Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Từ Ô Môn đến Bình Thủy

Từ Ô Môn đến Bình Thủy

Năm 1977, chúng tôi về Ô Môn xây dựng Viện Lúa, khi ấy khuôn viên 360ha là cánh đồng hoang còn rất nhiều lung đìa. Mùa tát cá sau Tết là hấp dẫn nhất...

 
Bài liên quan

Cá nhiều lắm! Tôi học cách làm “hầm cá lóc nhảy” theo dân gian. Tất cả chúng tôi ở trên bờ đất kéo dài một cây số như chiếc tàu hỏa, giữa biển nước, đúng hơn là biển cỏ lác mênh mông. Xứ này rắn hổ đất nhiều. Thân nó đen mốc như màu đất. Cực độc! Năm anh em đi gặt lúa về quá mệt, ngủ đè chết con rắn hổ đất, dưới sạp tre. Câu chuyện đã trở thành huyền thoại của lịch sử hình thành Viện Lúa.

Hai chữ “Ô Môn” có nghĩa là cánh cửa đi vào vùng đầm trũng, ngập nước. “Ô” là đầm lầy, như Ô Loan ở Phú Yên. Đúng vậy, đây là cánh cửa đi vào vùng lúa nước sâu, lúa nổi chạy dài đến Cái Sắn, Giồng Riềng, vô tứ giác Long Xuyên. Viện Lúa đắp bờ bao ngạn 9 km làm đường, san lấp mặt bằng ruộng, đào kênh thủy nông gần 3 năm. Kênh Giáo Ngánh trở thành trục kênh tiêu chính. Đầu kênh có trạm liên lạc ở cặp mé quốc lộ 91. Công ty Xây dựng số 6 tiến hành xây dựng viện, khu gia cư. Họ đào bốn hồ lớn để lấy đất bùn; thổi lên 25 ha, nâng mặt bằng cao hơn 1 m, để làm nền xây dựng.

GS Bùi Chí Bửu giới thiệu giống lúa mới đang được trồng thử nghiệm tại Viện lúa ĐBSCL.

GS Bùi Chí Bửu giới thiệu giống lúa mới đang được trồng thử nghiệm tại Viện lúa ĐBSCL.

Đến năm 1984, viện tạm thời có được khuôn viên với nhà làm việc khang trang. Khuôn viên quy hoạch theo ý tưởng tư vấn của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Tòa nhà làm việc có dạng chữ “Nông”, theo Hán Nôm. Người dân địa phương gọi tên thân thương: “Viện đồng bằng”. Năm 2002, ruộng thí nghiệm và đường bao khu nông trại được tiến hành. Tất cả hoàn thành vào năm 2005. Cực nhất là chống sạt lở bờ đường kênh Năm Kỵ và kênh Thới Lai.

Khi tôi về Sài Gòn năm 2006, các đồng nghiệp tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ còn lại. Viện Lúa đã đóng góp một phần đưa sản lượng lúa gạo ở đồng bằng từ 6 triệu tấn (1997) lên gần 24-25 triệu tấn hiện nay, nhờ bộ giống lúa cao sản chín sớm (90-100 ngày) mang tên Ô Môn, cộng với sự chuyển giao tích cực những tiến bộ kỹ thuật. Đặc biệt hệ thống thủy nông không ngừng được đầu tư rất mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long.

Địa danh Ô Môn chỉ là tên một làng thuộc tổng Thới Bảo. Sau đó, thực dân Pháp thành lập quận Ô Môn thuộc tỉnh Cần Thơ (1918). Thời Việt Nam Cộng Hòa, Ô Môn trở thành quận Phong Phú thuộc tỉnh Phong Dinh. Sau 1975, Ô Môn là một huyện thuộc tỉnh Hậu Giang. Bây giờ Ô Môn là quận thuộc thành phố Cần Thơ, diện tích nhỏ hơn trước nhiều lắm.

