2024, với trị giá 283,6 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu của Việt Nam 32.750 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo chu kỳ hàng năm, xuất khẩu sầu riêng đạt đỉnh vào tháng 5 - 6 và tháng 9 - 10. Năm 2023, 2 giai đoạn này giúp ngành hàng sầu riêng thu về tới 1,4 tỷ USD, hơn gấp đôi so với 8 tháng còn lại. Nếu tăng trưởng như giai đoạn đầu năm 2023, sầu riêng sẽ vượt xa mốc 2 tỷ USD năm 2023, theo ông Đặng Phúc Nguyên.

Chờ đợi những mặt hàng mới

Trong tháng 3/2024, Cục Bảo vệ thực vật gửi đề nghị tới các địa phương và cơ quan chuyên môn rà soát, tổng hợp vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi và sầu riêng đông lạnh xuất sang Trung Quốc. Mục đích nhằm đẩy nhanh quá trình mở cửa thị trường cho 2 mặt hàng tiềm năng sang Trung Quốc và chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện phục vụ đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi Nghị định thư được ký kết.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả nhận định, nếu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi Việt Nam được mở cửa sang Trung Quốc sớm thì xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục bứt phá mạnh. Như Trung Quốc công bố, năm 2023, thị trường này đã nhập khẩu 1,1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh và chủ yếu từ Thái Lan, Malaysia.

Ông Đặng Phúc Nguyên tin rằng, sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sẽ giúp ngành hàng rau quả dễ dàng cán mốc 6 tỷ USD.

Dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc dự báo khoảng 20 tỷ USD và cả thế giới là gần 30 tỷ USD. Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng giai đoạn 2020 - 2025 khoảng 7%/năm.

Trên cơ sở đó, ông Nguyên tính toán, nếu mở cửa thị trường thành công, chỉ cần mỗi loại trong 2 mặt hàng sầu riêng đông lạnh, dừa tươi đem về khoảng 300 triệu USD, vượt 6 tỷ USD hoàn toàn nằm trong tầm tay của xuất khẩu rau quả.

Một yếu tố nữa được ông chỉ ra, Tây Nguyên - khu vực cung ứng sản lượng sầu riêng lớn - lại nghịch vụ với Thái Lan. Nếu tiếp tục duy trì được lợi thế về giá trên thị trường như hiện nay, sầu riêng có thể giúp ngành hàng rau quả về đích sớm trong quý IV/2024.

Về khả năng mở cửa thị trường cho dừa tươi, ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam thừa nhận, doanh nghiệp đã sẵn sàng và đang rất háo hức chờ đón nghị định thư. Theo ông Khoa, mức 300 triệu USD mà ông Nguyên dự báo là "tương đối khiêm tốn", bởi dừa từ nhiều năm trở lại đây đã được xác định là ngành hàng "tỷ đô".

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam thông tin, doanh nghiệp đang phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng để hoàn thiện hồ sơ doanh nghiệp chuẩn bị đón “sóng” xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi ngay khi thị trường chính thức mở cửa.

"Xác định xuất khẩu sang thị trường nào thì phải nắm chắc thị trường đó. Chúng tôi luôn cố gắng chuẩn bị thật kỹ lưỡng và đảm bảo chất lượng sản phẩm mỗi khi tiến vào thị trường mới", ông Tiến bày tỏ.

Vừa qua, 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị phát hiện nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức quy định. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt chia sẻ: "30 trong tổng số 35.000 - 40.000 lô hàng sầu riêng xuất sang Trung Quốc chưa ảnh hưởng nhiều tới kim ngạch. Dù vậy, đây cũng là cảnh báo để Việt Nam chú trọng trong thời gian tới”.

Theo ông Đạt, sầu riêng có thể bị nhiễm kim loại nặng trong quá trình canh tác như đất bị nhiễm hoặc từ nguồn nước, không khí từ khí thải của nhà máy hoặc trong quá trình thu hoạch, người dân dùng nước sơ chế sầu riêng.

Về phía ngành hàng, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Đặng Phúc Nguyên nhận định, người dân, doanh nghiệp còn chủ quan, vẫn chỉ nghĩ là Trung Quốc chỉ kiểm tra về các loại dịch hại bên ngoài sản phẩm. "Qua đây cũng cảnh tỉnh người dân, doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến đối tượng dịch hại mà phải quan tâm cả các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm", ông nói.

