Khởi nghiệp văn chương trên đường dài khao khát sáng tạo

BÍCH NGÂN - Thứ Bảy, 25/03/2023 , 10:56 (GMT+7)

‘Khởi nghiệp văn chương’ là cuộc thi sáng tác dành cho học sinh, sinh viên đã khép lại mùa tranh tài đầu tiên, với lễ tổng kết tổ chức sáng 25/3 tại TP.HCM.

Cuốn sách thu hoạch từ cuộc thi "Khởi nghiệp văn chương".

“Khởi nghiệp văn chương” được chọn làm chủ đề cho Giải thưởng văn học trẻ 2022 do Đại học Quốc gia TP.HCM đăng cai. “Khởi nghiệp văn chương đã khép lại trong sự hài lòng nhất định của ban tổ chức lẫn ban giám khảo.

Từ những tác phẩm dự thi của học sinh – sinh viên trên cả nước, “Khởi nghiệp văn chương” đã thu được kết quả tương đối khả quan ở cả ba thể loại, tản văn, truyện ngắn và thơ. Giải nhất ở mỗi thể loại của “Khởi nghiệp văn chương” được tặng thưởng 30 triệu đồng.

So với những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, thì các bạn trẻ bây giờ hơi thiệt thòi về cơ hội xuất hiện trên báo chí. Trước đây, có rất nhiều ấn phẩm để công bố sáng tác mới của học sinh- sinh viên như Văn Nghệ Trẻ, Áo Trắng, Mực Tím, Sinh Viên, Hoa Học Trò, Tuổi Xanh, Hoa Niên, Nữ Sinh, Bạn Ngọc... Thế nhưng, trước áp lực của thị trường thu hẹp dần, những ấn phẩm ấn đã biến mất hoặc không còn ưu tiên đăng tải thơ văn lứa tuổi đẹp nhất đời người.

Các bạn trẻ hiện nay tranh thủ công nghệ thông tin để giới thiệu tác phẩm và kết nối công chúng. Đó là một giải pháp tích cực. Tuy nhiên, một cuộc thi sáng tác dành riêng cho học sinh – sinh viên vẫn là nhu cầu chính đáng, và họ được đáp ứng nguyện vọng bằng Giải thưởng văn học trẻ 2022.

Văn chương vốn là một hành trình không có đích đến cuối cùng, nhưng lại có thời điểm bắt đầu với rất nhiều hy vọng. “Khởi nghiệp văn chương” xem như một vạch xuất phát, để chúng ta cùng chào đón những tiếng nói mới, những gương mặt mới.

Thanh xuân giống như báu vật trong cuộc đời mỗi người. Thanh xuân mơ mộng, thanh xuân bồng bột, thanh xuân vấp váp, thanh xuân hồ hởi, thanh xuân hoang mang... đều trở thành chất liệu rạo rực và mơn mởn trên từng trang viết. Đọc tác phẩm của họ, vẫn còn đôi chỗ vụng về không thể tránh khỏi, nhưng thực sự quyến rũ bởi sự chân thành và sự trong trẻo. Những ý tưởng không rập khuôn, những suy tư không ngần ngại, những câu chữ không diêm dúa... cho thấy một thế hệ người Việt đầy khát khao và đầy hoài bão, trước kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.

Nhà văn Bích Ngân, trưởng ban giám khảo "Khởi nghiệp văn chương".

“Khởi nghiệp văn chương” đã mở một cánh cửa, và họ ùa đến với văn chương bằng sự sôi nổi trẻ trung khiến không khí náo nức lan tỏa sang nhiều người khác. Không chỉ từ hai đô thị lớn Hà Nội và TP.HCM, mà từ nhiều địa phương khác như An Giang, Hưng Yên, Quảng Trị cũng tụ hội với những bút danh thân thương và những gửi gắm ân cần. Không chỉ sinh viên khoa Văn mà sinh viên ngành ngoại thương, sinh viên ngành y dược, sinh viên ngành cảnh sát... cũng góp mặt với nhiều sáng tác mang đậm dấu ấn cá nhân.

Ở thể loại tản văn, cây bút trẻ Trần Thị Thùy Dung có “Uống trà với lòng mình” nhiều thao thức tuổi trẻ. Đâu phải người già tìm đến chén trà để trầm tư, mà người trẻ cũng có cách uống trà khá thú vị. “Một con người khi đứng trước gian khó của cuộc đời cũng như khi lá trà bắt gặp nước nóng vậy. Nếu can đảm đối mặt thì lá trà ấy sẽ tạo nên thứ nước trà đậm vị, ngát hương. Nhưng nếu lá trà ấy không dám xông pha cùng nước nóng thì lá trà vẫn sẽ chỉ là lá trà, không hơn không kém”. Cây bút trẻ Trần Thị Thùy Dung không lạm bàn trà đạo, mà mượn chuyện uống trà để bày tỏ khí chất dám sống của người trẻ trước cuộc đời “kẻ không dám nếm thử vị đắng chát, sao có thể thưởng thức được dư vị ngọt thanh, tinh tế đằng sau đó”.