Xa quê lâu rồi, tôi còn nhớ một di tích lịch sử văn hóa rất ấn tượng. “Chùa Khmer” cổ kính, mang tên Pôthi Somrôn, tọa lạc ở chân cầu Ô Môn. Tôi cũng từng thăm viếng Đình Thới An để gặp nông dân giỏi, trong hoạt động khuyến nông. Đình đã được vua Tự Đức sắc phong Thành Hoàng vào năm 1852, là di tích lịch sử cấp thành phố, khá cổ kính. Khi triển khai thí nghiệm giống đậu nành ở Thới Long, tôi có dịp ghé qua địa danh Linh Sơn Cổ Miếu, xây dựng năm 1890. Đây cũng là di tích lịch sử cấp thành phố, rất xưa.

Nhớ các đồng nghiệp ở Viện Lúa, bà con nông dân đã từng cộng tác với nhau hơn 30 năm, trong thời điểm khó khăn thời bao cấp. Nhớ những trận thi đấu bóng chuyền, bóng đá đầy cuốn hút. Nhớ những đêm hội diễn văn nghệ quần chúng với hợp xướng “Du Kích Sông Thao”, hay điệu múa “Dòng Máu Lạc Hồng” hùng tráng. Nhớ buổi chiều, theo nông dân đi “giở chà” trên rạch Chà Dơ, thu hoạch tôm càng xanh. Cá, tôm nhảy soi sói. Lạnh tím da do ngâm mình lâu dưới nước, nhưng rất vui. Tuổi thơ của các con tôi đã trải nghiệm từ Ô Môn. Vợ chồng tôi cũng trưởng thành từ Viện Lúa ĐBSCL. Đó là “trường học lớn” của chúng tôi. Tất cả đều là ký ức rất đẹp, đáng trân trọng.

Bài hát “Chiều về trên sông Ô Môn” của Triều Dâng như đưa tôi về thăm lại Vàm Nhon, chợ Bà Đầm, Rạch Nhum, chợ Thới Lai thuở ấy. Tiếng ghe máy, tiếng người gọi nhau, rặc giọng địa phương. Nhớ lắm!

Nắng chiều tỏa xuống sông Ô Môn quê em.

Làng xóm vui đầm ấm,

Lòng em bao thầm nhớ.

Hỡi dòng sông mang mối tình dùm ta tới người thương.

Triều Dâng tên thật là Lương Văn Côn (1933-2020) sinh tại Ô Môn. Ông là nhạc sĩ tập kết ra Bắc. Quê hương Ô Môn còn có nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, tượng đài lớn trong âm nhạc Việt Nam. Lưu Hữu Phước (1921-1989) là giáo sư, viện sĩ, nhà lý luận âm nhạc; nguyên Bộ trưởng Văn hóa Thông tin của chính phủ Cách mạng Lâm Thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Hồi còn nhỏ, tôi mê các bài hát của ông như “Hội nghị Diên Hồng”, “Bạch Đằng Giang”. Cả nước “Lên Đàng” bừng bừng khí thế. Tượng đài ông đặt trang trọng trong công viên Lưu Hữu Phước ở giữa trung tâm thành phố Cần Thơ. Tôi nhớ người chị đáng kính, chị Hai Đãi đã hát tặng bài “Reo vang bình minh” (Lưu Hữu Phước) trong ngày cưới của chúng tôi tại Ô Môn. Chị đã đi xa.

Reo vang reo, ca vang ca,

Cất tiếng hát vang đồng xanh, vang rừng.

La bao la, tươi xinh tươi,

Ánh sáng tưng bừng hoa lá.

Cây rung cây, hoa đua hoa,

Khắp nơi bình minh rắc reo hương nồng.

Gió đón gió, sáng chiếu sáng,

Bình minh sáng ngập hồn ta.