Để giải quyết vấn đề, ông Nguyên khuyến cáo người dân tuân thủ canh tác theo quy trình VietGAP để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bởi khi sản xuất theo VietGAP, việc sử dụng thuốc BVTV sẽ được đảm bảo về cách ly. Khi thu hái, sản phẩm sẽ an toàn.

Bảo Thắng
Tin khác
Tri thức hóa nông dân là quá trình liên tục
Tri thức hóa nông dân là quá trình liên tục

Ngày nay, sản xuất không chỉ dựa vào kinh nghiệm, từ những mô hình thành công ở địa phương cho thấy tri thức hóa nông dân đang là nhiệm vụ hàng đầu.

Tri thức hóa nông dân cần sự kiên trì và đầu tư đúng mức
Tri thức hóa nông dân cần sự kiên trì và đầu tư đúng mức

ĐBSCL Việc tham gia của nông dân vào các tổ chức kinh tế tập thể còn thấp và công tác đào tạo chưa đồng đều khiến hành trình tri thức hóa nông dân gặp khó khăn.

Đồng Tháp có hơn 42.000 nông dân chuyên nghiệp
Đồng Tháp có hơn 42.000 nông dân chuyên nghiệp

Từ ý tưởng thi đua ‘Người nông dân chuyên nghiệp’, nông dân Đồng Tháp từng bước thay đổi tư duy sản xuất, khẳng định vai trò trong xây dựng nền kinh tế nông nghiệp.

Hơn 250 doanh nghiệp tham gia Ngày Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản
Hơn 250 doanh nghiệp tham gia Ngày Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản

Chuỗi sự kiện Ngày Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản 2024 với slogan 'Chung tầm nhìn, chia sẻ thành công' đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Giới thiệu nông lâm sản chủ lực tỉnh Hòa Bình
Giới thiệu nông lâm sản chủ lực tỉnh Hòa Bình

Tiềm năng sản xuất, chế biến các mặt hàng nông, lâm thủy sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình phục vụ thị trường trong nước và đáp ứng xuất khẩu.

Du lịch đã trở thành nguồn thu nhập chính của Thuận Tân Hội Quán
Du lịch đã trở thành nguồn thu nhập chính của Thuận Tân Hội Quán

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Thuận Tân Hội Quán còn thành lập điểm du lịch nông nghiệp, tổ chức các hoạt động cho du khách tham quan, trải nghiệm cuộc sống vùng sông nước.

Hội quán, từ giao lưu chia sẻ đến phát triển hợp tác xã bài bản
Hội quán, từ giao lưu chia sẻ đến phát triển hợp tác xã bài bản

151 hội quán với hàng ngàn thành viên, nông dân Đồng Tháp không chỉ hỗ trợ sản xuất mà còn thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tập thể.

Biến không gian nông thôn thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn
Biến không gian nông thôn thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn

Không chỉ nâng cao giá trị nông sản, các hội quán còn đồng lòng, không ngừng đổi mới, biến không gian nông thôn thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn.

Dừa tươi Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng 4 con số
Dừa tươi Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng 4 con số

Dừa tươi Việt Nam đang được các thương nhân Hoa Kỳ đẩy mạnh nhập khẩu trong năm nay, qua đó đưa Việt Nam vào tốp 3 những nguồn cung lớn nhất cho thị trường này.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD

Xuất khẩu rau quả Việt Nam đến hết tháng 10 đã có lần đầu tiên vược mốc 6 tỷ USD, đồng thời cũng vượt mốc 4 tỷ USD ở thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc - Hongkong trở thành thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam
Trung Quốc - Hongkong trở thành thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh trong 10 tháng đầu năm, qua đó đưa Trung Quốc – Hongkong trở thành thị trường lớn nhất.

Thu hút người trẻ bằng sản xuất cà phê bền vững
Thu hút người trẻ bằng sản xuất cà phê bền vững

Sản xuất cà phê bền vững không chỉ giúp nông dân yên tâm gắn bó với cây cà phê mà còn thu hút được người trẻ tham gia vào sản xuất cà phê.