Ở thể loại truyện ngắn, cây bút trẻ Cầm Văn Lương (Aiden) có “Chuyến bay tháng Mười Hai” ngổn ngang thương nhớ, thương người bạn gái bên cạnh và nhớ người cha đã khuất. Cái bối cảnh ngỡ chừng ngột ngạt trong tác phẩm, đã không giam cầm đôi chân tuổi trẻ mà lại chắp cánh cho những dằn vặt trưởng thành. Bóng dáng người cha và con ngựa Bạch Lộ trên cánh đồng tối thẫm nơi cố hương thơ ấu, cứ hiện lên trong tâm trí chàng trai như những thước phim âm bản về chuỗi ngày cơ cực âu lo. Thế nhưng, ký ức buồn bã càng khiến chàng trai thêm trân trọng người bạn gái thích trải nghiệm để có được câu chuyện chính mình, dẫu chông gai và thử thách vẫn chưa thể tiên liệu phía trước. “Chuyến bay tháng Mười Hai” là chuyến bay được chọn lựa của niềm tin tuổi trẻ.

Ở thể loại thơ, cây bút trẻ Trần Văn Thiên có một chùm thơ viết từ những nỗi ám ảnh. Không cần uốn lượn từ ngữ cũng không cần cầu kỳ hình ảnh, ba bài thơ “Soi mình lên nước mắt”, “Giữa lòng đêm” và “Bay trên đồi dương liễu” thuyết phục độc giả bằng nhịp điệu run rẩy của trái tim đa cảm. “Kẻ nhà quê trong xiêm áo thị thành” đã hồi tưởng “Mẹ gội giấc mơ bằng hương cau nở muộn” mà nghe bao hoài nhiệm dắt mình đi qua tháng năm bịn rịn.

Tác giả trẻ Trần Văn Thiên chắt chiu khoảnh khắc “Nơi đôi mắt làng chỉ một ô cửa còn thức/ Đóa hoa nở nghẹn từng cánh phù dung” để tự mình thảng thốt “Ngày mai vun vút đoàn tàu xé gió/ Buổi sáng rỗng những khuôn mặt người/ Giữa vời xa tìm đâu khuôn mặt mẹ” và để cùng mọi người bâng khuâng “Bóng chiều trôi từ vạn kiếp trước/ Những vạt rừng trong sương vọng bài thơ nhân nghĩa”.

Tác giả trẻ Trần Văn Thiên, giải nhất "Khởi nghiệp văn chương" ở thể loại Thơ.

Giải thưởng văn học trẻ 2022 như món quà văn chương đầu đời của những cây bút trẻ. Nâng niu món quà văn chương đầu đời, để hiểu rằng “Khởi nghiệp văn chương” là một dấu ấn khó phai trên con đường sáng tạo rất dài và rất xa. Không thể đoán định bao nhiêu cây bút trẻ hôm nay sẽ còn theo đuổi nghiệp viết trong tương lai, nhưng các bạn đã rời vạch xuất phát, hãy mạnh dạn tiếp tục bước đi với văn chương.

Hãy mạnh dạn tiếp tục bước đi với văn chương, để tìm giá trị bản thân, để thấy tri âm hạnh ngộ, để gặp duyên nợ nhân gian.

BÍCH NGÂN
Tin khác
Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp
Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp

Biểu tượng thờ cúng của người Việt rất đa dạng và ẩn chứa nhiều ý nghĩa tâm linh, được học giả Pháp Gustave Dumoutier biên soạn thành cuốn sách công phu.

Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa
Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa

Lê Ký Thương, họa sĩ kiêm thi sĩ nổi tiếng, sau một thời gian đau ốm đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9h50’ ngày 14/2 tại TP.HCM, hưởng thọ 80 tuổi.

Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu
Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu

Phan Thị Vàng Anh sau nhiều năm vắng bóng trên văn đàn, đã tái ngộ công chúng bằng tập truyện ngắn có cái tên lắt léo ‘Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác)’.

Nhà thơ Phạm Trung Tín góp bao trải nghiệm thành câu vô thường
Nhà thơ Phạm Trung Tín góp bao trải nghiệm thành câu vô thường

Nhà thơ Phạm Trung Tín đánh dấu hành trình bước vào tuổi thất thập cổ lai hy bằng cuốn sách 'Con chữ tấm lòng' ghi lại những kỷ niệm đường văn và bạn văn.

Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ
Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ

Ký ức biệt động Sài Gòn từng được đưa lên màn ảnh, bây giờ lại tái hiện trong truyện dài ‘Nụ hôn dưới vòm cây’ của tác giả Nguyễn Khắc Cường.

Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ
Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ

Châu Thành được đặt tên cho vùng đất nằm cạnh tỉnh lỵ, áp dụng hầu hết miền Tây Nam bộ, như một thói quen ngày xưa, như một kỷ niệm hôm nay.

Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người
Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người

‘Hồ Chí Minh - Người tin ở con người’ là tuyển thơ của tác giả Hải Như, được ấn hành nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay
Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay

Thơ Hồ Xuân Hương có sức ảnh hưởng to lớn đến mức ngoài phần thơ 'chính hiệu', còn trên trăm bài phổ biến trong dân gian cũng được 'tương truyền' là do bà sáng tác.

‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai
‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai

‘Đóa hoa sương núi’ của tác giả Tâm An được ra mắt sáng mồng ba Tết Ất Tỵ tại lễ hội Đường sách TP.HCM, chia sẻ cuộc sống những đứa trẻ dân tộc Raglai.

'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu
'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu

‘Tắt lửa lòng’ của nhà văn Nguyễn Công Hoan sau 90 năm xuất hiện trên sân khấu cải lương lại được đưa lên sân khấu kịch nói vào dịp Tết Ất Tỵ.

Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết
Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết

Khắp các khoảnh đất, dưới các bụi tre, bên đình đều có xới đáo của bọn trẻ con. Quần áo mới, túi rủng rẻng, mồ hôi, mồ kê bết tóc, hăng say và cay cú.