Nhạc sĩ Đắc Nhẫn (Phạm Đắc Nhẫn) sinh năm 1923, tại Ô Môn và mất năm 1989. Ông là nhà nghiên cứu và viết cho nghệ thuật cải lương rất nổi tiếng. Cần Thơ trong giấc mơ trên đất Bắc của ông: Đồng mênh mông lúa xanh chân trời /Mùa sầu riêng làng xóm quyện hương (Cần Thơ mến yêu).

Nhạc sĩ Trần Kiết Tường (1924-1999).

Nhạc sĩ Trần Kiết Tường (1924-1999).

Nhạc sĩ Trần Kiết Tường (1924-1999) sinh trưởng tại Thới Thạnh, Ô Môn. Ông nghiên cứu điệu thức dân ca Nam Bộ có chiều sâu, để sáng tác nhiều bài ca đi cùng năm tháng. Bài “Anh Ba Hưng” (theo điệu Lý con chim manh manh) trong kháng chiến chống Pháp là một ví dụ. Điệu hò Đồng Tháp được vận dụng quá hay trong bài hát “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”. Nhạc phẩm “Áo Bà Ba” đã chuyển tải nổi nhớ quê nao lòng của người miền Nam đi tập kết ở đất Bắc. Họ thường tụ tập cùng nhau bên bờ hồ Gươm vào ngày nghỉ, để tìm lại sông nước miền Nam qua áo bà ba.

Tôi nhớ ai bên dòng nước xanh,

Người áo trắng đi bên hàng dừa…

Nhìn chéo áo trước gió phất phơ,

Giống in hình dáng người yêu…

Người đi xa mắt tôi không rời,

Còn trông theo phất phơ chéo áo.

Nhìn áo trắng tôi nhớ thương ai,

Nhớ thương người ở miền Nam. (Áo bà ba)

Bài hát xúc động lắm. Năm 1982, trong lúc lang thang ở bờ hồ Hoàn Kiếm, tôi bất chợt nghe lại bài hát “Áo bà ba” tại quán Kem Bờ Hồ. Nhớ nhà quá!

 
Ngôi nhà cổ tọa lạc tại số 144 đường Bình Thủy, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

Ngôi nhà cổ tọa lạc tại số 144 đường Bình Thủy, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

Bình Thủy có ngôi nhà cổ rất nên đến thăm, để thỏa mãn sự hiếu kỳ. Đây là một trong 70 ngôi nhà cổ Cần Thơ còn được bảo quản tốt. Gia đình Dương Chấn Kỷ đã xây dựng nhà này vào năm 1870. Kiến trúc giao thoa giữa Đông Tây. Căn nhà năm gian. Hàng rào bao quanh và cổng bằng sắt, theo kiểu dinh thự Pháp. Các họa tiết trang trí cá vàng, kỳ lân, hoa, lá trên bờ nóc và đầu hồi, rất tinh tế. Gian thờ lớn được đặt trang trọng giữa nhà, bằng gỗ cẩn xà cừ. Nhà cổ còn lưu giữ nhiều đồ cổ quý hiếm, được sưu tầm và trưng bày tại đây. Đó là bộ bàn ghế đá cẩm thạch từ Vân Nam (Trung Hoa), bộ sa-lông Pháp từ thời Louis, tách chén từ thời Minh – Thanh và cặp đèn treo từ thế kỷ 19. Nhiều bộ phim nổi tiếng được quay tại ngôi nhà cổ này: Người đẹp Tây Đô, Những nẻo đường phù sa, Nợ đời, Người tình (L’amant).

Đất Long Tuyền là quê hương của nhà văn hóa danh tiếng lục tỉnh “Thủ Khoa Nghĩa”.

 
 

Ông sinh tại Long Tuyền, Bình Thủy. Cha là Bùi Hữu Vị làm nghề chài lưới. Nhà nghèo, gia đình đưa ông lên Biên Hòa ở nhà Hộ trưởng Nguyễn Văn Lý để đi học với thầy giáo Hoành (Đỗ Hoành). Về sau, ông được cụ Lý nhận làm rể. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Tồn, đã ra Huế, minh oan cho chồng trong vụ án Láng Thé (Trà Vang). Sau khi đánh trống kêu oan thành công, Thái hậu Từ Dũ ban tặng cho bà bốn chữ vàng “Tiết phụ khả giaKhi bà mất có câu văn tế của Thủ Khoa Nghĩa như sau:

Nơi kính quốc mấy hồi trống gióng, biện bạch này oan nọ ức,

đứng hiền lương mắt thấy thảy đau lòng;Chốn tỉnh đường một tiếng hét vang, hẳn hoi lẽ  phải lời nghiêm,

lũ bằng đảng tai nghe đà mất vía.

Bùi Hữu Nghĩa thi đậu thủ khoa kỳ thi Hương năm 1835 tại Gia Định. Người miền Nam thường gọi ông là Thủ Khoa Nghĩa. Con đường quan trường của ông khá lận đận. Tập sự Bộ Lễ; Tri huyện Phước Chính, Biên Hòa; Tri huyện Trà Vang (Trà Vinh hiện nay); tại đây ông dính vào vụ án Láng Thé. Điền chủ người Hoa lo lót quan trên, chèn ép nông dân nghèo người Khmer, trong khai thác nguồn lợi thủy sản ở Láng Thé. Ông bênh vực dân nghèo, dẫn đến bị quan lại địa phương tố cáo “ông đã kích động dân Khmer làm loạn, giết chết 8 người Hoa”. Tổng đốc Uyển đề nghị khép ông vào tội chết. Trong lúc bị giam giữ tại Gia Định, vợ ông dũng cảm ra Huế kêu oan. Vua Tự Đức tha tội chết, đày ông về đồn Vĩnh Thông thuộc tổng Châu Phú, đoái công chuộc tội. Bùi Hữu Nghĩa gắn bó với Châu Đốc từ đó. Năm 1862, Bùi Hữu Nghĩa từ quan về dạy học, chữa bệnh cho dân và làm thơ, soạn tuồng. “Kim Thạch Kỳ Duyên” của Bùi Hữu Nghĩa và Huỳnh Mẫn Đạt là vở tuồng được đánh giá có chuyển biến đáng kể trong tuồng cổ Việt trong cuối thế kỷ 19. Nhà ông là nơi các sĩ phu yêu nước gặp gỡ, bàn bạc việc chống Pháp cứu nước. Ông bí mật tham gia phong trào Văn Thân; kết án đường lối thỏa hiệp với thực dân Pháp của Tôn Thọ Tường. Thơ của ông phản ánh lòng yêu nước, sự khao khát trở lại “thanh bình”, thực hiện hai chữ “chính danh” theo lý tưởng Nho giáo. Bài thơ “Ngọa bệnh ngâm thi” của ông biểu hiện nổi niềm ấy:

Ngàn vàng khôn dễ sánh mình này,Sanh có ngày, âu thác có ngày.Non nước hãy còn đang bẩy bả,Đất trời sao nỡ khiến lay vay.Kho phong nguyệt vẫn chan chan đó,Vườn cúc tòng còn thới thới đây.Bệnh cũ vừa an, đành lại dậy,Mặc dầu ngâm ngợi, mặc dầu say.

 

Khu tưởng niệm và mộ nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa nằm trên đường Huỳnh Mẫn Đạt; thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

Đĩa muối dưa tạm đặt lưng vơi,

Tình sông biển dễ từ lạt mặn” (trích văn tế của ông cho con gái).

Nhà văn hóa lớn Cần Thơ đã yên nghỉ trên quê hương mình, làm gương sáng cho hậu thế. (còn nữa)

GS Bùi Chí Bửu

Tin khác

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 12/04/2024
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/04/2024
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 08/04/2024
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 31/03/2024
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 25/03/2024
Hà Giang hút khách

Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 25/03/2024
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 24/03/2024
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/03/2024
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/03/2024
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 13/03/2024